Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Sự mất tích kỳ lạ của một nhà tỉ phú thân cận Bạc Hy Lai


Tỉ phú Từ Minh, chủ tịch tập đoàn
Shide, Trung Quốc. DR

Minh Anh

Tập truyện nhiều kỳ « Bạc Hy Lai » vẫn chưa đến hồi kết thúc. Một tình tiết vừa mới xuất hiện, tiếp tục gây xôn xao cộng đồng mạng tại Trung Quốc, bất chấp mọi nỗ lực kiểm duyệt gắt gao của chính phủ trên trang mạng xã hội Vi Bác, một kiểu Twitter Trung Quốc trong thời gian gần đây. Đề tài này được thông tín viên của báo Figaro tại Bắc Kinh, Arnaud De La Grange đề cập đến qua hàng tựa « Sự mất tích kỳ lạ của một nhà tỷ phú, thân cận với Bạc Hy Lai ».
Tại Diễn đàn Bác Ngao – một diễn đàn kinh tế chính trị Trung Quốc thường niên, năm nay được tổ chức tại Hải Nam (Hainan), Trung Quốc, mọi người đều chú ý đến một chiếc ghế bị bỏ trống. Đây chính là chỗ ngồi của ông Từ Minh, một nhà tỉ phú thuộc vùng Đại Liên, thành phố nằm ở phía Bắc Trung Quốc. Ông Từ Minh vừa là nhà sáng lập và vừa là chủ tập đoàn hóa chất Shide.


Theo nguồn tin trích dẫn trên trên mạng của tạp chí Kinh tế và Đất nước hàng tuần (Economy and Nation Weekly) – một tạp chí trực thuộc Tân Hoa Xã – cho biết là ông trùm tư bản 41 tuổi này có lẽ đã bị bắt giữ trong khuôn khổ một cuộc điều tra của Ủy ban phụ trách chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến giờ không một xác nhận chính thức nào được đưa ra, nhưng đấy cũng thường là quy định trong một thời hạn nào đó.
Theo tác giả, cũng không ai dám khẳng định rằng vụ án bí ẩn này có liên quan đến vụ ông Bạc Hy Lai.
Những gì mà báo chí trong nước biết được chỉ là tập đoàn đã mất liên lạc với ông chủ của mình từ ngày 14/03 rồi, trước ngày ông Bạc Hy Lai bị cách chức. Và hiện tại, tập đoàn tạm thời sẽ do người em của ông chủ tịch điều hành.
Nhất là, ai cũng biết rằng ông Từ Minh phất lên ở Đại Liên khi ông Bạc Hy Lai còn là Thị trưởng của thành phố. Tài sản của ông, theo đánh giá của Forbes trị giá gần 700 triệu đô-la. Chính ông là người đỡ đầu cho câu lạc bộ bóng đá của địa phương.
Còn theo báo chí Hồng Kông, Bạc Hy Lai và nhà doanh nghiệp này từng là bạn với nhau. Thậm chí, báo chí Hồng Kông còn đi xa hơn khi đưa ra giả thuyết rằng ông Từ Minh có lẽ đã tài trợ học phí cho Bạc Qua Qua – con trai của ông Bạc Hy Lai ở hai trường đại học danh tiếng Oxford và Havard tại vương quốc Anh.
Tác giả cho biết, nhiều cuộc điều tra đã được tiến hành từ hai tuần nay. Dĩ nhiên là vẫn luôn trong vòng bí mật. Không những chỉ ở Trùng Khánh mà cả « những năm ở Đại Liên ». Chính địa bàn này đã đóng vai trò làm bàn đạp chính trị cho Bạc Hy Lai. Và có lẽ cũng chính tại đây ông ta đã gặp gỡ và quen biết Neil Heywood, một công dân Anh bị phát hiện chết trong phòng khách sạn của mình tại Trùng Khánh. Một cái chết đáng ngờ. Chính phủ Anh vừa qua đã yêu cầu Trung Quốc phải đưa ra ánh sáng vụ việc.
Giới báo chí trong nước đều đưa ra giả thuyết là ông Neil Heywood đã bị đầu độc. Rằng ông này có tranh chấp tài chính với bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai. Rằng sau khi báo cho Bạc Hy Lai biết là có một điều tra đang được mở ra về vụ việc mà viên « siêu công an » là Vương Lập Quân cảm thấy bị đe dọa và đã chạy trốn đến lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô với ý định xin « tị nạn ».
Câu chuyện còn thêm phần lý thú khi báo chí tiết lộ cho biết Neil Heywood đã từng làm việc thường xuyên cho một công ty gián điệp kinh tế của Anh quốc Hakluyt & Co. Tập đoàn này chiêu mộ nhiều cựu gián điệp của Hoàng gia Anh.
Cuối cùng tác giả cho biết bất chấp mọi nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khóa mõm « các tin đồn », như trong ba ngày qua với việc khóa trang mạng Vi Bác, một Twitter của Trung Quốc, bộ phim nhiều tập Bạc Hy Lai vẫn không ngừng nuôi dưỡng câu chuyện dài hơi này.
Liên Hiệp Quốc được mời thẩm tra trại cải tạo
Cũng liên quan đến thời sự Đông Á, tờ Libération nhìn sang Bắc Triều Tiên với bài viết đề tựa « Liên Hiệp Quốc dò xét đến trại cải tạo». Trong lúc Bắc Triều Tiên chuẩn bị cho mừng sinh nhật lần thứ 100 cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, thì hôm qua Liên Hiệp Quốc vừa cho công bố hai bản báo cáo điều tra cho biết rõ sự thật về trại cải tạo của triều đại nhà Kim. Bản báo cáo kêu gọi Liên Hiệp Quốc phải có hành động khẩn cấp.
Theo Libération, dưới sự ủng hộ của 40 tổ chức phi chính phủ thuộc nhóm « Liên minh thế giới nhằm chấm dứt các tội ác chống nhân loại tại Bắc Triều Tiên » (ICNK), bản báo cáo thứ nhất nêu rõ tình trạng của các tù nhân chính trị tại Bắc Triều Tiên. Báo cáo yêu cầu Liên Hiệp Quốc phải tiến hành các thủ tục đặc biệt để mở các cuộc điều tra khẩn cấp về các trại cải tạo tại quốc gia này. Báo Libération cho biết, Liên Hiệp Quốc đã từng sử dụng hệ thống này để có thể có được các thông tin bằng mọi giá về các tù nhân bị Hoa Kỳ giam giữ tại trại tù Guantanamo.
Còn bản báo cáo thứ hai nêu rõ chi tiết tình hình người thân của hai người tị nạn Bắc Triều Tiên Kang Cheol Hwan và Shin Dong Hyuk, sống sót từ các trại tập trung cải tạo.
Tại Bắc Triều Tiên, các trại tập trung cải tạo còn được biết đến dưới tên Kwanliso, bao gồm có 6 trại và hiện đang giam giữ khoảng từ 150 ngàn và 200 ngàn người.
Theo Libération, tại các trại giam này (trực thuộc Cơ quan an ninh quốc gia), các tù nhân hằng ngày phải chịu tra tấn, hành quyết và lao động khổ sai. Tại đây, trẻ em cũng như người lớn, cũng thường xuyên phải đối mặt với giá rét, những lời tố giác và đói khát. Khẩu phần thiếu đến mức mà theo ghi nhận của một cựu quản giáo thuộc trại 22, hàng năm có khoảng 1.500 và 2.000 tù nhân chết vì đói.
ICNK ước tính khoảng 400 ngàn tù nhân đã chết trong các trại cải tạo này kể từ khi được thành lập vào năm 1953. Theo nội dung bản báo cáo, thì những ai có « hành vi xấu », « tư tưởng xấu », « giao du với kẻ xấu » hay có tín ngưỡng tôn giáo và là gia đình của những kẻ đào tẩu đều là nạn nhân của các trại cải tạo. Thậm chí, Bình Nhưỡng đã sáng chế ra một tội danh « tội có quan hệ với kẻ xấu ». Đó chính là học thuyết của Kim Nhật Thành đưa ra vào năm 1972 : « Mầm mống của kẻ thù giai cấp, dù là bất kỳ ai, đều bị tru di tam tộc ». Một lời dạy mà Kim Jong Un, cháu của Kim Nhật Thành, vừa lên nắm quyền vào tháng 12 năm rồi sẽ phải luôn tuân theo.
Miến Điện : Từ khu « ổ chuột » thành « thiên đường »
Trong khi đó, tại Đông Nam Á, đât nước Miến Điện như đang chuyển mình. Từ một « khu ổ chuột »(ghetto) nay sắp thành « thiên đường » chính là lời nhận xét của báo Le Monde số ra hôm nay.
Sylvie Kauffmann, tác giả bài viết nhận định : « Bị tách biệt khỏi thế giới kể từ khi, cách đây 50 năm nay, khi tướng Ne Win quyết định hướng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa và và làm sụp đổ nền kinh tế đất nước giàu có nhất của khu vực, cuối cùng Miến Điện cũng thoát được ra khỏi khu ổ chuột ».
Theo tác giả, Miến Điện đang sở hữu trong tay nhiều con chủ bài để có thể trở thành « thiên đường mới của châu Á ». Sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như khí đốt, dầu hỏa, đất hiếm và đá quý, vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần các nước có nền kinh tế năng động nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài ra, Miến Điện còn có dân số khá đông (60 triệu người) và lượng nhân công trẻ tuổi, trong đó một bộ phận khá đông dùng tiếng Anh.
Trong một nghiên cứu kéo dài hai tuần tại Miến Điện, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã đánh giá rằng « đất nước có sức tăng trưởng tiềm tàng rất mạnh ».
Bài viết cho rằng đó là nhờ vào sự thúc đẩy cải cách chính trị và kinh tế bất ngờ của Tổng thống Thein Sein, một cựu tướng lãnh, nguyên là Thủ tướng dưới thời Tổng thống Than Shwe. Thêm vào đó là hiện tượng thủ lĩnh phe đối lập, giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi lần đầu tiên đắc cử trong đợt bầu cử bổ sung sau gần 20 năm quản thúc tại gia. Và mới hôm qua đây, chính phủ Naypyidaw còn tuyên bố cho thả nổi có kiểm soát đồng kyat.
Biện pháp này là một trong ba chương trình cải cách không thể nào thiếu được nếu như Miến Điện muốn thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện tại, chính phủ còn đang mò mẫm nghiên cứu cho hai chương trình cải cách khác : trao đổi mậu dịch và hệ thống ngân hàng. Theo nhận xét của một nhà ngoại giao châu Âu thì « người Miến Điện rất nghiêm túc trong ý định, thực tâm và gắn bó chặt chẽ trong chương trình cải cách của mình».
Một chiếc bánh mà ai cũng thèm muốn. Bởi vì, theo tác giả, tất cả mọi thứ ở đây đều cần phải xây dựng. Từ giao thông, ngân hàng cho đến viễn thông. Trong khi đó, thời gian như cấp bách. Các doanh nhân cảm thấy nóng ruột. Và phương Tây còn phải chờ đợi việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Theo tác giả, bà Aung San Suu Kyi đắc cử có thể tạo thuận lợi nhưng cũng đừng nên hy vọng là trước cuối tháng Tư. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy rằng các nước châu Á đã có mặt ở đó từ rất lâu rồi. Một nhà ngoại giao châu Âu mô tả quang cảnh như sau : « Người Nhật đang nóng ruột, họ sẵn sàng xóa nợ trong 3 tuần. Trung Quốc và Thái Lan, những kẻ cướp lịch sử, có truyền thống lâu đời chuyên khai thác tài nguyên khoáng sản và bóc lột nhân công Miến Điện. Singapore lượm nhặt tiền của các nhà quân sự và muốn giữ một vai trò trong nền tài chính Miến Điện ; đồng thời họ cũng dòm ngó đến việc phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và kho bãi. Còn người Anh (cựu thuộc địa), họ vờ như không có mặt nhưng thật ra là họ đã ở đấy rồi ».
Nhưng tác giả cũng lưu ý đến một điểm là trong tương lai Miến Điện cũng sẽ là nơi diễn ra cặp đấu Mỹ – Trung. Bởi lẽ, Trung Quốc không thể nào bỏ qua lãnh vực khai thác dầu khí hiện do hai tập đoàn lớn Total (Pháp) và Chevron (Mỹ) đang thống lĩnh tại Miến Điện.
Châu Á vô địch về các thỏa thuận tự do mậu dịch
Cũng tại Đông Nam Á, nhưng trong lãnh vực kinh tế, báo Le Figaro chú ý đến Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), đang diễn ra tại Phnom Penh, Cam Bôt. Với bài viết đề tựa « Châu Á vô địch các thỏa thuận trao đổi tự do mậu dịch », tờ báo cho biết các nước thuộc khối ASEAN muốn nhân đôi quỹ dự trữ lên đến 240 tỷ đô-la.
Nhân hội nghị thượng đỉnh lần thứ 20 này, mười nước thành viên trong hiệp hội yêu cầu phải tăng đôi thỏa thuận trao đổi ngoại tệ, được biết dưới tên « Lộ trình Chiêng Mai ». Theo đó, mức dự trữ ngoại tệ phải tăng từ 120 lên 240 tỉ đô-la.
Các nước thành viên muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào phương Tây và nhất là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Đồng thời, các quốc gia này cũng có ý định tăng cường hội nhập kinh tế.
Trong khi đó, Trung Quốc ngoài việc đã đạt được thỏa thuận tự do mậu dịch với ASEAN, hiện đang trên bàn đàm phán với Hàn Quốc và đang đề nghị một thỏa thuận tương tự với Nhật Bản. Nếu các thỏa thuận này thành công, sẽ mở ra một thị trường lớn đến 2,1 tỷ người tiêu thụ, đại diện cho gần 1/4 tổng sản phẩm nội địa toàn cầu.
Nhìn chung, các nước Đông Á và Đông Nam Á đã là những quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Vì vậy, càng tăng cường các mối quan hệ, các quốc gia này càng tăng cường các trao đổi mậu dịch. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, thương mại giữa Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhảy vọt đến 35% trong giai đoạn giữa năm 2006 và năm 2008, đạt 1.250 tỷ đô-la.
Ngoài Trung Quốc, ASEAN còn ký các thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Bên cạnh đó, chính mỗi bản thân các quốc gia cũng có những ký kết song phương của riêng mình. Chẳng hạn như : Hàn Quốc với Ấn Độ, Singapour với Úc và New Zealand. Bản thân New Zealand cũng có các ký kết với Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mỗi lần ký kết là mỗi lần vòng thương mại lại lớn dần ra. Mỗi lần như vậy, nhiều rào cản lại được dỡ bỏ.
Bài viết nhận xét rằng, mỗi một lần ký kết thì các quốc gia này lại nhấn chìm sâu hơn vòng đàm phán Doha. Sự gia tăng ký kết các thỏa thuận này đã lộ rõ tất cả các điểm yếu của vòng đàm phán chung về thương mại toàn cầu.
Nếu như Trung Quốc một mặt ngày càng giảm vai trò nhà xưởng của thế giới, thì mặt khác họ lại thể hiện như là một nhà tiêu thụ. Trong khi xu hướng nhập khẩu các linh kiện rời không ngừng tụt giảm thì nhu cầu tiêu thụ của quốc gia này lại liên tục tăng lên. Sự tiến triển này củng cố thêm vai trò đầu tàu tăng trưởng châu Á và cho phép Bắc Kinh trở thành quốc gia có thể ứng cứu những người láng giềng của mình thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ và Châu Âu.
Tuy nhiên, bài viết cũng cảnh báo rằng « tự do trao đổi mậu dịch » cũng không hẳn là viên thần dược, có khả năng trị bách bệnh. Bởi vì, do các quốc gia này chỉ dựa trên một sự cân đối quá mong manh đến nỗi mà họ phải tính đến mức độ phát triển của quốc gia này với quốc gia khác. Ví dụ, thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc chỉ vừa bằng 20% so với thu nhập đầu người tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Khoảng cách và giao thông hạ tầng cũng đóng vai trò quan trọng. Đối với Trung Quốc, giao dịch thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc còn dễ dàng hơn với Indonesia hay là Úc.
Dù vậy, mỗi một thỏa thuận mới đạt được tại châu Á lại là một đối trọng tuyệt vời giúp củng cố thêm quyền lực kinh tế và chính trị trước phần còn lại của thế giới. Nhận thức được điều này, Trung Quốc đã không ngừng chỉ trích điểm yếu của châu Âu và Mỹ. Bắc Kinh cũng như là các nước láng giềng cũng không muốn lệ thuộc nhiều vào phương Tây. Và vì, ngày nay, châu Âu là thị trường chính của Trung Quốc. Do đó, khi xích lại gần hơn các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc cảm thấy được an toàn.
Cuối cùng, bài viết cũng cho rằng, Bắc Kinh muốn đi nhanh hơn nữa là vì họ thấy có cách để hất cẳng Mỹ, vốn đang định thành lập một « Đối tác xuyên Thái Bình Dương » quy tụ 9 nước trong đó có Việt Nam. Sắp đến sẽ có thêm Nhật Bản, Mêhico và Canada. Một tổ chức mà Trung Quốc nhìn với con mắt rất khó chịu.
Theo RFI

Không có nhận xét nào: