Giáo sư David P. Forsythe
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Đại học Nebraska-Lincoln, Hoa Kỳ
Nhìn chung, hồ sơ cổ vũ nhân quyền của Tổng thống Barack Obama có nhiều trái ngược.
Người ta nhìn thấy xu hướng này rất rõ ràng ở các nước Ả Rập.
Ông Obama ủng hộ thay đổi dân chủ ở Ai Cập một cách muộn màng sau những cuộc biểu tình đường phố, nhưng ông vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với quân đội ở đó.
Ông Obama tỏ ra cứng rắn hơn về chuyển đổi chế độ ở Libya, nơi mà Đại tá Gaddafi không có nhiều bè bạn.
Nhưng ở Bahrain, trong vụ trấn áp người Shia do Ả Rập Saudi dẫn đầu, ê kíp của Obama đã không cứng rắn về nhân quyền, và lại càng ít thúc đẩy biện pháp trừng phạt đối với những kẻ chỉ đạo việc trấn áp. Đương nhiên, Hoa Kỳ là đồng minh của Ả Rập Saudi chống lại Iran. Hoa Kỳ cũng có một căn cứ hải quân lớn ở Bahrain. Vì thế mà họ thận trọng tính toán đâu là nơi thúc đẩy nhân quyền chiểu theo cái nhìn chính trị về lợi ích quốc gia.
Ai cũng biết ông Obama muốn tập trung sự chú ý đến Đông Á trong chính sách đối ngoại, và vì thế đã giảm sự dính líu của Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan.
Quốc gia thân thiện
Mối quan hệ với Trung Quốc rất quan trọng, và trong thời gian đầu nắm quyền, ông Obama đã nhấn mạnh vào lĩnh vực an ninh và thương mại, mà không phải nhân quyền.
"Họ sẽ đề cập về vấn đề nhân quyền ở các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên Hoa Kỳ sẽ không quá cứng rắn thúc đẩy việc này đến mức gây đe dọa lợi ích kinh tế và an ninh."
Nhìn chung ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Việt Nam, mối quan hệ thương mại với các quốc gia thân thiện được đặt lên trên nhân quyền.
Giống như bao chính quyền Hoa Kỳ trước đây, ê kíp của ông Obama không muốn vấn đề nhân quyền can thiệp quá sâu vào lĩnh vực kinh tế và an ninh.
Khi phải đối diện với chính quyền không thân thiện như Iran, Cuba hoặc Venezuela, Hoa Kỳ không ngại lên tiếng chỉ trích nhân quyền.
Điều này cũng đúng ở một số quốc gia mà Hoa Kỳ có ít lợi ích kinh tế và chiến lược, ví dụ như Sri Lanka và Zimbabwe.
Tuy nhiên, làm việc với các đối tác thương mại bằng hữu lại là chuyện khác.
Chính phủ ông Obama tiếp cận vấn đề nhân quyền tùy từng trường hợp, một mặt cố gắng thúc đẩy nhân quyền, mặt khác lại không muốn đe dọa đến các lợi ích quan trọng về an ninh và kinh tế.
Điều này cho thấy sự bất nhất trong hồ sơ nhân quyền của chính quyền Obama.
Họ sẽ đề cập về vấn đề nhân quyền ở các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên Hoa Kỳ sẽ không quá cứng rắn thúc đẩy việc này đến mức gây đe dọa lợi ích kinh tế và an ninh.
Ở Việt Nam, chính quyền ông Obama không những muốn tiếp tục việc trao đổi thương mại, mà còn muốn thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp để kiềm chế Trung Quốc.
Bấm David P. Forsythe, Giáo sư danh dự (Emeritus) về Chính trị học ở Đại học Nebraska-Lincoln, Hoa Kỳ, được xem là một trong những người đầu tiên đưa nghiên cứu nhân quyền vào ngành chính trị học và quan hệ quốc tế. Tác phẩm mới nhất của ông là Human Rights in International Relations (NXB ĐH Cambridge, 2012).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét