Pages

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

ASEAN thúc đẩy việc hủy bỏ các biện pháp chế tài Miến Điện

Các nhà lãnh đạo ASEAN tuyên bố cộng đồng quốc tế nên thu hồi các biện pháp chế kinh tế Miến Điện. Từ Phnom Penh, nơi các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đang hội họp, thông tín viên Irwin Loy của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật sau đây.
Irwin Loy | Phnom Penh


Hội nghị thượng đỉnh ASEAN trong tuần này là cơ hội đầu tiên để các nhà lãnh đạo khu vực thảo luận về những diễn tiến chính trị ở Miến Điện sau cuộc bầu cử bổ túc hôm Chủ nhật.

Tổ chức khu vực gồm 10 quốc gia hội viên này đã phái quan sát viên đến theo dõi cuộc đầu phiếu. ASEAN chưa công bố nhận định chính thức về kết quả cuộc bầu cử, nhưng các chính khách tiếng tăm trong khu vực đã đưa ra những nhận xét rất phần khởi.


Ngoại trưởng Indonesia Marty Natelagawa cho biết khối ASEAN tin rằng nên thu hồi các biện pháp chế tài kinh tế đã được áp dụng trong nhiều năm qua đối với Miến Điện.

Ông Netalegawa nói: "Nếu không là bây giờ thì khi nào? Đó chính là câu hỏi cần đặt ra. Trong một thời gian khá lâu, chế tài một công cụ để chứng tỏ sự phản đối. Một công cụ để tìm cách ảnh hưởng tới các sự kiện. Các sự kiện đang thay đổi và gắn kết hai yếu tố này với nhau là một việc rất quan trọng."

Ông Netalegawa nói rằng có một điều quan trọng là cộng đồng quốc tế gởi đi một tín hiệu tích cực để thúc đẩy cho quá trình dân chủ hóa ở Miến Điện.

Ông Netalegawa nói tiếp: "Chúng ta cần có được những lợi ích của dân chủ ở Miến Điện. Nhiều sự việc đang diễn ra. Cộng đồng quốc tế cần phải tạo ra một cảm nhận của sự không thể tránh khỏi, một cảm nhận của sự không thể đảo ngược. Tôi nghĩ rằng việc thu hồi các biện pháp chế tài này sẽ đánh đi một tín hiệu rất mạnh mẽ là tình hình đang thay đổi. ASEAN đã không ngớt kêu gọi hủy bỏ các biện pháp chế tài. Nhưng bây giờ là lúc cần làm như vậy hơn bao giờ hết. Việc này rất hợp thời."

Miến Điện đã nhận được sự tán thưởng dè dặt từ Liên hiệp quốc và các nước Tây phương về những sự cải cách quan trọng trong năm vừa qua, trong đó có việc trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị, nới lỏng sự hạn chế đối với giới truyền thông và tổ chức cuộc bầu cử bổ túc hôm Chủ nhật. Tuy nhiên, hiện chưa rõ mức độ mà các nhà lãnh đạo từng phục vụ quân đội Miến Điện muốn tiến tới trong việc nới rộng các quyền tự do và trao trả quyền hành cho người dân.

Các tổ chức nhân quyền nói rằng những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đặc biệt là trong lúc xảy ra nhiều cuộc xung đột vũ trang tại các khu vực của người sắc tộc thiểu số, tiếp tục là một vấn đề gây nhiều lo ngại.

Tuy nhiên, đối với các nhà lãnh đạo ASEAN thì những biện pháp cải cách ở Miến Điện là một diễn tiến rất đáng hoan nghênh vì nó mang lại cho khối ASEAN một cơ hội để trình bày với thế giới một khuôn mặt tươi đẹp hơn cho một trong những nước hội viên bị chỉ trích nhiều nhất.

Về việc này, một nhà quan sát tình hình Miến Điện, ông Larry Jagan, cho biết như sau.

Ông Jagan nói: "Tôi nghĩ rằng có một điều rất đáng chú ý là các nhà lãnh đạo và các vị ngoại trưởng của ASEAN đã cảm thấy rất hả hê trước kết quả cuộc bầu cử Miến Điện. Nhiều người trong số này nói rằng “Chúng tôi đã thật sự thúc đẩy Miến Điện tiến tới dân chủ.” Họ cho rằng họ là người có công đối với những sự thay đổi đang diễn ra và sự thành công của cuộc bầu cử bổ túc. Tôi nghĩ rằng, với một mức độ nào đó, Miến Điện trước đây là một yếu tố gây xấu hổ cho ASEAN nhưng bây giờ Miến Điện là một sự thành công sáng chói. Vì vậy tôi nghĩ rằng đây là một tin rất tốt cho ASEAN và cho hầu hết các nước trong khu vực."

Tại cuộc hội nghị thượng đỉnh sẽ kết thúc vào ngày mai, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đang thảo luận về những mối căng thẳng vì vụ tranh chấp Biển Đông và về những biện pháp để tăng cường sự hợp nhất kinh tế.

Không có nhận xét nào: