Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Nguyên nhân thua lỗ của EVN

Hùng Mạnh
 
Công ty kiểm toán độc lập cơ bản đã kiểm toán xong tài sản của EVNTelecom trên sổ sách kế toán, giá trị tài sản EVNTelecom khoảng 15.000 tỷ, nhưng nợ của EVNTelecom là 12.000 tỷ. Tập đoàn Viettel cũng đang phối hợp với kiểm toán độc lập đánh giá tài sản viễn thông của các Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Truyền tải và ước tính giá trị tài sản của các đơn vị này khoảng 20.000 tỷ.
Tuy nhiên lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết đây là giá trị tài sản tính theo sổ sách kế toán còn giá trị thực của nó thì thấp hơn nhiều, đó là chưa tính các tài sản thu hồi nhưng không sử dụng được như thiết bị mạng CDMA, thiết bị đầu cuối CDMA, thiết bị truyền dẫn Metro 1000.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đầu tư thiết bị một trạm thu phát sóng GSM tính cả thiết bị truyền dẫn là 300 triệu, Viettel mua thiết bị trả chậm 4 năm không tính lãi suất. Trong khí đó, EVNTelecom đầu tư thiết bị một trạm thu phát sóng CDMA là 1 tỷ. Máy điện thoại Homphone của Viettel đặt hàng có giá 500.000 đồng, trong khi máy E-COM của EVNTelecom đặt hàng có giá vài triệu. Nếu chỉ tính riêng phần chênh lệch giá trị thiết bị cũng cho thấy có khả năng giá trị thực thiết bị đã được đẩy lên.
Chuyển giao EVNTelecom cho Viettel thì Tập đoàn Viettel vừa phải tốn chi phí hàng ngàn tỷ chuyển khách hàng CDMA của EVN sang mạng Viettel, đồng thời Tập đoàn Viettel phải tốn kém chi phí tháo dỡ mạng CDMA. Như vậy tài sản CDMA của EVNTelecom đối với Tập đoàn Viettel là giá trị âm.
Công ty EVNTelecom đầu tư thiết bị dự án mạng 3G giai đoạn 1 lắp đặt 2.500 trạm với số tiền 3.000 tỷ, tương ứng tỷ suất đầu tư của EVNTelecom cho thiết bị mạng một trạm 3G có giá 1 tỷ/trạm. Trong khi đó, Tập đoàn Viettel đầu tư thiết bị trạm 3G có 3 sóng mang 6 sector có giá 30.000 USD và dung lượng trạm 3G của Viettel gấp 3 lần dung lượng trạm 3G của EVNTelecom.
Năm 2010, Tập đoàn EVN thiếu tiền đổ dầu dẫn đến cắt điện triền miên đã làm cho doanh nghiệp phải ngừng sản xuất. Doanh nghiệp bị cắt điện không hoạt động sản xuất được thì không đáp ứng được hợp đồng dẫn đến doanh nghiệp bị các đối tác nước ngoài cắt hợp đồng, hoặc giảm khối lượng hợp đồng trong năm 2011 và đây cũng là một nguyên nhân đẩy hàng loạt doanh nghiệp phá sản trong năm 2012. Doanh nghiệp phá sản nhiều sẽ đẩy Tập đoàn EVN đến tình trạng dư điện, không bán được điện thì doanh thu thấp dẫn đến lương CBCNV sẽ thấp.
Tuy Tập đoàn EVN không vay được tiền đổ dầu nhưng vẫn triển khai xây dựng 5.000 trạm 3G. Các Tổng công ty Điện lực được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng 3G cột anten, nhà trạm, cáp quang với số tiền đầu tư 2.100 tỷ. Công ty EVNTelecom được giao nhiệm vụ đầu tư thiết bị 5.000 trạm 3G nhưng Tập đoàn EVN bảo lãnh cho EVNTelecom vay vốn.
Tuy nhiên ngân hàng không cho EVNTelecom vay vốn để trả thiết bị mặc dù 90% thiết bị nhà thầu đã bàn giao cho EVNTelecom vào đầu năm 2011 và hạ tầng 3G các Tổng công ty Điện lực đã xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2010.
Trong năm 2011, Tập đoàn EVN đã thiệt hại khoảng 600 tỷ từ việc đầu tư 2.100 tỷ cho hạ tầng dự án 3G giai đoạn 2. Bởi do đầu tư ra nhưng không sử dụng, trong khi phải trả lãi vay khoảng 400 tỷ và 200 tỷ tiền thuê mặt bằng lắp đặt trạm 3G.
Mạng 3G của EVNTelecom đã xây dựng muốn cung cấp chất lượng dịch vụ cho khách hàng thì cần phải thiết kế quy hoạch lại. Do vậy Tập đoàn Viettel đang quy hoạch mạng 3G của EVNTelecom và sẽ có một số lượng lớn trạm 3G phải tháo dỡ di chuyển đến vị trí lắp đặt mới.
Tài sản của EVNTelecom có thể sử dụng được gồm mạng 3G, các cổng Quốc tế, tuyến cáp quang biến liên Á, trụ sở và văn phòng EVNTelecom có giá trị khoảng 8.000 tỷ. Như vậy còn thiếu mất khoảng 7.000 tỷ từ tài sản mạng CDMA, thiết bị đầu cuối CDMA… là những tài sản không thể sử dụng được.
Tập đoàn Viettel mỗi năm chi phí cho việc thuê cột điện của Tập đoàn EVN để treo cáp viễn thông khoảng 200 tỷ. Tuy nhiên Tập đoàn Viettel đang tiến hành chôn ngầm cáp hoặc trồng trụ tách cáp ra khỏi cột điện lực. Do vậy Tập đoàn EVN cho phép Tập đoàn Viettel sử dụng miễn phí cột điện treo cáp trong thời hạn 30 năm vẫn chưa bù phần tài sản thâm hụt 7.000 tỷ.
Qua việc lãng phí trong Tập đoàn EVN chỉ tính riêng tại EVNTelecom cũng phần nào cho chúng ta hiểu được tại sao Tập đoàn EVN thua lỗ. Tuy nhiên muốn biết được nguyên nhân thua lỗ thực sự của Tập đoàn EVN như thế nào phải chờ kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ đối với Tập đoàn EVN.

Không có nhận xét nào: