Pages

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Huynh Đệ Tương Tàn

Trần Khải

Trong những ngày tháng tư, có một câu hỏi thường được nêu ra: Bản chất cuộc chiến Việt Nam là gì?
Đã có rất nhiều xương máu đổ ra cho cuộc chiến một thời bi thảm nhất trong lịch sử Việt, và câu hỏi này vẫn liên tục nêu ra cho nhiều thế thế. Nhiều nhà văn ở cả hai miền bây giờ đã cùng công nhận rằng: Cuộc Chiến Việt Nam thực sự là cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

Nhà văn Trần Viết Đại Hưng, từ Lawndale, Los Angeles, trong bài viết vào trung tuần tháng 4-2001 mang tựa đề “Sự Oan Trái Của Tình Ruột Thịt” đã nói thẳng bản chất cuộc chiến, rằng đây là huynh đệ tương tàn.

Bài viết trích:
“Cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam trong suốt hai mươi mốt năm (1954 -1975) được gọi dưới nhiều tên khác nhau. Có người gọi đây là một cuộc chiến ủy nhiệm, Mỹ ủy nhiệm cho miền Nam cái nhiệm vụ bảo vệ tiền đồn của thế giới tự do; Trung Cộng và Nga Sô ủy nhiệm cho Miền Bắc nhiệm vụ của thế giới vô sản là tấn công vào thành trì của tư bản (Miền Nam) do Mỹ ủng hộ. Cộng Sản Bắc Việt coi đây là một chiến tranh giải phóng; Miền Nam coi là một cuộc chiến tranh tự vệ chống lại sự xâm lăng từ miền Bắc. Nhạc sĩ Trịnh công Sơn vừa mới qua đời coi cuộc chiến này là “hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Thật ra, cuộc chiến Quốc -Cộng hôm nay không giống như cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn mấy trăm năm trước mà đã có sự nhúng tay giật giây can thiệp của những thế lực quốc tế . Dù cuộc nội chiến ngày hôm nay có khác với nội chiến Trịnh- Nguyễn ngày xưa thì nói chung đây cũng chỉ là một cuộc chiến nồi da xáo thịt. Nước mắt mẹ già Việt Nam đã chảy không ngừng nghỉ khi những đứa con của mẹ mang chủ nghĩa ngoại lai về để rồi bôi mặt đá nhau làm cho quê hương Việt Nam tan nát. Hoàn cảnh chiến tranh đã gây ra nhiều chuyện oan trái cho nhiều gia đình Việt Nam, trong đó có khi hai anh em đứng về phía đối nghịch nhau, lại có trường hợp cha con lại đối địch nhau. Những chuyện oan trái đau lòng này không hẳn đã chấm dứt sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Có thể kể trong giới nhà văn những trường hợp tiêu biểu sau. Nhà văn Võ Phiến có người em ruột là nhà văn Lê vĩnh Hòa, vốn là nhà văn của Miền Bắc. Nhà văn Phan nhật Nam có cha ruột đi tập kết…
… Em Võ Phiến là Lê vĩnh Hòa bị tử trận trong khi công tác cho Cộng Sản. Ông Hòa cũng có vài tập truyện được Miền Bắc xuất bản. Võ Phiến trong những bài viết phê bình văn học, cũng có nhắc đến em mình với lời lẽ nhẹ nhàng. Thương em nhưng ông không vì thế để đi ca ngợi cái chế độ Cộng sản bất nhân, tàn ác mà em ông phục vụ…”(hết trích)
Và 30 năm sau, từ một vị trí đội quân người chiến thắng, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Khắc Toàn qua bài nhan đề “Nhìn Lại 30 Năm Trước” đăng trên Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận số 2 (www.tdngonluan.com) đã nói thẳng rằng đây là huynh đệ tương tàn, không thể khác hơn.
Nhà hoạt động Nguyễn Khắc Toàn kể, trích:
“Thấm thoát thế mà đã một phần ba thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi thế hệ chúng tôi những thanh niên Hà Nội rời ghế nhà trường vượt dãy Trương Sơn hàng ngàn cây số vào Nam chiến đấu…
Cuộc chiến tranh “Huynh đệ tương tàn – nồi da nấu thịt” ấy đã để lại trong tôi những chấn thương về cả tinh thần lẫn thể xác. Về phương diện tinh thần, tôi đã có cái nhìn rất khác so với nhiều đồng đội của mình là những người xuất phát đa phần từ nông dân, sinh trưởng từ nông thôn miền Bắc Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu…
…Cả ngày và đêm 30-4-1975, tôi cùng đồng đội tiến vào các thị xã, thị trấn thuộc tỉnh Long Châu Hà (là địa danh của 2 tỉnh Long Xuyên – Châu Đốc và thị trấn Hà Tiên mà quân đội miền Bắc gọi tắt)….
Cuối năm 1975, tôi được đưa lên Sài Gòn (lúc đó đã được chế độ mới đổi tên là TP Hồ Chí Minh) nằm chữa bệnh ở tầng 9, phòng dành riêng cho cán bộ, chiến sỹ quân đội miền Bắc bị thương tại bệnh viện Chợ Rẫy- Sài Gòn. Thời gian chữa bệnh ở thành phố hoa lệ được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông này, tôi còn choáng ngợp và sửng sốt hơn nữa về cuộc sống ở đây: cửa hàng, cửa tiệm buôn bán tấp nập nhịp sống của người dân hối hả. Ở ngoại ô thành phố, khu công nghiệp Biên Hòa của các nhà tư sản dân tộc Việt và Hoa các xí nghiệp, nhà máy san sát chạy dài hàng chục cây số. Tôi có cảm giác như lạc vào một thành phố công nghiệp sầm uất nào đó của một quốc gia tư bản ở Á châu…
…Mô hình chế độ chính trị Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây, khi ở miền Bắc tôi được nghe tuyên truyền rằng, đó là một loại hình chủ nghĩa “thực dân kiểu mới” do đế quốc Mỹ dựng nên làm tiền đồn và bàn đạp để tấn công miền Bắc và phe XHCN do Liên Xô và Trung Quốc là những nước anh em đứng đầu.Và các cơ quan tuyên truyền ở miền Bắc còn nói: về kinh tế, Miền Nam Việt Nam là một thị trường để tiêu thụ hàng hóa tư bản ế thừa của các nước phương Tây. Đây cũng là nơi mà bọn tư bản và đế quốc nước ngoài vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động rẻ mạt của nhân dân. Về đời sống văn hóa, xã hội, giáo dục…, thì mảnh đất màu mỡ ở miền Nam Việt Nam là nơi để gieo mầm cho văn hóa nô dịch của đế quốc, ngoại bang nảy nở, phát triển. Trên báo, đài phát thanh, sách văn học, sách giáo khoa dạy trong các trường học ở miền Bắc thì đầy dẫy những tuyên truyền về miền Nam là cả “một nhà tù lớn, một trại tập trung khổng lồ”. Ở nông thôn thì nông dân bị kìm kẹp trong các ấp chiến lược với lớp lớp hàng rào dây thép gai bao quanh, với nhiều chòi canh có lính được trang bị súng đạn tối tân canh gác đêm ngày v.v . và . v…
Nhưng trên thực tế, khi tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người bà con gia đình hai bên nội, ngoại di cư từ quê hương miền Bắc vào miền Nam từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Qua việc đó, giúp tôi có một nhận thức rất khác về đời sống xã hội, kinh tế và chế độ chính trị ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Đó là một xã hội mà cuộc sống nhân dân được hưởng nhiều cởi mở và tự do. Người dân từ nông thôn đến thành thị được sống tự do dân chủ, được hưởng rất nhiều quyền Con người căn bản hơn, như: Có tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do biểu tình – mít tinh, tự do hội họp, tự do sinh hoạt đảng phái chính trị, tự do xuất dương và cư trú trong nước, tự do mưu sinh, tự do ứng cử và bầu cử…” (hết trích)
Tương tự, nhà văn Dương Thu Hương trả lời phỏng vấn của nhà báo Đinh Quang Anh Thái trên báo Việt Tide năm 2007 kể rằng bà đã khóc khi nhận ra sự thật.
Bài phỏng vấn nhan đề “Dương Thu Hương: Tôi Khóc Ngày 30-4 Vì Thấy Nền Văn Minh Đã Thua Chế Độ Man Rợ” trong đó, trích:
“…Việt Tide: Bà từng viết rằng, ngày 30 tháng Tư năm 1975, khi các phụ nữ khác trong đoàn quân của bà trầm trộ trước sự phát triển vật chất của miền Nam thì bà ngồi khóc trên lề đường Sài Gòn. Bà có thể nhắc lại tâm trạng của bà lúc đó?
Dương Thu Hương: (thở dài) Điên rồ thì tôi có nhiều thứ điên rồ. Khóc thì tôi có hai lần khóc.
Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cà mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ. Ông Thái đừng quên rằng, ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ. . . nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải.”
Có cách nào nói khác hơn về cuộc chiến này? Người ta có thể định danh nhiều cách, nhưng bản chất vẫn là một. Không thể khác hơn được. Ngay cả đời sau cũng sẽ nhìn như thế, khi đọc lại sử Nam Bắc phân tranh của hậu bán thế kỷ 20: Rằng đây là cuộc chiến huynh đệ tương tàn, và nền văn minh Miền Nam đã thua chế độ man rợ Miền Bắc.
Không thể khác hơn.
Trần Khải
Theo: Vietbao

Không có nhận xét nào: