Pages

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

TẬN CÙNG CỦA BẾ TẮC TRONG CÁI BẾ TẮC CỦA KIẾP NGƯỜI

Những ngày cuối năm 2011 cả thế giới phải đứng tim trước cái chết của Kim Jong Il ( Kim Chính Nhật, 1942 – 2011 ). Đơn giản là vào lúc này kinh nghiệm xương máu cho biết Triều Tiên dám nổi máu Chí Phèo gây chiến loạn xạ lắm. Chính phủ Hàn Quốc còn sợ tới độ cấm thắp đèn Noel ở khu vực biên giới để tránh đi một cái cớ cho Triều Tiên làm ẩu.

Kim Jong Il “giáng thế” một cách linh thiêng ngày 16.2.1942 trên đỉnh núi Peaktu. Chim muông hót vang rừng núi, một cầu vòng 7 màu sặc sỡ và một ngôi sao sáng chói lần đầu tiên hiện ra. Năm đó cả nước trúng mùa, dân chúng no nê hạnh phúc. Nếu thay chim muông bằng thiên thần, cầu vồng bằng ba nhà chiêm tinh phương Đông, ngôi sao cứ tạm để nguyên đó, thì cuộc “giáng thế” của Kim Jong Il gọi là “giáng sinh” cũng được. ( Bên trái: chân dung Kim Jong Il ).

Được 3 tuần ông đã biết đi, 8 tuần đã biết nói. Khi đi học trung học ở Pyongyang, ông đã giảng bài lịch sử cho các giáo viên vì họ còn u mê. Ông đâu thua gì Chúa Giêsu khi lên 12 tuổi đã vào đền thờ giải thích Kinh Thánh cho các thầy thông thái. Sức mạnh tư tưởng của Kim Jong Il có thể thay đổi được thời tiết như Chúa Giêsu quát mắng bão táp.

Chúa Giêsu chết thì bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai, đất rung đá vỡ, động đất. Viên đại đội trưởng phải nói: “Ông này là Con Thiên Chúa.” ( x. Mt 27, 51 – 54 ). Kim Jong Il có chịu thua kém đâu. Bão tuyết đã nổi lên khi Kim Jong Il qua đời và lớp băng đóng trên mặt hồ núi lửa Chon gần núi Paektu, nơi ông sinh ra, đã vỡ tan. Người ta thấy một dòng chữ sáng chói khắc trên đá núi: “Núi Paektu, ngọn núi thiêng liêng của cách mạng. Kim Jong Il”. Dòng chữ này hiển hiện suốt cả ngày, cho tới tận hoàng hôn. Một con sếu Mãn Châu cũng đứng lặng buồn dưới chân tượng Kim Il Sung ở thành phố Hamhung. Giới chức Bắc Hàn bình luận: “Thậm chí cả loài chim chóc cũng khóc thương Kim Jong Il, con của thánh thần”.


Mặc cho trong 17 năm ông nắm quyền, Triều Tiên đã có 2 triệu người đã chết đói, ngay trong lúc này các cơ quan cứu trợ Liên Hiệp Quốc ước tính có 6 triệu người sắp chết đói, lợi tức đầu người Triều Tiên chỉ bằng 1/50 so với Hàn Quốc nơi mà lúc nào Kim Jong Il cũng hăm he muốn giải phóng, sau khi nghe tin ông chết nhân dân cả nước Triều Tiên đổ xô ra đường vật vã than khóc như một đám người mất trí. Ngay đến mấy con chim bồ câu cũng phải thẫn thờ đậu trên cành không thèm đi kiếm ăn nữa.

Họ khóc như vậy là phải, vì đây là tận cùng của bế tắc trong cái bế tắc của kiếp người.

Kim Jong Il đứng thứ nhất trong số 124 người nổi tiếng nhất thế giới đã chết trong năm 2011 theo xếp hạng của đài truyền hình Mỹ ABC.


Tổng thống Tiệp Vaclav Havel, người đã xóa bỏ chế độ Cộng Sản tại Tiệp Khắc vào năm 1989 được xếp thứ 2. Bà Svetlana Alliluyeva, con gái duy nhất của Joseph Stalin, đã bỏ lại phía sau thiên đàng Cộng Sản để đào thoát qua Mỹ từ năm 1967, xếp thứ 8. Moammar Gadhafi xếp thứ 23. Steve Jobs, nhà phát minh ra máy tính Apple, xếp thứ 26. Tất cả họ đều có một mẫu số chung là cực kỳ thành công trong đời, trong hàng triệu người mới có được một người như họ. Nhưng tất cả đều không tránh khỏi cái tận cùng của bế tắc trong cái bế tắc của kiếp người.

Người ta vẫn có thể cho Kim Jong Il “sống mãi” trong sự nghiệp cách mạng nhưng chắc chắn không dám cho ông “sống lại” như Chúa Giêsu, nên đành phải mời nhóm chuyên gia thuộc Trung Tâm Công Nghệ Y Sinh Moscow tới Triều Tiên tham gia ướp xác Chủ tịch Kim Jong Il.


Vì nếu ông “sống lại” được như Chúa Giêsu thì ông cũng phải có khả năng làm cho mọi người khác sống lại như Chúa Giêsu đã hứa: “Chính Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết.” ( Ga 11, 25 – 26 ).

Người ta có dám đi tới tận cùng của lố bịch trong các huyền thoại lố lăng về Kim Jong Il bằng cách cho ông “sống lại” không ? ( Bên phải: chân dung Kim Jong Un ).

Những người tin vào Chúa Giêsu không phải đi vào cái tận cùng bế tắc đó. Đơn giản vì Người đã sống lại. Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Kitô cũng đã không trỗi dậy. Mà “nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” ( 1 Cr 15, 16 – 19 ).

Khi tin như thế, Đức Tin giúp chúng ta hiệp thông được với những người bây giờ phải khóc lóc trong một vở bi hài kịch vĩ đại nhất trên thế giới, những người đã bị ba thế hệ ông-cha-con nhà Kim ( Kim IL Sung, Kim Jong Il, Kim Jong Un ) đạp lên đầu lên cổ, bỏ mặc cho chết đói để duy trì triều đại Kim, dù họ có thể không bao giờ được nghe về Tin Mừng của Chúa Kitô.

Họ và chúng ta không phải ở trong cái tận cùng của bế tắc trong cái bế tắc của kiếp người.

NGUYỄN TRUNG, 1.2012

Theo Ephata 491

Không có nhận xét nào: