Pages

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Thưa Bộ trưởng Thăng: Dân cần cầu phao chứ không phải trạm cân


ThangTrong khi Bộ trưởng Đinh La Thăng chém gió ngoài Hà Nội về việc phải biết xấu hổ, về trách nhiệm với dân thì ở Quảng Nam, một nông dân lặng lẽ bỏ tiền xây cầu phải vượt sông Vu Gia

“Cần nghiêm túc xử lý những cá nhân làm đường không đạt yêu cầu, phải đưa ra khỏi ngành”, Bộ trưởng Đinh La Thăng hôm qua lại chém gió trong Hội nghị tổng kết năm 2012 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Ông cũng đề nghị không được mang “công nhân đội nón lá ra vá đường”, không được “vá víu thủ công”, không được “chỉ thầu”, rồi thì “chấn chỉnh những BQL yếu kém”. Rồi thì “Xóa đơn vị tư vấn ma”. Chỉ đạo, cũng chẳng khác mấy thực trạng đang như một căn bệnh của ngành GTVT Việt Nam. Và, “vì dân” nhất là câu này: “Thu một đồng từ chủ phương tiện thì chúng ta phải có trách nhiệm, phải sử dụng hiệu quả, chất lượng đường là danh dự của ngành giao thông. Chúng ta phải xấu hổ khi thấy đường xấu”.
Không ngẫu nhiên, Bộ trưởng nói chuyện “đường xấu” với Tổng cục Đường bộ. Không ngẫu nhiên, Tổng cục vừa trình Bộ trưởng đề án đầu tư 6.300 tỷ để xây 45 trạm cân xe. Và có lẽ, cũng chẳng có gì ngẫu nhiên nếu như ngay ngày mai, Bộ trưởng Thăng chính thức phê chuẩn đề án, với lý do: Để dân khỏi phải đi đường xấu.
Thực ra, cân hay không cân chẳng giải quyết được nhiều tình trạng phá đường. Bởi chuyện có quá khổ, quá tải hay không phải phụ thuộc vào “cái cân” trong con mắt những viên cảnh sát. CSGT nhìn thoáng là biết ngay đâu là xe quá tải. Những con vịt bầu bao giờ chẳng mang một dáng vẻ lặc lè, xệ mông và đít xì khói!
Nhưng, chính trong ngày Bộ trưởng “kiên quyết” với nạn đường xấu, thì bên sông Vu Gia, ở Đại Lộc, Quảng Nam, sau 3 tháng đổ hồ hôi, một lão nông tên Lê Tất Dũng đã tự mình khánh thành cây cầu phao dân sinh làm bằng thùng phuy và gỗ lạt.
Không chém gió chém bão gì hết, lão nông chân chất nói ông không đành lòng khi hàng ngày “chứng kiến cảnh bà con ở quê đi làm phải qua một cây cầu tre tạm bợ nguy hiểm, nhất là mỗi lần nước lớn, cầu trôi và bà con phải làm đi làm lại nhiều lần”.
Lão nông họ Lê vừa là chủ đầu tư khi ông bỏ số tiền 300 triệu ky cóp cả đời để làm cầu. Cũng chẳng có “tư vấn ma”, khi thiết kế cũng là ông. Và đương nhiên, cùng với những người dân lam lũ, ông Dũng đồng thời cũng là nhà thầu. “3 trong 1”, nhưng trắng phớ là cây cầu phao không một đồng thất thoát.
Thế nào cũng có người đặt ra 2 câu hỏi. Nông dân Lê Tất Dũng giàu cỡ nào? Và sau khi mở cầu tư, ông có ý định thu phí qua lại của người dân?
Câu đầu tiên có thể trả lời bằng một tôn không thể tạm bợ hơn được gọi là nhà vì toàn bộ số tiền ông Dũng đã dùng làm cầu. Còn chuyện thu phí “Tôi chỉ nghĩ làm cầu cho bà con đi cho an toàn thôi!”- người đàn ông này nói trên Dân trí.
Trong buổi lễ khánh thành đơn sơ, người nông dân chất phác này nói ông sung sướng, ông xúc động. Cũng phải thôi, và thật giản dị là vì từ giờ, hàng ngàn người dân và hàng trăm học sinh hai xã Đại An, Đại Lộc qua lại mỗi ngày sẽ không còn phải mạo hiểm tính mạng vượt sông bằng cầu khỉ hay trên những con đò ngang đầy bắt trắc.
Điểm khác giữa những con đường quốc lộ ngàn tỷ hoành tráng “chưa khai sinh đã khai tử”, với cây cầu “thùng phuy, gỗ lá”, chỉ đơn giản là đồng tiền. Dẫu đều là “tiền ông cụ”, nhưng một bên là tiền túi cá nhân, một bên là tiền két của….nhân dân.

Không có nhận xét nào: