Nguyễn Gia Kiểng
“…Vấn đề an toàn trong một nhà máy điện nguyên tử khác hẳn với khái niệm thông thường. Đối với một nhà máy điện nguyên tử một xác xuất tai nạn một phần ngàn là điều gớm ghiếc không thể tưởng tượng nổi…”
Tôi không phải là một chuyên gia về năng lượng hạt nhân, dù hoàn cảnh đã khiến tôi tiếp xúc khá lâu, khá sát và đều đặn với nó. Lúc còn là sinh viên tôi đã hai lần thực tập tại Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử (Centre d’Etude Nucléaire) của Pháp, lần thứ hai để hoàn tất luận án tốt nghiệp. Năm 1982, ngay khi trở lại Pháp, tôi được nhận vào làm tham vấn tại Công Ty Nguyên Tử Pháp Mỹ (Compagnie Franco-Américaine de l’Atome, FRAMATOME, bây giờ là AREVA). Sau này, và cho đến khi về hưu, công ty AREVA và Trung Tâm Quốc Gia Năng Lượng Hạt Nhân (Centre National d’Energie Nucléaire – CNEN), hai cơ quan xây dựng và điều hành các nhà máy điện nguyên tử của Pháp và cũng xây dựng nhiều nhà máy điện nguyên tử cho nhiều quốc gia trên khắp thế giới kể cả Trung Quốc và Hàn Quốc, là hai khách hàng chính của những công ty tham vấn mà tôi điều khiển. Như thế tôi không phải là người chống điện hạt nhân trên nguyên tắc. Tôi coi chấp nhận hoặc từ chối điện nguyên tử là một chọn lựa tùy lúc và tùy trường hợp của từng nước. Cũng cần phải nói ngay rằng vấn đề điện hạt nhân đối với chúng ta trong lúc này không còn là một vấn đề chuyên môn mà là một vấn đề chính trị, và một vấn đề chính trị rất nghiêm trọng trên đó mọi người đều có thể và phải có ý kiến.
Công việc của tôi trong hơn hai mươi năm làm việc với các cơ quan này không phải là kỹ thuật nguyên tử mà là quản trị và tin học, tuy vậy nó cũng đã bắt buộc tôi phải trao đổi thường xuyên với những người trách nhiệm mọi mặt về việc xây dựng và điều hành một nhà máy điện hạt nhân. Điều tôi biết được qua những trao đổi này là đối với một nhà máy điện hạt nhân an ninh là tất cả, những hiểu biết về vật lý hạt nhân chỉ có một tầm quan trọng rất thứ yếu. Một thí dụ cụ thể là dự án tin học theo dõi một nhà máy điện hạt nhân, mà tôi từng là dự án trưởng, đã phải huy động hơn một trăm kỹ sư tin học, phân tích viên và lập trình viên trong hơn hai năm để thực hiện. Nhiều người coi nó như một con quái vật không lồ. Nhưng sở dĩ nó phức tạp như thế là vì những dữ kiện về an ninh; chúng chiếm 90% cơ sở dữ kiện và liên hệ tròng chéo với nhau.
Vấn đề an toàn trong một nhà máy điện nguyên tử khác hẳn với khái niệm thông thường về sự an toàn. Một chiếc xe hơi được coi là an toàn nếu xác xuất để xảy ra một sự cố là một phần mười trong một năm. Đối với một nhà máy điện nguyên tử một xác xuất tai nạn một phần ngàn là điều gớm ghiếc không thể tưởng tượng nổi. Lý do là vì những hậu quả của một tại nạn hạt nhân có thể rất khủng khiếp, vượt mọi tưởng tượng; nó có thể làm chết rất nhiều người, hủy họai môi trường trong một thời gian rất lâu và để lại những di hại thể xác cũng như tinh thần cho nhiều thế hệ. Một thí dụ là vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraine. Nhà máy này được thiết lập ở một vùng rất ít dân cư, nhưng tai nạn đã khiến hơn 4000 người bị ung thư trong đó phần lớn đã chết. Đó là chưa kể số nạn nhân ở những nước lân cận. Người ta đã phải tản cư trên 100.000 người khỏi một khu vực 30Km chung quanh nhà máy. Nếu kể cả những người phải di tản ở các nước láng giềng thì con số người phải di tản vượt quá 250.000. Cho tới nay, 26 năm sau tai nạn, mức phóng xạ vẫn cao gấp 30 lần mức độ chấp nhận được. Hãy tưởng tượng nếu một tai nạn tương tự xảy ra tại một nước dân cư chen chúc như Việt Nam.
Đặc tính của những tai nạn tại các nhà máy điện hạt nhân là chúng đều không ngờ. Fukushima nhắc lại cho thế giới thêm một lần nữa bài học khiêm tốn: chúng ta không bao giờ có thể tiên liệu được hết những nguyên nhân đưa đến tai nạn. Nhật là nước nhiều kinh nghiệm nhất về động đất và sóng thần đồng thời cũng là nước đứng hàng đầu thế giới về sự chính xác; tuy vậy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã chỉ được xây dựng để chịu đựng một ngọn sóng cao 6m trong khi ngọn sóng tháng 3 năm 2011 đã cao 15m tại khu vực nhà máy và gần 30m tại một số địa điểm khác. Các lò phản ứng theo nhau phát nổ và mức độ trầm trọng được đánh giá lại liên tục, sau cùng là mức độ 7, nghĩa là tối đa. Hậu quả của tại họa nguyên tử Fukushima vẫn chưa thể thẩm định được. Điều chắc chắn là thảm kịch sẽ nhiều lần lớn hơn, thậm chí rất kinh khủng, nếu người Nhật không chứng tỏ một khả năng tổ chức, một tinh thần kỷ luật và một sự dũng cảm buộc cả thế giới phải ngưỡng mộ. Hay nếu họ không có những phương tiện cấp cứu của một nước giàu có bậc nhất thế giới. Hãy thử tưởng tượng nếu, vì bất cứ lý do gì, một tai nạn tương tự xảy ra tại Việt Nam. Các tỉnh bờ biển của chúng ta đều chen chúc hơn vùng Fukushima, chúng ta không có những phương tiện của người Nhật và cũng thua xa họ về kỷ luật và tinh thần trách nhiệm.
Xác xuất rủi ro xảy ra tai nạn quan trọng hiện nay được ước tính chung quanh mức độ 5/100.000 mỗi năm cho một lò điện nguyên tử. Xác xuất này được coi là quá lớn vì thế hầu hết các quốc gia đều quyết định không dùng điện hạt nhân, số ít các quốc gia chấp nhận điện hạt nhân đều chỉ đi những bước rón rén. Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia ít quan tâm đến môi trường nhưng họ cũng đều rất dè dặt đối với điện hạt nhân. Cả hai đều đã bắt đầu kỹ thuật hạt nhân từ hơn một nửa thế kỷ nay và đều có đội ngũ kỹ thuật nguyên tử hùng hậu nhưng tới nay tỷ lệ điện hạt nhân của họ chỉ ở mức độ 2% tổng số điện sản xuất. Ấn Độ đã bắt đầu xây nhà máy điện hạt nhân từ 1965 nhưng đến nay chỉ mới dám xây những lò phản ứng nhỏ, hai lò phản ứng công xuất 500 Mwe và 18 lò công xuất 200 MWe. Trung Quốc trong những năm gần đây tỏ ra muốn đẩy mạnh năng lượng hạt nhân nhưng trong hai mươi năm nữa tỷ lệ điện hạt nhân của họ cũng sẽ không vượt quá 5%. Sau tai nạn Fukushima tất cả các nước phát triển có kỹ thuật hạt nhân cao và hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, kể cả Ấn Độ và Trung Quốc, đều đình chỉ các chương trình xây dựng lò điện nguyên tử, nhiều nước tuyên bố bỏ hẳn. Áo bỏ một nhà máy điện nguyên tử đã xây dựng xong và sẵn sàng đi vào hoạt động. Ba Lan, Ireland và Philippines bỏ ngang những nhà máy đang xây dựng dở dang. Riêng Úc, nước có trữ lượng uranium lớn nhất thế giới, từ trước vẫn quả quyết từ chối điện hạt nhân.
Trong bối cảnh đó quyết định nhảy vào điện nguyên tử của chính quyền Việt Nam thật là không hiểu nổi, nhất là Việt Nam chưa có kỹ thuật và đội ngũ chuyên viên nguyên tử (Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Đà Lạt còn quá sơ sài, các cơ quan khác còn ít thực chất hơn). Đã thế còn nhảy vào một cách liều mạng.
Năm 2008 chính quyền Việt Nam tuyên bố quyết định xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử tại Ninh Thuận, mỗi nhà máy gồm hai lò phản ứng với công suất 1000 MWe, dự trù đi vào hoạt động năm 2020. Quyết định này khiến người ta phải sững sờ. Như vậy là Việt Nam vào năm 2020 sẽ có một tỷ lệ điện nguyên tử lớn hơn hẳn Ấn Độ và Trung Quốc. Thời gian từ đây đến đó chắc chắn là không đủ để đào tạo ra những chuyên viên đủ khả năng để điều hành các nhà máy. Như để tranh thủ thời gian công thức được chọn lựa là công thức “chìa khóa trao tay” có nghĩa các nhà máy sẽ hoàn toàn do các công ty nước ngoài xây dựng, Việt Nam chỉ tiếp thu để sử dụng khi nhà máy đã hoàn tất. Đây là công thức mà cho tới nay chưa nước nào chấp nhận vì hầu như không có chuyển giao kỹ thuật và lại rất nguy hiểm. Vấn đề an ninh của các nhà máy điện nguyên tử vừa quá nghiêm trọng lại vừa quá phức tạp nên phải tham gia chặt chẽ ngay từ đầu vào việc xây dựng nhà máy để hiểu rõ cấu trúc và cách điều hành. Cho tới nay phần lớn các sự cố xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân là do lỗi của các nhân viên điều hành. Ngay cả nếu quyết tâm chọn năng lương hạt nhân thì cũng không thể hành động một cách quá phiêu lưu. Giải pháp đúng đắn trong trường hợp đó là bắt đầu xây một lò phản ứng thôi và tham gia từ đầu tới cuối tiến trình xây dựng để hiểu rõ từng bộ phận của nhà máy; chỉ sau khi đã thực sự làm chủ được kỹ thuật điện nguyên tử và đào tạo xong một đội ngũ chuyên viên vững chắc mới xây tiếp các lò phản ứng khác. Và đàng nào cũng phải tiến hành một cách rất chậm chạp và thận trọng vì tai nạn nguyên tử quá khủng khiếp. An ninh của các lò điện nguyên tử là điều mỗi nước phải lo lấy chứ không thể giao tính mạng của đất nước mình cho những công ty nước ngoài.
Quyết định của chính quyền cộng sản không đi kèm với một lời giải thích kỹ thuật nào, bởi vì nó không phải là kết quả của một nghiên cứu nghiêm chỉnh mà chỉ là quyết định tùy tiện của những người cầm quyền hoàn toàn không biết gì về kỹ thuật hạt nhân.
Quyết định này càng gây sửng sốt vì công ty được chọn để xây nhà máy điện nguyên tử đầu tiên cho Việt Nam là công ty ROSATOM của Nga. Có đầy rẫy tài liệu chứng minh Nga là nước cẩu thả nhất về mặt an ninh trong những nước xây dựng lò điện nguyên tử. Hơn nữa công ty ROSATOM lại bị mang tai tiếng là đã gian lận về phẩm chất vật liệu xây dựng, một điều không thể tưởng tượng nổi cho một lò điện nguyên tử. Ai có thể không hoảng sợ khi nghĩ rằng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam sẽ được xây dựng bởi một công ty làm ăn gian trá của một nước nổi tiếng là cẩu thả và được trao cho những người Việt Nam mới tập sự điều khiển? Nhất là cũng phải nhìn nhận một sự thực đau lòng là với sự xuống cấp của đạo đức không phải người Việt Nam nào cũng có tinh thần trách nhiệm cao. Một ông thứ trưởng tuyên bố thản nhiên: “đã xây một lò điện nguyên tử tại sao không xây luôn bốn lò cho tiện”. Hình như các cấp lãnh đạo cộng sản không ý thức rằng nguyên tử là vũ khí giết người hàng loạt, giết cả những người hôm nay lẫn những người chưa sinh ra, thậm chí có thể xóa bỏ một quốc gia.
Nhiều người có thẩm quyền chuyên môn, như các giáo sư Phạm Duy Hiển, Trần Sơn Lâm và Nguyễn Khắc Nhẫn, đã lên tiếng ngay sau đó. Có vị dứt khoát bác bỏ điện hạt nhân, có vị cho rằng chỉ nên xây một lò phản ứng để học hỏi và đào tạo trước đã. Như để hỗ trợ cho những tiếng nói cảnh giác này tai họa Fukushima đã xảy ra làm chấn động cả thế giới. Ai không nghĩ rằng nhà cầm quyền Việt Nam sẽ nghĩ lại?
Và quả thực họ đã xét lại, nhưng một cách không ai ngờ được. Ngay trong dịp kỷ niệm một năm thảm kịch Fukushima họ công bố quyết định xây thêm mười lò điện khác dự trù hoàn tất và đi vào hoạt động trước năm 2030, nghĩa là tổng cộng 14 lò thay vì 4 lò! Khi một người bạn, chuyên gia về điện hạt nhân, hốt hoảng thông báo tin này tôi không dám tin. Nó giống như tin một trái bom nguyên tử vừa nổ. Nó buộc chúng ta tự hỏi chúng ta đã ý thức đầy đủ những bắt buộc của kỷ nguyên tri thức chưa? Tri thức trong thế giới ngày nay chủ yếu là tri thức khoa học kỹ thuật; không thể chấp nhận những người lãnh đạo thiếu văn hóa, nhất là văn hóa khoa học.
Xác xuất 5/100.000 cho một tai nạn nghiêm trọng trong một năm tại mỗi lò phản ứng chỉ là một xác xuất trung bình. Đối với một nước thiếu phương tiện và kỹ năng như Việt Nam nó cao hơn nhiều. Với bốn lò phản ứng nó cao một cách đáng sợ. Với 14 lò một tai nạn tầm cỡ Chernobyl hay Fukushima là một đe dọa thường trực và nếu xảy ra hậu quả sẽ rất khủng khiếp, Việt Nam có thể sẽ không còn là Việt Nam nữa. Cũng phải hiểu là một sự cố nhỏ có thể khắc phục nhanh chóng tại một nước như Nhật và Pháp cũng có nguy cơ trở thành một tai nạn lớn tại một nước như Việt Nam.
Nhưng cứ giả thử chứng ta sẽ rất may mắn, phải nhấn mạnh là rất may mắn, không bị tai nạn thì hậu quả cũng rất năng nề.
Trước hết Việt Nam sẽ là một đất nước không an toàn. Mọi người đều phập phồng lo sợ không biết lúc nào thảm kịch sẽ đến. Những người có thể rời bỏ Việt Nam để đi sống ở một nước khác sẽ ra đi. Việt Nam sẽ không có tương lai bởi vì không thể xây dựng một quốc gia với những người chỉ ở lại vì không thể đi sang một nước khác.
Trước hết Việt Nam sẽ là một đất nước không an toàn. Mọi người đều phập phồng lo sợ không biết lúc nào thảm kịch sẽ đến. Những người có thể rời bỏ Việt Nam để đi sống ở một nước khác sẽ ra đi. Việt Nam sẽ không có tương lai bởi vì không thể xây dựng một quốc gia với những người chỉ ở lại vì không thể đi sang một nước khác.
Một tiềm năng kính tế lớn của Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng. Với một bờ biển dài và những bãi biển đẹp trong một khí hậu nhiệt đới chúng ta có thể hy vọng trong trung hạn thu hút vài chục triệu du khách mỗi năm tạo hàng triệu công ăn việc làm trong ngành du lịch và những ngành liên hệ. Khả năng này sẽ gần như mất hẳn với 14 lò phản ứng nguyên tử rải rác khắp nước. Đúng hay sai, tâm lý chung là người ta không muốn nghỉ hè bên cạnh các lò điện nguyên tử.
Thủy sản của Việt Nam cũng sẽ bị đe dọa. Có một thành kiến là các nước chậm tiến không coi trọng an ninh môi trường và không có gì bảo đảm là nước không bị nhiễm xạ. Đúng hay sai người ta sẽ sợ tôm cá Việt Nam.
Một điều quan trọng cũng cần được ý thức là chúng ta sẽ không còn khả năng đương đầu với một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm qui mô. Đối phương chỉ cần oanh tạc các lò điện nguyên tử.
Một người bạn tôi, bác sĩ chuyên khoa về dưỡng lão, có lần nói rằng Việt Nam nên nghiên cứu khả năng mở những nhà săn sóc người cao tuổi. Anh ta nói tại Mỹ và Châu Âu chi phí trung bình để săn sóc một người cao tuổi có bảo hiểm sức khỏe là 50.000 USD mỗi năm. Chúng ta có thể săn sóc họ một cách chu đáo và tiện nghi hơn với chi phí chỉ bằng một nửa. Chúng ta sẽ thu hút được rất nhiều khách, cả những người già lẫn những người chưa thực là già nhưng muốn được phục vụ để khỏi phải bận bịu với những việc hàng ngày như cơm nước, giặt ủi, di chuyển. Đó là một thí dụ. Những khả năng như vậy sẽ mất đi nếu nước ta đầy những lò điện nguyên tử.
Nhưng tại sao chọn điện hạt nhân?
Trái với một lập luận thường gặp điện hạt nhân không phải là một chọn lựa bắt buộc hướng về tương lai. Tỷ lệ điện hạt nhân trên thế giới chỉ mới sấp sỉ 14% tổng số năng lượng điện (và 3% tổng số năng lượng gộp). Những tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm đi vì khuynh hướng chung của thế giới là từ giã điện hạt nhân. Lập luận chính biện hộ cho điện nguyên tử là phải tìm một giải pháp thay thế cho khối dự trữ năng lượng mỏ (than, dầu, khí) đang chiếm 80% năng lượng gộp và đang cạn dần. Lập luận này ngày càng thiếu thuyết phục vì muốn như thế phải nhân lên hơn 25 lần số lò phản ứng hiện nay, một con số khiến người ta phải kinh hoàng sau những tai nạn đã xảy ra. Và đàng nào cũng không thực hiện được bởi vì, trái với sự lạc quan lúc ban đầu, khối lượng uranium cũng rất giới hạn và ngày càng đắt. Thế giới ngày càng tiến tới đồng thuận là phải tiết kiệm năng lượng song song với việc tận dụng những nguồn năng lượng có mãi (renewable energy, thường được dịch sang tiếng Việt là năng lượng tái tạo) như gió, nắng, thủy triều, các dòng sông v.v.).
Cũng đừng quên là năng lượng nguyên tử vẫn còn là một hò hẹn sai với tương lai. Trong vấn đề an ninh của các nhà máy điện nguyên tử không phải chỉ có cố gắng tránh tai nạn mà còn một vấn đề nghiêm trọng không kém là xử lý phế liệu. Trong những thập niên 1950 và 1960, khi chương trình điện nguyên tử được đưa ra người ta tin chắc như đinh đóng cột là một ngày không xa sẽ tìm được cách xử lý ổn thỏa phế liệu nguyên tử. Đến nay, sau hơn một nửa thế kỷ phương thức vẫn chưa tìm được và giải pháp vẫn chỉ là bọc lại và đem chôn. Rà chờ đợi vài ngàn năm cho đến khi phóng xạ xuống tới mức chấp nhận được. Đất nước ta chật hẹp như vậy, chúng ta sẽ chôn phế liệu nguyên tử ở đâu và chuyên chở như thế nào cho an toàn?
Như đã nói ở phần trên, tôi không chống điện nguyên tử trên nguyên tắc. Điện nguyên tử vẫn là một nguồn trong nhiều nguồn năng lượng, dù chỉ nên quan niệm ở một tỷ lệ khiêm tốn. Điện hạt nhân rẻ và sạch nếu không xảy ra tai nạn. Dù chữ nếu này quá lớn nhiều người vẫn nghĩ rằng chấp nhận hay không chấp nhận có điện hạt nhân tùy thuộc điều kiện của từng nước. Chúng ta là một nước đất hẹp người đông không thích hợp với điện nguyên tử. Chúng ta lại chưa có kỹ năng và nhân lực hạt nhân trong khi an ninh nguyên tử là một vấn đề các quốc gia phải đảm nhiệm lấy chứ không thể giao phó sự sống còn của đất nước cho những công ty nước ngoài. Xây lò điện nguyên tử vì vậy chỉ có thể khởi sự khi chúng ta đã đủ kỹ năng và nhân lực hạt nhân, điều mà chúng ta hầu như chưa có. Hơn nữa chúng ta nhiều gió và nắng, tiềm năng năng lượng của chúng ta chủ yếu là năng lượng có mãi. Sau cùng, ngay cả nếu chúng ta không loại bỏ hẳn điện hạt nhân thì cũng chưa phải là lúc để xây bốn lò điện nguyên tử, chưa nói 14 lò, một quyết định điên khùng vượt mọi tưởng tượng.
Còn một vấn đề nghiêm trọng khác. Thế giới đang từ giã điện hạt nhân. Các công ty xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngày càng gặp khó khăn lớn vì không còn thị trường. Công ty AREVA của Pháp chẳng hạn đã bắt đầu chuyển sang sản xuất những thiết bị cho năng luợng gió. Và nếu những công ty xây dựng nhà máy điện nguyên tử cho chúng ta phá sản, một điều rất có thể xảy ra, chúng ta sẽ rơi vào một tình trạng hết sức nguy kịch.
Nhưng tại sao chính quyền cộng sản Việt Nam lại lấy quyết định như thế?
Đây không phải là một tranh luận kỹ thuật. Họ thừa biết rằng xây 14 lò phản ứng là một quyết định rất bất lợi và nguy hiểm cho đất nước. Nhưng tại sao họ lấy quyết định này? Giả thuyết hợp lý nhất là họ đã nhượng bộ những áp lực tài chính của các chủ nợ. Chính quyền cộng sản lấy quyết định liều lĩnh vì họ cần che dấu thực trạng bi đát của kinh tế Việt Nam.
Một chỉ số đo lường mức độ lệ thuộc bên ngoài của một nền kinh tế là tỷ lệ tổng số ngoại thương trên tổng sản lượng quốc gia. Trung bình thế giới hiện nay là 50%, nghĩa là trong một quốc gia tổng số ngoại thương (xuất khẩu cộng với nhập khẩu) bằng khoảng 50% GDP là bình thường. Trong trường hợp Hoa Kỳ tỷ lệ này chỉ là 25%, Trung Quốc 52%. Tại Đức tỷ lệ này là 75%, tại Hàn Quốc 92%, nhưng Đức và Hàn Quốc là hai nước có nền kinh tế hướng ngoại nhất thế giới. Nhật (27%) là một trường hợp đặc biệt vì các công ty lớn của Nhật sản xuất một phần quan trọng hàng hóa ngay tại nước ngoài. Các nước mới phát triển tại Châu Á dĩ nhiên lệ thuộc rất nhiều vào ngoại thương; tỷ lệ của Thái Lan là 120%, của Mã Lai là 148%. Nói chung các nước trao đổi nhiều với thế giới bên ngoài đều xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.
Kinh tế Việt Nam bệnh hoạn hơn hẳn người ta tưởng. Tổng số ngoại thương của Việt Nam bằng 167% GDP. Điều này tự nó đã có nghĩa là chúng ta là một trong những nước lệ thuộc nhất vào các nước ngoài về mặt kinh tế, nhưng sự thực còn đáng lo ngại hơn vì cán cân ngoại thương của chúng ta thâm thủng kinh niên. Chúng ta nhập khẩu nhiều hơn hẳn xuất khẩu từ hơn 25 năm qua. Từ 5 năm qua, khi chính quyền nói rằng kinh tế đã có tiến bộ, Việt Nam liên tục nhập siêu khoảng 13 tỷ tỷ USD mỗi năm, năm 2008 nhập siêu 18 tỷ, những năm trước có thể còn tệ hơn. Như vậy con số nợ công (phần lớn là nợ nước ngoài) 56 tỷ USD, hay 51% GDP, phải được coi là rất xa sự thực. Thâm thủng mậu dịch sớm muộn cũng biến thành nợ nước ngoài. Phần lớn là nợ do các công ty vay hoặc mua chịu nhưng các phần lớn các công ty này là của nhà nước và khoàn nợ nước ngoài của họ đều do nhà nước bảo lãnh cho nên khi một công ty, như tổ hợp Vinashin, không trả được nợ thì nợ của họ cũng biến thành nợ công. Như vậy chắc chắn là số nợ nước ngoài của Việt Nam nước ngoài phải rất cao, có thể hơn 200 tỷ USD, và nhiều khoản đã đáo hạn, thậm chí đã khất nhiều lần. Nếu các chủ nợ nhất định đòi thì chính quyền Việt Nam phải tuyên bố không còn khả năng hoàn trả, nghĩa là phá sản, và chính quyền có thể sụp đổ. Chính quyền cộng sản Việt Nam vì vậy phải chấp nhận ngay cả những đòi hỏi, hoặc “gợi ý”, nguy hiểm cho đất nước để có thể che dấu thực trạng phá sản.
Trở lại với quyết định xây dựng 14 lò điện nguyên tử. Từ sau Fukushima mọi nước đều quyết định ngừng hoặc bỏ hẳn các dư án. Các công ty xây dựng nhà máy điện nguyên tử vì vậy đều ở trong tình trạng nguy ngập. Họ không còn công việc nữa và cần một thời gian để thích nghi với tình huống mới. Các chính quyền nước họ cũng sợ những biến động xã hội nếu các công ty này phải sa thải công nhân hàng loạt ngay lập tức. Trong những điều kiện đó không có gì đáng ngạc nhiên nếu các chính quyền nước ngoài và các công ty xây dựng nhà máy điện hạt nhân của họ làm áp lực để Việt Nam chấp nhận xây những lò điện nguyên tử, nghĩa là cho họ những bầu dưỡng khí tạm. Và chính quyền cộng sản Việt Nam đã phải nhượng bộ để tự cứu mình.
Nếu giả thuyết này đúng, và nó chỉ có thể đúng thôi vì không thể có giải thích nào khác cho quyết định quá sức nguy hại này, thì đây là một lần nữa Đảng Cộng Sản Việt Nam đặt sự sống còn của chế độ lên trên sự sống còn của đất nước. Chỉ khác một điều là lần này đất nước có nguy cơ bị hủy diệt hoặc tàn lụi một cách không đảo ngược được. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn nhiều so với ải Nam Quan, thác Bản Giốc, Hoàng Sa, Trường Sa, Bôxit Tây Nguyên. Chúng ta không có quyền thụ động. Chúng ta phải phản ứng và phải phản ứng thật mạnh mẽ và quyết liệt.
Có thể là chính quyền cộng sản cũng mong có một làn sóng phản kháng dữ dội để có cớ trì hoãn với các chủ nợ. Mặt khác cũng chưa quá trễ để phản ứng. Các lò điện chưa bắt đầu xây, phần lớn chỉ khởi sự trong vài năm nữa. Chúng ta còn thời giờ.
Điện hạt nhân là một vấn đề mang nhiều tính khoa học kỹ thuật mà quần chúng có thể không hiểu do đó trách nhiệm chính trong cuộc đấu tranh này thuộc về trí thức. Trí thức Việt Nam cho tới nay đã quá nhu nhược nhưng lần này họ không có quyền nhu nhược.
Nguyễn Gia Kiểng
(tháng 4/2012)
(tháng 4/2012)
Theo: eThongLuan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét