Pages

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Trục trặc nào phía sau tăng trưởng


“Những trục trặc trong cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam đều có nguyên nhân sâu xa từ thể chế!”, nhóm tác giả Fulbright nhận định.
LTS: Nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (gồm các tác giả Vũ Thành Tự Anh, Phạm Duy Nghĩa, Huỳnh Thế Du, Đỗ Thiên Anh Tuấn, Ben Wilkinson, Dwight Perkins và David Dapice) vừa hoàn thành báo cáo “Khơi thông những nút thắt về thể chế để phục hồi tăng trưởng".
Báo cáo này đã được gửi tới uỷ ban Kinh tế Quốc hội. Tuần Việt Nam xin giới thiệu các đề xuất trong báo cáo.
Báo cáo của nhóm Fulbright ghi nhận: Trong ba thập kỷ Đổi mới, “Cải cách thể chế” luôn là mối quan tâm của Đảng và Chính phủ. Các văn kiện của Đảng đều nhấn mạnh định hướng: “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường, hoàn thiện thể chế kinh tế nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý bằng pháp luật…”

Trong hoạt động hành pháp, Chính phủ cũng ưu tiên xây dựng thể chế thể hiện qua chương trình hành động của Chính phủ và thông điệp Năm mới 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình lập pháp của Quốc hội khóa XIII cũng xác định rất rõ ưu tiên cải cách thể chế. Quan trọng nhất là sửa đổi hiến pháp năm 1992, từ đó sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước và các đạo luật liên quan đến nhiều lĩnh vực quản trị nhà nước khác.

Những nỗ lực và quyết tâm cải cách thể chế như vậy của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế toàn cầu và được sự ủng hộ của quốc tế, các nhà đầu tư và tài trợ quốc tế.
Nói dễ hơn làm

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu khẳng định, thể chế yếu kém là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những bất ổn của nền kinh tế và nguy cơ suy thoái kinh tế hiện nay. Từ những việc lớn như ổn định nền kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy thoái, kiểm soát nợ công v.v… cho đến những vấn đề đời thường như bệnh viện quá tải, kẹt xe, tai nạn giao thông … đang hàng ngày vẫn diễn ra, suy cho cũng, những bất cập trong quản lý như vậy đều có nguyên nhân sâu xa từ chất lượng thể chế yếu kém.

Kể từ khi bắt đầu Đổi mới đến nay, nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn tăng trưởng thấp nhất, tương đương thời khi hậu khủng hoảng tài chính khu vực 1997 – 1998. Một phần nguyên nhân do ảnh hưởng khủng hoảng toàn cầu. Song, nguyên nhân chính, theo báo cáo của nhóm Fulbright, do ba trong bốn “động cơ” của cỗ máy kinh tế đang bị trục trặc!

Bốn “động cơ” đó bao gồm khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)khu vực kinh tế tư nhân (KTTN)nông nghiệp (NN) và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Dưới tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các tập đoàn kinh tế Nhà nước đã bộc lộ nhiều yếu kém, kém hiệu quả. Duy nhất chỉ còn khu vực FDI là tiếp tục có kết quả tốt do họ không hoàn toàn lệ thuộc vào hệ thống thể chế trong nước .

Báo cáo đã chỉ ra những nguyên nhân chính khiến các “cỗ máy” của nền kinh tế nước ta bị mất hiệu quả. Chẳng hạn, với khu vực KTNN, nhìn từ góc độ quản trị, mọi hạn chế đều bắt nguồn từ quyền sỡ hữu không rõ ràng.

Cơ chế đại diện sỡ hữu nhiều tầng nấc cộng với tính hình thức của các tầng nấc đại diện đã tạo ra khoảng cách xa vời giữa người chủ sỡ hữu cuối cùng là nhân dân với những người đại diện. Từ đó, DNNN giống như “hộp đen” trong nhận thức của người dân.

Cho đến nay, quyền đại diện sỡ hữu, thẩm quyền quản lý Nhà nước và chức năng quản lý, điều hành kinh doanh bị trộn lẫn vào nhau. Hiện tượng này được gọi là “ba trong một”. Đồng thời, trong thẩm quyền quản lý lại thiếu sự tách bạch giữa vai trò của Bộ chủ quản, cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan điều tiết nên lại thêm tình trạng “ba trong một” nữa trong hệ thống quản lý DNNN.

Hệ quả tất yếu là nhiều sự chồng chéo và lẫn lộn, gây ra nhiều xung đột và lợi ích, làm triệt tiêu hiệu quả và hiệu lực của toàn bộ hệ thống quản trị DNNN. Kết quả cuối cùng là sự thất bại của nhiều tập đoàn và Tổng Công ty.

Sự xung đột lợi ích trong điều tiết đã nguy hiểm, nhưng nguy hiểm hơn khi các DNNN được bảo vệ vừa kém hiệu quả và vừa có vị thế độc quyền. Tấm áo khoác thị trường choàng cho các DNNN đã tạo cho họ quyền được phép “định giá theo cơ chế thị trường” để trục lợi, gây ảnh hưởng cho các thành phần kinh tế khác và toàn bộ xã hội, loại trừ khả năng cạnh tranh và sáng tạo. Điều này ngày càng có xu hướng phát triển.

“Động cơ” khu vực kinh tế tư nhân sau một thời gian năng động, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và giải quyết việc làm nay đang đứng trước nguy cơ teo tóp và có sự phân hóa. Một số DN xây dựng được mối “quan hệ” khăng khít với giới chức chính quyền và các định chế ngân hàng. Số còn lại lớn hơn đang phải đối diện với nhiều nguy cơ đe dọa.

Có những thách thức đang đe dọa DNTN sau đây: Thứ nhất, quyền sở hữu tuy được ghi nhận trên giấy nhưng việc thực thi còn kém; thứ hai, chưa được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực; thứ ba, sự nhũng nhiễu của bộ máy quản lý với DNTN chưa hề giảm, kể cả giai đoạn họ đang gặp khủng hoảng, khó khăn; thứ tư, các thể chế hổ trợ thị trường kém hiệu quả.

Khu vực NN là một “động cơ” quan trọng đang bị ảnh hưởng từ tác động tiêu cực lớn, kém hiệu quả. Kết quả SX 3 năm 2010 – 2012 cho thấy rõ điều đó. Những động lực phát triển giai đoạn trước kia nay không còn. Chính sách chậm thay đổi, lạc hậu như quyền sở hữu đất đai không rõ ràng, việc thu hồi tràn lan, sự hổ trợ của Nhà nước không phù hợp … đã dẫn khu vực này vào khủng hoảng.
Trục trặc phía sau tăng trưởng

Nhìn nhận thực trạng đất nước sau ba thập niên Đổi mới, nhóm tác giả Fulbright nhận định “Những trục trặc trong cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam đều có nguyên nhân sâu xa từ thể chế!”

Ở khía cạnh thể chế chính trị và quản trị Nhà nước, mức độ tham gia của nhân dân trong quá trình thực thi quyền lực của Nhà nước tạo nên nền tảng cho tính chính danh của bất cứ chế độ nào. Sự tham gia của người dân cần các thể chế chính trị giúp người dân được quyền được biết, được tham gia đời sống chính trị, được hối thúc trách nhiệm giải trình các cấp chính quyền khi cần thiết. Sự tham gia của người dân càng tăng thì sự xung đột giảm.

Từ những tiêu chí này, nhóm phân tích chỉ rõ, một số nút thắt về thể chế ở Việt Nam đang gây ra những hệ lụy và hệ quả tai hại, ách tắc cho sự phát triển chung.

Sau ba thập kỷ cải cách và hướng tới xây dựng thể chế phù hợp mà Đảng và Nhà nước đã xác định là sở hữu đất đai và DNNN, đến nay các vấn đề này vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí quy mô, mức độ phức tạp và tính chất gay gắt còn căng thẳng hơn thời trước Đổi mới.

Khu vực DNNN ngày càng thiếu động cơ và kém hiệu năng đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Đồng thời, cản trở những cải cách có tính nền tảng để đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Vấn đề sở hữu đất đai đang ngày càng nhức nhối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí xáo trộn xã hội. Khu vực dân doanh ngày càng kiệt quệ. Những nổ lực cải cách thể chế nửa vời, những quyết tâm cải cách bị trì hoãn và những cơ hội cải cách bị bỏ lỡ đã làm cho thể chế cơ bản của đất nước chưa bao giờ được giải quyết một cách dứt khoát và đến tận cùng.

“Hệ quả là Việt Nam giống như đang trở lại điểm xuất phát với những nan đề cải cách của thời kỳ trước Đổi mới”, nhóm phân tích thẳng thắn.

Trong các nguyên nhân khiến Việt Nam mắc kẹt lâu dài ở các thể chế lạc hậu, cản trở phát triển, báo cáo đã nêu ra một nguyên do đang chú ý là thói quen suy nghĩ được thiết kế với những dấu ấn của hệ quy chiếu cũ kỹ chi phối.

Hệ quy chiến đó ban đầu bị lồng vào các quan niệm bị chính trị hóa, dần dần được được thể chế hóa, thành chính sách. Qua thời gian thành nếp nghĩ và thói quen. Vượt qua được những nếp nghĩ, thói quen, nhận thức cũ kỹ, lạc hậu này cần phải cố gắng, quyết tâm cao. Trong đó, lấy lợi ích của đất nước và dân tộc làm mục tiêu hàng đầu thì mới có thể vượt qua!

Về giải pháp, nhóm nghiên cứu cho rằng từ nay đến năm 2016, Việt Nam dày đặc các cơ hội cải cách thể chế với việc sửa đổi Hiến pháp và nhiều đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế, quản lý xã hội.

Sở hữu đất đai, vấn đề dường như đã được khẳng định tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng được nhóm nghiên cứu đề cập với quan điểm có thể giữ nguyên sở hữu toàn dân về đất đai, nhưng coi đó là khái niệm chính trị chứ không phải là khái niệm kinh tế và xác định sự sở hữu thực tế là quyền sở hữu chắc chắn của người nắm giữ tài sản.

Với doanh nghiệp nhà nước, để tránh phân tán và cát cứ trong thực hiện quyền sở hữu, bản báo cáo cho rằng cần thảo luận để thành lập các cơ quan tín thác nhận uỷ nhiệm của chính quyền, để thực thi một cách tập trung các quyền sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp.

Duy Chiến
 

Không có nhận xét nào: