Pages

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Trông đợi gì ở đối thoại nhân quyền Việt-Úc?


RFA file photo. Cảnh công an bắt người tùy tiện vẫn
diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam. Hình: Công an
chận bắt Blogger Paulus Lê Sơn trên đường phố
Hà Nội hôm 03-08-2011.
Việt Hà, phóng viên RFA
Từ ngày 26 đến 27 tháng 4, Việt Nam và Úc sẽ có đối thoại nhân quyền song phương thường niên lần thứ 9 tại Hà Nội. Liệu có thể trông đợi gì ở cuộc đối thoại nhân quyền lần này giữa hai nước?
Các quyền tự do căn bản
Tiếp theo sau đối thoại chiến lược về ngoại giao và quốc phòng giữa Việt Nam và Úc vào tháng 2, có thể nói cuộc đối thoại song phương về nhân quyền giữa hai nước được tổ chức từ ngày 26 đến 27 tháng 4 là một sự kiện quan trọng khác khiến nhiều người quan tâm.


Từ Huế, Linh mục Phan Văn Lợi lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do về mong đợi của ông đối với đối thoại nhân quyền lần này:
“Tôi mong rằng khi chính quyền úc đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam thì phải luôn nhớ rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là độc tài và bao giờ họ cũng tìm cách duy trì quyền độc tài của họ trên đất nước Việt Nam.
Vì vậy phải làm sao bắt buộc nhà cầm quyền Việt Nam khi đối thoại nhân quyền thì phải thực sự trả lại nhân quyền và dân quyền bằng hành động cụ thể ví dụ như bỏ điều 4 hiến pháp, trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân, quyền tự do tôn giáo, tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do đi lại và nhiều quyền khác.
Nhà cầm quyền Việt Nam phải thực sự trả lại nhân quyền và dân quyền bằng hành động cụ thể như bỏ điều 4 hiến pháp, trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân, quyền tự do tôn giáo, tự do lập hội…
LM Phan Văn Lợi, Huế
Nếu không buộc được nhà cộng sản làm điều đó thì tất cả các cuộc đối thoại chỉ là giữa những người điếc mà thôi.”
Linh mục Phan Văn Lợi là người đã nhiều năm lên tiếng công khai phản đối chính sách mà ông cho là đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo của chính quyền Việt Nam.
Nhân dịp này, vào ngày 25 tháng 4, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, Human rights watch, đã có một bản ghi nhớ gửi tới chính phủ Úc, thúc giục chính phủ nước này phải tạo sức ép lên chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
VanGiang04242012-200
Hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động, bộ đội được huy động đến xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm 24-04-2012 để cưỡng chế 70 hecta đất xây dựng khu đô thị Ecopark. Citizen photo
Các vấn đề mà Human Rights Watch đưa ra bao gồm việc thả ngay lập tức các tù nhân chính trị, chấm dứt các biện pháp hạn chế tự do bày tỏ ý kiến, lập hội và biểu tình, tự do tôn giáo.
Ngày càng xuống dốc?
Phát biểu với Đài Á Châu Tự Do, ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách Châu Á của tổ chức này cho biết:
“Lần này chúng tôi muốn đưa cho chính phủ Úc một báo cáo đầy đủ từ phía chúng tôi vì chúng tôi thấy tình hình nhân quyền tại Việt Nam đang xuống dốc. Và vì vậy điều quan trọng là chính phủ các nước có đối thoại nhân quyền với Việt Nam phải chuyển được thông điệp của họ tới nhà cầm quyền Hà Nội rằng những vi phạm nhân quyền tại Việt nam cần phải chấm dứt.”
Theo Human rights watch, chỉ riêng trong quý 1 năm 2012, việt Nam đã bắt giữ 12 người vì họ đã thực hiện những quyền căn bản của mình một cách ôn hòa.
Năm 2011, chính quyền Việt Nam đã bỏ tù ít nhất 33 người hoạt động nhân quyền và các blogger bởi những người này đã thực hiện các quyền chính trị và tự do tín ngưỡng của mình.
Điều quan trọng là chính phủ các nước có đối thoại nhân quyền với Việt Nam phải chuyển được thông điệp của họ tới nhà cầm quyền Hà Nội rằng những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam cần phải chấm dứt.
Phil Robertson, HRW
Tuy nhiên theo chuyên gia về Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, thì đối thoại lần này giữa hai nước sẽ không có điểm gì đặc biệt như nhiều người có thể mong đợi. Ông nói:
“Theo tôi thì đối thoại này cũng chỉ như mọi đối thoại khác trước đó. Tôi chưa thấy bất cứ ai, hay hành động cụ thể nào từ chính phủ Úc mà cụ thể là ngoại trưởng Úc tỏ ra thật sự quan ngại về vấn đề nhân quyền đang xuống dốc tại Việt nam, đặc biệt là đối với các blogger và các nhà hoạt động xã hội.”
Nhân quyền và quan hệ Việt-Úc
Việt Nam và Úc đã bắt đầu các đối thoại song phương về nhân quyền từ năm 2002 và được tổ chức thường niên.
Năm 2006, đối thoại này được nâng lên một mức cao hơn, theo đó Úc cung cấp cho Việt Nam các trợ giúp về kỹ thuật như đào tào nhân lực cho đội ngũ các sĩ quan an ninh Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cũng đã cử các đoàn sang thăm các nhà tù của Úc để tìm hiểu về cách đối xử với các tù nhân tại Úc.
Theo chuyên gia Carl Thayer thì đối thoại nhân quyền hai nước mới chỉ dừng ở đó, và Úc chỉ thực sự can thiệp khi có vấn đề liên quan đến công dân Úc mà thôi:
“Tôi chưa từng thấy ngoại trưởng Úc hay chính phủ Úc đưa vấn đề nhân quyền Việt Nam công khai trước quốc hội Úc. Theo tôi Úc chỉ can thiệp khi nào có liên quan trực tiếp đến công dân Úc.”
Vào năm 2010, một người công dân Úc gốc Việt là bà Võ Hồng, đảng viên đảng Việt Tân tại Mỹ, đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ khi tham gia biểu tình ôn hòa và phát truyền đơn phản đối Trung Quốc tại Việt Nam.
Bà bị phía Việt Nam giam giữ 10 ngày và được trả tự do sau đó nhờ sự can thiệp từ bộ ngoại giao Úc.
Năm 2009, hai nước Úc và Việt Nam ký hiệp định đối tác toàn diện. Với hiệp định này mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới, mà trong đó nhân quyền chỉ là một yếu tố chưa hẳn đã là quan trọng nhất.
Phát biểu trong một cuộc họp báo với bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh vào tháng 3 vừa qua nhân chuyến thăm Việt Nam, tân ngoại trưởng Úc, Robert Carr cho biết ông xác định Việt Nam là nước ưu tiên trong danh sách các nước có quan hệ đối tác.
Vẫn đề nhân quyền đã bị lấn át bởi các vấn đề khác như thương mại và sinh viên Việt Nam du học tại Úc.
GS Carl Thayer
Ông cũng tỏ ra vui mừng với con số 25,000 du học sinh Việt Nam đang du học tại Úc.
Về quan hệ thương mại, Úc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2011 đã đạt 6 tỷ đô la, tăng hơn 12% so với năm trước đó. Ngoại trưởng Úc khẳng định Úc muốn phát triển hơn nữa quan hệ thương mại với Việt Nam.
Theo chuyên gia Carl Thayer thì những tiềm năng về thương mại và giáo dục đang lấn án vấn đề nhân quyền: “Tôi nghĩ vẫn đề nhân quyền đã bị lấn át bởi các vấn đề khác như thương mại và sinh viên Việt Nam du học tại Úc.”
Điều này cũng được thể thiện trong quan điểm của các chính phủ Úc trước kia. Cựu ngoại trưởng Úc, Alexander Downer khi còn đương nhiệm đã từng nói rằng Úc không muốn nói chuyện với Việt Nam qua một cái loa phóng thanh.
Và cho đến giờ chính phủ Úc cũng vẫn khẳng định mong muốn của họ là không muốn để quan hệ hai nước trở thành con tin cho các vấn đề khác.

Không có nhận xét nào: