Pages

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Miến Điện bắt đầu cuộc bầu cử lịch sử

Người ủng hộ cầm chân dung bà ASSK
Bà Aung San Suu Kyi và Đảng NLD của bà
là tâm điểm của cuộc bầu cử lần này
Người dân Miến Điện đi bầu Quốc hội bổ sung trong một cuộc bầu cử sớm có sự tham dự của nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi hôm Chủ nhật ngày 1/4.
Đây là lần đầu tiên bà Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel hòa bình, ra tranh cử cho một vị trí trong chính quyền.
Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà sẽ cạnh tranh toàn bộ 45 ghế trong cuộc bầu cử đầu tiên mà đảng này tham gia kể từ năm 1990.
Các nhà báo nước ngoài và các quan sát viên quốc tế được chính quyền Miến Điện cho phép tiếp cận rộng rãi nhất chưa từng có đối với cuộc bầu cử.
Liên minh châu Âu (EU) đã đánh tiếng rằng họ sẽ giảm nhẹ một số lệnh trừng phạt nếu cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ.

‘Ý nghĩa lớn lao’

Quan sát viên của EU Ivo Belet nhận xét cuộc bầu cử diễn ra một cách hòa bình.
“Chúng tôi hy vọng cả ngày bầu cử hôm nay sẽ diễn ra một cách hòa bình và chúng tôi sẽ đánh giá dựa trên cơ sở của toàn bộ các phiên bỏ phiếu mà chúng tôi chứng kiến,” ông nói.
Chính phủ hiện tại của Miến Điện vẫn bị chi phối bởi phe quân sự và các tướng lĩnh quân đội từ chế độ cũ vốn cai trị đất nước này trong hàng chục năm và bị cáo buộc vi phạm nhân quyền rộng rãi.
Nhưng kể từ năm 2010, khi quá trình chuyển giao quyền lực bắt đầu, giới chức nước này đã làm các nhà quan sát ấn tượng với tốc độ thay đổi của họ.
Hầu hết các tù nhân chính trị đã được thả. Các hạn chế báo chí được dỡ bỏ và quan trọng hơn nữa, bà Suu Kyi và đảng chính trị của bà đã được thuyết phục tham gia trở lại vào chính trị nước này.
Đảng NLD đã không tham gia vào đời sống chính trị của Miến Điện kể từ năm 1990 khi họ giành chiến thắng áp đảo trong một cuộc tổng tuyển cử mà phe quân sự từ chối công nhận kết quả.
Trong phần lớn 20 năm sau đó bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia và từ chối tham gia vào cuộc bầu cử năm 2010 vốn là tiền đề cho các cuộc cải cách hiện nay.
"Chúng tôi vẫn quyết tâm tiến về phía trước bởi vì đó là điều nhân dân chúng tôi mong muốn."
Aung San Suu Kyi, lãnh đạo dân chủ Miến Điện
NLD là một trong 17 đảng phái đối lập tham gia vào cuộc bầu cử hôm Chủ nhật mà trong đó họ cạnh tranh với nhau một tỷ lệ ghế rất nhỏ và phe quân sự vẫn nắm ưu thế tuyệt đối trong Quốc hội.
Với hàng chục ngàn người đổ ra đường để bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Suu Kyi và đảng NLD của bà, cuộc bầu cử trước thời hạn này có ý nghĩa lớn lao, phóng viên BBC Rachel Harvey đang theo dõi cuộc bầu cử ở Rangoon cho biết.
Bản thân bà Suu Kyi tranh cử một ghế trong Hạ viện ở đơn vị bầu cử Kawhmu bên ngoài Rangoon.
Bà đến Kawhmu hôm thứ Bảy ngày 31/3 trong một đoàn xe tranh cử của đảng NLD mà bên ngoài xe được dán các áp phích cổ động của đảng.
Nhiều nhóm ủng hộ viên đã tập hợp để chào đón bà trong màu áo của Đảng NLD. Họ vẫy cờ của đảng và chân dung bà Suu Kyi.

‘Tiến về phía trước’

Người ủng hộ Đảng NLD
Dù có giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này thì Đảng NLD cũng không thay đổi được cán cân quyền lực
Trước đó, Suu Kyi đã mô tả chiến dịch bầu cử trong năm này là ‘không thật sự tự do và công bằng’ và cảnh báo rằng các cuộc cải cách là ‘không thể đảo ngược’.
Tuy nhiên bà nói rằng bản thân bà và Đảng NLD không hối tiếc đã tham gia tranh cử.
“Chúng tôi vẫn quyết tâm tiến về phía trước bởi vì đó là điều nhân dân chúng tôi mong muốn,” bà nói.
Một số nhỏ các đại diện của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á Asean cùng với các đại diện từ châu Âu và Mỹ đã được mời đến giám sát cuộc bầu cử.
Hơn 100 nhà báo nước ngoài được cho là đã được Chính phủ Miến Điện cho phép đến đưa tin về cuộc bầu cử.
Cao ủy thương mại EU Karel De Gucht cho biết các biện pháp trừng phạt chính trị đối với Miến Điện hầu hết ‘nhằm vào các cá nhân’ và có thể được xem xét lại khi các Ngoại trưởng EU có cuộc họp ở Brussels vào ngày 23/4.
Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thậm chí ‘được thực hiện với hiệu quả ngay lập tức’, ông phát biểu với hãng tin AFP.
"Kết quả cuộc bỏ phiếu này sẽ không thay đổi cán cân quyền lực ở Miến Điện nhưng nó sẽ cho phép các nhà bất đồng chính kiến trước đây có tiếng nói lớn hơn trong hệ thống chính trị của nước này để từ đó xây dựng cho tương lai."
Rachel Harvey, phóng viên BBC
“Tôi rất hào hứng với triển vọng rằng cuối cùng thì người dân Miến Điện sẽ có nhiều tự do hơn,” ông nói.
“Tự do chính trị và tự kinh tế luôn luôn đi cùng với nhau’.
Từ Rangoon, phóng viên BBC Rachel Harvey nhận xét rằng sự tham gia của Đảng bà Suu Kyi trong cuộc bầu cử này là ‘một bước nhảy của niềm tin, một canh bạc rằng các cuộc cải cách do chính phủ dân sự Miến Điện khởi xướng sẽ được tiếp tục.’
“Bà đã than phiền về những bất thường trong quá trình vận động bầu cử nhưng cũng nói rằng cơ hội tăng cường nhận thức chính trị trong các chuyến vận động trên khắp đất nước là đáng giá,” phóng viên Rachel cho biết.
“Kết quả cuộc bỏ phiếu này sẽ không thay đổi cán cân quyền lực ở Miến Điện nhưng nó sẽ cho phép các nhà bất đồng chính kiến trước đây có tiếng nói lớn hơn trong hệ thống chính trị của nước này để từ đó xây dựng cho tương lai,” Rachel nói.

Không có nhận xét nào: