Pages

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Báo SGTT bị thanh tra toàn diện vì đăng bài có liên quan đến người thân của TTg


Bài trên báo SGTT của nhà báo Huy Đức còn có cái tựa Chị hai thủ tướng, và có tin, tác giả bài báo đã rất khốn khổ vì bài này. Trong 5-7 năm qua, đám quan chức quản lý báo chí vẫn rất căm tức tờ SGTT và kiếm mọi cách đóng cửa tờ báo này, trong đó lý do đầu tiên vẫn là viện vào nội dung “không đúng với tôn chỉ mục đích”, với cái cớ là tờ báo dành cho… mấy bà đi chợ, mà sao cứ đụng tới ba chuyện vĩ mô to tát, rồi cả chủ quyền biển đảo. Giờ thì chắc chắn cuộc thanh tra sẽ có thêm mục tiêu quan trọng: các máy tính có truy cập vô trang… QLB không?

Dù bài báo của Huy Đức có ý khen chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã hành xử “ngay thẳng” trong việc “cưỡng chế” cả người thân của Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đây là một trong số rất ít tờ báo đã dám đưa ra ánh sáng một phần tài sản của những người thân trong giới lãnh đạo chóp bu ở Việt Nam, cũng như cách làm giàu bất chính của họ.

Dòng tin ngắn ngủi đăng trên báo giấy

Báo Sài Gòn Tiếp Thị bị thanh tra toàn diện! Chỉ mấy dòng tin ngắn ngủi đăng trên báo giấy, nhưng có thể liên quan đến câu chuyện lớn hơn về cuộc chiến đang diễn ra đến hồi gay cấn. Cũng xin nhắc lại, vụ ông Tâm Chánh, TBT báo SGTT trước đây đã bị mất chức mà không ai rõ vì lý do gì. Báo SGTT cũng đã từng đăng bài có liên quan đến người thân của thủ tướng, mà sau khi đọc xong bài này, thủ tướng không kiềm chế được cơn thịnh nộ, đã đạp đổ một cái bàn trong Văn phòng Chính phủ.

------------
Ngay thẳng
Sáng 17.4.2009, một người thân của đương kim Thủ tướng cũng đã bị “áp giải ra khỏi hiện trường” khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 280ha cao su còn lại ở xã An Tây để làm khu công nghiệp. Anh Huỳnh Ngọc Sang, người tự giới thiệu đang quản lý vườn cao su cho bà Hai Tâm, người chị ruột của Thủ tướng, kể: Lực lượng cưỡng chế với khoảng 150 người, đã “đưa đi” ít nhất ba người trong đó có “ông Hai”, chồng bà Tâm.

Vườn cao su kể trên thuộc 642ha đất cao su vốn của công ty quốc doanh Sobexco. Trước đây, do làm ăn thua lỗ, Sobexco đã được tỉnh Bình Dương cho phép “bán vườn cây không gồm quyền sử dụng đất” để trả nợ, với giá bình quân 50 triệu/ha. Tiến trình mua bán kéo dài tới năm 2001, thì có những thay đổi, giấy tờ mua bán được ghi là “bên A (Sobexco) chuyển nhượng vườn cây cao su gắn liền với quyền sử dụng đất”. Hơn 40 người mua vườn cây cao su ở đây về sau được cấp sổ đỏ.

Tháng 6.2006, Thanh tra tỉnh Bình Dương cho rằng việc cấp sổ đỏ cho 40 hộ này là trái luật. Cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ nhưng tỉnh vẫn cho phép công ty XNK Bình Dương thực hiện dự án xây dựng khu công nghiệp An Tây trên khu đất này. Số đất mà sáu năm trước đó tỉnh “bán” với giá 50 triệu đồng/ha, nay để làm khu công nghiệp, một công ty quốc doanh đền bù với giá gần 1 tỉ/ha. Kiên quyết làm khu công nghiệp, chỉ trong vòng từ tháng 7 đến tháng 10.2007, công ty XNK Bình Dương đã chi ra hơn 500 tỉ để đền bù cho vườn cao su.

Từ năm 2006, một số bài báo đã coi đây là “tham nhũng”; gần đây, một số bài báo đề nghị Nhà nước cũng nên giữ chữ tín, Nhà nước sai thì Nhà nước chịu không nên thu lại tiền đền bù đã chi hay thu hồi sổ đỏ. Nhưng, vấn đề là trong số 40 người “dân” đứng tên trong các sổ đỏ ấy, có một số là người nhà của quan chức địa phương; và, tới cuối năm 2008, tuy không đứng tên quyền sử dụng đất ở An Tây, có người thân của Thủ tướng cũng lên gặp chính quyền địa phương khiếu nại.

Một quan chức địa phương xin giấu tên nói rằng họ biết trong số những người phản đối sáng 17.4 có vợ chồng người chị ruột của Thủ tướng nhưng chính quyền vẫn tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật và lực lượng cưỡng chế đã không gặp phải bất cứ sự can thiệp nào. Chuyện mua bán, đền bù vườn cao su đúng sai rồi sẽ còn phải làm rõ, nhưng tinh thần sự ngay thẳng trong thực thi công vụ của chính quyền huyện Bến Cát là một thái độ hành xử đáng ghi nhận.

Huy Đức

(SGTT)

Không có nhận xét nào: