Tương Lai
Những người nông dân “đòn gánh tre chín rạn hai vai” (Nguyễn Du), mà phải bỏ việc đồng áng kéo nhau lên Trung ương, tụ tập cả ngàn người trước cổng Thanh tra Chính phủ tại Hà Nội, thì cũng là chuyển chẳng đặng đừng. Nông dân phải rời làng quê kéo lên Hà Nội, vì họ tin, gần Trung ương tức là “gần mặt trời”, chắc là những bức xúc kéo dài của họ sẽ được giải quyết.
Thì chính ông Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sau “sự kiện Tiên Lãng”, số lượt người đi khiếu nại tăng tới 50%, chủ yếu là các vụ khiếu kiện liên quan tới đất đai với tính chất rất phức tạp, gay gắt. Số lượt người khiếu nại tố cáo tăng 50% so với tháng 2, số đoàn đông người tăng 30%.
Trong số này chủ yếu vẫn là các vụ khiếu kiện liên quan tới đất đai với tính chất rất phức tạp, gay gắt. Mà việc khiếu nại tố cáo tăng đột biến không phải do nhất thời mà kéo dài từ nhiều năm. “Một số địa phương chưa tập trung giải quyết tới nơi tới chốn, còn né tránh đùn đẩy nên người dân bức xúc. Một số trường hợp còn kết luận không chính xác nên dân không đồng tình”. Liên quan tới vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, sáng 5/4, ông Tổng thanh tra Chính phủ chỉ rõ: “chính quyền địa phương sai nhiều vấn đề từ quản lý, sử dụng tới thu hồi đất, hậu quả dẫn tới vụ án hình sự”. (theo Dân Việt).Theo báo “Nông thôn Ngày nay” nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu từng nhận xét: “Vừa qua, một số nơi thu hồi đất của nông dân giá rất rẻ, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng, cho doanh nghiệp chia lô, bán nền là giá tăng gấp 10- 15 lần. Chính sách như vậy sẽ làm giàu cho một số người mà làm nghèo nông dân. Tôi về nông thôn, có nông dân nói tại sao lại lấy đất của nông dân chia cho người giàu. Đến dự khởi công một công trình tại Hà Nội, trong khi bên trong là lễ khởi công, bên ngoài là những nông dân khiếu kiện“. Vậy là ở đây có vấn đề về chính sách và cái gọi là “cơ chế” tạo điều kiện cho sự tước đoạt khôn khéo hoặc trắng trợn nói trên.
Thế nhưng, khi đã có quyền trong tay, người ta cưỡng chế dân vào cả ngày giáp Tết như ở huyện Thanh Hà, Hải Dương, chính bà Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, người ký cấp GCNQSDĐ cho gia đình người nông dân khổ nọ đã tuyên bố ráo hoảnh “Việc cấp đất là sai. Đúng là tôi có ký vào GCNQSDĐ, nhưng ông Phạm Quý Lại mới là người làm sai, nhưng ông này đã nghỉ hưu mất rồi! Vì vậy: “Cưỡng chế vào cuối năm là hợp lý, sang năm mới, lằng nhằng những việc này là mệt lắm”. Công bộc của dân nói thế, làm sao dân không nổi giận?
Vậy là, người nông dân bao đời nay “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm” (Nguyễn Đình Chiểu) đâu có muốn chuyện khiếu kiện đông người làm gì! Họ cũng đã từng thấm thía chuyện “sinh sự” thì “sư sinh”, không thiếu người đã sứt đầu mẻ trán, tan gia bại sản vì những chuyện họ “vốn không quen làm ” này. Chỉ có điều, con giun xéo lắm cũng quằn, họ không thể cứ lầm lũi ngậm miệng than trời, sao trời ở không cân, kẻ ăn không hết người lần không ra. Trong thời buổi “internet nối mạng”, những chuyện nơi thôn cùng xóm vắng có thể hiện rõ mồn một trước mắt công luận. Bàn chân nổi giận của họ đưa họ đến trước công đường ở nơi cao nhất với hy vọng tìm thấy công lý.
Hình như V.Hugo có nói: “Cái thứ cát ô uế mà bạn xéo dưới chân, hãy ném nó vào lò nấu, hãy để nó chảy ra, hãy để nó sôi lên, nó sẽ thành pha lê rực rỡ”!
T. L.
Bài đã đăng trên Thế Giới Mới 14.4.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét