Pages

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Khi cuộc sống không an toàn, người dân phải tự cứu


VĂN QUANG – VIẾT TỪ SÀI GÒN

Văn Quang SG Thiên Hạ Sự
Trong thời buổi kinh tế suy thoái, cuộc sống của người dân ngày càng lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều người rơi vào tình cảnh “hết thuốc chữa”, trắng tay, không tìm được việc làm. Con số biết nói 26.000 doanh nghiệp đóng cửa trong năm nay, kéo theo bao nhiêu hệ lụy? Thanh niên thiếu nữ bỏ quê ra đi bỗng trở nên bơ vơ giữa những thành phố xa lạ đầy cạm bẫy, tất yếu phải dẫn đến cảnh “đói ăn vụng, túng làm liều”. Nạn trộm cắp, cướp giật bất cứ thứ gì có thể cướp được của bất cứ ai, từ bà già đến cô gái đeo túi xách trên đường, ai cũng có thể bị cướp giật. Chưa nói đến những toán cướp từ 2-3 tên có tổ chức, có “kế hoạch” cướp tiệm vàng giữa ban ngày, cướp từ ngân hàng ra. Bọn chúng ăn mặc rất bảnh bao, com-lê, cravate, xách cặp săm-si-on-nai cứ như “ông lớn” vào ngân hàng, nhưng thực ra là theo dõi những người đến lãnh tiền để cùng đồng bọn, lựa đến nơi thuận tiện là ra tay. Không cần đó là khu vắng vẻ, chúng cướp giữa ngã tư…

Thôi thì đủ mọi loại trộm cắp, đủ mọi loại thủ đoạn, có thể nói là “nhiều như rươi”. Nơi nào cũng có, từ khách sạn đến hè phố, từ nơi nhà cao cửa rộng đến con hẻm nghèo. Và trộm cắp ngay cả ở sân vận động được gọi là quốc tế. Trộm cắp ngay trong nhà các đại gia, đại quan.

Ngay trong tuần này, mời bạn đọc xem hai vụ trộm có thể được coi là … điển  hình.
Đại tỉ phú mất sừng tê giác giá 4 tỉ
Vụ thứ nhất là vụ “đại gia” Trầm Bê bị mất cái sừng tê giác trị giá 4 tỉ đồng vào tối 27-9 vừa qua. Danh tiếng ông Trầm Bê, có lẽ nhiều bạn đọc ở nước ngoài đã biết “sơ sơ” qua những tờ báo thích khai thác chuyện bên lề của các đại tỉ phú ở VN, nhất là sư liên hệ với những ông mới đây bị khởi tố vì có liên quan đến lũng đoạn các ngân hàng. Ông Trầm Bê đã từng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam và hiện là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Sacombank, một ngân hàng cỡ lớn ở VN.
Ông Trầm Bê có một dinh thự rất bề thế tại ấp Vàm Ray, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Hiện một số hạng mục vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành, bên trong trồng rất nhiều cây cảnh hiếm quý. Ông thuê 9 người làm bảo vệ và quét dọn.
Chiếc sừng tê giác ông để ở nơi chôn cất, thờ cúng tổ tiên. Tối 27-9 vừa qua, người thân của ông Trầm Bê phát hiện sừng tê giác không cánh mà bay. Ông chỉ còn mỗi cách là đi trình báo với nhà chức trách.
Tất nhiên đây là một vụ trộm “quan trọng” chắc chắn có nhiều tình tiết thú vị, nếu điều tra phát hiện ra được. Nhưng với một đại tỉ phú như ông Trầm Bê thì mẻ trộm này chẳng thấm vào đâu, như con bò rụng sợi lông thôi, chỉ nhìn qua cái “lâu đài tình ái” của ông xây dựng ở vùng quê như xã Hàm Giang là đủ biết. Ông mất có mỗi cái sừng trong “kho chôn cất”, như vậy chắc là ông phải có hàng chục, hàng trăm “cái sừng” hay cái gì đó đại loại cũng có giá trị như thế. Tâm lý người dân là “xin có lời mừng cho chú trộm thành công trong một phi  vụ béo bở, mang về nuôi vợ nuôi con”, không ai tức giận vì vụ này.
Nhưng đó là một lời cảnh báo cho những đại gia thích hay không thích khoe của. Có những bà thích đeo hột xoàn to như trái ổi, châu báu trên cổ, vàng ròng trên tay loảng xoảng như gánh hát rong, có bị cướp cũng là chuyện người dân gọi là “đáng đời”. Nhưng có những ông những bà kín tiếng hơn, chôn vàng, giấu đô la, nhét của vào đủ mọi chỗ trong nhà, kể cả toilet, chuồng heo, ấy thế mà vẫn bị mất. May ra chỉ có gửi tiền ra nước ngoài bằng bất cứ hình thức nào, đó là có vẻ an toàn nhất hiện nay. Đại loại như cho con đi du học rồi ở lại Mỹ, Úc, Canada làm việc cho một công ty nào đó làm cái vỏ bọc. Hoặc con cái kết hôn với người nước ngoài gốc Việt (ở đây quen gọi là Việt Kiều) và vô số những “chiêu, mánh” khàc mà dân thường khó biết được. Mấy đại gia này được cho là “khôn” và cái “khôn” ấy bây giờ đã được nhiều vị “thực hiện nghiêm túc”.
Còn một loại khác, mất của nhưng đành im như thóc, cùng lắm là bí mật nhờ điều tra, chứ không dám hé môi, sợ thiên hạ “dòm ngó”, lôi ra hàng chục thứ tội “làm giàu bất chính” khác. Người dân cho rằng đây cũng là loại “khôn” thứ hai.
Tôi không biết nên liệt kê vụ mất trộm của ông Trầm Bê thuộc loại dại hay khôn. Bạn đọc vui lòng nhận định giùm.

Dinh thự bề thế của ông Trầm Bê tại ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú -Trà Vinh, nơi mất sừng tê giác..
Vài thông tin về ông Trầm Bê:
Theo VietNam Net: “Ông Trầm Bê đã tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam vào năm 2004. Ông đã lần lượt đưa các con của mình là Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa vào nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty mà ông đã tham gia đầu tư. Chẳng hạn như ông đưa con trai trưởng Trầm Trọng Ngân lên giữ vị trí Tổng Giám đốc của Công ty Sơn Sơn.
Từ vị trí là thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam, Trầm Bê tiếp tục đưa con gái của mình là bà Trầm Thuyết Kiều vào giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc.
Gần như toàn bộ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Sacombank đã thay đổi, trong đó có sự góp mặt của ông Trầm Bê, với chức vụ mới là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank sau khi ông rời khỏi ghế Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phương Nam. Và tất nhiên, vẫn với cách làm cũ, ông không quên trám vào chỗ trống đó là con trai mình, Trầm Trọng Ngân, lên giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Phương Nam. Thêm vào đó, Trầm Khải Hòa cũng là thành viên Hội đồng Quản trị của Sacombank bắt đầu từ tháng 5/2012.
Ông Trầm Bê lại tiếp tục thành công, ông đầu tư vào những lĩnh vực chủ chốt, nắm quyền sau đó giao quyền lực cho những người thân tín. Có lẽ Trầm Bê là một trong số  những doanh nhân chưa gặp phải những thất bại nặng nề trong suốt sự nghiệp của mình. Liệu những bước đi tiếp theo của ông là gì? Ông và dàn con cái ông sẽ giàu tiếp, gấp đôi gấp ba hay có “cái gì đó” ngáng chân ông sau vụ “tung hê mất cái sừng 4 tỉ” này? Ở VN khó mà biết chuyện tiếp theo sẽ là gì.

Trầm Bê vừa nhậm chức Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank.
Lộng lẫy như cung điện Sa Hoàng ở Nga
Một độc giả, bạn Hoàng Công Nhu nhận xét trên báo Dân Trí: “Nhìn ngôi dinh thự của ông Trầm Bê cứ ngỡ là cung điện Sa Hoàng ở Nga hồi trước. Đẹp quá, lộng lẫy quá ! Và đương nhiên ông sở hữu nhiều đồ dùng có giá trị cao, không những sừng tê giác mà còn có cả đồ cổ ấy chứ. Sừng tê giác ở đâu mà ông có, ai bán cho ông? Bấy lâu nay chính quyền và công an địa phương sao không ai nói tới. Giờ đây lòi ra. Hiệp hội bảo tồn động vật hoang đã có văn bản gửi cơ quan công an làm sáng tỏ vụ việc sừng tê giác mất ở nhà ông Trầm Bê là đúng. Phải tìm và điều tra sừng tê giác của ông Trầm Bê có từ đâu, và mua bằng cách nào. Hàng cấm sao người giàu vẫn có để trưng bày ?
- Một bạn đọc khác đã có những kinh nghiệm rất thực tế, bạn KHA viết: “Xét từ bản thân tôi cũng là doanh nhân, kinh doanh trong lãnh thổ Việt Nam, nếu chấp hành chỉ cần 80% các quy định của luật pháp thì cũng chỉ đủ ăn là giỏi. Còn làm giầu ư? chỉ có vượt rào, chấp nhận có vi phạm luật pháp, đi đêm với quan chức … Vậy những tài sản kếch sù ở đâu ra? Hãy chứng minh tính hợp pháp của những tài sản đó đi. Chưa kể sừng tê giác là quốc tế cấm chứ chả riêng gì việt nam? Đó là tội hình sự rồi.”
Vụ trộm thứ hai làm nhục quốc thể
Là người VN, dù bất cứ ở đâu, chắc phải thấy xấu hổ khi đọc những hàng chữ trên trang mạng của anh Andrew Fitzpatrick, một cây quần vợt quốc tế khi đến VN biểu diễn. Tay vợt này cho biết anh đã bị mất trộm 1.000 USD tại Bình Dương và sau đó anh bị sốc khi biết có người đồng tính nhòm trộm trong phòng tắm tại bể bơi khu thể thao cộng đồng thành phố mới Bình Dương. Sự việc xảy ra hôm 24/9.
Trên trang twitter cá nhân, anh viết: ‘Thắng trận đánh đôi và bị sốc trong phòng tắm. Không biết chuyện gì nữa sẽ xảy ra với tôi”.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, Andrew Fitzpatrick đã nổi khùng trước hành động mà anh miêu tả là “kinh khủng” và cho biết đã đấm người đồng tính này.
Giải thích về sự việc, Giám đốc điều hành Men’ Futures Becamex Lê Việt Cường cho biết Andrew Fitzpatrick đã không trú tại các khách sạn an toàn do ban tổ chức giới thiệu mà tự chọn khách sạn ngoài nên chuyện tay vợt này mất tiền xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Bản thân tay vợt này cũng không nhớ mất tiền khi nào và ở đâu.
Về việc người đồng tính lẻn vào phòng tắm, ban tổ chức đã báo với công an phường và giao người này cho bên công an xét xử. Ông Cường cho biết sự việc này không nghiêm trọng như tay vợt người Anh mô tả. Phía ban tổ chức cho biết sẽ thông tin đầy đủ đến báo chí sau khi điều tra xong vụ việc.

vợt Andrew Fitzpatrick bị mất trộm và nhìn trộm.
Sự việc thế nào mới là nghiêm trọng?
Chẳng biết ông Lê Việt Cường, Giám đốc điều hành giải quốc tế này quan niệm sự việc thế nào mới là quan trọng? Có cần phải có súng nổ đoàng đoàng, máu me tung tóe như trong phim bạo lực mới là quan trọng sao? Ông thừa hiểu rằng tay vợt quốc tế Andrew Fitzpatrick sẽ còn đi, còn đến rất nhiều nước trên thế giới. Ông ta không quên kể chuyện này với bạn bè, đồng nghiệp và những người hâm mộ của mình, kể cả các nhà báo khắp thế giới. Chuyện không chỉ dừng lại ở chỗ “đưa sang CA điều tra xét xử” là xong. Nó liên quan tời  nhiều vấn đề về VN hiện nay. Từ tình hình an ninh đến giáo duc, đến danh dự của cả một dân tộc. Một anh “biến thái” có thể đàng hoàng chui vào khu dành cho các cây vợt quốc tế để “nhìn trộm”. Ban tổ chức làm gì?
Nếu như vào trường hợp trước đó, cũng váo cuối tháng 9 vừa qua, ngôi sao quần vợt nữ số 1 thế giới Victoria Azarenka đã đến Saigon tham dự giải quần vợt quốc tế Heneiken Stars 2012 cũng bị nhìn trộm thì sao? Cũng lại không quan trọng và giao cho CA “xử lý”? Một thứ lý luận “cùn” hay có thể gọi là sự “cãi chày cãi cối ngớ ngẩn” đến thảm hại của người đứng đầu một giải đấu quốc tế!
Và cho đến nay đã là tháng 10 mà vẫn chưa thấy lời hứa “sẽ thông tin đầy đủ đến báo chí sau khi điều tra xong vụ việc”. Nhưng dù có điều tra ra thì cái tiếng xấu kía vẫn không thể nào rửa sạch được.
Cho nên vụ trộm cái sừng 4 tỉ, thật sự không quan trọng bằng vụ trộm 1.000 USD. Liên đoàn quần vợt VN và trên nữa là Bộ Thông Tin – Văn Hóa – Du Lịch VN cần phải có thái độ rõ rệt về sự việc này. Một thông tin minh bạch, một  hình thức xét xử cụ thể, hy vọng bớt được một phần nào tiếng xấu cho người VN.

Azarenka và người hâm mộ tại Saigon, may mà cô không bị nhìn trộm.
Trôm cắp vặt đã biến thành mối lo lớn từng ngày từng giờ
Nói đến nạn trộm cướp tại VN lúc này, rất nhiều bạn đọc ở VN cũng như những bà con, bạn bè tôi từ nước ngoài về VN đều lo ngại. Hình ảnh của một Hà Nội “ngàn năm văn văn vật” và hình ảnh của Sài Gòn “hòn ngọc Viễn Đông” bị bôi đen bởi quá nhiều tệ nạn xã hội. Ở đây, tôi chưa thể kể hết những tệ nạn về văn hóa, về hè phố lòng lề đường, về những bệnh hoạn của giới trẻ, về những cuộc thi hát xướng, vớ vẩn, về những cặp đổi vợ đổi chồng, về những cái tin “giật gân” như chuyện láo chuyện bịa đã từng rầm rộ trên các trang báo:“ Bố chồng “yêu” con dâu, hai người “dính lẹo” phải đi Bệnh viện cấp cứu”… Toàn là những chuyện suy đồi đạo đức.
Và những chuyện lớn hơn như chuyện “quy hoạch treo” cả một thế hệ chưa giải tỏa, chuyện “4.000 tỉ đồng  xây dựng đập sông Tranh lớn hơn hay 40.000 mạng người lớn hơn?”. Chuyện tại sao người VN tẩy chay hàng Trung Quốc mà hàng TQ vẫn tràn ngập thị trường… Những vần đề đó, tôi xin phân tích vào những số báo sau
Trong phạm vi bài này, nhân nói đền vài vụ trộm điển hình, tôi chỉ đề cập đến những vụ trộm cắp vặt khiến người dân sống ngay tại hai thành phố lớn nhất nước này lo ngay ngáy từng ngày chưa nói đến khách du lịch. Trong môt dịp khác tôi sẽ đề cập đến những “tiếng tăm kinh hoàng” của ngành du lịch VN khiến du khách khiếp vía, một đi không trở lại.
Hiện nay, người dân ngoài việc lo “cơm gạo áo tiền”, lo thực phẩm nào cũng có thể có chất độc hại, ăn vào có thể mắc đủ thứ bệnh chết người, nạn trộm cắp đang là mối lo hàng ngày hàng giờ ở khắp mọi nơi, nhất là ở hai thành phố lớn nhất nước.
Sự khác biệt về nạn trộm cướp giữa Hà Nội và TP. Sài Gòn
Có người so sánh nạn cướp liều lĩnh, dã man thường xảy ra tại Hà Nội như vụ Lê Văn Luyện và những vụ cướp tiệm vàng giữa ban ngày, những vụ giết người cướp của có tổ chức… Còn ở TP Saigon, ít có những vụ lớn, nhưng lại nhiều hơn về nạn trộm vặt, cướp cạn xảy ra trên đường phố. Phân tích này có phần đúng nếu nhìn vào hiện tượng “bề ngoài”. Càng về những năm gần đây, nạn trộm cắp vặt, nạn lừa đảo ở Saigon càng gia tăng. Điều đó không khó hiểu. Bởi những người dân từ các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung kéo nhau vào miền Nam “nhập cư” hợp pháp và không hợp pháp rất đông, mong “đổi đời” hoặc ít nhất cũng kiếm được một công việc làm ở công ty, xí nghiệp nào đó, cùng lắm là chịụ khó đi bưng bê ở mấy quán ăn, quán cà phê. Cả những chàng trai cô gái hiền lành ở các tỉnh lẻ tại Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng kéo về Sài Gòn kiếm việc làm.
Có lẽ bói mãi cũng không ra người dân miền Nam nào ra miền Bắc kiếm ăn, ngoại trừ mấy ông lớn kéo nhau ra ngoài đó cho gần “trung ương” bắt mối làm ăn lớn.
Thành phần công nhân thất nghiệp hoặc thiếu việc, hầu hết là những người dân lương thiện, nhưng gặp lúc túng bấn quá đành trộm cắp nhỏ, được đồng nào hay đồng ấy. Có anh chị mới hôm qua hiền khô, hôm sau đã phải theo bồ đi trộm cắp hoặc mưu toan với bồ lừa mấy anh ham của lạ, nhưng loại lừa lọc này cũng chỉ là loại “nhát gan”.
Một kiểu dùng “mỹ nhân kế” ăn khách
Một thí dụ cụ thể: Vào giữa tháng 9/2012, Loan giả vờ gọi nhầm vào số điện thoại của anh Vũ Đình M. (30 tuổi, ở tại quận Gò Vấp) và “mỹ nhân” chủ động làm quen với M.
Đêm 23/9, Loan gọi điện thoại và chạy xe máy sang Gò Vấp đón anh M. về khu vực hầm Thủ Thiêm (quận 2) để tâm sự. Khi đến khu vực cầu Cá Trê 2 (phường An Lợi Đông, quận 2) khá vắng vẻ, có 3 tên là Nam, Tài và Vỹ từ phía sau chạy lên cố tình va chạm rồi gây sự, đồng thời “ả” Loan cũng nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Lúc này những tên còn lại xông vào đánh hội đồng và cướp tài sản của anh M. gồm 1 ví đựng tiền, có hơn 1 triệu đồng, giấy tờ tùy thân và ba lô đựng máy tính xách tay, máy ảnh KTS, 2 chiếc nhẫn vàng…Sau đó nhóm cướp nhí này lên xe tẩu thoát. Nạn nhân M. chỉ còn biết đến CA địa phương trình báo. Bạn nào có dịp về VN nên cẩn thận với những cú điện thoại gọi lầm số trời ơi này.

Nhóm cướp trẻ dùng Loan làm mồi lừa mấy anh ham của lạ..
Một kiểu vu khống giũa đường để cướp tài sản
Độc giả ở địa chỉ email thuyngo2001@… cho biết, từng chứng kiến một vụ cướp hy hữu ngay gần chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh. “Đang đi đường, tôi thấy một nhóm người cả nam cả nữ bu kín xung quanh một cô gái trẻ, người quát nạt, kẻ định giơ tay đánh và miệng liên tục buông ra đủ câu chửi bới, cho rằng cô gái kia cướp chồng người khác.
Khi thấy cô gái khóc lóc giải thích, nhóm người này liền xông vào lục túi như thể tìm bằng chứng. Tuy nhiên ngay khi lấy được đồ, bọn chúng nhanh chóng lên xe bỏ chạy. Cô gái và người đi đường, sau một hồi trấn tĩnh mới biết đó là bọn cướp”.
Gần đây nhất một vụ cướp cạn giữa con đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng được một độc giả quay được clip này. Hai tên cướp đuổi theo hai chiếc xe gắn máy của mộ cô gái và anh bạn trai thong dong đi trên đường giữa ban ngày. Đến một đoạn tương đối ít người qua lại, hai tên cướp vọt xe lên, cướp chiêc ba lô của cô gái đeo sau lưng. Cộ gái bị té lăn xuống đường, hai thên cướp lên xe dông mất dạng. Những hình ảnh ấy thật sự đã làm người dân TP khiếp sợ.

Hình ảnh chụp lại từ clip vụ cướp tại đường Nguyễn Hữu Cảnh vừa qua..
Ra đường là phải ngó trước ngó sau kẻo mất đồ, mất mạng
Những vụ cướp giật, cướp cạn mới thật sự là mối kinh hoàng của hầu hết người dân Saigon lúc này. Một đô thị hiện đại nhất Việt Nam nhưng xung quanh luôn nhiều điều bất trắc. Người dân luôn nơm nớp sống trong lo sợ, đề phòng, hễ cứ ra đường là phải ngó trước, ngó sau.
Chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình, độc giả Tô An cho biết từng bị 2 kẻ cướp giật mất sợi dây chuyền khi đưa con vào Sài Gòn thi đại học. Ông này cho biết: “Chúng lướt qua quá nhanh khiến vài giây sau tôi mới ớ lên được một tiếng… cướp, nhưng đã quá muộn”.
Anh Thành Dũng nhận định, nạn cướp giật ở Sài Gòn ngày càng nở rộ với mức độ liều lĩnh vô cùng. Bạn thân anh từng 2 lần bị giật cặp laptop, trong đó có lần bị giật ngay khi đang đi trên vỉa hè. “Bạn tôi khoác laptop đi bộ trên vỉa hè thì bị 2 tên cướp chồm xe lên rồi rồ ga vọt qua giật mạnh mất chiếc túi”…
Độc giả này nhấn mạnh: “Một quốc gia được biết đến là một trong những nơi bình yên mà xảy ra cướp ngày, cướp đêm như vậy thì quả là xấu hổ. Tệ nạn ấy do đói kém, bần hàn, do con người hay xã hội tạo nên cần phải được ngăn chặn”.
Thôi thì đành sống chung với trộm cắp vậy
Đừng coi cướp giật là tội nhỏ vì nó tạo ra tâm lý bất an khủng khiếp trong xã hội, bào mòn niềm tin của người dân vào pháp luật, vô tình dung túng cho tội ác hoành hành. Pháp luật không nghiêm khiến xã hội rối loạn về nạn móc túi vặt, cướp cạn… rồi đủ thứ chuyện khác nữa mà hậu quả là nạn nhân mất của, ăn đòn và nhiều khi mất mạng.
Nếu thật sự phải theo dõi, điều tra, bắt hết những tội phạm này thì dùng toàn bộ lực lượng công an trong toàn quốc cũng chưa chắc đã đủ phục vụ cho công tác này. Chẳng qua “thời thế này nó như vậy”, khó mà diệt hết được nạn trộm cướp để dân yên tâm làm ăn. Nếu pháp luật VN nặng tay quá với loại trộm vặt, cướp giật này thì… không đủ nhà tù để chứa. Thôi thì đành “sống chung với lũ” như đã từng phài sống chung với độc quyền, sống chung với tham nhũng, với đủ thứ “văn hóa nham nhở” vậy. Người dân phải tự cứu lấy mình thôi.
Văn Quang– 05-10-2012

Không có nhận xét nào: