Pages

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Mỹ lập cơ quan tình báo tập trung theo dõi Trung Quốc và Iran.



Biểu hiệu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ - DIA trên nền cờ Hoa Kỳ

Hãng tin Mỹ UPI, ngày hôm nay, 24/04/2012, dựa theo tiết lộ của một quan chức cấp cao bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, xin giấu tên, cho biết, vào tuần trước, bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, đã chấp thuận kế hoạch thành lập một tổ chức tình báo mới, Cơ quan Quốc phòng Bí mật – DCS (Defense Clandestine Service) - nhằm mở rộng các hoạt động tình báo vượt ra bên ngoài những khu vực có chiến tranh và tập trung ưu tiên theo dõi Trung Quốc và Iran.
Vẫn theo nguồn tin này, DCS sẽ phối hợp làm việc chặt chẽ với CIA vào lúc các cơ quan quân sự và tình báo của Mỹ ngày càng chú ý hơn tới các mối đe dọa giống nhau. Đây chỉ là một sự điều chỉnh chủ yếu trong cơ quan tình báo quân sự, để hoạt động có hiệu quả hơn.
Cơ quan Tình báo Quốc phòng - The Defense Intelligence Agency - DIA, được thành lập từ năm 1961, trực thuộc bộ Quốc phòng, là một trong 16 tổ chức tình báo của chính phủ Mỹ. DIA có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động được coi là cần thiết trong lĩnh vực đối ngoại và an ninh quốc gia, chủ yếu tập trung vào tình báo chiến thuật và tác chiến, hàng ngày cung cấp thông tin cho các lực lượng chiến đấu.
Những lĩnh vực này vẫn là đối tượng được chú ý của DIA, hiện có khoảng 16 500 nhân viên dân sự và quân sự làm việc trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, theo nhận định của bộ Quốc phòng Mỹ, quân đội Hoa Kỳ cần thúc đẩy các hoạt động tình báo vượt ra ngoài các lĩnh vực chiến thuật, chú ý hơn đến « tình báo quốc gia ».
Khái niệm « tình báo quốc gia » bao gồm những thông tin liên quan đến các chủ đề chung, lớn hơn, như Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự, các mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran, đấu tranh chống khủng bố quốc tế, vũ khí hủy diệt hàng loạt, chia sẻ thông tin với các cơ quan tình báo khác.
Quan chức bộ Quốc phòng nói trên cũng gạt bỏ những lo ngại, theo đó, Cơ quan Tình báo Quốc phòng – DIA – sẽ lấn át vai trò của CIA. Ông nhấn mạnh là DIA sẽ nỗ lực hợp tác chặt chẽ với CIA và các cơ quan tình báo khác. Cho đến nay, các nhân viên của DIA vẫn làm việc trong các bộ phận của CIA bên trong các sứ quán Mỹ ở nước ngoài và cùng tiến hành các hoạt động tình báo.
Khoảng 15% số nhân viên của DIA sẽ được điều sang Cơ quan Quốc phòng Bí mật – DCS (Defense Clandestine Service). Chi phí hoạt động của DCS nằm trong ngân sách của bộ Quốc phòng và không đòi hỏi phải có một quy chế luật pháp mới.
Đức Tâm (RFI).

Không có nhận xét nào: