Nguyên Thảo thực hiện
“Nếu sử dụng doanh nghiệp nhà nước như công cụ điều tiết vĩ mô thì giá phải trả là rất đắt”, TS. Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, phát biểu tại diễn đàn về tái cơ cấu nền kinh tế do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng.
Đa số các ý kiến tại phiên thảo luận này cũng đều thống nhất rất cao rằng: doanh nghiệp Nhà nước không thể là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô.
Nhận xét về thực trạng doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh rằng, là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng đầu tư nhiều với hiệu quả thấp và tình trạng kinh doanh kém hiệu quả nói chung của khối này đã làm cho bất ổn trở nên trầm trọng hơn. Đồng thời, làm gia tăng rủi ro đối với hệ thống tài chính.
Là trụ cột cạnh tranh của nền kinh tế, nhưng chưa trở thành doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế. Trái lại, không ít tập đoàn, tổng công ty đã trở thành độc quyền hoặc chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường nội địa, làm méo mó môi trường kinh doanh và phân bố nguồn lực xã hội trong các ngành có liên quan, ông Cung nhìn nhận.
Rất đồng tình với Viện phó Cung khi coi việc áp đặt kỷ luật của thị trường cạnh tranh là tiền đề để thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển bàn thêm về vấn đề theo ông là cực kỳ quan trọng: vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế nhiều thành phần.
Nếu để doanh nghiệp nhà nước là công cụ để điều tiết vĩ mô là không hợp lý, doanh nghiệp nhà nước không làm vai trò ổn định kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp nhà nước là công cụ điều tiết vĩ mô là không đúng… ông Tuyển nhắc lại nhiều lần quan điểm của mình trong một bài phát biểu ngắn chừng dăm phút.
“Doanh nghiệp nhà nước có thể gây thêm các vấn đề về vĩ mô hơn là ổn định vĩ mô” – Ảnh: SGTT.
TS. Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng không nên coi doanh nghiệp nhà nước là công cụ để điều tiết vĩ mô, để bình ổn giá. Từ góc độ lý thuyết cũng như thực tiễn, điều này là không có cơ sở, nếu sử dụng doanh nghiệp nhà nước như công cụ điều tiết vĩ mô thì giá phải trả là rất đắt, ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.
Theo phân tích của vị chuyên gia này thì, muốn doanh nghiệp nhà nước trở thành công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô thì phải dồn cho nó rất nhiều nguồn lực. Trong khi nó đang chiếm vị trí độc quyền hoặc gần như độc quyền (như phân tích của TS. Nguyễn Đình Cung) nên động cơ để đưa hoạt động trở nên hiệu quả là rất thấp.
Ông Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, doanh nghiệp nhà nước còn chèn lấn cơ hội các khu vực doanh nghiệp khác.
Không những thế, khi mà họ là công cụ điều tiết vĩ mô thì phải dồn nén giá cả và sau thời gian dài khi bung ra sẽ tạo ra cú sốc rất lớn về giá dầu, điện, tỷ giá…
Hệ lụy tiếp theo được ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh là tạo ra chạy đua tìm kiếm đặc quyền đặc lợi, có thể nhìn thấy rất rõ khi doanh nghiệp mở rộng đầu tư không liên quan gì đến ngành nghề kinh doanh cốt lõi.
Cũng đặt vấn đề cần tư duy lại về vai trò của doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, rằng kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo nhưng cần làm rõ điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp nhà nước – một bộ phận của kinh tế Nhà nước – cũng là chủ đạo.
Doanh nghiệp nhà nước không thể làm chủ đạo được đâu, bà Lan khẳng định.
Bày tỏ sự tán thành với phát biểu của ông Trương Đình Tuyển là doanh nghiệp nhà nước không thể là công cụ để ổn định kinh tế vĩ mô được, bà Lan cho rằng “đáng tiếc là vẫn còn những kỳ vọng như vậy”.
“Doanh nghiệp nhà nước có thể gây thêm các vấn đề về vĩ mô hơn là ổn định vĩ mô”, bà Lan đồng tình với các ý kiến phát biểu trước.
Cũng theo quan điểm của chuyên gia Phạm Chi Lan thì bao nhiêu năm nay vẫn kêu ca là không có công nghiệp phụ trợ, song không thấy vai trò của doanh nghiệp nhà nước ở đây. “Bản thân doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ vào khu vực có lợi nhất là lúa gạo và tước đi bao nhiêu quyền lợi của nông dân”, bà Lan nói.
Doanh nghiệp nhà nước không làm tốt chính sách xã hội, vai trò trụ cột trong cạnh tranh cũng không làm được mà còn có hiệu ứng xấu như chèn lấn các doanh nghiệp nước ngoài hay tư nhân, chuyên gia Phạm chi Lan tiếp tục đưa ra nhận xét.
Liên quan đến việc áp đặt kỷ luật của thị trường cạnh tranh mà TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất, bà Lan cho rằng, muốn vậy thì phải tạo ra lực lượng cạnh tranh thực tế, tạo ra sức ép cạnh tranh thực sự.
Thực tế lĩnh vực nào có cạnh tranh thì doanh nghiệp nhà nước hoạt động tốt hơn rất nhiều, ví dụ như dệt may. Hay bản thân các doanh nghiệp nhà nước cũng nên cạnh tranh, viễn thông là một ví dụ rất điển hình, tại sao các ngành khác không thiết lập cạnh tranh tương tự, bà Lan nêu vấn đề.
Theo bà, cần làm rõ doanh nghiệp nhà nước chỉ hoạt động ở lĩnh vực nào, nguyên tắc là doanh nghiệp nhà nước chỉ được làm những việc nhà nước cho phép chứ không được tự do kinh doanh như thời gian qua.
“Phải cấm tiệt doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành, đã cấm là cấm tiệt, chứ còn du di tỷ lệ phần trăm thì không thể kiểm soát được”, TS. Vũ Đình Ánh mạnh mẽ nêu quan điểm.
Cũng theo vị chuyên gia này thì do còn thiếu tư duy nhất quán về vai trò chức năng của doanh nghiệp Nhà nước nói riêng, của Nhà nước nói chung trong nền kinh tế thị trường Việt Nam nên rất khó để đề xuất kiến nghị các biện pháp liên quan đến quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp nhà nước, đến đầu tư ngoài ngành, đến hiệu quả của doanh nghiệp nước… một cách có hệ thống, có cơ sở lý luận và thực tiễn.
Đặt vấn đề là trong bối cảnh hiện nay có thể nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước hay không, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, ông Đỗ Hoài Nam ngắn gọn “câu trả lời là có, điểm đột phá là nhà nước hãy thực hiện đúng vai trò chủ sở hữu”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng, hiện có vố số việc liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế bị vướng do hệ thống pháp luật, vậy nên trách nhiệm hàng đầu lại nằm ở trọng trách xây dựng luật pháp của Quốc hội.
Theo: VnEconomy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét