Pages

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Chính nhân và ác nhân !!!


Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 138 (01-01-2012)
        

Sự ra đi gần kề nhau (17-18/12/2011) và gây chấn động toàn cầu của hai nhân vật quốc tế là cựu Tổng thống Tiệp Vaclav Havel và đương kim Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Il đã làm cho thế giới nhớ lại rằng: từ khi chế độ Cộng sản xuất hiện trên trái đất (sau “cách mạng” Nga 1917) với kiểu cai trị cực quyền, cực gian, cực bạo chưa từng có, nó đã tạo nên nhiều nhân vật in dấu vết rất sâu đậm lên lịch sử theo hai chiều hướng: một là những tên ác nhân đồ tể giết hàng triệu đồng bào không ghê tay và đẩy toàn thể đất nước mình vào thảm họa, hai là những bậc chính nhân cứu tinh giải thoát nguyên cả một hay nhiều dân tộc đang rên siết dưới ách khủng khiếp của búa liềm và ra tay triệt hạ cái chế độ khốn nạn nhất hành tinh đó. Cuộc sống và ngôn hành của họ cũng gây ra nơi nhân loại những tình cảm hết sức sâu sắc: hoặc nguyền rủa không tiếc lời hoặc tôn vinh vô cùng long trọng. Và có thể nói đây là nét đặc trưng của lịch sử nhân loại thế kỷ 20 và 21.

Trước hết ta hãy điểm qua các nhân vật đã góp phần phê phán kịch liệt hay đã hạ đo ván chế độ Cộng sản mà đã được nhân loại tôn vinh bằng nhiều cách. Với giải Nobel như Nobel Hòa bình thì có nhà bác học Andrei Sakharov của Liên Xô năm 1975 (tên của ông sau đó được đặt cho một giải nhân quyền của Âu châu Nghị viện), tổng thống Lech Walesa của Ba Lan năm 1983, tổng bí thư Mikhail Gorbachev của Liên Xô năm 1990, nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba của Trung Quốc năm 2010; với giải Nobel Văn chương thì có nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn của Liên Xô năm 1970… Hai nhân vật có công lớn khác trong việc giải thể chế độ Cộng sản là giáo hoàng Gioan-Phaolô II của Công giáo và tổng thống Ronald Reagan của Hoa Kỳ, tuy không giật giải Nobel, nhưng cũng được nhận những vinh dự khác. Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã được Giáo hội Công giáo hoàn vũ tôn phong Chân phước (chuẩn bị lên Hiển thánh) ngày 01-05-2011. Tổng thống Ronald Reagan -nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật của ông (2011)- thì đã được dựng tượng tại Anh tháng 7, tại Ba Lan tháng 11 và tại nhiều nước Đông Âu khác như Hungary chẳng hạn. Về hai nhân vật này, chính người thợ điện từng làm chập mạch toàn bộ hệ thống Cộng sản Đông Âu là Lech Walesa đã nói với báo chí vào năm 2009, dịp kỷ niệm 20 năm Bức tường Berlin sụp đổ: “50% công lao thuộc về Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, 30% thuộc phong trào tranh đấu “Đoàn Kết” và sự hy sinh của nhân dân Ba Lan, 20% còn lại bao gồm những nguyên nhân khác: học thuyết chống lại đế chế Xô Viết của Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, tư tưởng thức thời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev, sự ủng hộ của chính phủ và công đoàn các nước dân chủ v.v…” Hôm 21-11-2011, tại buổi lễ khánh thành tượng đài Reagan ở thủ đô Ba Lan, cựu tổng thống Walesa còn khẳng định nước ông đã chẳng có tự do nếu không có vị tổng thống Hoa Kỳ này.
Về nhân vật chống cộng vừa mới từ trần ở tuổi 75 là ông Vaclav Havel -cựu Tổng thống Cộng hòa Tiệp, một trong những người khởi xướng Hiến chương 77 thời danh và tác nhân chủ chốt của cuộc Cách mạng Nhung tuyệt vời- lãnh đạo các quốc gia Âu, Mỹ và nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế khác nhau đã gửi lời phân ưu, tỏ lòng thương tiếc, cũng như tôn vinh ghi nhớ những đóng góp của ông trong việc cổ võ dân chủ, nhân quyền nói chung và trong tiến trình hòa hợp, thống nhất châu Âu nói riêng. Chẳng hạn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói Cộng hòa Tiệp đã mất đi “một trong những người con yêu nước vĩ đại… Nước Pháp đã mất một người bạn và châu Âu đã mất một trong những người khôn ngoan nhất”. Thủ tướng Anh David Cameron thì cho rằng châu Âu “nợ ông Vaclav Havel thật nhiều vì ông là người đã giúp mang tự do và dân chủ tới cho toàn châu Âu”, rằng “công lớn của ông là đã giúp người dân Tiệp thoát cảnh độc tài, bạo ngược. Hơn nữa, vũ khí mà ông đã dùng để chống bất công, bạo quyền và giúp dân mình thoát cảnh độc tài là một sự phản kháng ôn hòa chứ không phải là bom nguyên tử!” Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ghi nhận rằng chính sự đấu tranh hòa bình đó “đã làm rung chuyển nền tảng của cả một đế chế, phơi bày sự trống rỗng của một ý thức hệ hà khắc và chứng tỏ rằng sự lãnh đạo dựa trên những giá trị nhân bản còn mạnh hơn bất cứ thứ vũ khí nào”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã gọi ông Havel là “một cư dân châu Âu đích thực” và là “một người suốt cuộc đời mình luôn đấu tranh cho dân chủ và tự do”. Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki-moon đã lập tức tỏ lòng thương tiếc và gửi lời chia buồn tới gia đình và nhân dân Tiệp sau khi hay tin ông Havel qua đời. Giáo hoàng Bênêđíctô 16 của Giáo hội Công giáo thì trong thư tưởng niệm, đã ca ngợi sự dũng cảm của người lãnh đạo cuộc Cách mạng Nhung trong việc bảo vệ nhân quyền trong giai đoạn khó khăn gian khổ.
Tang lễ của con người vĩ đại này, như tang lễ của nhiều vĩ nhân khác, chẳng hạn Mẹ Têrêxa thành Calcutta hay Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, dù có hàng ngàn hàng vạn người tham dự với lòng tôn kính yêu mến sâu sắc, vẫn xảy ra trong bầu khí trầm lắng, chẳng có một sự ồn ào nào. Không ai khóc lớn, không ai than van, không ai lăn lộn, không ai kể lể. Niềm thương tiếc chân thành lắng sâu xuống tận đáy lòng của họ.
· Đang khi đó, cái chết của Kim Jong-Il, tên đồ tể của nhân dân Bắc Hàn, được toàn thể thế giới đón nhận ra sao? Ngoại trừ Cuba, Trung Quốc, Việt Nam –những nước Cộng sản còn lại– và một vài chế độ độc tài độc đảng khác, cái chết của Kim Jong-Il đã chẳng làm cho thế giới thương tiếc chia buồn hay tri ân tưởng niệm. Theo đài RFI ngày 23-12-2011, hôm 22-12 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc có dành một phút mặc niệm cố lãnh tụ Bắc Hàn do yêu cầu của phái bộ nước này. Ông Nassir Abdulaziz Al Nasser, Chủ tịch Đại hội đồng -trong sự miễn cưỡng- cho biết đây chỉ là vấn đề nghi thức và yêu cầu các đại biểu đứng lên mặc niệm. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, nói chung là tất cả các nước Liên hiệp châu Âu lập tức tẩy chay nghi thức tưởng nhớ này. Các nhà ngoại giao của mấy nước ấy nói rõ: Hội đồng Bảo an đã từ chối phút thủ tục trên, vì cho đây là một hành động không phù hợp đối với một nhân vật đã gây ra cái chết cho hàng triệu đồng bào mình. Theo ghi nhận của AFP, có chưa đến một phần ba trong số 193 quốc gia thành viên tham dự. Một nhà ngoại giao châu Á thổ lộ: phút mặc niệm này là giây phút khó chịu nhất mà ông đã phải chịu đựng. Ai đến ký vào sổ phân ưu của phái bộ Bắc Hàn đều bị quay phim, do đó một số chính khách và nhà báo đã từ chối ký hầu tránh việc hình ảnh của họ sau đó bị lợi dụng để tuyên truyền. Tưởng cũng nên nói thêm: trước đó, ngày 19-12, như thường lệ hàng năm, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết lên án tình hình nhân quyền tại Bắc Hàn, chỉ vài giờ sau khi tin tức về cái chết của Kim Jong-Il được công bố. Có đến 123/193 phiếu thuận, 51 vắng mặt, và chỉ 16 phiếu chống, trong đó có phiếu của Trung Quốc.
Ngoài ra, cái chết của Kim Jong-Il đã làm cho một số nước láng giềng lo sợ và phải đặt trong tình trạng báo động. Ngay sau khi Bắc Hàn loan tin lãnh tụ của họ mất, quân đội Nam Hàn được lệnh ứng chiến vì chính phủ nước này lo sợ nguy cơ tấn công từ Bắc Hàn. Chính phủ Nhật triệu tập ngay Hội đồng An ninh Quốc gia để đề phòng bất cứ rắc rối về quân sự nào từ Bình Nhưỡng. Hai quốc gia này cũng lập tức hội đàm với Hoa Kỳ để phối hợp hành động trong trường hợp Bắc Hàn tỏ thái độ hung hăng và liều mạng xua quân nam tiến hay phóng hỏa tiễn liên lục địa. Cũng vì sợ có những động thái khiêu khích từ Bắc Hàn sau cái chết của ông Kim, nên thay vì gửi lời chia buồn, lãnh đạo các nước như Úc, Đức, Pháp kêu gọi chính quyền Bắc Hàn kềm chế và hợp tác với cộng đồng quốc tế để cải thiện đời sống của người dân và duy trì an ninh trong khu vực.
Dĩ nhiên ai lên mạng toàn cầu hay theo dõi các phương tiện truyền thông đại chúng thì đều thấy đài truyền hình Bình Nhưỡng liên tiếp truyền cảnh dân Bắc Hàn, già trẻ lớn bé, nam cũng như nữ, khóc lãnh tụ của họ còn hơn khóc cha mẹ. Người ta gào thét, nức nở, gục xuống đất, kêu la thảm thiết, mồm méo xệch, chân dậm đất, tay đưa lên trời. Như thể đua nhau xem ai khóc to tiếng nhất, đau đớn nhất, chân thật nhất; chẳng khác chi một cơn lên đồng tập thể, một căn bệnh tâm thần lây lan cực mạnh, khó hiểu cho kẻ ngoại cuộc, người nước ngoài. Nhớ lại khi ông Hồ Chí Minh chết, dân miền Bắc cũng khóc tập thể thê thảm như thế. Tố Hữu mô tả: “Người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”. Mao Trạch Đông cũng được “vinh dự” như vậy từ dân Tàu cộng. Staline cũng không kém chi từ dân Liên Xô. Thậm chí tên tàn sát hơn 10 triệu dân Nga này còn được Tố Hữu xưng tụng qua bài thơ bất hủ và quái đản: “Ông ơi ông hỡi ông ơi! Nay Ông đã mất đất trời còn không? Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một, thương Ông thương mười”!?!
Phải nói là giữa đám dân khóc thương điên cuồng này, có nhiều người thành thật. Một là vì trong cái chế độ CS bất công chênh lệch ngút trời đó, họ đã được ân huệ dồi dào từ lãnh tụ. Hai là dù được những ân huệ nhỏ hơn (như tạm đủ ăn đủ mặc), họ vẫn cảm mến biết ơn, vì bị tuyên truyền nhồi sọ rằng đồng bào của họ ở vùng đất chưa “giải phóng” (Nam Hàn, Nam Việt, Đài Loan, Tây Đức) đang vô cùng khốn khổ. Còn đại đa số thì phải “khóc lên kẻo vong mạng” (vì các ống kính chĩa vào theo dõi hay các đôi mắt cú vọ rình mò), như dân miền Nam Việt Nam đã một thời phải “vỗ tay kẻo chết” trong các buổi học tập chính trị sau năm 1975. Đúng như nhà thơ Bùi Chí Vinh mới đây đã mô tả: “Bạo chúa phơi thây bằng hương vị tẩm thơm tho. Nhưng đằng sau cái xác khô là tiếng đời nguyền rủa.Từng đoàn người viếng thăm vờ vịt khóc như mưa. Nhưng đằng sau tiếng khóc là tiếng cười chó sủa”.
Tất cả những màn khóc thương thê thảm ấy trước cái chết của các lãnh tụ ác nhân sát tử đồng bào, từ Stalin đến Mao Trạch Đông, từ Hồ Chí Minh đến Kim Jong-Il, đều là những trò dàn dựng đáng ghê tởm, bộc lộ bộ mặt gian tà và độc ác của chế độ Cộng sản. Đó cũng là lời mời gọi nhân dân và nhân loại phải mau chóng xóa sổ cái chế độ chỉ biết lường gạt và khủng bố nhân dân này, sau khi đẩy họ vào cảnh khốn cùng đói khổ.
*Download: Ban Biên Tập TDNL (01.01.2012 số 138)
Kính gửi:
‒ Toàn thể đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
‒ Các chính phủ dân chủ, các tổ chức nhân quyền và cộng đồng thế giới tự do.
Toàn thể nhân loại đang sống trong bầu khí kỷ niệm 63 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp 1948 (cùng với hai văn kiện khai triển nó là các Công ước về quyền Dân sự, Chính trị, Kinh tế, Xã hội và Văn hóa). Đây là những tài liệu quốc tế quan trọng khẳng định rằng 5 loại quyền nói trên là biểu trưng đích thật của văn minh nhân loại hiện thời, là bổn phận cấp thiết mà các chính quyền phải thực thi và là thành tựu chủ yếu mà các quốc gia phải nỗ lực đạt cho được.
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia hai Công ước Quốc tế về Nhân quyền vào năm 1982, nhưng cho đến hôm nay, nhà cầm quyền Việt Nam, dưới sự thao túng của đảng Cộng sản, đã thực hiện các cam kết về nhân quyền ấy thế nào? Nhân ngày cuối năm 2011, Khối 8406 chúng tôi có những nhận định như sau :
1- Các quyền Dân sự bị chà đạp
- Các tín đồ đứng lên đòi lại quyền tự do tôn giáo và cơ sở Giáo hội bị vu khống, hành hung, lăng nhục (như các linh mục và giáo dân Thái Hà tháng 10-11/2011); bị bắt bớ giam cầm (như linh mục Nguyễn Văn Lý, mục sư Nguyễn Trung Tôn, 15 thanh niên Công giáo tại Nghệ An và Thanh Hóa); bị xử án rất nặng (như hai tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía và Trần Hoài Ân ngày 13-12-2011); hoặc bị tấn công (giáo xứ Mỹ Lộc, Hà Tĩnh ngày 22-11-2011); bị ném chất nổ vào nhà thờ (giáo điểm Con Cuông, Nghệ An, 30-11-2011); bị ngăn cấm cử hành lễ Giáng sinh (Hội thánh Tin lành Mennonite Mỹ Phước, Bình Dương ngày 24-12-2011).
- Nhiều công dân chỉ vì vi phạm luật đi đường mà đã bị công an cảnh sát hành hung, gây thương tích, làm vong mạng (như trường hợp ông Trịnh Xuân Tùng tại Hà Nội); nhiều công dân chỉ vì dính dáng đến một vụ hình sự mà bị gọi đến đồn để rồi phải chịu tra tấn đến chết dưới bàn tay các điều tra viên (như trường hợp anh Nguyễn Công Nhựt tại Bình Dương). Cho đến nay, các vụ việc này vẫn chưa được đưa ra ánh sáng và xét xử thích hợp.
- Nhiều phiên tòa, đặc biệt các phiên tòa chính trị, đã được tiến hành trong sự vi phạm các thủ tục pháp lý, như bịt miệng bị cáo, chặn lời luật sư, không trưng dẫn bằng chứng theo yêu cầu, chẳng cho thân nhân, báo chí, quần chúng tham dự (thậm chí còn hành hung những ai muốn đến chứng kiến), quy chụp tội danh cách bất công và tuyên những bản án nặng nề (như tại phiên tòa phúc thẩm xử luật gia Cù Huy Hà Vũ ngày 02-08-2011 và phiên tòa sơ thẩm xử hai tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía và Trần Hoài Ân ngày 13-12-2011).
- Nhiều công dân bị bắt công khai tại gia đình hay bí mật trên đường phố nhưng không hề có lệnh của viện kiểm sát, không thông báo cho thân nhân về ngày giờ, nơi chốn và lý do giam giữ, không cho gặp luật sư và gia đình trong thời gian thẩm vấn theo như luật định (như trường hợp cô Tạ Phong Tần và 15 thanh niên Công giáo tại Nghệ An và Thanh Hóa)
2- Các quyền Chính trị bị tước bỏ.
Các nhà đối kháng dân chủ tiếp tục bị hăm dọa, sách nhiễu, tống ngục chỉ vì dám lên tiếng phê phán những sai lầm và tố cáo những tội ác của nhà cầm quyền Cộng sản. Điển hình là nhà báo tự do Nguyễn Hoàng Hải (tiếp tục bị giam sau khi mãn án tù và nay biệt vô âm tín), giáo sư hồi hương Phạm Minh Hoàng (bị án 3 năm, vừa mới được giảm), luật gia dân chủ Cù Huy Hà Vũ (phúc thẩm y án 7 năm tù), nhà báo tự do Tạ Phong Tần (bị bắt cóc tháng 9-2011), chiến sĩ dân oan Hồ Thị Bích Khương (bị giam tù lần 2 từ ngày 15-01 và xử ngày 29-12-2011), nhà văn dân chủ Huỳnh Ngọc Tuấn cùng với hai người con là Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu (bị soát nhà, cướp của, phạt tiền, hăm dọa, quản chế từ 08-11-2011).
Các công dân yêu nước xuống đường để phản đối Tàu cộng xâm lược Tổ quốc nhiều mặt qua 11 cuộc biểu tình kể từ tháng 6-2011, hoặc để ủng hộ việc ra luật biểu tình (ngày 27-11-2011), thì bị vu khống, đấm đá (như anh Nguyễn Chí Đức), hăm dọa, đuổi học đuổi việc (như anh Nguyễn Văn Phương), tước tài sản, lăng nhục (đưa về “Trại phục hồi nhân phẩm”, như anh Bùi Thanh Hiếu). Có trường hợp bị phá gia cư, đưa vào nhà tù trá hình “cơ sở giáo dục” (như chị Bùi Thị Minh Hằng từ ngày 27-11-2011).
Ý kiến của các công dân thiện chí bày tỏ trong các kiến nghị, tâm thư, kháng thư, trên các trang web, blog về việc sửa đổi Hiến pháp hay về chính sách đối ngoại, đặc biệt với Tàu cộng xâm lược, đều bị nhà cầm quyền bỏ ngoài tai. Nhiều người ghi tên vào các kiến nghị bị hăm họa, bó buộc rút lại chữ ký (chẳng hạn các kiến nghị của nhóm trí thức Bauxite VN).
3- Các quyền Kinh tế bị thao túng
Hơn 20 tập đoàn hay đại công ty (tức doanh nghiệp nhà nước) bao trùm toàn bộ nền kinh tế đất nước hiện nay đều nằm trong tay đảng và nhà cầm quyền Cộng sản, cụ thể là nằm trong tay thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng. Những “quả đấm thép” tự gọi này đang đấm vào quyền kinh doanh của nhân dân và nền kinh tế của đất nước do việc nắm trong tay phần lớn tài nguyên quốc gia, tiền thuế dân chúng (80% lượng vốn xã hội), tung hoành thao túng thị trường, nhưng lại làm ăn tắc trách, gian dối, tham nhũng, dẫn đến thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ đồng (như các công ty tàu thủy Vinashin, công ty điện lực EVN…), kéo theo sự giảm giá đồng bạc, tăng giá sinh hoạt, chồng chất nợ nần quốc tế. Báo Sài Gòn Tiếp Thị cho biết: hiện nay Việt Nam vay nợ của 25 đối tác song phương và 9 đối tác đa phương, gồm cả Algeria, Iraq, Kuwait, Trung Quốc, Đài Loan… Trong đó chủ nợ lớn nhất là Nhật Bản với 9.5 tỉ Mỹ kim, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) 6.9 tỉ Mk, Ngân hàng Phát triển Á châu ADB 4.1 tỉ Mk, Pháp 1.1 tỉ Mk, Nga 568 triệu Mk… Riêng trong năm 2011 này, số lãi và phí Việt Nam phải trả nợ nước ngoài là 522 triệu Mk, và đến năm 2015 là 423 triệu Mk. Tất cả đều gây điêu đứng cho cuộc sống của toàn dân, dẫn đất nước đến bờ thảm họa kinh tế và khiến quốc gia càng thêm lệ thuộc những nước ngoài dồi dào tài chánh (nhất là Tàu cộng xâm lược).
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến tháng 9-2011, có gần 49.000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng cửa; trong đó, phá sản, giải thể là 5.800 doanh nghiệp.
4- Các quyền Xã hội bị khinh khi
- Giới nông dân ngoài việc tiếp tục bị tước quyền sở hữu ruộng đất, còn bị nhà cầm quyền trung ương bỏ rơi do việc thiếu chính sách nông nghiệp thích đáng, thiếu kiểm soát các hiệp hội, công ty lương thực bóc lột (x. Huỳnh Kim Hải, “Thư của một nông dân gởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” ngày 27-11-2011), không thực tình ngăn chận, thậm chí để mặc cán bộ địa phương trưng thu đất đai cách bất công. Những ai đứng lên phản đối, đòi lại quyền lợi cho nông dân thì bị đàn áp, giam cầm (như tại Bến Tre với phiên tòa ngày 30-05-2011 xử các công dân vô tội Dương Kim Khải, Trần Thị Thúy, Phạm Ngọc Hoa, Phạm Văn Thông, Nguyễn Thành Tâm, Chí Thành, Cao Văn Tỉnh).
- Giới công nhân ngoài việc tiếp tục bị tước quyền đình công, còn bị nhà cầm quyền bỏ mặc do việc thiếu chính sách lao động đúng đắn, thiếu kiểm soát các công ty xí nghiệp (nhất là của nước ngoài) bóc lột sức lao động và đàn áp người lao động, khiến cho họ phải đứng lên (cụ thể là cuộc đình công tại công ty Pou Yuen -Tân Tạo, Bình Tân, Sài Gòn- với hơn 65.000 lao động các ngày 21-23/06/2011 và tại Công ty Giai Đức -khu chế xuất Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội- cũng ngày 23-06-2011 với hàng trăm công nhân, trong đó có 1 bị giết và 6 bị thương). Các công đoàn do nhà nước thiết lập và điều khiển hoàn toàn đứng về phía những kẻ bóc lột, thậm chí tiếp tay nhà nước đàn áp công nhân. Những ai cất lời đòi cho công nhân được trả lương xứng đáng, được hưởng những quyền lao động hợp nhân phẩm cũng bị sách nhiễu, hành hung, tống ngục (như ba thủ lãnh công nhân trẻ Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh bị xử tòa ngày 26-10-2010 tại Trà Vinh với những bản án nặng nề).
- Nền y tế ngày càng trở nên tồi tệ với các thảm trạng: bệnh viện không đủ chỗ, y sĩ vừa thiếu nhân sự, thiếu tài năng, vừa thiếu cả y đức; viện phí và dược phí thì cao tận trời còn sự phục vụ thì thấp sát đất; người nghèo vào bệnh viện chỉ có nước đau thêm hoặc vong mạng.
- Quyền an ninh môi trường của người dân ngày càng bị đe dọa do việc xây các nhà máy thủy điện tràn lan dọc miền Trung mà thiếu kiểm soát và phối hợp, khiến lũ lụt ngày càng tác hại nặng nề trên người và của; do việc khai thác bauxite cách cẩu thả và vô trách nhiệm, khiến hóa chất và bùn đỏ độc hại tràn ra ruộng vườn nhân dân (sự cố ngày 22-09-2011 tại Tân Rai); nhất là do quyết định đưa ra bởi thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10-2011 về việc xây nhà máy điện nguyên tử tại Ninh Thuận bất chấp các điều kiện hết sức bất thuận lợi. Ngư dân đánh bắt tiếp tục gặp đủ nguy hiểm từ tàu bè Trung cộng, còn nông dân nuôi trồng tiếp tục vấp đủ âm mưu từ thương lái Trung cộng.
5- Các quyền Văn hóa bị xem nhẹ
Điển hình là sự sa sút của nền giáo dục. Một nền giáo dục vừa thiếu trường sở, vừa thiếu giáo viên, vừa thiếu những điều kiện thuận lợi (vô số phòng học chưa được bê-tông hóa, như tại Mèo Vạc, Hà Giang; nhiều nơi học sinh phải đu dây qua sông hay bơi lội qua suối để đến trường, như tại Minh Hóa, Quảng Bình). Một nền giáo dục đầy những tệ nạn như điểm giả, bằng dổm, học phí cao, phụ phí đủ loại, dạy thêm giờ để thâu thêm tiền, khiến 1.200.000 học sinh bỏ học (từ 2008-2011, thống kê của UNESCO). Một nền giáo dục chỉ đẩy học sinh sinh viên vào thói gian dối, bạo hành, vô cảm (nhiều video clip “học sinh đánh nhau” đã tung lên mạng), thậm chí đến chỗ bán thân vì quá đói khát thiếu thốn (Báo cáo tháng 11-2011 của Trưởng phòng Phòng ngừa và đấu tranh chống tệ đoan xã hội, Bộ Công an). Quan trọng nhất, đó là một nền giáo dục không chủ trương huấn luyện nên những công dân tự do và trưởng thành cho xã hội nhưng nắn đúc nên những thần dân nô lệ và mù quáng vâng lời đảng và nhà nước. Điều này ảnh hưởng rất tai hại trên tương lai của Đất nước và Dân tộc.
Đang khi đó thì văn hóa Trung Quốc đang tác động cách tiêu cực lên tâm trí người dân qua phim ảnh Tàu, khiến học sinh sinh viên thuộc sử Tàu hơn sử Việt, theo văn hóa Tàu hơn văn hóa Việt; nhất là qua việc thiết lập các học viện Khổng Tử theo xu hướng nguy hiểm: thượng tôn uy lực của nước lớn (cụ thể là Tàu cộng) và của nhà cầm quyền.
Với những nhận định trên, Khối 8406 chúng tôi thấy rằng chủ nghĩa cộng sản vô thần duy vật đầu độc tâm trí con người phải bị phế bỏ, chế độ cộng sản phi nhân chuyên chế tàn hại xã hội phải bị giải thể và chính đảng cộng sản độc tài toàn trị phản dân hại nước phải trả lại mọi quyền cho nhân dân để nhân dân tự bầu chọn ra một chính đảng khác đủ đức đủ tài điều hành đất nước.
Làm tại VN ngày 31 tháng 12 năm 2011
Ban Đại diện lâm thời Khối 8406.
1. Kỹ sư Đỗ Nam Hải – 441 Nguyễn Kiệm, P. 9, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn, VN.
2. Linh mục Phan Văn Lợi – 16/46 Trần Phú, Thành phố Huế, VN.
3. Giáo sư Nguyễn Chính Kết – Đại diện Khối 8406 tại hải ngoại.
Với sự hiệp thông của Linh mục Nguyễn Văn Lý, cựu quân nhân Trần Anh Kim, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và nhiều tù nhân chính trị, tôn giáo khác đang ở trong lao tù cộng sản.

Không có nhận xét nào: