Pages

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Mỹ Philippines "lên dây cót" ở Biển Đông.


Hôm qua (16/4), khoảng gần 7000 binh lính Mỹ và Philippines đã chính thức khai hoả một cuộc tập trận chung kéo dài 12 ngày trên Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng lãnh hải giữa Trung Quốc và Philippines chưa tìm được hướng "xoa dịu".

Cuộc tập trận chung này có tên “Balikatan” hay còn gọi là “Vai kề vai” được bắt đầu bằng một lễ khai mạc trọng thể với sự góp mặt của Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines - Tướng Jessie Dellosa và Đại sứ Mỹ tại Philippines – ông Harry Tomas.
Đây là cuộc tập trận thường niên lần thứ 28 của hai quốc gia đồng minh chiến lược Mỹ - Philippines. Cuộc tập trận có sự tham gia của 4.500 quân Mỹ và 2.300 binh sĩ Philippines.

Cuộc tập trận sẽ kéo dài đến ngày 27/4.


Trong bài phát biểu khai mạc cuộc tập trận, ông Dellosa không hề đề cập cụ thể tới Trung Quốc nhưng nhấn mạnh rằng cuộc tập trận thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với đồng minh.

Ông Dellosa nói: “Căn cứ vào tình hình thế giới hiện nay, tôi muốn nói rằng cuộc tập trận này diễn ra đúng lúc và đem lại lợi ích cho cả hai bên. Việc thực hiện sự kiện hằng năm này phản ánh nguyện vọng xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn nữa với đồng minh chiến lược, phản ánh sự cam kết mà hai bên đã đạt được một cách đặc biệt trong bối cảnh các thách thức đang gia tăng trong khu vực”.

Theo kế hoạch, cuộc diễn tập năm nay được giới hạn ở các khu vực hoàn toàn thuộc chủ quyền của Philippines, trong đó có nhóm đảo Palawan dài gần 600 km giáp với Biển Đông.

"Cuộc tập trận sẽ được thực hiện gần bờ biển của nhóm đảo Palawan và thuộc lãnh thổ của Philippines. Chắc chắn chúng tôi sẽ không tập trận quân sự ở những nơi có tranh chấp hoặc ở những vùng biển không phải của mình”, người phát ngôn quân đội Philippines, Thiếu tá Emmanuel Garcia, khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Garcia khẳng định mục đích tập trận không nhằm khiêu khích bất kỳ nước nào trong khu vực.

“Mục tiêu của chúng tôi không nhằm chống lại bất kỳ nước nào, mà chỉ cốt để bảo vệ an ninh hàng hải và các lợi ích của đất nước", Thiếu tá Garcia cho biết thêm.

Căng thẳng Philippines - Trung Quốc vẫn chưa được "tháo ngòi"
Tuy nhiên, động thái trên có thể làm mối căng thẳng ở biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn,

Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông và viện dẫn những chứng cớ lịch sử, kể cả đối với những vùng nước sát cạnh bờ biển của Philippines và một số quốc gia Đông Nam Á khác. Cuộc cạnh tranh chủ quyền ở vùng biển chiến lược quan trọng này đã khiến cho Biển Đông trở thành một trong những điểm nóng của châu Á, có nguy cơ châm ngòi xung đột quân sự.

Cách hơn 1 tuần, Biển Đông lại "dậy sóng" khi các tàu Philippines và Trung Quốc đụng độ tại một hòn đảo gọi là bãi đá ngầm Scarborough ở Biển Đông. Sau gần một tuần, hai bên từ chối thoái lui và vẫn tiếp tục giữ các tàu dân sự ở bãi đá ngầm cách tây đảo Luzon của Philippines 230 km trong nỗ lực khẳng định chủ quyền mỗi bên.
Cuộc khủng hoảng xảy ra từ hôm 8/4, khi Philippines thông báo phát hiện 8 tàu cá của Trung Quốc đánh bắt trái phép gần bãi Scarboroug.

Tuy nhiên, khi Manila cử tàu chiến Đô đốc Gregorio del Pilar tới bắt giữ các ngư dân Trung Quốc thì bất ngờ có 2 tàu hải giám của Trung Quốc xuất hiện để ngăn cản hoạt động này.

Sau đó, phía Philippines đã cử thêm tàu tuần duyên thứ hai tới khu vực tranh chấp để đối trọng với các tàu hải giám của Trung Quốc, đồng thời nỗ lực duy trì liên lạc với Bắc Kinh qua kênh ngoại giao nhằm không để vụ việc trở nên nghiêm trọng.

Đến hôm 14/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, toàn bộ 8 tàu đánh cá cùng với một tàu hải giám của Trung Quốc đêm 13/4 đã rời khỏi khu vực vùng biển tranh chấp. Hiện trường chỉ còn lại một tàu hải giám của Trung Quốc và một tàu tuần duyên của Philippines.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bên chỉ tạm thời lắng dịu trong thời gian ngắn. Vài giờ sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario cho biết, Trung Quốc đã điều một con tàu trở lại vùng biển tranh chấp với Philippines đồng thời quấy nhiễu một tàu dân sự nước này.

Ông Albert Del Rosario cho biết, ngoài hai tàu Trung Quốc có mặt tại khu vực tranh chấp, một máy bay của Trung Quốc cũng tới và bay phía trên tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đang đóng ở khu vực này.

Và cho đến nay mối căng thẳng này vẫn chưa tháo được “ngòi nổ”.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: