Giá lao động ngày càng tăng đang là thử thách lớn với các nhà sản xuất tại Trung Quốc
Chi phí lên cao đang là một vấn đề lớn với các nhà đầu tư, sản xuất trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc.
Ngày 21/10, báo China Daily đã đăng tải bài viết của hai cây bút Qing Fen và Qiu Quanlin về tình hình kinh doanh tại đây trong hoàn cảnh nói trên.
BBC xin được giới thiệu với bạn đọc bài viết này.
Chi phí lao động tăng và nhu cầu xuất khẩu suy giảm khiến nhiều nhà sản xuất phải chuyển sang những nước láng giềng Đông Nam Á và những công ty còn lại cũng đang có kế hoạch chuyển đi, một quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Quan chức ẩn danh này nói “gần một phần ba những nhà sản xuất sản phẩm dệt, vải, giày và mũ đang làm việc trong áp lực ngày càng gia tăng và đã di chuyển tất cả, hoặc một phần sản xuất ra phía ngoài Trung Quốc”, điều mà ông gọi là ‘sự di chuyển công nghiệp khổng lồ’.
Những địa điểm được ưa chuộng khác thông thường là các nước thành viên khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Có khả năng lớn “xu hướng này sẽ tiếp tục” với, với ngày càng nhiều sự di chuyển của các nhà sản xuất sử dụng vốn lao động cao, ông nói với China Daily
Liang Shiyu, giám đốc văn phòng của Phòng Thương mại Nhập khẩu và Xuất khẩu hàng dệt thừa nhận một số lượng lớn những nhà sản xuất đã chuyển một phần hoàn toàn bộ công ty sang nước ngoài.
Tuy nhiên quan chức thương mại này nói mặc dù một số việc làm bị mất trong quá trình chuyển đổi, hiện tượng này “về cơ bản là tích cực,” và “đúng hướng” với nỗ lực của chính phủ trong việc nâng cấp sức mạnh công nghiệp cũng như thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-15) đã khiến các nhà xuất khẩu tăng cường sản xuất các loại hàng chất lượng cao.
Các nhà xuất khẩu đang khám phá ra những cách mới để kinh doanh trong bối cảnh đà xuất khẩu bị suy giảm vì những yếu tố tiêu cực của thị trường trong và ngoài nước, từ chi phí lao động ngày càng tăng cho đến nhu cầu suy giảm mạnh từ khối Châu Âu và Mỹ.
Gánh nặng giá lao động
“Thế mạnh (về chi phí lao động và sản xuất) tại các nước Đông Nam Á sẽ chỉ kéo dài một vài năm”
Chen Jian, quản lý một doanh nghiệp may mặc ở Châu Giang
Giá lao động tại Trung Quốc tăng 15-20% những năm gần đây, thu hẹp lợi nhuận và đẩy nhiều công ty đến bờ vực phá sản.
Theo Bộ Lao động Trung Quốc, từ tháng Một cho đến tháng Sáu năm nay, mức lương tối thiểu đã tăng lên trung bình là 20% tại 16 tỉnh trong nước.
Lương tối thiểu tại Thẩm Quyến là 238 đôla/tháng, mức cao nhất so với cả Trung Quốc đại lục.
Nhiều nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á có giá lao động thấp hơn nhiều.
Lương lao động sản xuất tại Việt Nam hồi năm 2011 chỉ là 96 đôla/tháng, chỉ bằng mức của 10 năm trước tại Đông Hoản, một thị trấn công nghiệp khu vực sông Châu Giang, phía Nam Trung Quốc.
Một số nước Asean, trong đó có Việt Nam đã mở rộng các chính sách sử dụng đất đai và dịch vụ để phục vụ đầu tư nước ngoài, trong đó có từ Trung Quốc.
Các công ty sản xuất quần áo và dệt may đã bắt đầu rời khỏi khu vực Châu Giang để đến các địa điểm khác tại Đông Nam Á.
Xiao Yujing, một quản lý tại công ty Zhongshan Liangcheng than phiền rằng tình hình đang ngày càng khiến việc tìm khách hàng quốc tế tại Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.
Khách hàng đang “hướng mắt về phía các nước Đông Nam Á”, khiến công ty của ông phải lên kế hoạch di dời một phần doanh nghiệp.
“Chúng tôi sẽ thử Campuchia, nơi mà chi phí lao động chỉ vào khoảng một phần tư giá ở Châu Giang,” ông nói.
Không chỉ có các công ty trong nước, những tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở Trung Quốc cũng đang có chiến lược di dời.
Gần đây, Adidas đã đóng cửa nhà máy tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô, nơi có 160 lao động.
Nike cũng đóng cửa nhà máy giày tai Trung Quốc tại Tô Châu hồi 2009.
Chi phí hoạt động ngày càng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến đầu tư nước ngoài giảm mạnh trong những tháng gần đây.
Thế mạnh tạm thời
Thế mạnh lao động giá rẻ ở những nước Đông Nam Á như Việt Nam được cho là chỉ có giá trị ngắn hạn
Theo một khảo sát của Capital Business Credit, một công ty tư vấn tài chính tại Mỹ, đến 40% những công ty lớn nói họ đang có kế hoạch chuyển nhà máy từ Trung Quốc đến các nước khác, trong đó có Việt Nam, Pakistan, Bangladesh và Philippines.
Huo Jianguo, giám đốc Viện hợp tác thương mại và kinh tế toàn cầu, một bộ phận của Bộ thương mại, nói sự di dời của các công ty đến khu vực Đông Nam Á là “rõ ràng” và “dễ hiểu.”
Ông Huo nói Trung Quốc vẫn là một địa điểm thu hút các nhà đầu tư sản xuất nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ và môi trường đầu tư phát triển, cũng như đội ngũ lao động có trình độ.
“Chúng tôi ghi nhận việc một số nhà sản xuất và các công ty nước ngoài đã chuyển hoạt động từ khu vực ven biển sang những khu vực trung tâm và ở phía tây,” ông nói. Một ví dụ mà ông đưa ra đó là công bố sẽ chuyển dự án đầu tư sang Tây An, thành phố phía Tây Bắc Trung Quốc của tập đoàn Samsung.
Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng thế mạnh về chi phí của các nước khác là tạm thời.
“Thế mạnh (về chi phí lao động và sản xuất) tại các nước Đông Nam Á sẽ chỉ kéo dài một vài năm,” ông Chen Jian, quản lý của một công ty may mặc ở khu vực Châu Giang bình luận.
“Xu hướng này giống hệt với những gì xảy ra 10 năm trước khi các nhà sản xuất từ Hong Kong và Đài Loan kéo đến Châu Giang vì giá lao động thấp. Giờ đây chúng ta có thể thấy giá lao động ở đây đã tăng cao như thế nào.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét