Pages

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Suy nghĩ về tự do báo chí



Số lượng người dùng internet ở Việt Nam ngày càng tăng


Tony Nguyễn
Gửi cho BBC từ Hoa Kỳ

Mới đây, Viện Gallup của Hoa Kỳ công bố khảo sát về cảm nhận của người dân các nước quanh vấn đề tự do báo chí.
Ở Việt Nam, tổ chức này đã thăm dò ý kiến của 1000 người dân về Tự Do Báo Chí (TDBC). Con số công bố là 53% người được hỏi cho rằng ở VN có TDBC. Tôi khá ngạc nhiên về con số này trong khi Tổ chức Phóng Viên Không Biện Giới trái lại đánh giá VN gần cuối bảng về TDBC.
Theo một số định nghĩa chung, TDBC hay tự do truyền thông là quyền của người dân được phép dùng các phương tiện khác nhau như sách vở, báo chí hay internet để bày tỏ ý kiến của mình mà không bị chính quyền hay chế độ trực tiếp hay gián tiếp ngăn trở, can thiệp.
Tất nhiên TDBC không có nghĩa muốn in ấn hay viết gì thì viết. Nó phải nằm trong khuôn khổ hiến pháp đồng thời trong các quy định riêng của luật lệ báo chí.
Như vậy báo chí vẫn bị hạn chế nhưng mức độ hạn chế phải được toàn dân đồng thuận qua cơ quan lập pháp.

Đối với Gallup, họ chỉ ra những con số nhưng những con số này không có nghĩa khách quan ít nhất là về mặt báo chí vì người được hỏi có thể sợ hãi, có thể thiếu nhận thức về TDBC hoặc là các lý do cá nhân khác.
Và số đông chưa chắc đã đúng nếu chưa có cơ hội nhận thức. Thí dụ, nếu chúng ta sinh ra đời cách nay 5 thế kỷ có lẽ hầu hết chúng ta sẽ tin là quả đất phẳng.
Nên nhớ ở VN ngay cả Bản Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946 được xem là có tiến bộ nhất (về hình thức) vì có bảo đảm các quyền tự do dân chủ. Trong đó, điều 10 của bản Hiến pháp này quy định rõ ràng: “Công dân VN có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp…”
Ấy vậy mà chế độ Cộng sản tại Việt Nam không hề cho phép dân có các quyền cơ bản đó. Rồi mới đây báo chí lại bị Đảng phê phán về vụ Tiên Lãng nữa.
Tha hóa đạo đức
Đó là nói về luật lệ, còn đìều tệ hại hơn nữa là do sự xuống cấp của báo chí dẫn đến tha hóa toàn bộ xã hội.
“Báo chí hay những người cầm bút ở VN có nhận thấy điều này chăng? Tôi nghĩ là có nhưng không nhiều để có thể thay đổi được hệ thống ở Việt Nam.”
Người ta đã tranh sống bằng nhiều thủ đoạn bất kể quyền lợi người khác mà điểm xuất phát của nó thường là từ các quan chức nhà nước.
Báo chí hay những người cầm bút ở VN có nhận thấy điều này chăng? Tôi nghĩ là có nhưng không nhiều để có thể thay đổi được hệ thống ở Việt Nam.
Những người cầm bút này có can đảm dám xem lại những điều mình hay ca tụng nhất trên trang nhất có lợi lạc cho đất nước tương lai con cháu mình không?
Nếu nhận thức được điều này mà vẫn bẻ cong ngòi bút mình tức là ca tụng cái sai cái xấu dẫn đến suy đồi về đạo đức thì trách nhiệm của mình ra sao?
Báo chí không thể nào là công cụ của một chế độ để định hướng xã hội theo ý mình. Nó là một phương tiện giúp người dân có thêm nhiều thông tin chính xác, những kiến thức bổ ích, hướng dẫn người dân tôn trọng luật pháp và nhất là những bài học đạo đức chân thực.
Đất nước này rồi sẽ tốt đẹp hơn nếu có TDBC. Do vậy nó phải được tự do nẩy nở một cách toàn vẹn.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có ý kiến xin chia sẻ với trang Bấm Facebook của BBC.

Không có nhận xét nào: