Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom vừa tuyên bố tham gia dự án khai thác khí ở Biển Đông, tại nơi mà công ty Anh BP (British Petroleum) từng phải rút lui dưới áp lực của Trung Quốc.
Hai lô này là nơi có các mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh, nằm trong bồn trũng Nam Côn Sơn giữa quần đảo Trường Sa và bờ biển Việt Nam. Trung Quốc đã nhiều lần phản đối việc Việt Nam thăm dò khai thác ở khu vực này, mà Bắc Kinh cho là "nằm bên trong hải giới truyền thống" của Trung Quốc.
Chính tại đây, vào năm 2007, Trung Quốc đã gây áp lực buộc BP ngưng hoạt động trong dự án dầu khí có vốn đầu tư 2 tỷ đôla. BP chính thức rút khỏi dự án này năm 2009.
Ngược lại, Việt Nam khẳng định các mỏ khí nói trên hoàn toàn nằm trong thềm lục địa của mình.
Hà Nội cũng nhiều lần tỏ rõ quyết tâm theo đuổi dự án mà sau đó được PetroVietnam đặt tên là Dự án Biển Đông 1, do Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BĐPOC) - một công ty con của PetroVietnam quản lý.
Hiện chưa thấy có phản ứng gì từ Bắc Kinh trước thông tin Dự án Biển Đông 1 có đối tác nước ngoài mới.
Báo Việt Nam cũng chưa có thông tin gì về thỏa thuận này, nhưng Thông tấn xã Việt Nam cho hay Tổng giám đốc Tập đoàn Gazprom Alexey Miller cùng đoàn công tác "đang thăm và làm việc tại Việt Nam".
Chia lợi nhuận
Ông Miller đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang hôm thứ Năm 5/4.Thông cáo của Gazprom vừa công bố nói sẽ chia sẻ 49% lợi nhuận với PetroVietnam theo thỏa thuận đạt được giữa hai bên.
Trữ lượng của hai mỏ này ước tính vào khoảng 55,6 tỷ mét khối khí gas. Khi đưa vào khai thác, mỗi ngày hai mỏ có thể sản xuất từ 15.000-20.000 thùng khí ngưng tụ.
Gazprom và đối tác Việt Nam dự tính sẽ khoan 16 giếng ở độ sâu 2.000-4.600 mét để khai thác khí.
Trước đây, BP giữ 75,9% cổ phần ở mỏ Hải Thạch.
Hải Thạch và Mộc Tinh là hai mỏ khí thiên nhiên, nằm ở rìa thềm lục địa và khá xa đất liền, cách Vũng Tàu gần 200 hải lý.
Trung Quốc đã nhiều lần gây áp lực đối với các công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam tại các vùng Biển Đông mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.
Giới phân tích nói phản ứng của các tập đoàn phụ thuộc nhiều vào hậu thuẫn của các chính phủ.
Hồi tháng 7/2008, Trung Quốc đã gây sức ép buộc công ty ExxonMobil của Hoa Kỳ ngừng dự án với Việt Nam tại các lô 135 và 136, khu vực Tư Chính - Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn.
Exxon lúc đó không tuyên bố rút lui, nhưng sau đó cũng không có thêm thông tin gì về tiến độ dự án cho tới tháng 10 năm ngoái khi công ty này thông báo đã tìm thấy dầu sau mũi khoan thứ hai hồi tháng Tám.
Đàm phán song phương
Trong một diễn biến khác, Bắc Kinh vừa một lần nữa kêu gọi đàm phán tay đôi và trực tiếp với các nước quanh Biển Đông, một ngày sau khi Hội nghị Thượng đỉnh khối Asean bế mạc tại Phnom Penh, Campuchia.Thượng đỉnh Asean lần thứ 20 không đưa ra được đột phá gì trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông giữa nhiều quốc gia Asean và Trung Quốc, và tuyên bố của người phát ngôn Trung Quốc đưa ra hôm thứ Năm 5/4 cho thấy quá trình này đang gặp bế tắc nghiêm trọng.
Ông Hồng Lỗi một lần nữa nhắc lại những điều đã nói nhiều lần, rằng Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông "phải đạt được thông qua đàm phán trực tiếp giữa Trung Quốc và các nước Asean".
Một số quốc gia Asean cho rằng Asean, với tư cách một khối, cần đưa ra phương án chung của mình trước khi thảo luận với Trung Quốc.
Tuy nhiên quan điểm này dường như không được một số nước khác trong Hiệp hội chia sẻ.
Campuchia, nước chủ tịch Asean năm 2012, đang bị chỉ trích đã thuận theo áp lực của Trung Quốc trong chủ đề Biển Đông, điều mà Phnom Penh cực lực bác bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét