Pages

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Mỹ điều thêm hàng không mẫu hạm thứ hai đến gần vùng Vịnh

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ.
wikipedia
Đức Tâm

Ngày hôm qua, 11/01/2012, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định là hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đã tới vùng biển trong phạm vi hoạt động của Hạm đội V bao gồm Hồng Hải, biển Oman, vùng Vịnh.
Lầu Năm Góc cho biết, hàng không mẫu hạm Carl Vinson chuyên chở gần 80 máy bay và trực thăng, được hộ tống bởi một tàu tuần duyên và một khu trục hạm, đã tới nơi đây vào hôm thứ Hai, 09/01, nhằm hỗ trợ các hoạt động của Liên quân tại Afghanistan. Tuy nhiên, hàng không mẫu hạm này chưa có mặt tại vùng Vịnh và do vậy, chưa đi qua eo biển Ormuz.
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, thì hàng không mẫu hạm Carl Vinson sẽ thay thế cho tàu USS John Stennis, đang hoạt động trong khu vực và việc triển khai tàu Carl Vinson là hoạt động thông thường, đã được lên kế hoạch từ lâu.

Washington còn nhấn mạnh thêm là việc có hai hàng không mẫu hạm Mỹ trong khu vực không có gì là đặc biệt và không liên quan đến vấn đề Iran.
Từ nhiều ngày qua, tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng, sau khi chính quyền Teheran đe dọa là nếu các tàu chiến Mỹ trở lại vùng Vịnh thì hải quân Iran sẽ tấn công và sẽ phong tỏa eo biển Ormuz, nơi có hơn một phần ba lượng dầu lửa thế giới được chuyên chở qua.
Mặc dù Washington từ chối thừa nhận tăng cường các phương tiện quân sự đến vùng Vịnh, nhưng hàng không mẫu hạm thứ ba của Mỹ, tàu Abraham Lincoln, đang từ Ấn Độ Dương, tới khu vực này trong những ngày tới.
Theo giới chuyên gia quân sự, để hỗ trợ cho các hoạt động quân sự tại Afghanistan, từ vài năm qua, Hoa Kỳ áp dụng công thức « 1,7 », tức là tính trung bình trong cả năm, sẽ có 1,7 hàng không mẫu hạm Mỹ hiện diện ở Hồng Hải, biển Oman và vùng Vịnh.
Mặt khác, trước những lời đe dọa của Iran tiến hành phong tỏa eo biển Ormuz bị nếu bị cấm vận dầu lửa, chính quyền Mỹ cảnh báo không khoan dung cho mọi hành động ngăn cản giao thông ở eo biển Ormuz.
Nhằm gia tăng áp lực buộc chính quyền Teheran từ bỏ chương trình hạt nhân, bị nghi ngờ có mục đích chế tạo vũ khí nguyên tử, Hoa Kỳ và châu Âu đang chuẩn bị cấm vận dầu lửa Iran. Nga đã tuyên bố chống lại biện pháp này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner, trong chuyến công du Bắc Kinh vừa qua, cũng không thuyết phục được Trung Quốc. Riêng Nhật Bản, ngày hôm nay, cho biết sẽ nhanh chóng từng bước giảm dần tỷ lệ nhập khẩu dầu lửa từ Iran.

Không có nhận xét nào: