Hoàng Anh – Lê Dương
Ngày 24/4, UBND tỉnh
Hưng Yên tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng bàn giao đất tại xã Xuân Quan,
huyện Văn Giang để thực hiện dự án Khu đô thị Thương mại – Du lịch Văn
Giang (Ecopark). Đúng, sai về vụ cưỡng chế này
xin để các cơ quan pháp luật phán xét, trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin
bàn đến góc nhìn khác, đó là sinh kế người dân mất đất.
Năm trước hô chuyển đổi,
năm sau đã thu hồi
Cánh đồng của các xã Xuân Quan,
Phụng Công, Cửu Cao rộng gần 500 ha bao đời trước là đất hai lúa, là niêu cơm
của gần 4.000 hộ dân thuộc ba xã thuần nông. Quãng thời gian những năm
2001-2002, theo tiếng gọi của chính quyền, người dân đồng loạt chuyển đổi ruộng
thành vườn cây, ao cá. Và “cuộc cách mạng” ấy đã rất thành công. Thời điểm ở các
địa phương đang chật vật làm sao để đạt định mức 50 triệu đồng/ha thì ở đây nông
dân đã thu về tiền tỷ. Nhiều gia đình trở thành tỷ phú nhờ chuyển đổi, bộ mặt
xóm làng trở nên khang trang nhờ biến ruộng lúa thành vườn cây cảnh, ao nuôi cá.
Nhà tầng san sát mọc lên, vùng
quê này không thua gì thành phố về khoản đầu tư hạ tầng. Những người tiên phong
đầu tư vào chuyển đổi, là nông dân nhưng nhiều gia đình nuôi 2-3 đứa con ăn học
đại học nhẹ như không. Thậm chí người dân sẵn sàng góp tiền túi để đầu tư xây
dựng đường nông thôn đi… cho sướng. Bản thân chính quyền các xã Xuân Quan, Phụng
Công, Cửu Cao từng được tặng cờ thi đua là đơn vị chuyển đổi cơ cấu cây trồng
xuất sắc. Trong nhiều báo cáo tổng kết hàng năm, lãnh đạo các xã thường tự hào
rằng: “Ở đây, từ đứa trẻ ẵm ngửa, đến cụ già kề miệng lỗ, thu nhập bình quân đều
hơn 1 triệu đồng một tháng”. Phấn khởi là thế, giàu có là thế, nhưng “cuộc cách
mạng” chẳng kéo dài được lâu. Ngành nông nghiệp của 3 xã thuần nông trên trong
phút chốc bị xóa sổ hoàn toàn chỉ vì một dự án.
Năm 2003, dự án đô thị Văn Giang
được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện và giao Công ty Đầu tư và Phát triển
đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Đến năm 2004, việc thu hồi đất, giao đất để
thực hiện dự án đô thị và xây dựng đường bộ từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên
với quy mô 499,07 ha đất thuộc các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao bắt đầu
triển khai nhưng người dân vẫn chẳng biết gì.
Đại diện những
người dân không giao đất cho DN ở xã Xuân Quan
Họ hoang mang, tá hỏa. Khoảng
3.900 hộ dân ba xã này rơi vào cảnh mất toàn bộ đất nông nghiệp cho dự án mà
không hề biết là dự án gì, mức đền bù bao nhiêu, mất đất sẽ sống bằng gì…? “Ban
đầu chúng tôi chẳng tin, kéo nhau lên xã hỏi cho ra nhẽ thì ông Chủ tịch xã bảo
là chưa biết gì. Đến khi thấy cắm biển quy hoạch mới biết là mất đất đến nơi
rồi”. Phạm Hoành Sơn, một nông dân mất đất ở xã Phụng Công nói thật.
Nhớ lại mới một năm trước thời
điểm thu hồi, gia đình Sơn cũng như hàng nghìn hộ nông dân khác còn hăm hở đầu
tư chuyển đổi. Cả tháng trời, hai vợ chồng, 2 đứa con nhà Sơn hầu hết giành thời
gian ở ngoài đồng để biến 2 sào ruộng thành vườn cây, ao cá. Tiền thuê máy móc,
thuê nhân công phải đi vay mượn có lúc lên đến150 triệu đồng.
“Hầu hết nông dân chúng tôi khi
chuyển đổi đều phải đi vay mượn ngân hàng, anh em, làng xóm đổ vào mô hình cả.
Chưa thu hoạch được gì đã bị thu hồi, thử hỏi có chết dân hay không?”. Câu hỏi
của Sơn đến nay vẫn chưa ai trả lời. Chỉ biết rằng sau khi nghe chuyện đất bị
thu hồi, nông dân Văn Giang kéo nhau đi kiện lên tận Trung ương, đơn thư cân lên
cả tạ.
Ngay cả việc đất nông nghiệp mất
như thế nào người dân cũng không được biết. Hai năm sau khi có quyết định thu
hồi, tại cuộc họp tiếp dân của Chủ tịch UBND xã Phụng Công năm 2006, khi người
dân hỏi vì sao họ không được biết về dự án thì ông Nguyễn Văn Tắng, Chủ tịch
UBND xã thừa nhận: Về quy hoạch dự án thì cả tôi cũng không được biết hoặc tham
khảo gì cả đâu. Lên cấp trên mà hỏi.
Nỗi đau từ
đất
Có khoảng 1.900 hộ dân còn
“chống đối” ở ba xã bị thu hồi đất đều bày tỏ nguyện vọng tiếp tục được giữ đất
để canh tác, hoặc ít nhất cũng xin được bàn bạc, thỏa thuận trước khi bàn giao.
Nhưng nguyện vọng ấy chắc chắn không thể trở thành hiện thực vì việc cưỡng chế
đã được tiến hành. Đêm trước hôm cưỡng chế, người dân ba xã tập hợp nhau kéo ra
đồng dựng lán lên để ngủ. Bởi họ nghĩ, đây có thể là đêm cuối cùng được sống với
ruộng đồng.
Xã Xuân Quan có 1.600 hộ dân bị
thu hồi hơn 100 ha đất nông nghiệp để phục vụ dự án. Hiện còn có 210 hộ chưa
nhận tiền đền bù của nhà đầu tư. Sau khi bị cưỡng chế lần thứ nhất vào năm 2009,
hàng trăm lao động đã bỏ làng đi làm thuê. Lần cưỡng chế lần này sẽ xóa sổ ngành
nông nghiệp của Xuân Quan và tất cả các hộ dân sẽ không còn đất SXNN.
Máy ủi thực hiện việc cưỡng chế ở Xuân
Quan
Mất đất đã đành, những người dân
không chịu nhận tiền ở Văn Giang gặp rất nhiều rắc rối. Ông Kỉnh đang ngồi trong
nhà thì bị côn đồ vác dao vào chém, con gái bà Dơi đi lấy chồng nhưng chẳng được
đăng ký kết hôn vì gia đình chống đối không chịu giao đất. Những người là đảng
viên bị dọa khai trừ, là giáo viên bị dọa luân chuyển đi nơi khác… “Dân chúng
tôi xưa nay hiền lành, không có chuyện kiện cáo gì đâu. Chỉ từ khi bị mất đất,
cảm thấy cuộc sống, tương lai u ám quá nên phải đi kêu, cũng chỉ mong có cấp nào
quan tâm, trả lời cho chúng tôi câu hỏi: Mất đất nông dân lấy gì để sống? Không
có tư liệu sản xuất chắc chắn bị đẩy vào con đường bần cùng hóa thôi”, bà Đỗ Thị
Dơi, một nông dân mất đất ở xã Phụng Công phàn nàn.
+ Dự án khu đô thị Văn
Giang (Ecopark) được Thủ tướng chấp thuận vào tháng 3/2003 và ban hành quyết
định thu hồi, bàn giao đất vào tháng 6/2004, giao công ty đầu tư và phát triển
đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định, các chính sách
đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với dự án được tỉnh đặc biệt coi trọng.
Theo đó, tính đến thời
điểm 2008, các hộ dân chấp hành đúng tiến độ được nhận 135.000
đồng/m2. Dự án có quy mô xấp xỉ 500ha thuộc ba xã Xuân Quan, Phụng
Công, Cửu Cao và 55ha để làm đường giao thông liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên. Riêng
xã Xuân Quan, nơi diễn ra vụ cưỡng chế sáng 24/4 có 1.720 hộ trong diện giải tỏa
với diện tích hơn 72ha, nhưng vẫn còn 166 hộ chưa chịu giao
đất.
+ “Nếu cơ quan nào định
giá được đất nông nghiệp ở đây mới thấy rõ sự bất công. Một sào ruộng hàng năm
nhiều hộ dân thu về tiền tỷ, trong khi mức thu hồi ban đầu có hơn 19 triệu rồi
lên 36 triệu đồng. Người dân không nghe nên tăng tiếp thành 48,6 triệu đồng. Có
cán bộ tỉnh nói đây là mức giá cao nhất tỉnh Hưng Yên nhưng nếu so với thu nhập
của chúng tôi thì vẫn quá bèo. Thử hỏi với chừng ấy tiền để đẩy chúng tôi ra
đường làm thuê thì chịu sao nổi”. Nông dân Dũng phân tích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét