Pages

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Trí thức Việt Nam trước vận mệnh non sông


David Thiên Ngọc (Chinhluan) -  “Tôi có lỗi với dân tộc. Chính cái hăng hái, nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng lên chế độ độc tài hiện nay. Đã vô tình đem lại sự đau khổ hiện nay. Và nếu xét về những căn bản để đảm bảo tự do cho nhân dân và độc lập cho dân tộc thì tôi cũng đã vô tình góp công sức đưa những người mang danh là “cách mạng” nhưng thực chất là vì quyền lực tới phá bỏ một chế độ đã được xây dựng trên những căn bản về tự do, dân chủ và nhân bản tại miền Nam Việt Nam.” Ông Huỳnh Nhật Tân.

*
Trước khi viết bài này tôi đắn đo suy nghĩ mất mấy ngày liền. Trăn trở, suy tư về ý tưởng trong nội dung bài viết đã diễn ra từ lâu song chưa hạ bút được bởi trong tôi còn quá nhiều ray rức. Là một con dân nước Việt ngoài sự hiểu biết qua sách vở, giảng đường cùng các tài liệu lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước ta qua hàng ngàn năm trước thì tôi cũng tận mục sở thị từng trang đời, từng dấu vết và những vòng quay của bánh xe lịch sử VN từng giờ lăn qua trước mắt hơn 40 năm qua.
Đất nước ta hiện nay thật sự đang chao đảo, xã hội ngả nghiêng đã đến hồi sụp đổ về mọi mặt. Dân tình khổ đau, chới với trên bờ vực sống còn thì bổn phận của những người con dân có trái tim nồng nàn, yêu tổ quốc non sông thì không thể nào an giấc. Đứng đầu hàng ngũ này phải kể là lớp sĩ phu chí sĩ, trí thức.
Lịch sử VN đầu thế kỷ 15 nhà Trần suy yếu, giặc Minh phương bắc xâm chiếm cõi bờ, đặt ách đô hộ. Đứng trước tình thế dân tộc rơi vào vòng xiềng xích, nô lệ. Trần Nguyên Hãn ngày đêm đau đáu cho vận nước tình dân, cùng Nguyễn Trãi đêm thao thức đọc binh thư, ngày băng rừng, vượt núi tìm minh  Chúa đem tài sức hiến dâng cùng nhau dấy binh khởi nghĩa ở Lam Sơn. Cuối cùng các chí sĩ, trí thức yêu nước đã đưa con thuyền quốc gia vượt phong ba cập bến bờ hạnh phúc, xã hội an bình, thịnh lạc qua mấy trăm năm.
Ngày nay cùng với trào lưu tiến bộ trên thế giới. Việt Nam với dòng giống Lạc Hồng, qua chứng minh lịch sử là một dân tộc hiền hòa nhưng bất khuất, cần cù và thông minh, ham học đã sản sinh ra bao lớp anh thư, tuấn kiệt và những lớp nhân sĩ trí thức yêu nước thương nòi đã dám quên mình cho sự thịnh suy của tổ quốc, dấn thân đấu tranh cho xã hội đẹp tươi.
Nơi đây tôi chỉ xin đề cập đến một số nhân vật chính trị, trí thức VN trong các thập niên 60-70 của thế kỷ 20 mà giới trí thức (tạm gọi) này một số xuất thân từ hàng ngũ Sinh viên học sinh (SVHS) Sài Gòn ngày trước mà quá trình hoạt động và tiếng vang vẫn còn, tuy mỗi thời gian có một gam màu khác nhau.
Hai thập niên 60 và 70 thế kỷ trước đất nước VN đắm chìm trong biển lửa, huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt. Kể từ khi Hồ Chí Minh cùng đảng CSVN đã cúi đầu vâng theo mệnh lệnh của CS Nga-Tàu xé bỏ hiệp định Genève và đem quân tiến chiếm miền Nam Việt Nam để làm bàn đạp nhuộm đỏ bán đảo Đông Dương. Chính Lê Duẫn đã xác nhận “Ta đánh (MNVN) đây là đánh cho Nga-Tàu”. Cuộc binh lửa can qua đó đã gây ra cho hàng triệu sinh linh nam nữ thanh niên VN phải bỏ mình một cách đau thương và vô nghĩa, làm mồi để chúng đốt dãy Trường Sơn một cách phi lý.
Để góp phần cho cuộc binh đao đó một số trong giới trí thức miền Nam, nhất là giới SVHS tập trung ở Sài Gòn đã đóng một vai trò không nhỏ. Vào thời giai đoạn 1965-1975, đa phần thanh niên VN tương đối khá mơ hồ về mặt chính trị. Chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tư bản là những học thuyết không mấy phổ biến rộng rãi và sâu xa mà mỗi cá nhân phải tự tìm tòi học hỏi. Phần lớn sinh ra và lớn lên bắt đầu có một chút ý thức về xã hội, về nhân sinh quan thì lăn lộn và ngập chìm trong lửa đạn. Nắm được yếu tố này cộng sản đã khai thác triệt để và hình thành mạng lưới tuyên truyền dưới lá cờ cứu nguy tổ quốc. Từ đó phong trào Thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) đấu tranh phản chiến, chống Mỹ ra đời. Ở đây tôi chỉ nói phong trào TNSVHS miền nam (SG), ngoài ra còn có phong trào TNSVHS Huế, Đà Nẵng cũng được CS dựng lên.
Phong trào TNSVHS Sài Gòn được lãnh đạo bởi thành đoàn Đoàn Thanh niên cộng sản HCM và bùng lên sôi nổi trong giai đoạn từ năm 1965-1972, trong đó có 2 mặt là bí mật và công khai (hợp pháp). Thành phần bí mật hoàn toàn là đảng viên CS trực tiếp từ thành đoàn, đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đảm trách lãnh đạo lực lượng công khai. Trong lực lượng công khai có một số đoàn viên, đảng viên CS chưa bị lộ thân thế làm nòng cốt và xách động, hô hào kêu gọi, lôi kéo hàng ngũ SVHS đấu tranh bãi khóa chống “Mỹ ngụy” đòi hòa bình cho VN. Trong lúc đất nước lâm vào cảnh chiến tranh tàn khốc, hàng ngày bom đạn máu xương chết chóc diễn ra hàng giờ thì những SVHS trong phong trào với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, hăng say và hiếu động nhưng ý thức về chính trị hời hợt non trẻ, lập trường tư tưởng chưa có, đã nghe theo những lời tuyên truyền ngọt mật từ miệng lưỡi của các đoàn, đảng viên CS và lấy đó làm khuôn vàng thước ngọc, lý tưởng để dấn thân.
Ngoài các cán bộ đảng viên của thành đoàn, đặc khu ủy như Dương Văn Đầy, Trần Thị ngọc Hảo (tư Tín), Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết), Phan Đình Dinh (chín Kế), còn có Phùng Hữu Trân, Lê Thành Yến, Nguyễn Xuân Thượng, Võ Thị Bạch Tuyết v.v… cùng các lãnh đạo của phong trào VSHS qua các khóa chủ tịch tổng hội SVHS SG và các ban đại diện của các phân khoa, cao đẳng và học sinh kỹ thuật Cao Thắng như:
Chủ tịch tổng hội VSHS SG: 
- Hồ Hữu Nhựt (khóa 1966-1967)
- Nguyễn Đăng Trừng (67-68)
- Nguyễn Văn Quỳ (68-69)
- Huỳnh Tấn Mẫm (69-70)
Chủ tịch ban đại diện các phân khoa khác như: 
Nguyễn Hoàng Trúc, Hạ Đình Nguyên (văn khoa)
Lê Hiếu Đằng (luật)
Đoàn Kỉnh, Phạm Hào Quang (khoa học)
Phạm Trọng Hàm (nha khoa)
Lê Văn Nuôi (hskt Cao Thắng)
….
Các vị này hiện nay kẻ còn người mất. Có những người là những vỏ chanh bị đảng vứt lề đường. Có những người còn bám đuôi theo đảng. Có những người đang phản biện trong luồng với đảng.
Phải công bằng mà nói trong bối cảnh xã hội và chính trường miền Nam lúc đó vô cùng nhiễu loạn với tình hình chiến tranh leo thang và chế độ tự do ai cũng có quyền biểu thị chính kiến, khuynh hướng chính trị của mình. Do đó đối với lực lượng TNSVHS kể cả các sinh viên lãnh đạo phong trào đấu tranh chống Mỹ đang ở lứa tuổi bừng bừng nhựa sống, cuồng nhiệt dễ bị kích động, lôi kéo và có một số lỡ bước, lầm đường là khó tránh khỏi. Trong phong trào này tôi chia ra làm ba dạng sau:
    1. Thành phần cốt lõi của đảng hầu hết là đảng viên trực thuộc thành đoàn, đặc khu ủy.
    1. Thành phần SV có lòng nhiệt huyết, trăn trở cho thời cuộc bị các đảng viên CS ở dạng thứ 1 tuyên truyền, mê hoặc, lôi kéo và lao vào vòng xoáy với lòng nhiệt tâm tràn đầy và theo thời gian lập thành tích rồi được kết nạp vào đoàn, đảng CSVN.
  1. Thành phần SVHS năng nổ, hiếu động tham gia phong trào nhưng chỉ nhứt thời tùy theo điều kiện và hoàn cảnh.
Ở đây đáng kể là thành phần thứ 2. Đại đa số lãnh đạo phong trào SVHS miền Nam còn hiện hữu là thuộc thành phần này. Các vị này thời đó vô cùng cuồng nhiệt, là lực lượng lôi kéo quần chúng và trực tiếp mê hoặc cho thành phần thứ 3. Đồng thời các vị ấy cũng là những mũi tên xé gió lao vào các cửa của đại học đường, trường trung học hô hào bãi khóa, xuống đường biểu tình chống Mỹ, “ngụy” “cứu nguy” cho đất nước. Tiếng nói của các vị này có tác dụng và thậm chí còn gây áp lực cho những sinh viên học sinh còn thờ ơ với thời cuộc. Trong các cuộc xuống đường, hô hào bãi khóa, bài Mỹ họ luôn luôn hô hào và vang lên những bài hát “…Nếu là người tôi xin chết cho quê hương!!”. Thật lý tưởng và những mỹ từ vô cùng cao cả, chính danh thử hỏi làm sao không đốt cháy tâm can, động lòng một số tuổi trẻ với sức sống tràn đầy nhưng nhận thức chính trị không có hoặc yếu kém? Thiếu nhận thức cộng với tự ái lẫn niềm tự hào dân tộc sẵn sàng bộc phát và phá tan những gì có thể.
Nói về hai chữ trí thức – không cần phải có đủ “tiêu chuẩn” bằng cấp, học vị, học hàm mới là người trí thức. Đã là người trí thức là biết xa, hiểu rộng có thể đoán biết trước những điều mà người khác chưa kịp thấu, là biết trăn trở trước sự sống còn của đất nước, dân tộc. Trí thức lấy phản biện xã hội làm tâm niệm và có tâm lẫn có tầm để hướng tư duy cùng việc làm được hoàn mỹ. Trí thức phải biết hy sinh trong quá trình dấn thân vì đại nghĩa, vì dân tộc giống nòi, đặc biệt là trong những hoàn cảnh đặc thù của đất nước người trí thức phải có dũng khí. Lúc này cái dũng khí nó sẽ tự đặt cho người trí thức ở vị trí của người quân tử, trên kẻ hạ nhân là sẵn sàng nhận ra khuyết điểm hoặc sai lầm của mình để trên hành trình sẽ có quyết định dứt khoát rẽ lối hoặc quay về! Như thế mới là anh hùng đúng nghĩa vì đã “tự thắng mình”.
Ở lĩnh vực này tôi thật đau buồn và xót xa cho những con dân VN ưu tú về trí tuệ – ở đây tôi xin tách khuynh hướng chính trị ra để có lời nói chân tình, thẳng thắn và có sự công bằng.
Nếu trong gần một thập niên từ năm 1965 đến những năm 72, 73, 74 của thế kỷ trước, những trái tim hồng rực lửa của những người con ưu tú đó không bị mê hoặc bởi những luân điệu tuyên truyền, giựt dây của cộng sản nằm vùng và suốt một thời gian dài không bị quay cuồng trong mê lộ học thuyết Mác-Lê lạc hậu và quái đản thì những hạt ngọc đó ắt hẳn cũng làm sáng lên một góc trời của quê hương, tổ quốc và cũng phần nào làm cản trở bước đi của chủ nghĩa cộng sản vô thần.
Ngược lại quí vị không phải là người trí thức như tôi đã nói ở trên. Các vị chỉ là người học thức nhưng mắt bị mờ, trí bị mụ giống như một chiếc xe đạp bị mất lái có tác hại không nguy hiểm như chiếc ô-tô. Đồng thời tôi xin khẳng định rằng quí vị không hề có dũng khí. Ngày trước, trong thời gian xã hội đất nước rối ren, TNSVHS hầu như mất phương hướng về tư duy chính trị, do đó các vị như những con chim non sẵn sàng bay theo luồng gió mới tuy rằng trong đáy sâu thẳm của tâm hồn chưa biết thực chất đúng, sai. Điều đó nhìn lại thấy không có gì đáng trách. Nhưng trong quá trình dong ruổi cho đến ngày hôm nay các vị ắt hẳn nhận thức được con đường đó là thiên đường hay địa ngục, chính danh hay lừa dối, chân lý hay phản bội. Thế nhưng một số thanh niên bốc lữa ngày xưa nay đã già vẫn cứ như những con thiêu thân lao vào chỗ ác. Vẫn còn một số im lặng và đồng lõa với tội ác mà chính họ đã từng góp phần. Vẫn còn một số xem hệ quả đảng là cứu cánh, là thành phần duy nhất có đủ tư cách lãnh đạo dân tộc.
Ngược lại, trong suốt chuỗi đường dài của cách mạng VN từ khi có đảng CSVN tham gia trên vũ đài chính trị, trong số những bậc tiền bối (ở đây tôi cũng tách rời khuynh hướng chính trị) lão thành cách mạng CSVN đi tiên phong trong những buổi sơ đầu, có những bậc xứng danh là trí thức có đủ tâm và tầm cùng dũng khí đã dám nói lên tư duy, chính kiến của mình. Ở đây các vị này không phải là “phản động” chống đảng như ý nghĩa của đảng CS thường dùng mà có 2 chủ ý: một là góp thêm cho đảng những ý tưởng, sáng kiến ngõ hầu tạo thêm sự trong sáng và mạnh mẽ hơn cho con đường mà đảng đã đề ra. Hai là thẳng thắn chỉ trích những điểm sai, chệch hướng của đảng mà không sợ sự phản kháng hay mọi hiểm nguy cho bản thân, gia đình đưa đến từ đảng. Trong số những vị tiền bối này tôi xin liệt kê theo từng thứ bậc như sau:
A- Lớp lão thành cách mạng chỉ thẳng sự sai lầm của đảng và đã can đảm nói lên sự phản bội của đảng đối với sự hy sinh của mình cho sự nghiệp cách mạng. Trong số đó nổi bật 2 người. Đó là ông Nguyễn Hộ và Trung tướng Trần Độ.
Ông Nguyễn Hộ là một vị lão thành của đảng CSVN, tham gia tích cực và có nhiều thành tích trong buổi bình minh của chính quyền CSVN còn non trẻ. Ông đã từng kinh qua các chức vụ Ủy viên Thường trực của Ban Thường vụ Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn – Chợ Lớn, Phó Chủ tịch Tổng công đoàn VN, Thư ký Liên hiệp Công đoàn Tp. HCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Tp. HCM. Tuy nhiên, ông sẵn sàng từ bỏ mọi quyền lợi mà nhiều người trong đảng mơ ước, đã không im hơi lặng tiếng để hưởng phú quí vinh hoa mà ông đã chỉ thẳng sự sai lầm của đảng CSVN và khẳng định ông đã bị đảng phản bội. Chính cố thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đương chức đã đích thân lên nơi ở của ông tại Củ Chi để thuyết phục ông về Sài Gòn tịnh dưỡng tuổi già, an hưởng bổng lộc từ thành quả cách mạng mà ông đã tạo nên. Thế nhưng đã bị ông từ chối và nói lên sự thẳng thắn, sau này ông quyết định tuyên bố từ bỏ đảng CSVN vào năm 1991.
Trung tướng Trần Độ là một vị tướng văn võ song toàn. Ông là một trong những người có bước chân đầu tiên trong chỉ huy, lãnh đạo đoàn quân tiến chiếm miền Nam Việt Nam cùng các tướng lãnh Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hòa, Hoàng Cầm… với chức vụ phó chỉ huy kiêm phó bí thư quân ủy quân GPMNVN.
Tháng 3/1974 ông được phong hàm trung tướng cùng đợt với Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đàm Quang Trung, Đồng Sĩ Nguyên. Năm 1981 ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Phó ban Tuyên huấn Trung ương khi chuyển qua ngạch dân sự. Ông đã viết và để lại nhiều tài liệu, sách có giá trị.
Với tầm nhìn bao quát và với dũng khí của mình, trung tướng Trần Độ đã khẳng khái nói lên chính kiến riêng và chỉ trích thẳng sự sai lầm của đảng. Trong vị trí vẫn còn trong đảng của ông lúc ấy, ông đã nói“Tôi vẫn tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của đảng. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là thống trị. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là đảng trị. Kinh nghiệm lịch sử trong nước và thế giới đã chứng minh rằng mọi sự độc quyền, độc tôn đều đưa tới thối hóa, ruỗng nát, tắc tị không những của cơ thể xã hội mà cả cơ thể đảng nữa.” 
Theo ông “nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng tiêu cực trong đảng và phần nào trong xã hội là ở cơ chế lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của đảng.” 
Chính vì những lời khẳng khái và chí khí này là mũi tên bắn thẳng vào tim của đảng CSVN. Do đó ông đã bị khai trừ ra khỏi đảng CSVN ngày 4/1/1999 khi tuổi đảng vừa tròn 58 tuổi. TS Hà sĩ Phu đã tặng ông câu đối sau:
“Văn võ tung hoành, trung tướng phong TRẦN, thế sự song kiên song trọng đảm.
Bắc nam xuất nhập, đại quân tế ĐỘ, hùng binh nhất trượng nhất đan tâm”. 
B- Lớp trí thức, lý luận cao cấp của đảng. Nổi bật trong hàng ngũ này là giáo sư Hoàng Minh Chính và ông Lê hồng Hà.
GS Hoàng Minh Chính là một nhà lý luận cao cấp của đảng CSVN, Viện trưởng Viện Triết học Marx-Lenin. Ông trở thành một người bất đồng chính kiến sâu sắc với đảng CSVN khi ông đã thấy rõ sự sai lầm nghiêm trọng của học thuyết Karlmarx-Friedrich Engels, chủ thuyết mà một thời ông trên cương vị Viện trưởng Viện triết học Mác-Lênin đã tuyên truyền và ca ngợi, có nhiều sai sót cơ bản khi áp đặt vào các quốc gia CS.
Chính vì thế mà năm 1967 đảng CSVN đã khai trừ ông ra khỏi đảng với cáo buộc ông cầm đầu nhóm người theo chủ nghĩa xét lại, không tán thành nghị quyết 9 của đảng CSVN và muốn thay đổi theo đường lối đệ tứ CS. Từ đó ông phải kinh qua 3 lần tù đày, giam giữ, quản chế, tổng cộng gần 20 năm. Sau khi ra tù ông vẫn tiếp tục hoạt động và khiếu nại giải oan cho nhóm “Xét lại chống đảng” và vận động mọi người tham gia góp ý cho bản dự thảo “Thách thức và triển vọng”.
Ngày 16/1/2000 ông Hoàng Minh Chính gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ tố cáo VN không có tự do báo chí, tự do ngôn luận. Tháng 8/2005 ông sang Mỹ chữa bệnh và công khai diễn thuyết chỉ trích, phê phán đảng và nhà nước CSVN. Ngày 28/9/2005 ông đăng đàn ở đại học Harvard với đề tài “Dân chủ cho Việt Nam”. Ngày 29/9/2005 ông điều trần trước Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ và nêu những vụ đàn áp tôn giáo và khủng bố tàn bạo ở VN, đồng thời kiến nghị với chính phủ Hoa Kỳ có chính sách mạnh tay đối với nhà nước CSVN. Sau đó ông còn vận động lấy chữ ký nhiều người đòi hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp và nghị định 31/CP, cùng nhiều hoạt động tích cực khác để đem lại cho VN một nền dân chủ tự do và công lý. Ông hoạt động không ngừng nghỉ cho đến khi ông qua đời vào ngày 7/2/2008 (mùng một Tết mậu tý) vì bệnh ung thư tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội. Trước khi mất ông Hoàng Minh Chính viết“Bức tâm thư năm mậu tý” gởi lãnh đạo nhà nước CSVN.
Trong quá trình hoạt động ông Hoàng Minh Chính thể hiện chính kiến của mình và ủng hộ chủ trương của Khrush Chyov bác bỏ tư tưởng sùng bái cá nhân (I.V.Stalin) và sống hòa bình với thế giới tư bản. Đường lối này Mao trạch Đông gọi là “Chủ nghĩa xét lại”. Gs Hoàng minh Chính và các nhân vật đồng chính kiến với ông ủng hộ đường lối của Nga và chủ trương chung sống hòa bình với nhân dân Miền Nam VN và chính phủ VNCH. Cuối cùng cả nhóm theo chủ trương của Hoàng Minh Chính  đều bị họa với con số khoảng 300 người trong đó có 30 nhân vật cao cấp (theo Journal of Cold War History tháng 11/2005)
Ngoài ông Hoàng Minh Chính ra, còn có các nhân vật cao cấp bị bắt tiêu biểu như: Vũ Đình Huỳnh – Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại Giao, Lê Trọng Nghĩa – Đại tá Cục trưởng Cục 2 (tình báo QĐ), Lê Minh Nghĩa – Đại tá Chánh VP Bộ QP, Đỗ Đức Kiên – Đại tá Cục trưởng Cục tác chiến, Hoàng Thế Dũng – Tổng Biên tập báo QĐND, Vũ Thư Hiên – Nhà báo, Trần Minh Việt – Phó bí thư thành ủy Tp. Hà Nội kiêm Phó chủ tịch UB hành chính Tp. Hà Nội, Phạm Hữu Viết – Phó TBT báo Hà Nội mới, Phạm Kỳ Vân – Phó Tổng biện tập Tạp chí Học tập…
Những nhân vật không bị bắt nhưng bị khai trừ đảng tiêu biểu như: Ung Văn Khiêm – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Lê Liêm – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thiếu tướng Kim Quang, Nguyễn Văn Vịnh – Thứ trưởng bộ QP, Bùi Công Trừng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học.
Ngoài ra còn có khoảng 40 người xin tị nạn tại Liên Xô vì lúc này đang đi học hoặc công tác trong đó tiêu biểu như: Nguyễn Minh Cần – Phó chủ tịch UBHC Tp. Hà Nội, Lê Vinh Quốc – Đại tá Chính ủy Sư đoàn 308, Phó Chính ủy QK III, Đỗ Văn Doãn – Đại tá, nguyên Tổng biên tập báo QĐND…
GS Hoàng Minh Chính có những phát biểu đáng chú ý như sau:
- Đất nước VN đứng ở đáy nhân loại trên mọi bình diện. 
- Nhân dân VN hiện nay đang trong cơn quằn quại rũ bỏ ách nô lệ thâm căn cố đế nội xâm, đã tìm thấy trong chính sách hỗ trợ tự do dân chủ của Hoa Kỳ một sức mạnh vô giá cho cuộc đấu tranh sống còn của mình. 
- Các đầu tư phát triển quốc tế (FDI) và viện trợ phát triển (ODA) chẳng qua thực chất là làm đầy túi tham của đảng và chính quyền. 
Ngoài các nhân vật cấp cao tiêu biểu trên, còn có những nhà chính trị, chính khách có dũng khí, can đảm nói lên tiếng nói của riêng mình và chỉ trích đường lối độc tôn, độc trị của đảng như cựu UVBCT Trần Xuân Bách. Ông thể hiện chính kiến của mình là muốn đi theo con đường đa nguyên chính trị trong lúc ông đang chức ở BCT, cuối cùng ông bị loại ra khỏi BCT, khỏi BCH T.Ư đảng CSVN và về làm chuyên viên ở Bộ Ngoại giao theo lời mời của bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch với tư cách là một đảng viên thường. Ông làm ở đây cho đến khi về hưu và mất ngày 1/1/2006.
Tất cả trên đây là những nhân vật chính trị, quân sự cấp cao của đảng CSVN sau khi nhận thức được sự thật, thấy rõ đảng CSVN và lý tưởng bao năm theo đuổi là tai họa của dân tộc, đã thể hiện dũng khí của một kẻ sĩ, bất chấp an nguy đến sự nghiệp và tính mạng của riêng mình.
Không phải những tính chất cao đẹp và can trường đó chỉ ở những bậc trí thức, giáo sư, học giả ở tầm cao mới có mà ở những con người vào tầng lớp thường thường bậc trung hay bình dân, trong hàng ngũ viên chức, đảng viên thường  hay công nhân cũng không thiếu. Họ cũng đều ở trong điều kiện rất thuận lợi và bước công danh thẳng tiến, có cuộc sống bản thân, gia đình sung túc, đầy đủ nếu chấp nhận cúi đầu nghe theo, làm theo đường lối của đảng hay cùng lắm là “đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ” bỏ ra khỏi đầu óc tư duy công lý, sự thật, tự do công bằng dân chủ. Nhưng họ đã quay lưng lại với đảng và đã bày tỏ thái độ.
Ở trong tầng lớp này cũng có nhiều người sáng suốt, nhận ra chân lý và thấy con đường từ trước mình đi là sai lầm và sẵn sàng đổi hướng hoặc quay về như hai anh em Huỳnh Nhật Tân, Huỳnh Nhật Hải ở Tỉnh Lâm Đồng. Nếu nói về danh phận thì hai anh em họ Huỳnh ở bậc trung cao. Ông Huỳnh Nhật Hải là Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND Tp Đà Lạt. Ông Huỳnh Nhật Tân là Tỉnh ủy viên dự khuyết, Phó GĐ Trường đảng tỉnh Lâm Đồng. Sau khi nhận thấy con đường theo đảng từ trước giờ là sai lầm và đã tự soi mình, cả 2 anh em họ Huỳnh đã can đảm trả thẻ đảng, dứt khoát đoạn tuyệt với đảng CSVN.
Trong một cuộc phỏng vấn của nhà báo Phạm Hồng Sơn được đăng trên trang Blog Phạm thị Hoài, trong đoạn sau cùng của bài phỏng vấn 2 ông ấy đã nói như sau:
- Ông Huỳnh Nhật Tân: “Tôi có lỗi với dân tộc. Chính cái hăng hái, nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng lên chế độ độc tài hiện nay. Đã vô tình đem lại sự đau khổ hiện nay. Và nếu xét về những căn bản để đảm bảo tự do cho nhân dân và độc lập cho dân tộc thì tôi cũng đã vô tình góp công sức đưa những người mang danh là “cách mạng” nhưng thực chất là vì quyền lực tới phá bỏ một chế độ đã được xây dựng trên những căn bản về tự do, dân chủ và nhân bản tại miền Nam Việt Nam.” 
- Ông Huỳnh Nhật Hải: “Bây giờ nhìn lại con đường chúng tôi đã đi trước 1975 là một con đường sai lầm. Sự nhiệt huyết lúc đó của chúng tôi đã đem lại bất hạnh hơn là hạnh phúc cho dân tộc.” 
Và mới đây nhất là đảng viên trẻ tuổi Nguyễn Chí Đức, một thanh niên đầy nhiệt huyết, bức xúc trước sự hung hăng, bành trướng của tập đoàn CS Bắc Kinh xâm chiếm biển đảo của nước ta, anh đã tham gia vào hàng ngũ người biểu tình yêu nước VN chống TQ xâm lăng. Anh đã bị công an CSVN đàn áp, đạp vào mặt. Nhận thấy sự bất cập trong chính sách của đảng, anh đã tự ý làm đơn xin ra khỏi đảng.
Ngoài những cán bộ đảng viên từ cao cấp trở xuống có dũng khí, can trường dám thể hiện tư duy, chính kiến của riêng mình trong khi còn tại chức còn lại hằng hà sa số những kẻ tham sống sợ chết, tham quyền cố vị, khi còn tại chức thì hết lòng vì đảng, ra tay sát hại dân lành, bòn rút xương máu của nhân dân, công quĩ, tài sản quốc gia, khi đã về hưu hay bị ghẽ lạnh, thất sủng hoặc bị kỷ luật sa thải thì lúc đó lại cao giọng nói lời chỉ trích chính quyền CS và muốn tỏ ra là người đồng hành và đứng về phía nhân dân.
Trở về với giới tạm gọi là trí thức VN một thời là TNSVHS dưới chế độ VNCH.
Qua các dẫn chứng từ con người đến sự việc và tính chất tư duy, đến việc làm của từng thế hệ trong bối cảnh đặc thù của vũ đài chính trị VN trong suốt thời gian hơn 1/2 thế kỷ qua, toàn thể quí vị gọi là trí thức trong giới SVHS Sài Gòn mà tôi đã nêu tên ở phần đầu của bài viết, xét về phần học vị, bằng cấp thì các vị đa phần ở bậc cao, là những bác sĩ, luật sư hoặc ít ra cũng là cử nhân. Tuy so với Gs Hoàng Minh Chính hay những vị lão thành cách mạng tương tự khác thì các vị chỉ là một chiếc lá vàng rụng giữa rừng thu, nhưng so với các nhân vật khác mà tôi đã dẫn thì các vị đa phần ngang bằng hay hơn hẳn. Thế nhưng ở đây vấn đề bằng cấp, học vị không phải là “tiêu chuẩn” hay thước đo để đo lường phẩm giá con người, mà ở đây sau khi tôi đã phân tích các nhân vật nêu trên thì các vị (lãnh đạo SVHS SG) có lấy làm hổ thẹn? Cái khí phách, nhiệt huyết hừng hực trong tim của các vị ngày xưa và các nhân vật tôi kể trên trong thời tuổi trẻ cũng ngang nhau. Thế nhưng trong quá trình dấn thân, cống hiến cho lý tưởng mình theo đuổi thì các nhân vật nêu trên đã “ngộ” ra rằng con đường trước kia họ đi đã đưa đến sự sai lầm, kể cả cái học thuyết mà họ ca ngợi và rao giảng! Tuy nhiên, họ đã không dừng ở sự nhận thức suông mà đã can đảm, sẵn sàng hy sinh, phá bỏ tất cả những luận điệu tuyên truyền dối trá và tội ác xấu xa. Với dũng khí can trường họ cương quyết rẽ lối hoặc quay về, đồng thời khẳng khái nói lên sự sai trái, xấu xa của chủ nghĩa mà một thời họ tôn thờ và ấp ủ như GS Hoàng minh Chính, Trung tướng Trần Độ, lão thành cách mạng Nguyễn Hộ, UV BCT TƯ đảng Trần Xuân Bách, Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm… cùng các nhân vật cấp cao thượng tầng của đảng CSVN mà trong đó đa phần là đã vào tuổi xế chiều. Đáng lý ra họ được an nhàn và hạnh phúc của bản thân và gia đình. Thế nhưng với cái khí phách “ngang tàng” của kẻ sĩ không cho phép, lương tâm và lý trí của một con người trí thức đúng nghĩa không bằng lòng với cảnh:
“Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu.
Áo xiêm ràng buộc với nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?” (Kiều-Nguyễn Du)
So về danh và phận thì các vị lãnh đạo SVHS chỉ là những cái bóng lu mờ. Về khí phách, dũng khí can trường thì các vị theo tôi nghĩ rất lấy làm hổ thẹn.
Gần đây các vị lại mang danh là các nhân sĩ trí thức làm đơn xin đảng, chính quyền để được đi biểu tình thể hiện lòng yêu nước. Tôi thấy thật buồn cười và lấy làm xấu hổ giùm cho các vị. Là trí thức nhân sĩ mà làm đơn xin kẻ ác, kẻ cướp cho tôi cho được lấy lại tài sản của tổ tiên đã bị tước đoạt!? Cuối cùng các vị đã được phúc đáp thế nào? Có phải cái đơn của các vị nó bị vứt vào góc tủ lãng quên hay có khi là trong sọt rác và nó đã chết khi chưa ráo mực? Các vị ngây thơ hay đóng kịch? Có phải vẫn cảnh, màn lừa bịp nhân dân để cứu nguy cho đảng? Sau khi đệ trình cái đơn ngớ ngẩn đó các vị đã nói rằng nếu không được đáp ứng thì các vị sẽ tự tổ chức biểu tình và meeting! Từ đó các vị đã tổ chức được bao nhiêu lần? Sao không tổ chức mà lại im hơi lặng tiếng? Cái hào khí của các vị đã bị đảng cầm tù rồi chăng? Hay các vị đã tự nguyện dâng lên làm quà cho đảng?
Ngày xưa các vị lao vào các cánh cửa học đường như cơn bão lớn cuốn phăng SVHS bãi khóa xuống đường. Lúc ấy các vị có đệ đơn lên tòa đô chính hay phủ đầu rồng để xin phép được biểu tình chống Mỹ để sau đó tự do và hiên ngang gào thét giữa đường phố Sài Gòn rằng “…Xin một lần nằm xuống… nhìn anh em đứng lên phất cao ngọn cờ…???” 
Hào khí ngất trời và vô cùng sôi động khi vào ngày 11/7/1970 sau khi tổ chức đại hội SVHS thế giới kỳ I được tổ chức trước đó tại trường Nông lâm súc, đã biến thành cuộc xuống đường rầm rộ, đoàn biểu tình trương cao cổ quan tài đỏ ghi đậm hai câu thơ của Tố Hữu:
” Căm thù lại giục căm thù…
Máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu.!” 
và tiến thẳng về tòa đại sứ Mỹ trao cho đại sứ Bunker bảng tuyên bố “Đại hội”.
Trong cuộc biểu tình này ngoài Huỳnh Tấn Mẫm và chủ tịch đoàn đại hội ra còn có đại diện cho Văn Khoa là Hạ Đình Nguyên, Nguyễn Hoàng Trúc, Nguyễn Thị Yến (thủ quỹ tổng hội), HS Lê Văn Nuôi (chủ tịch tổng đoàn HSSG) cùng nhiều đại diện cho các phân khoa đại học khác nữa. Cao trào thật sôi nổi, tất cả đều băng mình lao về phía trước (theo sự dẫn đường của trí tuệ, tiếng gọi của trái tim chân chính hướng về tổ quốc non sông hay từ mệnh lệnh của tập đoàn quỉ dữ mà không cần biết phía trước là vườn hoa thơm cỏ lạ hay là bãi tha ma?).
  Riêng về ông Nguyễn đăng Trừng: Là một thanh niên miền trung nghèo khó, được mái trường Phan chu Trinh Đà Nẵng giáo dục và sau này được trường  Đại Học Luật khoa Sài Gòn đào tạo dưỡng nuôi, để rồi mang cái vốn liếng đó đi theo loài quỉ dữ. Đến năm 1968 sau biến cố Mậu Thân thân phận của Trừng bị bại lộ nên rời tổng hội SVSG chạy vào bưng theo đảng, lúc này Trừng ở ban thanh vận trung ương cục Miền Nam, sau đó chuyển qua làm cán bộ ban an ninh T4 trực thuộc đặc khu Sài Gòn-Gia Định mãi cho đến năm 1975. Tôi phải nói rõ ở phần cá nhân ông Trừng ở phần này vì có sự liên quan đến đạo đức của một con người mà đã hấp thu nền học vấn từ trường luật Sài Gòn như sau:
  Năm 1970 Lê khắc sinh Nhật một SV Luật đã đánh bại liên danh Trịnh đình Ban ( Bảy Điểm CS thành đoàn) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ban đại diện Luật khoa niên khóa 1970-1971. Sau đó Lê khắc sinh Nhật đứng chung liên danh với Lý bửu Lâm và giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ban đại diện tổng hội SVSG niên khóa1970-1971 ngày 20/6/1971 sau 4 niên khóa liền SV Việt cộng thành đoàn, đặc khu ủy Sài Gòn- Gia Định chỉ đạo (Hồ hữu Nhựt, Nguyễn đăng Trừng, Nguyễn văn Quỳ và Huỳnh tấn Mẫm) do đó VC cay cú và ra lịnh ám sát Lê khắc sinh Nhật ngay trường Luật ngày 28/6/1971.
  Đến ngày 10/11/1971 lại ám sát GS Nguyễn văn Bông ngay ngả 3 đường Cao Thắng-Phan thanh Giản (Điện Biên Phủ ngày nay) khi xe của GS vừa trong Học Viện Quốc Gia Hành Chánh đi ra. GS Nguyễn văn Bông là GS chuyên giảng dạy môn Công Pháp Quốc Tế. Lúc đó giới Luật ở SG gọi GS là “Vua Công Pháp”. Đây là một tổn thất lớn cho ngành luật ở VN lúc bấy giờ. Vắng GS Bông, môn công pháp lúc đó ở trường luật hầu như bị tê liệt trong một thời gian dài. Có nguồn tin được tiết lộ rằng GS chuẩn bị lên làm Thủ Tướng chính phủ VNCH thay thế Thủ Tướng Trần thiện Khiêm. Tất cả 2 vụ ám sát trên đều do ban an ninh T4 thực hiện. Hoạch định kế hoạch này thì Nguyễn đăng Trừng trực tiếp tham gia và góp phần không nhỏ, bởi Trừng là người bao nhiêu năm nằm trong hàng ngũ SV và làm tay sai đắt lực cho CS họat động ở nội đô. Nói như thế thì đã khẳng định rằng bàn tay của Nguyễn đăng Trừng đã “Vấy Máu” của SV Lê khắc sinh Nhật và GS Nguyễn văn Bông. Một người là bạn cùng trường và một người là thầy đã nhiều năm dạy dỗ cho hắn ta tích lũy từng kiến thức một. Ở đây ta nói lên tính cách của một con người CS với các bản chất lừa thầy, phản bạn. Riêng ở Nguyễn đăng Trừng còn cao hơn là giết chết cả thầy lẫn bạn để làm bậc thang bước lên trên con đường gây tội ác cho nân dân. Hơn thế nữa, là một Luật sư học trò của các GS Vũ văn Mẫu, Nguyễn văn Bông, Vũ quốc Thúc…hẵn ông Trừng cũng đã hiểu sâu xa và vốn kiến thức về luật cũng không tồi, mặc dù ông dành thời gian để làm tay sai cho đảng nhiều hơn là để học. Như vậy tất nhiên ông cũng đã thấy rõ cái tập đoàn đảng CSVN mà ông cung phụng có một não trạng vô cùng u tối cộng thêm dã man, rừng rú…ngạo mạn phủi chân ngồi trên đầu các ông, ngồi xổm trên pháp luật mà ban ra những chủ trương vô nhân đạo, phản nước hại dân. Thế thì cái vốn kiến thức kia các ông vứt nơi đâu? Tại sao phải cúi đầu phụng mệnh? Có phải chăng cái bã vinh hoa hời lồng trong chiếc bánh vẽ mà đảng đã bố thí cho các ông và lấy từ xương máu của nhân dân?
  Nói về ông Lê hiếu Đằng: Là một SV Việt cộng kỳ cựu, Đằng chịu dưới sự sai bảo trực tiếp của tên CS thuộc Thành đoàn Nguyễn ngọc Phương (Ba Triết) và cùng khóa tổng hội SVSG với Nguyễn đăng Trừng. Ông cũng xuất thân là học trò của các GS tôi vừa nêu ở trên. Cái hèn của ông cũng ngang tầm với N.đ. Trừng và H.t.Mẫm. Đến hôm nay ông tự nhận lấy tư cách là trí thức cùng với các ông “Lãnh đạo phong trào SVHS chống Mỹ cứu nước” cùng nhau ký đơn xin được đi biểu tình thể hiện lòng yêu nước thì tôi thấy thật là lố bịch và nhục quá! Vừa rồi còn tự thú “Tôi đã từng sinh hoạt trong đảng, tôi thấy chỉ dựa vào phê và tự phê, đấu tranh nội bộ thì hiện nay không có hiệu quả nữa. Nó đã bị vô hiệu hóa ở chỗ trong các đảng viên có tình trạng nói dối và sợ lẫn nhau. Có bao giờ đảng viên bình thường dám phê bình lãnh đạo của mình? Bản thân lãnh đạo cũng nương nhẹ nhau vì cũng sợ người khác phanh phui ra khuyết điểm của mình.”. Những điều ông nói ở trên có thật vậy sao ông? Chỉ có những người “ trong nội bộ đảng” của các ông mới biết sao? Và đến ngày nay mới có à! Đúng là ông đã bị CS cướp mất linh hồn và lý trí kể từ khi ông còn mài đủng quần ở khoa Luật SG và nghe theo đám CS nằm vùng ở Thành đoàn, ông không còn cảm thấy nhục khi mình dù sao cũng là một SV có học thức mà chịu sự sai khiến, chỉ bảo của tên CS vô học Ba Triết mà ông tự cho là hắn “sinh hoạt”? Tôi không ở trong nội bộ của những kẻ vô đạo của các ông nhưng tôi biết chắc chắn một điều rằng những lời ông vừa nói ở trên nó đã có từ những ngày đầu mà  HCM du nhập rác rưởi về làm ô nhiễm đất nước VN và còn gấp vạn lần như ông nói ông ạ!
  Ông còn nói thêm “Nếu hội nghị T.Ư 6 không đặt lợi ích đất nước, lợi ích Tổ Quốc lên trên mà đặc quyền lợi phe nhóm hoặc bản than cái ghế của mình thì sẽ không đi đến đâu. Sẽ đi đến tình trạng thỏa hiệp. Có thể đi đến một giải pháp không triệt để trong vấn đề chống tham nhũng.” Ông càng nói ra tôi thấy càng thêm nặng mùi…Ở đây tôi khẳng định rằng không có chữ “nếu” nhưng mà tại sao phải dùng từ “nếu” nhỉ? Gần 200 tên nắm cả trái tim của Tổ Quốc mà không dứt khoát phải vì dân, vì nước mà phải “nếu” ? Và chính ông cũng dư hiểu rằng các vị tổ sư đang ngồi xổm trên Hiến Pháp, trên cả “Luật” mà ông đã từng học đang chém giết lẫn nhau để giành quyền lợi rồi mà! Trước đây tôi đã viết “Phe nào thắng thì nhân dân cũng trắng tay” ông có đọc được? Thế thì cái bãi sình mà những sư phụ của các ông đang lột quần áo nhau ra cấu xé không phải vì lợi ích phe nhóm hay là ghế như ông nói thì là gì? Và sẽ đi đến “Thỏa hiệp” là sao? Thỏa hiệp chính trị để cùng nhau lo cho Tổ Quốc à? Tôi cũng khen ông nói rõ ở điểm này.
  Các con sâu ở thượng tầng có thể không chém nhau bằng đao kiếm mà sẽ “ thỏa hiệp thương lượng” để chia phần bòn rút, chia lãnh địa để bóc lột nhân dân. Tôi xin tiếp lời của ông vì ông còn ngại ngần không dám nói toẹt ra. Dù sao trên đầu của ông cũng còn chiếc búa và lưỡi liềm cùng lá cờ đẫm máu của dân tộc đang bay phấp phới.
  Tệ hại hơn…từ đó đến nay, trong bóng đêm những tên gọi là trí thức dấu thẻ đảng trong người vẫn cúi đầu làm tay sai cho đảng như kẻ vô hồn lầm lũi đi trong mưa. Nhưng đôi khi cũng tỏ ra “cuốn theo chiều gió” ngã lòng về phía nhân dân…nhưng thực ra vẫn giữ cái bản chất dối lừa, ởm ờ phản biện nhưng thật ra đó là những cánh tay lông lá của loài khỉ vượn được nối dài từ cửa động Ba Đình.
  Gần đây ông Lê hiếu Đằng lại chắp thêm đôi cánh làm “cò” bay lượn…nói lời thức tỉnh bi ai…tính sổ với đời với đảng trên giường bệnh ở cái không gian gần kề “Funeral Home”. Cái chiêu bài lập đảng cò mồi…hô hào cùng nhau bỏ đảng (trong lúc mình luôn giữ khư khư thẻ đỏ sợ đưa ra nắng sẽ bị nhạt màu mà mất sổ hưu) để lập nên cái gọi là đảng DCXH để làm theo sự chỉ bảo của 16 con cáo Ba Đình? Với mục tiêu xoa dịu dư luận xã hội và làm xì hơi quả khinh khí cầu “Dân Chủ, Nhân Quyền” đang gây áp lực cho tập đoàn CSVN từ trong lẫn ngoài nước. Bài học năm 1946 Hồ tập Chương hô hào thành lập “Chính Phủ Liên Hiệp” để cùng nhau chung sức chống thực dân để rồi dễ dàng triệt tiêu, tàn sát sĩ phu yêu nước nghe theo lời Hồ cáo vẫn còn đó. Bây giờ cái gọi là đảng DCXH cũng vẫn một bài “Đường xưa lối cũ” thật rẻ tiền. Những đảng viên thức tỉnh nghe theo thì xem như “lộ mặt gian thần của đảng”. Chiêu này một mũi tên bắn hai mục đích. Một là phần nào tỏ ra dân chủ đa đảng đa nguyên để tiếp tục lừa mỵ người dân mà kéo dài cai trị. Hai là nhân cơ hội này mà thanh trừng nội bộ, những đảng viên thức tỉnh cùng những sĩ phu trí thức có lòng yêu nước, chống độc tài đảng trị thì sẽ có kết quả như các nhà chí sĩ  Nguyễn hải Thần, Vũ hồng Khanh hơn 60 năm về trước. Bài ca Lê hiếu Đằng xướng giọng và Hồ ngọc nhuận đệm đàn thật lố bịch không xứng tầm với kẻ dù sao cũng đã từng thu vào tim đưa vào trí những lời giáo huấn dưới mái Đại Học đường Quốc gia Miền Nam VN ngày trước và một kẻ cũng đã kinh qua trong hàng ngũ dân biểu của nước VNCH.
Các TNSVHS Việt cộng với vốn kiến thức được xã hội VNCH trang bị cho có cảm thấy ray rức và thầm hổ ngươi khi đến thời điểm hôm nay mà còn đứng trong hàng ngũ 500 ông, bà nghị gật và vô thức thông qua, họp thức hóa những chiếc thòng lọng mà đảng đã tạo sẵn để siết vào cổ nhân dân? Có cảm thấy hổ thẹn với những bậc thức giả mà tôi đã nêu ở phần đầu. Tuy họ có lầm đường nhưng họ có dũng khí, đảm lược và can đảm rẽ lối hoặc quay về. Trình độ các vị hơn hẳn hai anh em nhà họ Huỳnh ở Đà Lạt nhưng các vị có dám nhìn thẳng vào ánh mắt của hai anh em này nếu mai kia trời xui lỡ gặp? Hay các vị có dám nói lời gì khi đối diện với người thanh niên Nguyễn Chí Đức tuổi đời đáng hàng con cháu của mình? Các vị có đủ can đảm hạ mình xin một lời vàng ngọc? Hay tảng lờ quay mặt bỏ đi!
Các vị nói gì với nhân dân, với tổ quốc trong khi các vị vẫn tự dối lấy chính mình? Không cần các vị phải như các nhà trí thức đáng quí ở trên mà chỉ cần có được một phần nhỏ là đem hết sức bình sinh của mình để nâng chiếc thẻ đảng nhẹ như cánh bèo mà trả về nơi nó đã sinh ra cũng giống như người thanh niên Nguyễn Chí Đức đã làm. Trên phương diện và ý thức này tuổi tác cùng những tội lỗi của thời dĩ vãng không là rào cản và cũng chẳng có biên cương nếu tâm hồn, trái tim và khối óc vẫn chưa trở thành nô lệ.

Không có nhận xét nào: