Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Nhật Bản “dính đòn trả đũa” của Trung Quốc


(PL&XH) - Tranh cãi về biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bị đẩy lên đỉnh điểm khi Tokyo quyết định mua 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang gia tăng, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định không cử các nhà lãnh đạo tài chính cấp cao nhất của họ tới dự Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Tokyo. Giới phân tích nhận định đây chính là đòn trả đũa của Trung Quốc đối với Nhật Bản.

Theo AP, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tạ Húc Nhân và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã hủy chuyến đi Nhật Bản dự Hội nghị thường niên IMF và WB. Phái đoàn Trung Quốc dự hội nghị sẽ do Thứ trưởng Tài chính Chu Quang Diệu và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương dẫn đầu. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koriki Jojima đã bày tỏ lấy làm tiếc khi cả hai ông Tạ Húc Nhân và Chu Tiểu Xuyên không tham dự, đồng thời cho biết "sẽ tiếp tục liên lạc với Trung Quốc".

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tạ Húc Nhân.

Theo giới chuyên gia, động thái trên của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh coi trọng hơn việc tỏ rõ lập trường của mình trong vấn đề tranh chấp lãnh hải, ngay cả khi việc này có thể "đối ngược" với những tuyên bố trước đây của Bắc Kinh rằng các nền kinh tế mới nổi nên có tiếng nói lớn hơn trong các thể chế ra quyết sách tài chính quốc tế như IMF. Linda Jakobson - Giám đốc chương trình Đông Á tại Viện Lowy, một tổ chức tư vấn tại Sydney (Australia) nhận định Trung Quốc đang phát đi một tín hiệu rõ ràng là tranh chấp chủ quyền là vấn đề quan trọng đối với ban lãnh đạo thượng tầng Trung Quốc. Việc này đối với Trung Quốc chắc chắn lớn hơn việc ra quyết định về các vấn đề tài chính toàn cầu."

Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - vấn đề châm ngòi cho các cuộc biểu tình lan rộng tại Trung Quốc và bùng nổ các cuộc tấn công vào các nhà máy, cửa hàng của người Nhật Bản tại Trung Quốc - đã lan sang lĩnh vực kinh tế, đe dọa sự phục hồi mong manh của nền kinh tế Nhật Bản sau thảm họa động đất-sóng thần và rò rỉ hạt nhân hồi năm ngoái. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và các nhà kinh tế cảnh báo rằng tranh chấp lãnh thổ có thể làm tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản giảm. Robert Dujarric - học giả tại khoa Nhật thuộc ĐH Temple - nhận định các quan chức Trung Quốc cấp cao không muốn bị thấy có mặt ở Nhật Bản - một động thái được cho là nhân nhượng đối với Tokyo.

Đối với Trung Quốc, cuộc khủng hoảng này với Nhật Bản còn quan trọng hơn cả IMF". Ngày 11-10, Giám đốc IMF Christine Lagarde đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sẽ chịu thiệt nếu không cử Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương tới tham dự các cuộc họp của IMF và WB.

Trong diễn biến mới nhất liên quan, hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết các quan chức cấp cao của Nhật Bản và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thống nhất đàm phán biển đảo trong cuộc họp tại Tokyo ngày 11-10. Thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán hoặc các thứ trưởng nào sẽ tham dự vẫn chưa được công bố. Giới quan sát cho rằng đây là một bước đột phá trong việc giải quyết vụ tranh chấp căng thẳng nhất tại Đông Bắc Á hiện nay.

Tranh cãi về biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bị đẩy lên đỉnh điểm khi Tokyo quyết định mua 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông. Động thái này đã khiến làn sóng biểu tình chống Nhật nổ ra dữ dội tại hàng loạt thành phố của Trung Quốc.

Tại cuộc họp thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng trước, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã chỉ trích Tokyo "ăn cướp" đảo của Trung Quốc từ năm 1895, thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh Trung - Nhật. Nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho rằng cách nói này của ông Dương Khiết Trì đã khiến quan chức của một số quốc gia khác phải nhíu mày. Kyodo dẫn nguồn tin này bình luận rằng giọng điệu của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã cho thấy "một phong cách phát biểu cực kỳ thiếu nhã nhặn.”

Minh Tâm

Không có nhận xét nào: