Pages

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Chơi với “bạn vàng” thiệt hại đủ đường.

Song Chi
Lâu nay vì mãi quan tâm đến chuyện an ninh quốc phòng, sự vẹn toàn lãnh thổ lãnh hải và những diễn biến phức tạp trên biển Đông xuất phát từ tham vọng muốn độc chiếm khu vực này của nhà cầm quyền Trung Quốc, nhiều người Việt chúng ta hầu như không để ý đến một mặt trận khác cũng thường xuyên bị TQ đánh phá từ nhiều năm nay-đó là kinh tế.

Cách đây mấy ngày, báo Thanh Niên, Người Lao Động, Kinh tế Sài Gòn…lần lượt có bài về hiện tượng “Hàng VN bị làm giả ở Trung Quốc”. Theo các bài báo, hàng loạt sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu của các doanh nghiệp VN đã bị làm giả,làm nhái quá nhiều tại các khu vực cửa khẩu, ảnh hưởng không nhỏ tới sức cạnh tranh của các sản phẩm như trái cây sấy Vinamit, bánh đậu xanh khô Hải Dương, cà phê Buôn Ma Thuột, vỏ xe Casumina, Kềm Nghĩa….

Thủ đoạn làm giả có trăm ngàn cách, từ việc sử dụng nguyên si nhãn hiệu, tên, địa chỉ, giả danh các công ty VN để sản xuất và bán phá giá, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của các công ty; có khi hàng giả được sản xuất với chất lượng kém hơn hẳn gây tổn hại về hình ảnh, uy tín của hàng VN; có khi thương hiệu bị cướp bằng cách ngang nhiên đăng ký bản quyền trên đất TQ v.v…
Bài viết “Hàng Việt bị làm giả” trên báo Người Lao Động:
“…Trước nay, làm ăn với thương nhân Trung Quốc, doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường bị thua thiệt. Từ chỗ ào ạt thu mua với giá cao, sau đó bất ngờ ngưng lấy hàng đến việc dựng lên các hàng rào kỹ thuật để gây trở ngại, thương nhân Trung Quốc đã không ít lần khiến các đối tác phía Việt Nam điêu đứng. Mới đây, nhiều chủ DN nước ta tá hỏa khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả và bán phá giá tại Trung Quốc.
…Thủ đoạn của các DN Trung Quốc là khi thấy hàng Việt Nam bán chạy, họ nhanh chóng lấy mẫu mã đem đi đăng ký sở hữu trước rồi tổ chức sản xuất sản phẩm giống y chang để tung ra thị trường với giá cạnh tranh và dần chiếm lĩnh thị trường. Những mặt hàng Việt Nam bị làm giả nếu DN không đủ tiềm lực để theo đuổi vụ kiện hoặc tìm cách khác để giành lại thị phần thì kể như không còn đất sống ở Trung Quốc…”
Còn nhớ vào tháng 10.2011, nhiều bài báo cũng đồng loạt lên tiếng về việc “Thương hiệu Việt bị đánh cắp”, nhân một số thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam phát hiện bị nước ngoài giành quyền đăng ký bảo hộ. Như thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng mười năm tại Trung Quốc, thương hiệu nước mắm Phú Quốc bị một doanh nghiệp tại Hongkong nộp đơn đăng ký dưới dạng nhãn hiệu TQ, thương hiệu kẹo dừa Bến Tre, Vinataba, Trung Nguyên, Cầu Tre, Vifon… bị đăng ký tại nhiều quốc gia. Năm 2009, Công ty Kim Seng, trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) đã xin gia hạn bảo hộ thương hiệu “nước mắm nhĩ Phan Thiết” đến năm 2012 v.v…
Một khi bị đánh cắp thương hiệu như vậy, các doanh nghiệp VN nếu có muốn kiện tụng đòi lại sẽ tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, còn nếu không đủ sức theo kiện thì coi như mất trắng thị trường TQ và một số nơi khác.
Không chỉ bị làm nhái làm giả, đánh cắp thương hiệu, làm ăn với TQ nếu không cẩn thận là chết đủ đường.
Thỉnh thoảng chúng ta lại đọc thấy những thông tin kiểu như thương lái TQ đổ xô ồ ạt thu mua nông sản, hải sản, nguyên liệu thô…Họ đến tận vườn, ao, nương rẫy của bà con thu mua với giá cao hơn giá trong nước một chút, khiến các doanh nghiệp chế biến nông hải sản cạnh tranh không lại, bị thiếu nguồn hàng sản xuất. Đó còn là cạnh tranh lành mạnh, một thủ đoạn không đẹp khác là thu mua ồ ạt lúc đầu một số mặt hàng/sản phẩm nào đó với giá rất cao khiến bà con nông dân đổ xô nhau đi trồng/nuôi sản phẩm này, sau đó họ lại không mua nữa, khiến hàng bị ế, hư, thối…, bà con chết đứng.
Thâm độc hơn, nhiều khi thương lái TQ lại đổ xô đi mua những thứ rất lạ lùng mà sau đó một thời gian chúng ta mới hiểu ra được ý đồ phá hoại nền kinh tế VN của họ. Chẳng hạn việc người TQ thu mua ốc bươu vàng, móng guốc trâu bò, dây đồng vụn, cáp quang phế liệu hoặc thu mua đỉa….trước đây, là những bài học cay đắng mà nhiều người ắt hẳn chưa quên. Không thể kể hết muôn vàn thủ đoạn khác nhau mà TQ đã sử dụng trong nhiều năm qua để đánh phá nền kinh tế vốn đã èo uột, ngắc ngoải của VN. Xin kể ra một vài ví dụ:
Báo Tuổi Trẻ trong loạt bài “Chảy máu nguyên liệu thô” đăng tải vào tháng 6.2011 đưa ra những sự thật khiến người đọc giật mình: “Rất nhiều mặt hàng thuộc nhóm quặng, khoáng sản và nguyên liệu thô đang được xuất khẩu ồ ạt, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng các loại nguyên liệu trên lại phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất.” Không chỉ dăm gỗ, quặng sắt, than đá loại đẹp, tốt dùng cho luyện kim và sản xuất điện cực, mủ cao su được gọi là “vàng trắng” cũng ồ ạt chảy sang TQ, với số lượng khủng!
Báo Người Lao Ðộng ngày 14 tháng 6.2011: “Người láng giềng” Trung Quốc tỏ ra cao tay khi mua không hạn chế số lượng than xuất khẩu của ta nhiều năm liền, để rồi… lấp đất lại làm “của để dành”!
Trong khi các mặt hàng nông, hải sản có chất lượng cao, cho đến nguyên liệu thô, khoáng sản quý được xuất sang TQ và nhiều quốc gia khác thì từ biên giới Việt-Trung, đủ loại hàng giả hàng dỏm hàng độc hại, nhất là thực phẩm có chứa chất độc hại từ Trung Quốc lại hàng ngày chảy ngược vào VN bằng mọi con đường.
TQ còn phá kinh tế VN bằng thủ đoạn làm tiền giả. Một vài dẫn chứng: VTV đưa tin ngày 15.6.2011 “Lạng Sơn: Bắt giữ 300 triệu đồng tiền Việt Nam giả” được vận chuyển từ TQ vào VN, báo Lao Động đưa tin ngày 12.2.2012 công an Lạng Sơn “Bắt đối tượng vận chuyển gần 90 triệu đồng tiền giả”, báo CAND, ngày 9.4.2012 cũng công an tỉnh Lạng Sơn “Bắt đối tượng vận chuyển 500 triệu tiền Việt Nam giả” từ TQ mang về VN tiêu thụ v.v…
Ở góc độ kinh tế vĩ mô, mưu sâu của Trung Quốc cộng với đường lối điều hành quản lý kém cỏi, thói tham lam, tư duy ích kỷ chỉ biết thu lợi về cho mình, cho phe nhóm… của nhà nước Việt Nam trong nhiều năm dài đã khiến kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc.
Các chuyên gia về kinh tế, các nhà báo… đã nhiều lần báo động về tình trạng nhập siêu, mất cân đối nghiêm trọng trong cán cân thương mại hai nước; tình trạng hàng trăm gói thầu EPC (tổng thầu thiết kế, cung ứng thiết bị, xây lắp) thường xuyên rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc làm cho nền sản xuất của Việt Nam thêm khó khăn, mất đi hàng trăm ngàn việc làm. Mà chất lượng của các nhà thầu TQ thì kém, khi bỏ thầu họ đưa ra giá thấp, tiền hoa hồng, tiền lót tay “dày” nên thường thắng thầu nhưng sau đó quá trình thi công thường kéo dài làm phát sinh nhiều chi phí, đến lúc đưa vào sử dụng lại bị xuống cấp, hư hao nhanh làm tốn kém kinh phí sửa chữa v.v…
Thật ra không phải chỉ mình nền kinh tế VN bị thiệt hại nặng nề khi làm ăn với TQ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu nhận ra cái cung cách làm ăn bất chấp uy tín, đạo đức kinh doanh, chất lượng sản phẩm, thói cạnh tranh bất chính chỉ biết thu lợi về cho mình để thiệt hại cho nước khác của TQ. Nguy hiểm hơn, điều đó đã trở thành một âm mưu có kế hoạch, chính sách hẳn hòi để phá hoại kinh tế nước khác của nhà cầm quyền TQ. Quyển sách “Death by China” của hai tác giả- Tiến sĩ Peter Navarro, Giáo sư kinh tế tại ĐH California ở Irvine và chuyên gia về TQ Greg Autry…. phát hành vào tháng 5.2011 đã gây xôn xao dư luận khi vẽ nên một bức tranh rõ ràng về hiểm họa mà chính sách của TQ đang mang đến cho thế giới.
Từ việc sản xuất hàng hóa giá rẻ cướp đi hàng triệu công ăn việc làm của nước khác, cụ thể là Mỹ, khiến nhiều ngành công nghiệp của Mỹ bị thu nhỏ lại còn phân nửa; sản xuất hàng độc hại giết dần giết mòn sức khỏe của người dân; tàn phá môi trường môi sinh với mức độ kinh khủng; làm hàng nhái hàng giả, ăn cắp hết mẫu mã, kỹ thuật và phát minh của các nước; nhất là những kỹ thuật và phát minh trong lĩnh vực quốc phòng, vũ khí…thông qua hoạt động gián điệp; “xâm lăng” hay “chiếm lãnh thuộc địa” khắp nơi bằng mặt trận kinh tế để giành lấy tài nguyên của các quốc gia đang phát triển v.v…
Đọc cuốn sách đó để thấy ngay cả Mỹ rồi cũng sẽ “chết dưới tay TQ” huống gì VN. Tuy nhiên, vì VN ở sát ngay TQ, kinh tế VN vốn đã èo uột, các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN lại hèn nhát, mê muội vì cứ bị cột chặt vào mối quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước và vì quyền lợi của chính họ nên người VN lại càng phải cảnh giác cao với “ông bạn vàng” này.
Theo Song Chi’s blog

Không có nhận xét nào: