Báo chí Bắc Triều Tiên tuyên thệ trung thành với lãnh tụ mới Kim Jong-un sau khi cha ông là ông Kim Jong-il qua đời.
Truyền thông nhà nước nay ca ngợi ông Kim Jong-un, 27 tuổi, là "lãnh đạo xuất chúng của đảng, quân đội và người dân chúng ta".
Hoa Kỳ đã kêu gọi Bắc Hàn "theo con đường hòa bình".
Lãnh sự Anh quốc tại Bình Nhưỡng, Barnaby Jones, nói ông Kim Jong-un nay trực tiếp chào đón ngoại giao đoàn, chỉ dấu cho thấy có thể ông thực sự đã nắm quyền.
Thế nhưng phóng viên BBC John Sudworth có mặt tại Seoul nhận định rằng trong khi quá trình chuyển giao đã định trước theo kiểu Stalin đang diễn ra thì một câu hỏi vẫn chưa được trả lời là vị tân lãnh tụ còn trẻ tuổi nắm trong tay bao nhiêu phần quyền lực.
Ông Kim Jong-il qua đời hôm 17/12 vì bệnh tim ở tuổi 69. Báo chí Bắc Hàn nói nguyên do là ông lam việc quá sức. Lễ tang của ông sẽ được tổ chức ngày 28/12.
'Hải đăng hy vọng'
Hôm thứ Hai, ông Kim Jong-un đã chủ trì một lễ mặc niệm trang trọng, dẫn đầu dòng người đi qua linh cữu của cha ông, nằm trong một tủ kính bên trong lăng của cố Chủ tịch Kim Il-sung."Chúng tôi sẽ tận tụy bảo vệ Đại tướng Kim Jong-un, muôn lòng như một xung quanh Đại tướng."
Pak Chol-yong, quân nhân
Lee Jin-hyang, công nhân nhà máy Dệt Bình Nhưỡng, khi tới viếng ông Kim Jong-il, đã phát biểu: "Chúng tôi sẽ phấn đấu noi theo đồng chí Kim Jong-un và chúng tôi tuyên thệ điều này trước mặt đồng chí".
Một người lính, Pak Chol-yong, thì được hãng thông tấn nhà nước trích lời nói: "Chúng tôi sẽ tận tụy bảo vệ Đại tướng Kim Jong-un, muôn lòng như một xung quanh Đại tướng".
Hãng KCNA cũng đưa ra các bức hình chụp những đoàn người đang tập hợp tiếc thương ông Kim Jong-il tại các nơi công cộng ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Phóng viên của chúng tôi nói một số người đang kêu khóc trên đường phố dường như xúc động thật sự.
Rafael Wober, phóng viên hãng thông tấn Associated Press, một trong số ít phóng viên nước ngoài được phép vào Bình Nhưỡng, mô tả những gì xảy ra khi người dân nghe tin vào hôm thứ Hai:
"Tin đưa ra khiến mọi người hoàn toàn kinh ngạc. Khi bước ra hành lang, ngay lập tức tôi thấy nhân viên khách sạn kêu khóc, rồi trong quán ăn và cửa hàng dưới sảnh, người ta cũng khóc lóc thảm thiết."
Một trong những người từng trốn khỏi Bắc Hàn, nay sống tại Seoul, nhớ lại cảnh tượng tương tự xảy ra năm 1994, khi Chủ tịch Kim Il-sung qua đời, và ngỏ ý nghi ngờ những gì ông chứng kiến hiện nay.
Ông này nói: "Nhiều người không khóc được ở chốn công cộng, nên phải tự bấu vào tay để bật khóc".
Lựa chọn lãnh đạo
Thế nhưng công việc chưa được hoàn tất, và giới phân tích sợ rằng cái chết của ông Kim sẽ dẫn đến một thời kỳ bất ổn trong đất nước vốn đã bị quốc tế cô lập này.
Lo ngại lớn là ông Kim Jong-un, vốn chưa đầy 30 tuổi và chưa được nhiều người biết tới, chưa có đủ bản lĩnh chính trị để cầm quyền.
Phóng viên của chúng tôi cho rằng khả năng đáng lo ngại là sẽ có tranh giành quyền lực trong nội bộ gia đình họ Kim cũng như với các tướng lĩnh trong quân đội.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton mới đây tuyên bố Mỹ sẵn sàng giúp người dân Bắc Hàn nhằm kiến tạo an ninh lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Các nước trong khu vực cũng đang cấp tốc họp để bàn về các diễn biến có thể xảy ra sau cái chết của ông Kim Jong-il.
Nam Hàn, vốn đã ra lệnh báo động cho quân đội khi nghe tin ông mất, cũng đã gửi lời chia buồn tới người dân miền Bắc.
Khi ông Kim Il-sung qua đời năm 1994, Nam Hàn không gửi lời chia buồn, khiến quan hệ đôi bên căng thẳng một thời gian dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét