Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Phe Áo Đỏ đón chào ông Thaksin tại Siem Reap






Ông Thaksin và Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (Reuters)

Phạm Phan / Thanh Phương
Hôm nay 14/04/2012, cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã đến Siem Reap, Cam Bốt, để gặp gỡ hàng ngàn ủng hộ viên thuộc phe Áo Đỏ từ Thái Lan kéo sang. Cuộc tập hợp này diễn ra đúng dịp Tết ở Cam Bốt, Thái Lan, Lào và Miến Điện. Đây được coi là sự kiện khá đặc biệt trong bang giao giữa Cam Bốt và Thái Lan.

Khoảng 12 giờ trưa hôm nay, chiếc máy bay chở cựu Thủ Tướng Thái Thaksin từ Lào bay qua đã đáp xuống phi trường tỉnh Siêm Riệp. Qua giới thiệu của đài truyền hình Phe Áo Đỏ, ông Thaksin đến đất Cam Bốt trong vị thế du khách nên chỉ có các giới chức du lịch và chính quyền, quân đội tỉnh Siêm Riệp ra đón ông tại phi trường. An ninh chung quanh được bảo vệ chặt.

Những người ủng hộ ông Thaksin đã mặc áo thun phía trước có in hình bản đồ Cam Bốt như biểu hiện một quan hệ đoàn kết hai quốc gia.

Cựu Thủ Tướng Thái Thaksin Shinawatra (sinh ngày 26/7/1949) lại đến xứ Chùa Tháp vào thời điểm thiêng liêng của 4 quốc gia ở khu vực này, đó là năm mới theo truyền thống dân tộc của người Cam Bốt, Thái, Lào, Miến Điện kéo dài 3 ngày từ 13 đến 15 tháng 4 hàng năm.

Lực lượng an ninh Cam Bốt phải triển khai khoảng 4.500 nhân viên bao gồm cảnh sát, quân cảnh, lính và lực lượng bảo vệ yếu nhân. Quả là phức tạp và quá ồn ào khi cả nước đang đi chơi đón mừng tết nhất.

Tại khu vực cách đền Ang Kor 2 km, cảnh sát phải để dành ra một khu vực rộng đến 22 mẫu đất để làm nơi tập họp của Phe Áo Đỏ đón chào ông Thaksin. Các vấn đề nấu nướng, ăn uống, nơi nghỉ ngủ cho hơn 40.000 thành viên Áo Đỏ đặt ra một vấn đề không nhỏ cho địa phương Siêm Riệp.

Cuộc hành trình mang niềm mong muốn trở lại cố hương gây ra nhiều lời bàn tán xôn xao này đã được thông báo chính thức trên các cơ quan truyền thông Cam Bốt, đặc biệt là đài truyền hình Phe Áo Đỏ tại Băng Cốc của Đảng Pheu Thái ủng hộ ông Thaksin.

Với sự ủng hộ không kém nhiệt tình của nhân vật quyền uy nhất tại xứ Chùa Tháp, ông Thaksin đã huy động được lực lượng đông đến hàng chục ngàn người vượt qua biên giới Cam Bốt để đến gặp mặt ông. Rất nhiều người đã tới trước một ngày. Theo Thủ Tướng Hun Sen, có thể hơn 10.000 người kéo qua biên giới. Còn theo báo chí Cam Bốt, có thể lên đến 45.000 người thuộc Phe Áo Đỏ dồn về cố đô Siêm Riệp đón chào và nghe ông nói chuyện nhân dịp Tết Thái.

Đây là sự kiện khá đặc biệt trong bang giao hai nước. Một mặt nó thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền Thái hiện nay do em gái ông Thaksin lãnh đạo. Một mặt nó chứa đựng mầm mống gây tổn hại với các lực lượng thù địch gia đình ông Thaksin mà lúc nào cũng muốn tìm cơ hội tái chiếm chính quyền thông qua cuộc bầu cử. Và cũng chính từ sự tổn hại tiềm tàng này, nó lại sẽ gây sứt mẻ uy tín của toàn khối ASEAN.

Mục đích của Thaksin khi tổ chức cuộc gặp mặt ngay thời điểm Tết

Trước khi đến Siêm Riệp – Cam Bốt thì cựu Thủ Tướng Thaksin có viếng thăm Lào ngày thứ Tư và nhân cơ hội này nói chuyện trước 2.000 người thuộc Phe Áo Đỏ tại tỉnh Nong Khai của Thái sát biên giới Lào. Tại cuộc gặp, ông Thaksin tỏ lòng mong ước muốn trở về quê hương sinh sống. Theo lời ông, dù ông có về được hay không thì nước Thái vẫn đi lên. Và nếu mọi việc đã qua thì ông sẽ trở lại quê hương. Ông không cần thiết phải nắm chức Thủ Tướng mà vẫn phục vụ được cho dân chúng.

Lào là quốc gia đầu tiên, nơi ông Thaksin dừng chân trong chuyến đi năm nay, và nhân cơ hội đó tổ chức tập hợp những người ủng hộ với mục đích giúp ông trở về nước trong dịp 26 tháng 7 năm nay, nhằm sinh nhật của ông.

Đây là trường hợp hiếm thấy trong cách đối xử của một quốc gia với một nhân vật không có giấy thông hành và đang bị truy tố ở đất nước Thái. Thời gian tại vị, ông Thaksin chủ trương coi Lào là thân hữu láng giềng và đầu tư nhiều vào để giúp đỡ, tất nhiên cũng hưởng lợi. Thái, trong quan niệm hành xử về mặc bang giao thường coi Lào là nước đàn em vì nghèo nhỏ hơn và có nét tương tự về ngôn ngữ, văn hóa. Trong khi đó sau gần 4 thập niên theo đuổi vô ích chủ thuyết độc tài Cộng Sản, những người cầm đầu tại Lào ngày nay cũng muốn thay đổi để sống còn cũng như đưa quốc gia họ hòa nhập vào cuộc sống tiến bộ của nhân loại.

Các hành động liên tục của ông Thaksin sau ngày bị đảo chính cho thấy ông kiên trì trở về quê hương dù rằng ông có nhiều tiền để sống một cuộc đời giàu có ở xứ người.

Hiện giờ dù chưa trở về được nhưng phe của ông đã chứng tỏ thắng thế trong chính trường Thái và chiếc ghế Thủ Tướng của bà Ying Luck cho đến lúc này đã vượt qua các trở ngại mà khi mới lên cầm quyền có lo ngại rằng Phe Áo Vàng tìm cách sách động các cuộc biểu tình chống phá như mọi khi. Tuy nhiên sự kiện hai nhân vật lãnh đạo Phe Áo Vàng vẫn còn bị giam tại ngoại ô Phnom Penh khiến họ cũng còn e dè và vẫn muốn mượn tay bà Ying Luck để cứu họ. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì.

Vị trí của Thaksin và mối quan hệ Thái Lan – Cam Bốt

Có thể nói rằng trong chính trường Thái Lan từ một thập niên trở lại đây, nhân vật Thaksin được nhắc tới nhiều vì sự giàu có và sự nghiệp chính trị đi lên từ sự nghiệp kinh doanh cá nhân và gia đình ông ta.

Thaksin giàu có nhưng lại chú ý nhiều đến đời sống dân Thái nghèo ở miền quê, nhất là ở miền Đông Bắc Thái, nơi Thaksin sinh trưởng. Từ đó ông ta có uy tín và được nhiều người nông thôn mến thương. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Thaksin không được thành phần có học, giới trí thức và giai cấp quân nhân đặc quyền trong xã hội Thái ưa thích ông.

Một điều hệ trọng ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của ông là uy tín cá nhân nổi bật trong xã hội quân chủ lập hiến, dù Vua Thái và hoàng gia không nắm thực quyền, nhưng hình ảnh và hoạt động của họ được coi như tuyệt đối bất khả xâm phạm.

Chính vì điều này, Thaksin đã không làm vui lòng hoàng gia khi đi đâu dân nghèo cũng lưu luyến và tôn kính ông như một vị lãnh tụ mới của họ. Cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin thể hiện bản chất của giai cấp thống trị, muốn tuyệt đối hóa vai trò cá nhân của mình, không ai có thể thay thế được, khi đã ngồi trên cao lâu rồi thì không bao giờ muốn bị ai hạ bệ.

Cựu Thủ Tướng Abhisit, nhân vật thân cận hoàng gia Thái, có quan điểm dân tộc quá khích nên không xây dựng được mối quan hệ tốt với láng giềng Cam Bốt, trái lại còn khuấy động cuộc xung đột quân sự đổ máu, gây xáo trộn cuộc sống thanh bình của người dân vùng biên giới, làm xấu đi hình ảnh đoàn kết thống nhất của khối ASEAN.

Trong quan hệ với láng giềng Cam Bốt, ông Thaksin đã thành công khi lấy lòng được nhân vật quyền uy tại xứ này. Thái và Cam Bốt là cựu thù, nhưng trong thời kỳ Thaksin cầm quyền (2001 – 2006) và cho đến lúc bị đảo chính (tháng 9/2006) phải sống lưu vong ở Dubai, quan điểm Thaksin vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Cam Bốt, và người em gái ông khi lên làm thủ tướng từ hồi tháng 7 năm ngoái đến nay, bà đã tiếp tục chính sách giao hảo tốt.

Chính vì thế mà những tranh chấp căng thẳng tại ngôi đền Preah Vihear đã hạ nhiệt rất nhiều và ít khi được nghe nói tới. Đây cũng là điều mà người dân hai nước ở miền biên giới vui mừng, có hòa bình mới dễ làm ăn, phát triển kinh tế.

Không có nhận xét nào: