Pages

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Thượng đỉnh ASEAN: chưa đoàn kết- có chút thành tựu nào?

 
 
Lể khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN 20

Việt-Long


Tuần này thế giới chú ý đến hội nghị thượng đỉnh ASEAN tổ chức tại Phnom Penh trong hai ngày thứ ba, thứ tư. Kết thúc hội nghị, dư luận quốc tế nhận định là ASEAN đã không đạt được một giải pháp căn bản để đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Tuy nhiên cuộc thảo luận của Việt-Long-Thanh Quang-Nam Nguyên cho rằng những nước Đông Nam Á có tranh chấp ở biển Đông củng đạt được chút thành tựu quan trọng trong thế đương đầu với tham vọng của Bắc Kinh.


Chia rẽ hay không?
Thủ tướng Cambodia bác bỏ tin nói hội nghị chia rẽ. Ngoại trưởng Philippines tuyên bố có khác biệt sâu xa. Tất nhiên sau cùng thì các nhà lãnh đạo cũng phải đạt một vài đồng thuận nào đó như thông lệ mọi hội nghị quốc tế, khi họ cùng ký vào bản thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh; nhưng lời của ngoại trưởng Philippines vẫn không xa sự thật.

Ngoại trưởng Philippines Rosario trả lời báo chí- RFA photo
Ý kiến của Philippines, Việt Nam và Thái Lan hoản toàn mâu thuẫn với ý kiến của một hay một số nước trong 7 quốc gia còn lại. Tuy có ký kết nhưng sự khác biệt vẫn còn đó, chưa “tiện” giải quyết, theo ngụ ý phía sau những lời tuyên bố.
Trong thông cáo chung kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh nhu cầu gia tăng nỗ lực thực hiện bản Tuyên bố về Ứng xử ở biển Đông, DOC, dựa trên tài liệu hướng dẫn thực hiện văn bản này đã ký kết hồi năm ngoái.
Như vậy thì sự mâu thuẫn nằm ở Bản Quy tắc về Ứng xử ở biển Đông, COC.
Người ta lưu ý rằng hai ngoại trưởng Việt Nam và Philippines là hai nhân vật đến Phnom Penh sớm nhất, sau khi chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hoàn tất chuyến thăm chính thức 3 ngày từ 30 tháng 3 đến mùng 2 tháng tư.
Hai vị ngoại trưởng này đã họp với nhau trước, rồi sau đó tại phiên họp các Bộ trưởng ngoại giao khối ASEAN, ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã nêu đề nghị khối ASEAN hãy thảo luận và hoàn tất dự thảo bản Quy tắc ứng xử ở biển Đông rồi mới đem bàn với Trung Quốc. Đề nghị này được Việt Nam và Thái Lan ủng hộ.
Nhưng trong số bảy nước còn lại đã có ý kiến muốn Trung Quốc cùng tham dự tiến trình soạn thảo. Cuối cùng hội nghị thượng đỉnh không đạt được đồng thuận theo đề nghị của Philippines.
Phải muốn một điều gì!
Trung Quốc có ý kiến gì trong việc này không? Thủ tướng Hun Xen đã tỏ ra nóng nảy khi nói rằng có dư luận “ngốc nghếch” cho là Bắc Kinh đã dặn Phnom Penh ngăn chặn đề tài biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Tuy nhiên tin tức quốc tế cho biết là chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có đề nghị với Cambodia là nên làm chậm tiến trình bàn thảo về biển Đông tại hội nghị ASEAN. Thủ tướng Hun Xen không dằn được sự tức giận khi bác bỏ nhận định của dư luận như trên, nói rằng trong suốt quá trình trên 10 năm quan hệ song phương, Trung Quốc chưa bao giờ nói Cambodia phải làm gì hay không được làm gì.
Thực tế thì Trung Quốc cũng chỉ gọi là “đề nghị” như vậy. Một nguyên thủ quốc gia chẳng bao giờ công nhiên bảo ban nước khác phải làm gì. Và trên nguyên tắc, ASEAN không được tiết lộ nội dung các hội nghị, nên ngoại trưởng Philippines khi được báo chí hỏi nước nào không muốn ASEAN soạn thảo trước bản Quy tắc Ứng xử, ông chỉ nói “Có thể đó là Cambodia”
Tất nhiên Trung Quốc phải muốn một điều gì đó trong hội nghị ASEAN khi chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã có mặt ở Phnom Penh và Siem Reap ngay trước hội nghị này. Nhưng vì sao Việt Nam và Philippines muốn khối ASEAN có bản dự thảo trước rồi mới nói chuyện với Trung Quốc?
Đối đầu trong thế đoàn kết nội bộ

Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN- RFA clip
Philippines và Việt Nam là hai nước đang có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc, nên muốn toàn khối ASEAN đứng hẳn về phía mình. Thái Lan và một vài nước khác cũng chọn đứng cạnh Việt Nam, Philippines để đối diện người khổng lồ Trung Quốc.
Khi ASEAN hoàn tất và đưa bản dự thảo Quy tắc Ứng xử với Trung Quốc thì rõ ràng đây là vấn đề giữa 10 nước Đông Nam Á với Trung Quốc, tức là hoàn toàn đa phương giữa một khối 10 quốc gia với một nước Trung Quốc, đồng thời mang ý nghĩa là Việt Nam, Philippines được sự ủng hộ của cả khối ASEAN. Như vậy văn kiện ngoại giao quan trọng này cũng được sử dụng theo môt đường lối chủ động hơn.
Còn nếu Trung Quốc dự cuộc bàn thảo về bản Quy tắc đó từ đầu, mà Bắc Kinh không hẳn muốn nói chuyện với toàn thể khối ASEAN mà chỉ chọn những nước có tranh chấp, thì ý kiến của Trung Quốc có thể có ảnh hưởng lớn đến những Quy tắc ứng xử.
Vấn đề gai góc nhất là về ranh giới lãnh hải hẳn nhiên sẽ là một đề tài để các bên nêu ra trong cuộc thảo luận hầu tuyên truyền cho mình, và sẽ gây mâu thuẫn kéo dài. Vấn đề đối tượng tranh chấp có thể được Bắc Kinh minh định là từng nước liên quan ở từng trường hợp đối với một mình Trung Quốc. Được như vậy, Trung Quốc phá được thế đa phương của khối ASEAN để kéo từng quốc gia có tranh chấp trực tiếp trở lại thế song phương với Trung Quốc.
Bản quy tắc ứng xử này như vậy sẽ chẳng còn ý nghĩa gì, hay tiến trình thảo luận sẽ kéo dài không biết bao giờ mới xong. Và kéo dài có nghĩa là đúng sách lược mà Trung Quốc vận động.
Ngoại trưởng Philippines nói bản dự thảo quy tắc ứng xử cần phân định vùng tranh chấp và vùng không tranh chấp, và các cơ chế giải quyết phải có cấu trúc thích hợp… Đó là những điều đã bị Trung Quốc phản đối từ trước. Và theo lời đại sứ Villacorta của Philippines tại ASEAN cho hãng tin AFP biết, hôm thứ ba Trung Quốc nói họ muốn được tham gia vào quá trình chuẩn bị và thảo luận về bản quy tắc này ngay từ đầu. Như vậy rõ ràng Trung Quốc đã gây ảnh hưởng trong khối ASEAN về vấn đề này.
Cản phá sách lược song phương
Có thể vì vậy nên Ngoại trưởng Việt Nam khi trả lời đài Á Châu Tự Do đã dứt khoát bác bỏ hình thức song phương để giải quyết vấn đề biển Đông.
Ông Phạm Bình Minh đã cắt ngang lời thông tín viên Quốc Việt khi Quốc Việt đang hỏi “Trung Quốc khẳng định là họ muốn giữ lập trường giải quyết song phương vấn đề biển Đông…”. Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam cắt ngang và nói “không” thật dứt khoát, rồi nói tiếp: “Vấn đề phải được giải quyết qua thương lượng hoà bình dựa trên luật pháp quốc tế, bản Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển, và bản Tuyên bố DOC, tiến tới bản Quy tắc COC…”
Thực ra thì hai hội nghị thượng đỉnh ASEAN hai năm trước cũng chỉ ra những thông cáo mà quốc tế gọi là “yếu ớt” về bản Quy Tắc Ứng xử đã được đề nghị từ 10 năm na. Hai lần trước khối ASEAN cũng chỉ đề cập đến ‘Bản hướng dẫn thực hiện bản tuyên bố về ứng xử”, chẳng khác gì năm nay, mặc dù chủ tịch luân phiên của khối là Việt Nam và Indonesia trong hai năm đó.
Lý do là vì nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối của ASEAN. Vấn đề nào cũng phải đạt đồng thuận của cả 10 thành viên, nên việc đối phó với Trung Quốc về vấn đề biển Đông vẫn gặp trở ngại triền miên từ nhiều năm nay, và còn nhiều năm nữa.

Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Cambodia Hun Sen, họp báo- RFA photo
Một chút thành tựu
Tuy nhiên phải nói là tới nay thì khối ASEAN đã gạt bỏ hẳn lập trường của Trung Quốc muốn giải quyết song phương với từng nước liên quan. Ta lưu ý là chủ tịch ASEAN năm nay đã tuyên bố “diễn đàn biển Đông là giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, vì 10 nước Đông Nam Á đã ký bản tuyên bố về ứng xử DOC…” Ông Hun Xen nhấn mạnh là sẽ ngăn chặn không cho nước nào khác ngoài ASEAN và Trung Quốc nhúng tay vào khiến vấn đề trở nên quốc tế hoá và phức tạp.
Người ta có thể nói chính sách song phương của Trung Quốc đã bị loại bỏ hoàn toàn.
(Trích bản tin đài Á Châu Tự Do ngày 5 tháng 4-2012:
Trung Quốc kêu gọi đối thoại trực tiếp với các nước Đông Nam Á để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở biển Đông mà nước này gọi là biển Nam Trung Hoa.
Lời kêu gọi của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi đưa ra trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh ngày hôm qua, tức chỉ một ngày sau khi lãnh đạo các nước ASEAN họp tại Cambodia và đưa ra phương hướng giải quyết tranh chấp tại khu vực trên.
Phát biểu trong một buổi họp báo tại Bắc Kinh, ông Hồng Lỗi tuyên bố các quy tắc ứng xử trên biển Đông cần được hình thành từ thảo luận trực tiếp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, nhấn mạnh rằng chỉ những nước liên quan mới tham gia giải quyết tranh chấp, còn những tổ chức khu vực như ASEAN nên đứng ngoài.
Cambodia sẵn sàng mang Bắc Kinh vào việc soạn thảo bộ qui tắc ứng xử nhưng Philippines, Việt Nam và Thái Lan cho rằng khối ASEAN cần soạn thảo trước khi đưa cho Trung Quốc xem.)

Không có nhận xét nào: