Mạnh Hà
Nổi danh, quan hệ rộng và tiềm lực tài chính rất mạnh các đại gia luôn sở hữu rất nhiều DN trong tay. Tuy nhiên, điều đó cũng không giúp doanh nghiệp của nhiều đại gia thoát khỏi tình trạng báo động đỏ. Ranh giới giữa sự giàu có và nợ nần, thua lỗ là khá mong manh, nguy cơ sụp đổ, tất nhiên không loại trừ bất cứ một ai.
Đại gia gặp khó
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM vừa cho biết, từ ngày 13/4 sẽ đưa vào diện cảnh báo một thêm một loạt các doanh nghiệp niêm yết, trong đó có CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn – Saigon Tel (SGT) của ông chủ nổi tiếng Đặng Thành Tâm và Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) của gia đình đại gia trẻ tuổi Nguyễn Quốc Cường (Cường đô-la).
SGT bị đưa vào diện cảnh báo do lỗ gần 114 tỷ đồng trong năm 2011. Trong khi đó, QCG lỗ gần 40 tỷ đồng.
Trường hợp SGT – Thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn của ông Đặng Thành Tâm làm cho biết lãi suất năm 2011 luôn duy trì ở mức rất cao làm cho chi phí tăng gần gấp 3 lần so với năm liền trước. Tình hình khủng hoảng chung của nền kinh tế khiến nhiều khách hàng tiềm năng của SGT tạm thời trì hoãn kế hoạch kinh doanh làm cho doanh thu về hoạt động cho thuê đất, bán và cho thuê nhà xưởng bị sụt giảm. Đây là những mảng hoạt động mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất cho công ty.
Mức lỗ trong năm 2011 của SGT trên thực tế là rất lớn, cao hơn tổng lợi nhuận của doanh nghiệp này trong hai năm liền trước là 2010 và 2009. Nó khiến cho VCSH của SGT sụt giảm xuống còn 659 tỷ đồng, so với vốn điều lệ 740 tỷ đồng.
Không những thế, khó khăn của SGT khá “ổn định” trong cả năm 2011 khi mà doanh nghiệp này lỗ trong cả 4 quý. Riêng trong quý IV/2011, doanh thu thuần của SGT chỉ đạt 3,6 tỷ đồng, bằng 16% so mức 22 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước và lỗ hơn 40 tỷ đồng.
Chưa biết đại hội cổ đông SGT sẽ thông qua kế hoạch cơ cấu lại tài sản, giảm mạnh dư nợ tín dụng (để giảm chi phí lãi vay) và đẩy mạnh cho thuê đất và nhà xưởng như thế nào, nhưng một điều thấy rõ là giới đầu tư không mấy mặn mà với cổ phiếu của doanh nghiệp được chi phối bởi một trong những người giàu nhất Việt Nam này.
SGT bị đưa vào diện cảnh báo do lỗ gần 114 tỷ đồng trong năm 2011 |
Giao dịch cổ phiếu SGT hiếm khi đạt được trên 20.000 đơn vị/ngày trong nhiều tuần gần đây cho dù tổng cổ phiếu lưu hành lên tới trên 74 triệu đơn vị. Giá SGT hiện cũng chỉ bằng khoảng hơn 50% so với giá trị sổ sách và gần như không tăng trong hai phiên vừa qua khi mà TTCK bùng nổ sau động thái hạ lãi suất và nới lỏng tín dụng bất động sản.
Một cổ phiếu gây thất vọng khác của ông Đặng Thành Tâm là Khoáng sản Sài Gòn-Quy Nhơn (SQC). Cổ phiếu này gần như không có giao dịch kể từ đầu năm 2010 tới nay. Giá vẫn giữ được ở mức rất cao, trên 80.000 đồng/cp nhưng dường như không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nào.
Trong trường hợp QCG của Quốc Cường Gia Lai, tình hình có vẻ khả quan hơn khi mà doanh nghiệp này đang là đối tượng được hưởng lợi chính trong đợt nới lỏng chính sách tiền tệ lần này của NHNN. Mặc dù vậy, việc phục hồi trong ngắn hạn không hề dễ dàng. QCG hiện vẫn có nợ ngắn hạn và tổng nợ rất cao. Lãi suất cho vay hiện vẫn chưa giảm được bao nhiêu, trong khi thị trường bất động sản chưa có tín hiệu sôi động trở lại.
Riêng trong quý IV/2011, QCG lỗ hơn 100 tỷ đồng. Quý III lỗ hơn 26 tỷ đồng. Theo giải trình của QCG, năm 2011 doanh nghiệp thua lỗ là do hoạt động kinh doanh của công ty dựa vào hoạt động kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn đã khiến doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm làm ảnh hưởng đến doanh thu, trong khi đó vẫn phải trả lãi vay ngân hàng nên chi phí tài chính cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh trong kỳ. Chỉ tính riêng chi phí lãi vay, năm 2011 QCG phải bỏ ra tới 160 tỷ đồng, so với gần 27 tỷ đồng năm 2010.
Đại gia to, vay vốn nhiều?
Một điểm có thể nhìn thấy khá rõ ràng trong các bản báo cáo tài chính của các doanh nghiệp thua lỗ trong năm vừa qua là đa số các đơn vị này bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán giảm giá và lãi suất ngân hàng ở mức cao.
Không chỉ có SGT và QCG, danh sách các công ty bị cảnh báo, kiểm soát và tạm ngừng giao dịch trên hai sàn chứng khoán Việt Nam cho tới thời điểm này đã lên tới khoảng 60 đơn vị.
Lý do chính giải thích cho thua lỗ trong năm vừa qua của đa số các doanh nghiệp là do chi phí lãi vay tăng mạnh. Tất nhiên, đây là lý giải tương đối hợp lý bởi doanh nghiệp nào làm ăn kinh doanh trong năm vừa qua cũng phải chứng kiến cảnh bị ngân hàng áp lãi suất tăng vọt (20-25%).
Trên thực tế, tại Việt Nam hầu hết các doanh nghiệp muốn phát triển, đặc biệt những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực cần nhiều vốn như bất động sản, xây dựng… đều phải vay vốn ngân hàng rất nhiều. Nhiều đối tượng vay vốn gấp vài ba lần, thậm chí cả chục lần so với VCSH.
Mặc dù vậy, điều đáng nói là không chỉ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp ít kinh nghiệm làm ăn gặp khó khăn, thua lỗ mà ngay cả những doanh nghiệp của những ông chủ lừng danh cũng bị mắc kẹt với bài toán phát triển nóng, vay vốn nhiều. Doanh nghiệp càng lớn thì các khoản vay càng khổng lồ, và một khi gặp trục trặc ở đầu ra thì nguy cơ thua lỗ là hiển hiện, chưa nói tới có thể phá sản dù đang nằm trên đống tài sản khổng lồ.
Với trường hợp đại gia Diệu Hiền của Thủy sản Bianfisco, công ty này vốn nổi tiếng trong lĩnh vực thủy sản xuất khẩu, nuôi hàng ngàn công nhân, làm ăn phát đạt cả chục năm qua. Nhưng khá bất ngờ, doanh nghiệp này đã nhanh chóng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán chỉ… sau một đám cưới, với tổng các khoản nợ lên tới gần 1.600 tỷ đồng.
Tài sản có thể rất nhiều, với nhà máy sản xuất thủy sản hoành tráng, nhà và bất động sản mà ngay cả những đại gia máu mặt khác cũng phải mơ ước, nhưng giờ đây doanh nghiệp đã phải tuyên bố tạm thời đóng cửa.
Về nguyên nhân sâu xa, trong một báo cáo gần đây, tổ kiểm tra nợ Bianfishco khẳng định công ty của bà Hiền đã sử dụng vốn không hiệu quả. Việc đầu tư dàn trải, đầu tư không đúng trọng tâm và phát triển nóng vội theo quy mô và số lượng rất có thể sẽ dẫn đến mất cân đối về tài chính.
Nguy cơ thua lỗ, nợ nần và phá sản có thể xảy ra với bất cứ doanh nghiệp nào từ nhỏ tới lớn nếu vấn đề quản trị doanh nghiệp không được thực hiện nghiêm túc.
TTCK đang hồi phục khá mạnh mẽ nhờ vĩ mô đang dần ổn định và hàng loạt các biện pháp giải cứu doanh nghiệp nói chung và bất động sản nói riêng. TTCK cũng ăn theo và nhiều khả năng sẽ không có quá nhiều doanh nghiệp phải chết trên đống tài sản.
Mặc dù vậy, cũng cần nhìn nhận lại sự nguy hiểm của việc coi thường việc quản trị doanh nghiệp. Kinh doanh điều quan trọng hơn cả có lẽ là sự an toàn, liên quan tới sự sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có ổn định và sống qua được bão tố thì mới hy vọng phát triển. Đáng tiếc là điều này dường như đang không được thực sự coi trọng, ngay cả ở những doanh nghiệp mà vốn chủ yếu thuộc về một ông chủ lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét