Nguyễn Hưng Quốc (VOA) - Trung Quốc là một con hổ cô đơn nhưng cũng là một con hổ cực kỳ nguy hiểm. Chuyện Trung Quốc có tấn công, xâm lược hay lấn đất (kể cả đảo) của nước nào hay không thì còn chờ xem. Trước mắt, tính chất nguy hiểm của Trung Quốc nằm ở chỗ: nó thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á và Thái Bình Dương.
Trước, thời chiến tranh lạnh, cả thế giới cũng đã từng chạy đua vũ trang. Nhưng thời đó, chạy đua ráo riết nhất là ở châu Âu và Mỹ. Ở châu Á, nơi có nhiều điểm nóng với những cuộc chiến tranh đã bùng nổ và kéo dài dữ dội (như ở ba nước Đông Dương) hoặc chỉ ngấm ngầm âm ỉ (như ở Philippines, Indonesia, Malaysia…), phần lớn chỉ nhận vũ khí viện trợ từ các siêu cường hoặc bên này hoặc bên kia.
Bây giờ thì khác. Hầu hết các quốc gia phải tự bỏ tiền ra mua vũ khí. Theo số liệu điều tra do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute) công bố, so với bốn năm 2002-2006, chi tiêu cho việc nhập khẩu vũ khí ở châu Á trong bốn năm 2007-2011 tăng đến 185%. Trong cuộc chạy đua vũ trang ấy, đứng đầu là Trung Quốc, kế đến là Ấn Độ và Nhật Bản. Tiếp theo là Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia. Đặc biệt, ngay cả Việt Nam cũng tham gia vào cuộc chạy đua vô cùng tốn kém ấy.
Một sự khác biệt nữa giữa hai cuộc chạy đua vũ trang là, nếu cuộc chạy đua vũ trang thời chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô chủ yếu là cuộc chạy đua chiếm lĩnh không gian (space race) với những vũ khí như vệ tinh hay hỏa tiễn liên lục địa – kể cả chuyện bay lên mặt trăng – thì cuộc chạy đua vũ trang lần này chủ yếu nhắm đến việc hoặc khống chế hoặc kháng cự trên mặt biển (sea race).
Trong các loại vũ khí trên biển, nổi bật nhất là tàu ngầm (submarine). Vai trò của tàu ngầm càng ngày càng trở nên quan trọng. Ví dụ, theo kế hoạch cho thập niên tới, Úc có cả thảy 23 chiến thuyền; 12 trong số 23 chiến thuyền ấy sẽ là tàu ngầm. Nói cách khác, sắp tới, tàu ngầm chiếm hơn một nửa tổng số chiến thuyền của Úc. Đó cũng là chiều hướng phát triển chung của hầu hết các quốc gia trong khu vực. Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam lên kế hoạch mỗi nước mua 6 chiếc tàu ngầm cho mình. Nhật Bản cũng mới quyết định sắm thêm 5 chiếc tàu ngầm ngoài những chiếc họ đã có. Singapore, Malaysia và Indonesia mỗi nước sẽ mua thêm hai chiếc. Theo dự tính, trong vòng 20 năm tới, toàn bộ các nước Á châu sẽ có cả thảy khoảng 111 chiếc tàu ngầm.
Nằm ngoài rìa Á châu, nước Úc cũng tham dự vào cuộc chạy đua sắm sửa tàu ngầm. Hiện nay Úc đã có 6 chiếc; tất cả đều đã cũ. Chính phủ Úc mới quyết định sẽ mua thêm 12 chiếc tàu ngầm mới để thay thế cho sáu chiếc cũ ấy.
Xin lưu ý tàu ngầm rất mắc tiền. Số tiền Việt Nam bỏ ra để mua mấy chiếc tàu ngầm của Nga lên đến 2.4 tỉ đô-la. Ngân sách cho dự án sắm thêm 12 chiếc tàu ngầm cùng với các loại vũ khí ở mặt trận trên biển của Úc là 279 tỉ đô-la. Tiền bảo trì lại càng đắt. Chi phí bảo trì cho sáu chiếc tàu ngầm của Úc hiện nay, chẳng hạn, trung bình là 630 triệu mỗi năm, tức khoảng 105 triệu đô-la cho mỗi chiếc. Chi phí vận hành và hỗ trợ cũng bằng chừng ấy nữa.
Có thể nói một cách tóm tắt, hiện nay hầu như tất cả các nước châu Á và phần nào, Thái Bình Dương – trung tâm là Úc – đang thi nhau đổ cả hàng tỉ Mỹ kim vào cuộc chạy đua vũ trang, chủ yếu là trên mặt biển. Ngay Ấn Độ vốn thường xuyên đương đầu với các cuộc tranh chấp biên giới với Trung Quốc và Pakistan trên đất liền cũng bắt đầu gia tăng tiềm lực quân sự trên đường biển, một điều chưa từng có trong quá khứ. Họ không những mua tàu ngầm mà còn chi ra trên 2.1 tỉ đô-la để mua các loại vũ khí chống tàu ngầm trong năm 2009. Mới đây, họ còn quyết định mua them một số chiếc nữa.
Tại sao như vậy?
Thật ra, trước mắt, chưa có quốc gia nào thực sự bị đe dọa. Ngày trước, thời chiến tranh lạnh, hầu như nước nào cũng bị đe dọa. Các nước cộng sản lúc nào cũng hăm he đòi xuất khẩu cách mạng. Ai cũng sống trong tâm thế chực chờ nổ súng. Chỉ cần một chút bất cẩn là có thể bị mất nước ngay tức khắc. Còn bây giờ thì khác. Ở châu Á, trừ Ấn Độ và Pakistan, hầu như không có nước nào dương oai diễu võ với nước khác. Ngay quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc dù vẫn thường xảy ra hục hặc trên Biển Đông nhưng hai chính phủ vẫn nhắc đi nhắc lại những chữ như “hòa bình” và “hữu nghị”.
Hơn nữa, cuộc chạy đua vũ trang ấy lại diễn ra khi Mỹ công bố quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng đến 78 tỉ đô-la trong vòng năm năm tới.
Vậy tại sao người ta đua nhau trang bị tàu ngầm và hỏa tiễn?
Lý do rất đơn giản: Vì sợ Trung Quốc! Theo tin tình báo Mỹ, hiện nay Trung Quốc đã có 62 tàu ngầm; 15 chiếc khác cũng sẽ được đưa vào hoạt động trong vài năm tới. Như vậy, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ có tổng cộng 77 chiếc tàu ngầm. Với con số đó, Trung Quốc có tham vọng tung hoành trên các đường biển ở khu vực, không chế toàn bộ các tuyến đường hàng hải thương mại, và có thể tiến hành các cuộc tấn công vào rất nhiều nước thuộc châu Á và Thái Bình Dương.
Không có nước nào có ảo tưởng là mình có thể cạnh tranh được với Trung Quốc ở mặt trận này. Ngay cả những nước giàu có như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc cũng không thể hy vọng có số lượng tàu ngầm ngang hàng với Trung Quốc. Các nước có ảnh hưởng trực tiếp từ tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên đường biển như Việt Nam, Philippines, Malaysia… lại càng không hy vọng gì.
Thế nhưng tất cả vẫn tham gia vào cuộc đua. Để chỉ chứng tỏ một điều: Họ đang cảnh giác. Vậy thôi.
Mà trước một con hổ hung dữ như Trung Quốc, không có sự cảnh giác nào là không cần thiết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét