Pages

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Nói “dân trí thấp” thì tài thật!


“Cán bộ lãnh đạo mà nói “dân trí thấp” là đang hạ thấp vai trò của nhân dân. Họ không thể quên dân đã đóng thuế để họ được nhận lương, thưởng! Nói “dân trí thấp” nhưng đâu phải cứ làm lãnh đạo, làm cán bộ là giỏi cả đâu? Có những người lên được vị trí nào đó là do chạy chức chạy quyền đấy chứ, năng lực chắc gì đã tương xứng với vị trí công tác”. bà Nguyễn Thị Oanh
Vũ Thủy
Bà Nguyễn Thị Oanh, tổ 37, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Nói dân trí thấp là chưa hiểu hết về nhân dân. Họ nói “dân trí thấp” nghĩa là họ đang vơ đũa cả nắm… Đó là một vài chia sẻ của bà Nguyễn Thị Oanh phản biện việc một số vị lãnh đạo phát ngôn rằng: “Dân trí của ta vẫn còn thấp”.
Họ quên lá phiếu của dân
Vừa rồi, dân mình bị kêu ca là “dân trí thấp” nhiều quá. Có ông lãnh đạo lấy lý do dân trí chưa cao nên “Nhà nước phải nuôi báo cô mấy ngân hàng xấu”, bà Tiến sĩ thì cho rằng vì dân kém hiểu biết nên “chỉ mới nghe động đất là đã dắt trâu bò, gói ghém đồ đạc bỏ chạy”. Không hiểu với tư cách là một người dân, bà thấy thế nào khi nghe được những lời nhận xét ấy?

Chắc chắn, những lời nhận xét ấy đã động chạm tới rất nhiều người dân. Còn riêng tôi, tôi thật sự không hiểu sao họ lại nói ra những điều đó?
Vì sao vậy?
Bởi vì, họ là những nhà lãnh đạo, những người có học. Nghĩa là, họ phải có một trình độ văn hóa nhất định, đương nhiên là cao hơn so với đại bộ phận dân chúng. Họ nói thế chẳng khác nào họ đã quên mất rằng, vì có lá phiếu dân bầu thì họ mới ngồi vào cái ghế đó?
Các ông các bà lãnh đạo mà nói “dân trí thấp” là chưa hiểu hết về nhân dân, là quên đi vai trò của nhân dân. Nếu đúng là “dân trí thấp” như các vị ấy bảo thì dân lấy đâu ra nhiều tiền để đóng thuế cho Nhà nước, để trả lương cho các vị, vì khi ấy chúng tôi sẽ làm gì có đầu óc mà làm ăn chứ chưa nói đến chuyện làm giàu?
Nghĩa là, việc cho rằng “dân trí thấp” là không đúng?
Dân thì cũng có những trình độ khác nhau. Có người chỉ học hết cấp 1, có người lại có bằng cử nhân. Họ nói “dân trí thấp” nghĩa là đang vơ đũa cả nắm, chỉ có thể nói “một bộ phận dân chúng còn thiếu hiểu biết” thôi.
Và vì nhiều vị trí lãnh đạo là do dân bầu ra, trả lương nên họ không được quay ra “chê” dân như thế?
Họ có thể chê, vì họ là lãnh đạo, họ hiểu biết rộng hơn dân. Nhưng sao lại chỉ có chê? Tôi nghĩ, họ cũng cần phải xem lại chính mình trước khi phát ngôn như thế.
Oan cho dân Quảng Nam lắm!
“Xem lại chính mình”, bà định ám chỉ điều gì?
Thì đấy, có ông bảo dân trí của ta chưa cao nên người dân đem tiền gửi vào ngân hàng mà chẳng để ý đó là ngân hàng tốt hay xấu. Các ông có tuyên truyền để chúng tôi biết đâu? Thế thì làm sao chúng tôi phân biệt được ngân hàng nào mạnh, ngân hàng nào yếu, cứ thấy ngân hàng nào lãi suất cao hơn thì chúng tôi gửi thôi.
Rồi người ta bảo dân Quảng Nam mới động đất có tí mà đã loạn lên. Thế thì oan cho dân Quảng Nam lắm! Chẳng đâu xa, mới năm ngoái Hà Nội cũng có động đất nhẹ. Khi đó, dân trong khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính đã chạy náo loạn rồi. Dân Thủ đô còn thế nữa kia mà, huống hồ đồng bào trong đó sống ở ngay dưới chân đập thủy điện.
Nói dại, có động đất, vỡ đập thì người ta còn đáng lo gấp mấy lần Hà Nội ấy chứ! Đấy, sao các vị không tuyên truyền, giảng giải để người dân hiểu mà có cách ứng phó đi. Đằng này sao cái gì cũng đổ hết lên đầu dân như thế?
Ý bà là nếu quả thực “dân trí thấp” thì cũng có một phần trách nhiệm của chính các vị ấy?
Thì rõ rồi còn gì! Nếu các vị tuyên truyền thì làm gì đến nỗi để chúng tôi mang tiếng kém hiểu biết. Dân chúng tôi cũng đâu đến nỗi không thể hiểu, không thể giác ngộ.
Có vẻ, bà rất lạc quan về trình độ dân trí của nước mình?
Tôi là người dân, tôi hiểu và tôi tin tưởng. Còn nếu vẫn khăng khăng cho rằng “dân trí thấp” thì hãy xem lại “ông” giáo dục đi!
Việc xem lại “ông” giáo dục là thế nào vậy?
Thì cứ nhìn vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT mấy năm vừa rồi sẽ thấy, năm nào cũng hơn 90%. Rồi thì các trường đại học, cao đẳng thi nhau mở ra, đào tạo hàng nghìn cử nhân mỗi năm. Thế mà họ có thể nói “dân trí thấp” thì tài thật! Còn thực sự nó vẫn thấp thì phải chỉ ra được rằng phải chăng giáo dục của ta chỉ mang tính hình thức, bề nổi, không thực chất?
Vậy theo bà, tại sao họ lại đưa ra quan điểm “dân trí thấp” như thế?
Có thể trong một lúc bột phát, họ bị “loạn ngôn” vì áp lực công việc, áp lực khi phải phát biểu trước dân chúng. Có thể vì họ nói thế để làm giảm nhẹ trách nhiệm của mình chăng?
Nghĩa là, bà cho rằng họ đang dùng lý do “dân trí thấp” để làm bình phong cho mình?
Tôi không biết được họ nghĩ gì nên không thể trả lời cụ thể được.
Cần học cách tôn trọng dân!
Có người bảo bây giờ “làm dân khó lắm”. Bà thấy sao?
Nó cũng tùy nhìn nhận của mỗi người. Như bản thân tôi thì thấy, nhiều khi người dân lao động quần quật, miệt mài mà cuộc sống vẫn chật vật, trong khi có anh cán bộ mới lên mấy năm mà đã có xe đẹp, đi ăn nhà hàng sang trọng. Giá cả ngoài chợ cứ tăng từng ngày khiến chúng tôi quay cuồng, đau đầu tính toán chi tiêu. Rồi thì cứ động một tí là lại nhè đầu dân ra để thu phí, thậm chí họ đã từng có ý định thu phí lưu hành xe máy hằng năm. Dân chúng tôi bức xúc lắm, nhưng may mà nó đã bị hủy.
Thế còn với vai trò làm chủ, bà và những người dân trong khu nhà bà có được thực hiện vai trò đó không?
À, chúng tôi vẫn được tham gia đóng góp ý kiến cho chính quyền. Cơ bản thì vai trò làm chủ của dân vẫn được phát huy.
Quay trở lại với câu chuyện ban đầu. Như bà nói thì việc các lãnh đạo cho rằng “dân trí thấp” là vơ đũa cả nắm, vậy họ có cần phải xin lỗi công khai trước dân?
Tôi nghĩ là họ cần phải xin lỗi công khai. Và sẽ rất nhiều người mong chờ lời xin lỗi từ họ.
Và việc họ nói như thế liệu có ảnh hưởng đến niềm tin, tình cảm của bà dành cho họ?
Tôi nghĩ là sẽ giảm đi ít nhiều đấy!
Nó sẽ được “hóa giải” thông qua một lời xin lỗi?
Cũng có thể. Nhưng cái quan trọng nhất là họ cần phải học cách tôn trọng dân, không nên quy chụp để có những phát ngôn động chạm tới rất nhiều người dân như thế!
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Theo Kiến Thức

Không có nhận xét nào: