Pages

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

HOA KỲ THỂ HIỆN SỨC MẠNH HẢI QUÂN TẠI BIỂN ĐÔNG


Hồng Phúc chuyển ngữ, theo Phía Trước– Fox News / Associated Press
Trên USS George Washington – Siêu hàng không mẫu hạm USS George Washington đã đến khu vực Biển Đông có nhiều tranh chấp hôm thứ Bảy trong một chương trình nhằm thể hiện sức mạnh  hải quân của Hoa Kỳ. Vùng biển này hiện đang nhanh chóng trở thành một tâm điểm đối đầu chiến lược giữa Washington với Bắc Kinh.
Một số an ninh và các quan chức chính phủ Việt Nam đã được chuyển lên chiến hạm năng lượng hạt nhân USS George Washington, nhấn mạnh lại mối quan hệ quân sự đang phát triển giữa hai cựu thù. Một số ít nhà báo cũng được mời tham dự chương trình ở vùng biển giàu dầu mỏ này – đồng thời cũng là nơi có nhiều đảo đang tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác.

Mục đích của huyến thăm là nhằm trấn an Việt Nam và Philippines, tái khẳng định lại sự hỗ trợ của Mỹ trong khu vực nhưng điều này có thể làm phía Trung Quốc bực bội. Trung Quốc trong thời gian qua đã gia tăng sức mạnh hải quân và kinh tế, dẫn đến một loạt các tuyên bố nhấn mạnh chủ quyền của họ tại khu vực này. Hoa Kỳ đang xây dựng các liên minh kinh tế và quân sự với Việt Nam cùng với một số các quốc gia khác trong khu vực trong chiến lược “trục châu Á”, chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương. Đây là chiến lược của Hoa Kỳ nhằm chống lại những ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng trong thời gian qua.
Các quan chức Việt Nam đã chụp ảnh máy bay chiến đấu F-18 cất và hạ cánh trên boong tàu dài 1000 feet – (305-mét), gặp gỡ thuyền trưởng và tham quan chiến hạm, nơi có hơn 5.000 thủy thủ trên tàu.
USS George Washington được điều động đến đây chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh tổ chức diễn tập quân sự gần quần đảo ở Biển Hoa Đông, nơi đang diễn ra các vụ tranh chấp với Hoa Kỳ cùng đồng minh Nhật Bản. Sự kiện này đã gây ra nhiều căng thẳng trong những ngày gần đây.
Trung Quốc tuyên bố gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, nơi mà Hoa Kỳ nói rằng họ có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải và các tuyền đường biển quan trọng. Việt Nam, Philippines và các quốc gia châu Á khác cũng nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền tại đây. Các tranh chấp kéo dài trong nhiều thập niên qua nhưng ít thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế cho đến thập niên 1990 khi các cuộc điều tra cho thấy khu vực này có lượng dự trữ dầu mỏ và tài nguyên thiên nhiên khá lớn. Sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong thời gian gần đây đã đưa các tranh chấp lên thành một quy mô lớn mạnh hơn.
Hải quân Hoa Kỳ thường xuyên tuần tra tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như tiến hành các cuộc tập trận chung và đào tạo với các đồng minh trong khu vực chiến lược này. Đây là chuyến thăm lần thứ ba của USS George Washington đến ngoài khơi bờ biển Việt Nam trong nhiều năm qua. Theo Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ thì một tàu sân bay thứ hai, USS John C. Stennis, cũng đã tiến hành các hoạt động trong khu vực Tây Thái Bình Dương trong thời gian gần đây.
Hạm trưởng Gregory Fenton cho biết nhiệm vụ chính nhắm vào mục đích cải thiện quan hệ với Việt Nam và đảm bảo quyền tự do lưu chuyển của Hoa Kỳ ở Biển Đông.
Trung Quốc đã tăng cường quân sự trong những năm gần đây, bao gồm cả việc hạ thủy một chiến hạm hồi năm ngoái và phát triển nhanh chóng các tên lửa đạn đạo cũng như khả năng chiến tranh trên không gian mạng. Điều này có khả năng hạn chế những hoạt động của Hoa Kỳ trong khu vực. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã không công khai đứng bất kỳ về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
“Mục tiêu của chúng tôi là làm thế nào để các quốc gia trong khu vực tự tìm ra biện pháp giải quyết những căng thẳng của họ. Vai trò của chúng tôi cho đến nay là đảm bảo tự do đi lại trong vùng biển quốc tế”, ông Fenton nói trong một cuộc phỏng vấn.
Mặc dù các quốc gia đã cam kết giải quyết những rạn nứt một cách ôn hòa, tuy nhiên, bạo lực đã từng nổ ra trong quá khứ – bao gồm cả cuộc chiến hồi năm 1988 khi Trung Quốc và Việt Nam đụng độ ở quần đảo Trường Sa làm chết 64 binh sĩ Việt Nam thiệt mạng. Nhiều người lo ngại các tranh chấp này có thể trở thành một cuộc xung đột vũ trang tại châu Á.
Việt Nam đã vui mừng chấp nhận sự giúp đỡ của nước cựu thù Hoa Kỳ nhằm chống lại sự ảnh hưởng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc, tuy nhiên, họ cũng cố gắng để duy trì tốt mối quan hệ  với phương Bắc.
Gần đây, chính quyền Hà Nội đã phản ứng giận dữ đối với động thái của Bắc Kinh trong việc thiết lập một đơn vị đồn trú trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hoa Kỳ cũng chỉ trích hành động của Bắc Kinh nhưng đã gặp phải nhiều phản bác từ phía Trung Quốc.
“Trung Quốc sẽ xem việc Hoa Kỳ điều động siêu hàng không mẫu hạm đến đây như một biểu hiện mong muốn tiếp tục duy trì sự thống trị trong khu vực”, ông Denny Roy, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii nói. Hoa Kỳ cũng muốn gửi một thông điệp tới các nước trong khu vực rằng họ đến đây với một chiến lược lâu dài … và họ muốn tiếp tục ủng hộ luật pháp quốc tế”.
Trong khi hầu hết các nhà phân tích tin rằng cuộc đối đầu quân sự ở vùng biển này rất khó xảy ra trong thời gian tới đây, nhưng họ nói rằng căng thẳng có khả năng sẽ gia tăng nếu Trung Quốc cứ tiếp tục tuyên bố chủ quyền và xây dựng lực lượng hải quân trong khu vực Biển Đông.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

***

Quan chức VN thăm tàu sân bay Hoa Kỳ

Theo BBC
Quan chức chính phủ và quốc phòng Việt Nam vừa được chở ra thăm hàng không mẫu hạm USS George Washington, hiện đang đậu ở Biển Đông.
Hãng tin Associated Press nói chiếc tàu sân bay tối tân sử dụng năng lượng hạt nhân đang có mặt tại vùng biển tranh chấp trong màn “thể hiện sức mạnh của [hải quân] Hoa Kỳ”.
Biển Đông được cho là đang trở nên trung tâm điểm của sự cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh.
Hãng AP cho biết các quan chức cùng một số nhỏ các nhà báo Việt Nam đã được mời ra tham quan tàu USS George Washington hôm thứ Bảy 20/10.
Hoạt động này, theo AP, ‘sẽ trấn an Việt nam và Philippines về sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng có thể khiến Trung Quốc bực mình”.
Hoa Kỳ đang thực thi chiến lược chuyển dịch về Á châu, được cho là nhằm đối trọng với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Việt Nam đã cử các đoàn quan chức ra thăm tàu USS George Washington hai lần trong hai năm 2010, 2011 khi tàu này vào gần vùng biển Việt Nam.
Sau mỗi lần, giới chức Việt Nam đều có phát ngôn trấn an Trung Quốc rằng hợp tác quốc tế của Việt Nam không nhằm để đối phó với quốc gia nào.
Căng thẳng tiếp diễn
Theo AP, các quan chức Việt Nam khi tham quan hàng không mẫu hạm Mỹ đã chụp ảnh cảnh các chiến đấu cơ F-16 cất cánh và hạ cánh trên đường băng dài 305 mét của tàu, gặp gỡ thủy thủ và chỉ huy tàu,
USS George Washington có thủy thủ đoàn tới 5.000 người.
Cuộc viếng thăm diễn ra một ngày sau khi Bắc Kinh diễn tập quân sự gần các hòn đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc hiện đang có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo quanh vấn đề chủ quyền tại đảo Senkaku/Điếu Ngư đang lên cao.
Hải quân Mỹ thường xuyên mở các đợt tuần tra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để thực thi điều mà Washington gọi là “tự do hàng hải”.
Đầu tuần tới, hai ứng viên tổng thống Mỹ Barack Obama và Mitt Romney sẽ có cuộc tranh luận cuối cùng trước kỳ bầu cử, trọng tâm là chính sách đối ngoại, và giới phân tích cho rằng không ai trong số hai ông muốn tỏ ra là mềm yếu trước sức mạnh của Trung Quốc.
Mới đây, hàng không mẫu hạm khác là USS John C. Stennis cũng đã có hoạt động tại vùng phía tây Thái Bình Dương.
Chỉ huy hàng không mẫu hạm Gregory Fenton nói hoạt động hôm thứ Bảy 20/10 là nhằm cải thiện quan hệ với Việt Nam và bảo đảm “Hoa Kỳ được tự do đi lại ở Biển Đông”.
Trả lời phỏng vấn ngay trên tàu, ông Fenton nói: “Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để các nước trong khu vực tự giải quyết được các căng thẳng, tới nay chúng tôi chỉ đóng vai trò thực thi quyền tự do lưu thông trong các vùng biển quốc tế”.
Tuy nhiên, cũng đã có cảnh báo từ giới quan sát về hoạt động mới này.
Ông Denny Roy, từ Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii, được AP dẫn lời nói: “Trung Quốc sẽ coi chuyến hải hành này là biểu hiện cho ý nguyện duy trì sự thống trị trong khu vực của Hoa Kỳ”.
Trong khi đó, theo ông Roy, “Mỹ cũng muốn gửi thông điệp tới các nước rằng họ hiện diện lâu dài ở đây và muốn hỗ trợ cho việc thực thi các luật lệ quốc tế”.
Truyền thông Việt Nam chỉ đưa vài dòng ngắn ngủi về chuyến thăm tàu USS George Washington hôm thứ Bảy, nói đây là ‘theo lời mời của Đại sứ quán Mỹ’.
Tập trận chung
Trong một diễn biến liên quan, Tân Hoa Xã cho hay Hải quân Mỹ sẽ cùng Hải quân Hoàng gia Campuchia tiến hành cuộc tập trận chung CARAT lần thứ ba từ ngày 22/10-26/10 tại cảng Sihanoukville của Campuchia.
Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh r athông cáo nói cuộc tập trận lần này tập trung vào tăng cường các kỹ năng an ninh hàng hải.
CARAT (Cooperation Afloat Readiness and Training) là cuộc diễn tập duy trì sự sẵn sàng chiến đấu của hải quân, do Hoa Kỳ chủ trì, tiến hành hai năm một lần ở Đông Nam Á.
Các nước tham gia lần này, ngoài Campuchia, có Bangladesh, Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Timo Leste.
Việt Nam chưa tham gia hoạt động tập trận chung.

Không có nhận xét nào: