Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Chí Thiện đối mặt với Cực Ác



Bùi Tín (VOA) – Suốt 5 ngày qua, sống trong tâm tưởng với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, sau khi được biết anh vừa vào bệnh viện sau một cơn đau ngực dữ dội. Hôm nay 2/10/2012 tôi được hung tin anh đã từ giã chúng ta, thọ 73 tuổi.
Chúng tôi gặp nhau ở Paris năm 2000 khi anh là khách mời của một tổ chức văn hóa Pháp. Sau đó chúng tôi đến thành phố Strasbourg ở sát biên giới Đức, nơi anh nghỉ ngơi để sáng tác, làm thơ và viết tập truyện Hỏa Lò.

Mới tháng 6 vừa qua gặp anh ở trong khu vực nội trú của Trường đại học Long Beach, phía Nam bang California, tối thấy anh còn khá khỏe, và anh lạc quan nhắc đến các cô gái kiên trung dấn thân ở trong nước – những Hoàng Thục Vy, Phạm Thanh Nghiên, Bùi Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh…, anh đọc cả từng đoạn văn súc tích của Võ Thị Hảo, rồi anh bình luận việc từ bỏ hàng ngũ đảng CS của anh bạn trẻ Nguyễn Chí Đức.
Tôi nhớ lời anh kể về lý do tại sao anh lại có mối quan hệ không thân thiện, dẫn đến xung khắc với đảng CS vào lúc còn rất trẻ, ở vào tuổi 21, 22. Sau chiến tranh với Pháp, sau Điện Biên Phủ, anh cũng như bao thanh niên khác, «hừng hực niềm tin yêu và hy vọng», như lời một bài hát hồi ấy. Nhưng rồi trục trặc xảy ra. Anh mê nghề dạy học, chăm đến thư viện, đọc sách báo rất nhiều, 19 tuổi đã khá thông tiếng Pháp, đọc và nhớ thơ của Victor Hugo, luận văn của Voltaire, nhớ truyện «Những kẻ cùng khổ», «Ba chàng ngự lâm pháo thủ». Khi một giáo viên trường trung học bị ốm, hiệu trưởng biết anh liền nhờ anh dạy thế một tiết lịch sử, nói về kết thúc cuộc Thế chiến lần thứ hai. Anh chuẩn bị kỹ, giải thích cho học sinh biết rằng phát xít Nhật bị bắt buộc phải đầu hàng vào tháng 8-1945 là do 2 quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Nagasaki và Hiroshima.
Thế là có phụ huynh học sinh cùng một giáo viên ganh tỵ với anh tố cáo với công an quận rằng anh cố tình truyền bá tư tưởng đế quốc, không theo giáo án, nói trái quan điểm của đảng, không giải thích rằng phát xít Nhật thua là do công ơn của Nguyên soái Stalin đã chỉ huy Hồng quân tiêu diệt đạo quân Quan Đông ở Mãn Châu.
Nguyễn Chí Thiện đã 3 lần vào tù. Từ tạm giam, rồi hỏa lò, rồi biệt giam, không xét xử, chân mang gông cùm, xích sắt, sống với muỗi, rệp, gián, chuột, với những trận ho thổ huyết lênh láng, nhưng suốt 27 năm dài, anh vẫn đứng vững chãi trên niềm tin của mình.
Tù đày đã không thể nào tận diệt bản chất Chí Thiện ở nơi anh, không tài nào đánh gục được sức sống quật khởi bất tận ở nơi anh, đó là sức sáng tạo nên hàng trăm bài thơ với tứ thơ, ý thơ bất diệt, độc đáo. Anh coi thơ là nguồn sống, là vũ khí tiến công, vạch mặt cường quyền, chỉ mặt cực ác phi nhân, loài dã thú giữa loài người văn minh.
Ngay trong đợt tù đầu tiên từ 1962 đến 1964 nhà thơ Chí Thiện trẻ đã làm nên nhiều bài thơ cảm khái, tuy không có bút mực, không máy ghi âm, không máy vi tính, mà chỉ ghi trong ký ức. Làm bài nào nhớ bài nấy. Làm bài sau vẫn nhớ những bài trước.
Xin nhớ lúc ấy Bắc Việt là nhà tù lớn, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Gặp người ngoại quốc, dù là người Nga, Trung Quốc, hay Pháp, mà đến gần, nói chuyện, hỏi chuyện làm quen không xin phép đảng, không xin phép chính quyền, không có công an tham dự là tội lớn, là phạm pháp. Thư từ Bắc Nam, thư từ gửi đi thế giới hay từ thế giới gửi vào bị kiểm soát, kiểm duyệt kỹ, nói chung là cấm kỵ, thông tin bị bủa vây chặt. Vì thế Chí Thiện đã vỡ óc hàng mấy tháng để tìm cách gửi tập thơ của anh ra khỏi nước, để nó đến được với loài người ở ngoài nước ta, như một tiếng vang từ địa ngục trần gian.
Thế là anh liều. Tháng 7/1979, anh mang tập thơ – với mấy dòng chữ Pháp ở trang đầu: «Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, đã ngã gục hay còn đang phải chịu đựng một cái chết dần mòn và đau đớn trong gông cùm của cộng sản, tôi xin ông vui lòng cho phổ biến những bài thơ này trên mảnh đất tự do của quý quốc. Đó là kết quả 20 năm làm việc của tôi, phần lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam cầm» – đến trước sứ quán Anh ở Hà Nội, chạy vụt vào đưa cho một người Anh rồi chạy trở ra. Anh bị bắt ngay và bị tống vào Hỏa Lò, bị gông cùm, tra khảo, nhưng tinh thần hứng khởi, hy vọng tập thơ của anh làm trong 13 năm tù sẽ mọc cánh bay xa, làm cho những bài thơ gầm thét nỗi oan trái sẽ đến với loài người.
Ở Chí Thiện còn có một tâm hồn trong sáng cao thượng ít người biết. Khi anh được sang Hoa Kỳ năm 1995, có một chị ở Paris, Pháp, mến mộ, động lòng thương anh, tự nguyện tỏ ý mong muốn chung sống với anh trong cuộc đời lưu vong còn lại, để dựa vào nhau trong hơi ấm gia đình. Chị lái xe ra phi trường de Gaulle đón anh về nhà. Nhưng anh không dám nhận mối tình cao quý ấy. Anh tâm sự: «Mình không khỏe, đêm thường mất ngủ, lại đủ thứ bệnh, tim, gan, thận đều có vấn đề, già yếu rồi, sống chung sẽ làm phiền, làm vất vả cho người khác, mình không đang tâm». Lúc ấy anh đã hơn 60 tuổi. Anh muốn giành toàn bộ sinh lực cho cuộc đấu tranh. Và thế là anh chấp nhận một cuộc sống đơn độc, đạm bạc, nhưng lại càng có nhiều bạn hơn, nam giới và phụ nữ, lớn tuổi cũng như bạn trẻ, chăm nom, an ủi, mang cho anh thức ăn, thuốc bổ, hoa quả, đưa anh đi họp, đi mua sắm cần thiết…
Chí Thiện có một mối thù cực sâu đối với ông Hồ. Thoạt đầu tôi nghĩ là vì anh bị đại nạn khi ông Hồ đang đầy quyền lực ở vị trí tối cao, đứng đầu nhà nước, đứng đầu đảng. Anh hiểu rõ ông Hồ là nguồn gốc chính của đại họa dân tộc, là kẻ du nhập hăng hái nhất, mù quáng nhất học thuyết Mác – Lê tai quái. Anh thường nói “các nước gần ta như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Ấn Độ… hạnh phúc, tiến bộ do không có ai như ông Hồ, dốt nát, lẩm cẩm, vơ quàng vơ xiên, du nhập cái của nợ bất nhân rồi bắt nhân dân ta phải vái lạy nó”. Anh nói rõ không có thù riêng gì với ông Hồ, nhưng anh nói ông Hồ thực tế là đao phủ số 1, là tội phạm số 1, chịu trách nhiệm về cái chết thê thảm của hàng triệu con người, chịu trách nhiệm về nỗi đau khổ cùng cực của hàng chục triệu đồng bào. Anh cho rằng ông Hồ mắc nợ thù sâu oán nặng đối với mỗi gia đình Việt Nam, ở ngoài Bắc cũng như ở trong Nam, trong nước cũng như ngoài nước, không thể nào chối cãi phủ nhận. Và nay cái tệ sùng bái ông Hồ đã thành của nợ đèo bồng, phải giải thoát mới có lối ra.
Mới tháng 6/2012, anh thổ lộ với tôi nỗi đau của anh, khi xem truyền hình, lớp lớp nhân dân vẫn còn lũ lượt viếng lăng Hồ Chí Minh, có cả người Việt thuyền nhân trở về, «viếng đao phủ của chính dân tộc mình, gia đình mình». Có gì chua cay hơn. Anh nhắc đến cái lăng ông Dimitrov ở Sofia, Bulgaria, đã bị phá năm 1991, xác ông này được đem về chôn ở quê quán, nay thành nơi mặc niệm các nạn nhân của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa CS. Anh tin ở Việt Nam rồi cũng như vậy.
Anh nhắc đến một kỷ niệm riêng cách đây 5 năm khi dự lễ khai mạc trọng thể tượng đài kỷ niệm hơn 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa CS toàn thế giới, đặt gần trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington D.C. Anh đã trả lời phỏng vấn tại chỗ của báo Mỹ, nhân danh đại diện cho hàng triệu sinh mạng người Việt bị CS giết hại trực tiếp và gián tiếp, trong đó có hàng chục vạn đồng bào thuyền nhân chết bi thảm trong lòng đại dương do phải bỏ chạy địa ngục trần gian của ông Hồ.
Hôm nay nhớ thương, quý mến Chí Thiện, tôi nghĩ không gì bằng ghi lại lại lời nhắn nhủ tha thiết của nhà thơ ngục tù Chí Thiện, gửỉ đến các nhà văn, nhà thơ, các chiến sỹ dân chủ, các blogger tự do, đặc biệt các bạn trẻ Đỗ thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên, Huỳnh Thục Vy, Bùi Minh Hằng, Phương Bích, Võ Thị Hảo…, những tâm hồn trẻ đang dấn thân cho một Việt Nam Tự do luôn đứng thẳng mà nhà thơ Chí Thiện đã tin yêu nhắc đến tên trước khi từ biệt chúng ta:
Thế lực đỏ, phải đồng tâm đập nát
Để nó hoành hành, họa lớn sẽ lan nhanh
Nhưng không thể dùng bom A bom H
Phá nát địa cầu vì một lũ gian manh
Nên phải viết, phải muôn ngàn kẻ viết
Những tội tày đình được bưng bít tinh vi
Nếu nhân loại mọi người đều biết
Cộng sản là gì, tự nó sẽ tan đi
Anh Chí Thiện quý yêu, bài viết này coi như thẻ hương và bông hoa tinh thần tiễn anh đi vào cõi Vĩnh hằng.
Bùi Tín

Không có nhận xét nào: