Pages

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Tương lai về quan hệ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam

Một trong nhiều khía cạnh của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử tổng thống sắp tới lại là một lĩnh vực vốn ít được lưu tâm tới.



Trong khi những đối tượng thường thấy - Iran, Trung Quốc, Cuba và Syria - đang thống trị những tranh luận về chính sách đối ngoại ở Hoa Kỳ, cả hai ứng cử viên tổng thống lại chẳng có gì để nói về Việt Nam. Và tại sao họ phải nhắc đến? Trong thập niên qua quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam đã phát triển vững chắc, đi cùng hướng với tiến triển đầy cẩn trọng của Việt Nam trong quá trình tự do hoá kinh tế, dân chủ hoá và tôn trọng nhân quyền. Trong nhiệm kỳ đầu của mình chính quyền Obama đã chứng tỏ là rất sẵn sàng đưa ra vài củ cà rốt ngoại giao theo ý của Việt Nam. 

Vào tháng Mười hai 2010, Michael Michalak, lúc ấy là Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, đã dùng bài phát biểu trong Ngày Nhân quyền tại Hà Nội để ca ngợi "những tiến triển mạnh mẽ" từ chính quyền Việt Nam trong việc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng. Vào năm 2011, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phản bác lời kêu gọi của Uỷ ban Tự do Tín ngưỡng Quốc tế của Hoa Kỳ, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, và những nhóm người Mỹ gốc Việt nhằm đưa Việt Nam vào danh sách "quốc gia cần quan tâm đặc biệt" (Việt Nam trước đó đã được đưa ra khỏi danh sách này vào năm 2006 trên cơ sở là đã "có tiến triển quan trọng trong việc thúc đẩy tự do tín ngưỡng"). Đại diện Ngoại giao Hoa Kỳ Ron Kirk thậm chí đã từng thương thảo với chính quyền Việt Nam về khả năng được nhận vào Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Trong một biểu hiện rõ rệt về tình hữu nghị đang nảy nở giữa hai quốc gia, vào cuối năm 2011 Việt Nam đã khai trương một lãnh sự quán mới tại New York, trong khi Hoa Kỳ cũng mở cửa một "Trung tâm Hoa Kỳ" vốn được đón chào rộng rãi tại lãnh sự quán của mình ở Thành phố Hồ Chí Minh. 

Nhưng sau cuộc bầu cử năm nay, quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam có thể đi trệch khỏi con đường bình thường hoá. Ứng cử viên tổng thống phe Cộng hoà Mitt Romney cho đến nay đã nói rất ít về việc mở rộng ngoại giao này, nhưng có nguyên nhân chắc chắn để tin rằng việc thay đổi nhân sự tại Nhà Trắng có thể dẫn đến một thay đổi hướng đi trong mối quan hệ song phương này. 

Vào tháng Giêng 2012 các Dân biểu Hạ viện Cộng hoà đã lên tiếng quan ngại sâu sắc đối với việc mà họ gọi là sự thờ ơ của chính quyền Obama đối với những vi phạm nhân quyền ngày càng tăng ở Việt Nam. Trong một số buổi điều trần công khai về vấn đề này, các thành viên Cộng hoà trong Uỷ ban về các Vấn đề Đối ngoại của Hạ viện đã chỉ ra ba lĩnh vực mà họ cho rằng chính quyền mới tại Việt Nam, được bầu lên vào năm 2011, đang thụt lùi trong việc tôn trọng nhân quyền. 

Trước tiên, chính quyền mới này đã tăng cường việc đàn áp quyền tự do ngôn luận và tổ chức. Các nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động bảo vệ đất đai, những người vận động chống tham nhũng và các nhà cổ vũ tự do tôn giáo và dân chủ giờ đây thường xuyên bị công an sách nhiễu và bắt giữ trái phép. Chỉ riêng trong năm 2011, 33 nhà hoạt động ôn hoà đã bị tuyên án tổng cộng 185 năm tù. Ngày 24 tháng Chín 2012, ba nhà viết blog người Việt là Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải đã bị kết án đến 26 năm tù giam sau một phiên toà kín xảy ra chỉ trong vài giờ. Họ đã bị bắt giữ không xét xử từ năm 2010 vì đã viết trên các trang blog như "Công lý và Sự thật", được xem là thù địch đối với nhà nước Việt Nam. Việc kiểm duyệt báo chí giấy và trên mạng đã trở nên thường xuyên và tinh vi hơn. 

Thứ hai, việc bắt giữ tùy tiện, nạn bạo hành và tra tấn của công an đã ngày càng trở thành công cụ thường xuyên nhằm đàn áp giới chống đối. John Sifton, Giám đốc Hỗ trợ khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã cho rằng nạn bạo hành của công an đã trở thành một cơn dịch tại Việt Nam, với ít nhất là 13 người bị chết sau khi bị công an bắt giữ trong năm 2011. Những người bị bắt giữ vì lý do chính trị và tôn giáo thường xuyên bị tra tấn để ép buộc nhận tội, bị biệt giam trước ngày xử án và bị từ chối quyền gặp mặt gia đình và luật sư. 

Cuối cùng - và lĩnh vực này có vẻ là mối quan tâm lớn nhất của những Dân biểu Cộng hoà - chính quyền mới ở Việt Nam đã bắt đầu trấn áp quyền tự do tín ngưỡng. Mặc dù chính sách bắt buộc bỏ đạo đã chính thức chấm dứt từ năm 2005, trên thực tế vẫn được tiếp tục. Dưới lệnh cấm rộng rãi đối với tất cả hoạt động tín ngưỡng được xem là đi ngược lại "lợi ích quốc gia", công an nhà nước đã tăng cường can thiệp và những hoạt động của các nhóm Phật giáo Hoà Hảo, Giáo hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, giáo phái Cao Đài, Pháp Luân Công, Dòng Chúa Cứu Thế và các tổ chức Công Giáo và Tin Lành người thiểu số. Vào tháng Năm 2011, bị báo động bởi khả năng của cộng đồng hàng triệu người Hmong chuyển sang đạo Thiên Chúa giáo, chính quyền Việt Nam đã đi xa đến mức điều động quân đội để vây kín hàng nghìn người Hmong theo đạo Thiên Chúa tại Mường Nhé. Các nhà vận động tôn giáo cũng thường xuyên bị bắt giữ: ít nhất là 15 người Công Giáo có liên hệ với Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã bị bắt giữ vào cuối năm 2011. 

Những bước đi lùi trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam đã khiến cho giới Dân biểu Cộng hoà Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi có thái độ cứng rắn hơn đối với chính quyền Việt Nam. Chris Smith, chủ tịch Phân ban về Châu Phi, Y tế Thế giới và Nhân quyền của Hạ viện đã hối thúc Bộ Ngoại giao xếp hạng Việt Nam vào lại danh sách "quốc gia cần quan tâm đặc biệt". Phân ban của ông cũng bày tỏ sự ủng hộ việc thành lập một văn phòng lãnh sự vệ tinh tại vùng cao nguyên Việt Nam để đảm trách những khiếu nại về nhân quyền ở địa phương. 

Một số những quan chức thuộc đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ cũng ủng hộ một thái độ cứng rắn hơn đối với Việt Nam. Vào tháng Ba 2012 Uỷ ban về các Vấn đề Đối ngoại của Hạ viện đã đồng loạt thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam nhằm ngăn cấm bất kỳ sự tăng cường viện trợ không liên quan đến nhân đạo cho Việt Nam nằm trên mức độ của Năm Tài khoá 2012, trừ phi chính quyền này "đạt được tiến triển rõ rệt trong việc thiết lập dân chủ và khuyến khích nhân quyền". Dự luật này sau đấy đã được Hạ viện thông qua nhưng vẫn còn đang đợi Thượng viện chấp thuận. 

Hillary Clinton từng bày tỏ quan điểm trước Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 2011 rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn là trở ngại quan trọng trong quá trình phát triển quan hệ song phương - đấy cũng là điểm mà bà đã nhắc lại trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng Bảy 2012. Nhưng chính quyền Obama vẫn chưa cho thấy là họ sẽ từ bỏ con đường hướng đến việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Những hi vọng của các giới Cộng hoà ở Hạ viện mong muốn có thêm một chút "cây gậy" và bớt đi một chút "cà rốt" trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam có thể trở thành sự thật nếu họ chiếm được quyền điều hành Nhà Trắng vào tháng Mười một này. 

(Diễn đàn Đông Á)

Không có nhận xét nào: