Pages

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Phải chăng Trung Quốc đang dịu giọng?

Những căng thẳng tại Biển Đông đặc biệt là giữa Trung Quốc với các nước nằm trong vùng tranh chấp gây ra quan ngại rằng tình hình sẽ ngày càng trở nên căng thẳng.




AFP photo - Lá cờ Philippines (T) và lá cờ Mỹ (P) trong lễ khai mạc các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Philippines tại trại Aguinaldo, Manila vào ngày 16 tháng 4 năm 2012.


Tuy nhiên, theo một số chuyên gia Hoa Kỳ, Trung Quốc đang có phần dịu giọng. Có lẽ đây là một góc nhìn mới và cần được nêu ra nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quát hơn về sự kiện.






 Tỏ thiện chí ngoại giao

Hồi tháng Ba, tạp chí Các vấn đề đối ngoại Foreign Affairs cho đăng tải bài viết “Tất cả đều yên lặng ở Biển Nam Trung Hoa” của ông M. Taylor Fravel, một chuyên gia về Trung Quốc và Đông Á hiện đang công tác tại viện Công nghệ Massachusetts, nói về thái độ của Trung Quốc trong thời gian gần đây tại Biển Đông. Đại ý, bài viết nói rằng Trung Quốc đang dịu giọng hơn tại thủy lộ quan trọng đang bị tranh chấp phức tạp này. Lý do được ông Taylor đưa ra là vì Trung Quốc muốn khôi phục hình ảnh của nước này và nhằm ngăn Hoa Kỳ có cớ để can dự sâu hơn vào khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Xem ra ông Taylor không phải là người duy nhất có nhận định đó. Tuần trước, tại Diễn đàn An ninh Toàn cầu năm 2012, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS có trụ sở tại Hoa Kỳ, tổ chức, một số chuyên gia, cựu giới chức Hoa Kỳ cũng đưa ra lời nhận định tương tự.

Là một trong các nhân vật được mời nói chuyện tại phần hội thảo về Biển Đông, Đô đốc Joseph Prueher, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho rằng những vụ đụng độ tại Biển Đông mà ông gọi là biển Nam Trung Hoa trong những năm trở lại đây có lẽ làm người ta nghĩ rằng căng thẳng sẽ leo thang ở khu vực nhưng theo ông, tình hình đã khác đi, ít ra trong hai năm trở lại đây:

“Sự việc và đã thay đổi trong hai năm gần đây. Trung Quốc đã dịu giọng hơn và ứng xử theo lối ngoại giao hơn. Tôi nghĩ là họ đã nhận ra rằng họ đã hung hăng quá nhiều ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Và nước này ngày càng cho thấy sự hung hãn cũng được kiểm soát”.

Dẫn chứng cho nhận định của mình, Đô đốc Joseph Prueher cho rằng những cuộc thăm viếng dày đặc hơn giữa Trung Quốc – Việt Nam; giữa Trung Quốc – Philippines; và giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực gần đây cho thấy Bắc Kinh đang tỏ thái độ ngoại giao hơn.

Năm ngoái, Việt Nam và Trung Quốc đã có ít nhất hai cuộc tiếp xúc quan trọng được cho là nhằm giải quyết những bất đồng giữa hai nước, trong đó nêu ra rằng “vấn đề Biển Đông sẽ được giải quyết trong hòa bình”. Một tháng sau đó, tại diễn đàn Đông Á, Trung Quốc cùng các nước ASEAN bàn về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử trên biển giữa các bên. Mặc dù bản hướng dẫn thực hiện DOC không đáp ứng lòng mong đợi của nhiều nước có tranh tranh chấp, đặc biệt là Philippines và các chuyên gia Việt Nam vì không có tính ràng buộc pháp lý; tuy nhiên, đối với các chuyên gia Hoa Kỳ, dù là một động thái ngoại giao nhỏ của Trung Quốc cũng được khuyến khích.

Sự việc và đã thay đổi trong hai năm gần đây. Trung Quốc đã dịu giọng hơn và ứng xử theo lối ngoại giao hơn.
Đô đốc Joseph Prueher

Theo bài viết của ông Taylor Fravel, thời gian gần đây, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc bắt đầu nói tầm quan trọng của sự hợp tác; và chính phủ Trung Quốc cũng đầu tư tổ chức hội thảo về biển như buổi Hội thảo về Tự do hàng hải ở Biển Đông.

Khi hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu đi giữ các nước láng giềng, khi Hoa Kỳ quyết tâm trở lại Châu Á và ngày càng thắt chặt quan hệ với các đồng minh và đối tác - cụ thể là tăng cường hợp tác quốc phòng, quân sự với Úc, Phillipines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam… thì các chuyên gia nhận định rằng Bắc Kinh bắt đầu dịu giọng để đi một chiến thuật khác. Đô đốc Joseph Prueher cho rằng Trung Quốc có chiến thuật riêng của họ:

“Trung Quốc có một chiến thuật để quan hệ với các nước khác, bao gồm các nước quyền lực và các nước láng giềng”.

Theo bài viết “Tất cả đều yên lặng ở Biển Nam Trung Hoa” của tác giả M. Taylor Fravel, Trung Quốc muốn khôi phục “hình ảnh của một láng giềng thân thiện và muốn làm suy yếu vai trò lớn hơn của Mỹ trong các bất đồng và khu vực”.

Chiến thuật của Trung Quốc


000_Hkg7169718-250.jpg
Phó Đô đốc hải quân Philippines Alexander Pama trưng hình ảnh hai chiếc tàu hải giám Trung Quốc chặn tàu chiến Philippines trong một cuộc họp báo tại Manila ngày 11/4/2012. AFP

Cựu đại sứ Carla Hills, cũng là một chuyên gia về quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc, cũng nhận định trong buổi hội thảo về Biển Đông rằng “có lẽ Trung Quốc đã học được những bài học từ những việc làm trước” và theo bà:

“Có nhiều vấn đề mà Trung Quốc cần phải giải quyết trong nước. Và quan hệ với các nước láng giềng cũng rất quan trọng nên họ phải hết sức cẩn thận”.

Vấn đề trong nước mà bà Carla đề cập là việc nội an bất ổn của Bắc Kinh bao gồm từ vấn đề Tây Tạng, khoảng cách giàu nghèo, đến xung đột giữa nông dân và chính phủ... Và cấp bách nhất là Đại hội Đảng lần thứ 18 sắp diễn ra. Theo Đô đốc Joseph Prueher, đây là thời gian Trung Quốc cần củng cố quyền lực và muốn ổn định quốc gia.

Nhận định về khả năng dịu giọng của Trung Quốc có lẽ mang tính thuyết phục hơn khi các chuyên gia đưa ra việc Trung Quốc không muốn các nước láng giềng ngày càng tiến về phía Hoa Kỳ. Nhưng những dấu chỉ tích cực trên đây mà một số cựu giới chức Hoa Kỳ nhìn thấy chưa hẳn thỏa mãn hết những thắc mắc về hành động hung hăng của Bắc Kinh.

Điển hình là tại buổi hội thảo về Tự do Hàng hải trên Biển Đông trong Diễn đàn An ninh Toàn cầu 2012 vừa qua, nhiều câu hỏi đã được đặt ra trong đó là cuộc đụng độ giữa tàu Bắc Kinh và tàu hải giám Manila vào ngày 8 tháng 4 tại bãi đá ngầm Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham. Sự việc được đánh giá là chưa hết căng thẳng khi phía Philippines hôm chiều thứ Bảy thông báo tàu hải giám Trung Quốc trở lại sau khi rút đi, trong khi một máy bay Bắc Kinh cũng bay sát một tàu tuần duyên của Manila đóng trong vùng. Hành động này của Trung Quốc rất khó khuyết phục cho tất cả mọi người rằng Bắc Kinh đang dịu giọng. Tuy nhiên, theo cựu đại sứ Carla Hills thì điểm tích cực là vụ đụng độ không phải là vấn đề giữa quân đội với quân đội:

“Cần phải biết rằng Trung Quốc dùng tàu dân dụng để giải quyết cuộc đụng độ này. Quân đội giải phóng Trung Quốc không được sử dụng trong việc giải quyết các tranh chấp và lần này cũng vậy. Đây không phải là vấn đề giữa quân đội các nước với nhau mà là vấn đề ngư chính”.

Cuộc đụng độ hiện tại chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ làm tình huống xấu đi nhưng vẫn chưa cho thấy nó sẽ lắng xuống. Đặc biệt, trong lúc Hoa Kỳ và Philippines đang thực hiện cuộc tập trận “Vai kề vai” thì vụ đụng độ này có thể mang một ý nghĩa mạnh hơn bình thường.

Có nhiều vấn đề mà Trung Quốc cần phải giải quyết trong nước. Và quan hệ với các nước láng giềng cũng rất quan trọng nên họ phải hết sức cẩn thận.
Cựu đại sứ Carla Hills

Cũng tại phần hội thảo về Biển Đông nằm trong Diễn đàn An ninh Toàn cầu 2012, ông Maurice “Hank” Greenberg, chuyên gia kinh tế Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho biết cần nhận thấy sự thay đổi của Trung Quốc:

“Tôi không nghĩ là Trung Quốc muốn có một cuộc xung đột lộ liễu. Đó không phải là lợi ích quốc gia của họ. Tôi tin là ngoại giao mềm mỏng là cách thức lâu dài”.
Bà Carla còn nói thêm rằng “Đó không có nghĩa là vấn đề đã được giải quyết nhưng nó có nghĩa là có căn bản để thương thuyết”.


Liệu Trung Quốc có dịu giọng hay không hay liệu đây là một chính sách lâu dài của Trung Quốc, còn là một câu hỏi lớn với nhiều dè dặt. Điển hình, mặc dù cho rằng Trung Quốc dịu giọng và đây không chỉ là chiến thuật hòa hoãn, nhưng tác giả Taylor Fravel cũng thận trọng khi nhấn mạnh ở tựa đề bài viết rằng Trung Quốc hành xử tốt đẹp “ở thời điểm hiện tại”, ám chỉ một sự không chắc chắn nước này sẽ hành xử thế nào trong tương lai. Và trước khi những dấu chỉ tích cực có thể được rõ ràng hơn, cách tốt nhất là tất cả các bên đều thận trọng, đặc biệt là Việt Nam, một nước có tranh chấp chủ quyền chồng lấn nhiều nhất đối với Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: