Pages

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Khám phá tổng hành dinh pha chế dầu ‘dởm’

Thêm 2 vụ cháy xe, 1 người hấp hối

VIỆT NAM (NV) - Rạng sáng ngày 11 Tháng Giêng, thêm hai vụ cháy xe xảy ra tại Sài Gòn và Hà Nội làm một tài xế bị phỏng nặng.

Các bồn chứa dầu dởm tại quận 7. (Hình: Báo Thanh Niên)

Báo Tuổi Trẻ cho biết vụ cháy xe đầu tiên xảy ra trước một trạm xăng ở phường Thạnh Lộc, quận 12, Sài Gòn. Ðây là chiếc xe taxi còn khá mới của hãng Vinashin đậu trước trạm xăng.
Chiếc xe phựt cháy từ đàng sau khoảng 3 giờ sáng ngày 11 Tháng Giêng trong lúc tài xế Phan Ðức Hòa 32 tuổi, cư dân quận 12 ngủ mê như chết. Vì ông Hòa khóa chặt cửa xe lại ngủ say nên không nghe tiếng đập cửa người đi đường khi trông thấy xe phựt cháy. Người dân phải phá cửa kính, lôi ông Hòa ra khỏi xe đưa đến bệnh viện cứu cấp.
Theo các bác sĩ bệnh viện thì ông này bị phỏng đến 80%, sợ khó thoát khỏi tay tử thần.
Một nhân chứng cho biết ông Hòa thường xuyên lái xe đến đậu trước trạm xăng để nghỉ qua đêm vì đây là nơi khá an toàn.

Trước đó khoảng 1 giờ sáng cùng ngày, chiếc xe khách 24 chỗ đang đậu trước một căn nhà ở huyện Mỹ Ðức, Hà Nội thình lình bốc cháy dữ dội. Chiếc xe bị thiêu rụi hoàn toàn. Riêng trong vụ này, chủ nhân là ông Nguyễn Văn Kiên nghi xe bị người lạ mặt đốt cháy vì lý do cạnh tranh.

*14 trạm xăng bán xăng “dởm” bị thu hồi giấy phép

Mật độ các vụ cháy xe hơi và xe gắn máy ngày càng dầy vừa qua đã làm bùng lên nỗi sợ hãi khắp mọi nhà.
Việt Nam có đến hàng triệu chiếc xe gắn máy len lỏi khắp mọi ngõ ngách, phố phường hiện được coi là những quả bom nổ chậm.

Ðộng tác pha chế xăng dởm chỉ mất 20 phút. (Hình: Báo Thanh Niên)

Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam đã lên tiếng nhận trách nhiệm và một số đơn vị trực thuộc chính phủ Việt Nam như Bộ Khoa Học-Công Nghệ, Tổng Cục Ðo Lường-Chất Lượng, trường Ðại Học Bách Khoa... đã mở các cuộc nghiên cứu để thẩm định nguyên nhân gây ra hàng trăm vụ cháy nổ xe trong vòng một năm qua, làm ít nhất 3 người chết.
Mới đây, chính quyền Sài Gòn đã thu hồi giấy phép ba trạm bán xăng “dởm” cho khách hàng tại huyện Bình Chánh và quận Tân Bình, nâng tổng cộng 6 trạm xăng bị thu hồi giấy phép. Trước đó, chính quyền Hà Nội cũng đã đóng cửa 11 trạm xăng bán xăng không đạt phẩm chất.

*Khám phá trạm pha chế xăng dầu “dởm” khổng lồ ở quận 7

Trong khi các bộ cục chính quyền kể cả Bộ Công An Việt Nam “hăm hở vào cuộc” để tìm cho ra nguyên nhân gây cháy nổ xăng, báo Thanh Niên vừa tung ra nhiều bài báo khám phá một tổ chức tái chế, biến dầu DO thành dầu “dởm”.
Tổng hành dinh của tổ chức pha chế dầu “dởm” đặt tại một khu vực rộng hàng chục ngàn thước vuông ở quận 7, Sài Gòn, tấp nập xe bồn ra vào. Ðịa điểm này nằm cạnh một con kênh, có tường xây cao 3m gắn sắt nhọn để có thể “hoạt động bí mật” ngày đêm.
Báo Thanh Niên cho biết, bên trong bãi đất trống này là một “nhà máy pha chế xăng dầu khổng lồ” với khoảng mười bồn chứa, mỗi bồn cao 2m và dài 10m nằm cạnh nhau. Họ có một máy nổ có ống khói nối ra ngoài.
Một qui trình tái chế dầu khép kín tại đây đón đoàn xe bồn vài chục chiếc ra-vào không ngừng nghỉ. Thời gian đến rồi đi của mỗi chiếc xe bồn không quá nửa tiếng.
Các nhân chứng cho biết, mỗi một chiếc xe bồn chứa đầy dầu DO từ tổng kho xăng dầu chạy đến, xả vào bồn chứa. Một số nhân viên của tổ chức này ngồi trên nóc bồn, liên tiếp đổ hóa chất pha trộn rồi bắt đầu công đoạn nấu dầu...
Việc pha chế này diễn ra trong khoảng vài tiếng đồng hồ. Sau đó thì dầu “dởm thành phẩm” được bơm trở lại vào các xe bồn. Từ đó, hàng chục xe bồn ban nãy tỏa đi khắp mọi hướng để giao hàng cho các trạm xăng bán lẻ hoặc cho các xí nghiệp, nhà máy...
Báo Thanh Niên cũng cho hay, tổ chức này dùng cả nhớt phế thải của tàu biển để nấu thành dầu DO “dởm” rồi pha dầu dởm này với một ít dầu “xịn” trước khi pha với nước, cho thêm phẩm màu. Ước tính dung tích của mỗi chiếc xe bồn là 16,000 lít thì tổ chức này đã thu được một lợi nhuận khổng lồ.
Ðối với xăng, giới chủ xe bồn cũng áp dụng một phương pháp tương tự nhưng đỡ phức tạp hơn. Họ chỉ cần “rút ruột” bằng cách xả xăng tốt ra rồi pha vào các loại hóa chất, thành loại xăng “dởm” không ai biết.
Bài tường thuật của báo Thanh Niên nói rằng xăng từ xe bồn ngừng ở trạm được xả vào 8 thùng nhựa loại 50l/thùng. Và rồi tại đây, một người khác bơm trở vào bồn xăng xe một loại chất lỏng tương đương với dung tích xăng đã xả ra, mà người ta nghi là cồn hoặc methanol.
Báo Thanh Niên khẳng định rằng công đoạn pha chế này chỉ mất tối đa 20 phút.
Các nhân viên xe bồn còn áp dụng nhiều độc chiêu khác từ việc móc nối với nhân viên trạm xăng trộn xăng “dởm” nhiều vào bồn chứa xăng “dởm” ít và xăng “sạch” ở trạm để biến thành một loại xăng “vàng thau lẫn lộn” không thể nào truy cứu “trách nhiệm thuộc về ai”. Họ còn phá niêm chì cũ, thay niêm chì mới mua ở khu dân sinh, đường Ký Con, quận 1, Sài Gòn.
Trong nhiều trường hợp, xe chưa kịp thay niêm chì đã bị phá vẫn “vô tư” giao hàng với sự thông đồng của nhân viên kiểm hóa ở trạm xăng.
Báo Thanh Niên cũng cho rằng với chiêu độc này, mỗi ngày một tài xế xe bồn có thể bỏ túi khoảng 400 đô la. Còn các chủ trạm xăng thì lời gấp ba lần, một khoản siêu lợi nhuận khó lòng từ chối.

Một dung dịch màu trắng được pha vào bồn chứa xăng thay cho lượng xăng đã bị rút ruột. (Hình: Báo Thanh Niên)

Mới đây, ông Vương Ðình Dung, tổng giám đốc công ty xăng dầu Petec xác nhận rằng methanol được pha vào xăng làm hở và hỏng cao su ở các máy xe. Ngày 31 Tháng Mười Hai, một kết quả kiểm nghiệm cho thấy mẫu xăng của trạm Mai Dịch, đại lý lớn nhất của Petec chứa đến 15.8% methanol đến trong khi xăng lấy từ bồn chính chỉ có 1%.
Ông Dung cũng xác nhận đây không phải lần đầu tiên khám phá hành vi gian dối của các ông chủ và nhân viên trạm xăng móc ngoặc với tài xế xe bồn.
Dư luận cho rằng định chế kinh doanh độc quyền của ngành xăng dầu Việt Nam cũng như nạn tham nhũng hoành hành khiến tất cả hành vi kinh doanh trái phép nói trên ngày càng lộng hành.
Ðồng thời, chiều ngày 10 Tháng Giêng, ông Vương Thái Dũng, phó tổng giám đốc tổ hợp xăng dầu Việt Nam Petrolimex cũng xác nhận việc “rút ruột” xăng dầu là có thật. Tuy nhiên, cuối cùng thì không ai đưa ra được biện pháp ngăn chặn tình trạng làm ăn gian dối này để ban đầu an toàn cho người dân. (P.L.)

Không có nhận xét nào: