Xe hơi Toyota tại một phòng trưng bày, với các hướng dẫn bằng tiếng Hoa. Ảnh chụp ngày 26/09/2012.
REUTERS/Yuriko Nakao/Files
Minh Anh-RFI
Kể từ sau làn sóng bạo động chống Nhật tại Trung Quốc xảy ra, vụ tranh chấp lãnh thổ bắt đầu có dấu hiệu chuyển hướng biến thành cuộc chiến kinh tế. Một chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật Bản đã được tung ra, mà ngành công nghiệp sản xuất xe ô-tô của Nhật là gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Đề tài này được báo Libération số ra hôm nay đề cập đến trong bài nhận định đề tựa « Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư : tranh chấp đang nhấn chìm ngành công nghiệp Nhật Bản ».
Theo Philippe Grangereau, thông tín viên báo Libération tại Bắc Kinh, hãng xe Toyota đang trả giá đắt cho trận cuồng phong bài Nhật tại Trung Quốc. Doanh thu bán ra của tập đoàn rớt xuống đến 33% chỉ trong tháng Chín vừa qua, theo hãng thông tấn Reuters và thậm chí đến 50% theo nhật báo Yomiuri Shimbun.
Tác giả bài viết cho biết, ban đầu khi xảy ra bạo động, chỉ có các cửa hàng và nhà hàng Nhật Bản là bị đập phá, xe hơi Nhật Bản bị thiêu hủy hay nhà máy phá hoại. Nhưng giờ đây, làn sóng bạo động đó đang có xu hướng chuyển thành một cuộc chiến kinh tế. Một chiến dịch tẩy chay hàng hóa của xứ sở Mặt trời mọc đã được tung ra.
Theo Libération, lãnh vực bị tác động mạnh nhất chính là ngành sản xuất xe ô-tô. Lần lượt các thương hiệu lớn như Mazda, Nissan, Toyota đều có lượng bán ra bị sút giảm thê thảm. Trong khi đó, giá cổ phiếu của các hãng xe của Đức hay Hàn Quốc lại tăng lên khoảng 20%. Riêng hãng xe ô-tô Renault của Pháp có thể cũng bị vạ lây. Bởi vì, tập đoàn Pháp đã giao phó cho bên liên doanh của mình là hãng Nissan phụ trách mảng tiếp cận thị trường.
Song song đó, chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật Bản còn tác động đến một số lãnh vực khác. Nhiều bệnh viện tại Bắc Kinh, Thiên Tân và Thành Đô đã gởi trả lượng thuốc dự trữ cho các hãng dược xứ Phù Tang để đòi bồi hoàn. Ngành xây dựng Trung Quốc còn liệt các hãng chuyên cung cấp thang máy của Nhật vào trong danh sách đen, trong khi mà hội chợ thương mại lại tràn đầy các doanh nghiệp Nhật Bản.
Trao đổi văn hóa giữa hai nước cũng rơi vào điểm chết : băng đĩa video bị kiểm duyệt trên mạng internet, các tour du lịch đến Nhật hầu như bị hủy bỏ hoàn toàn.
Libération cho biết có rất nhiều doanh nhân Nhật Bản buộc phải trở về nước tay không vì không xin được một cuộc hẹn nào với chính quyền địa phương, với khách hàng hay đối tác của mình tại Trung Quốc. Còn những ai vẫn trụ lại tại Trung Quốc thì không dám ra đường vì sợ bị hành hung.
Trên cấp độ chính phủ, để chứng tỏ rằng « Bắc Kinh có thể nói không », tất cả các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã quyết định không tham gia vào Hội nghị Thượng đỉnh của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự kiến sẽ diễn ra trong tuần tới tại Tokyo.
Tác giả tự hỏi, khủng hoảng đối ngoại giữa hai sẽ còn đi tới đâu nữa ? Các cuộc biểu tình bài Nhật tại Bắc Kinh đã kết thúc một cách nhanh chóng như là lúc mới bùng phát. Ngoài đường, không còn ai tấn công các xe ô-tô Nhật Bản nữa, nhưng tẩy chay ngày càng lan rộng và các buộc biểu tình cũng có nguy cơ lại nổ ra ngay khi được chính quyền bật đèn xanh.
Hiện tại, nhiều tập đoàn bảo hiểm Nhật Bản đang ngập đầu với các đơn xin bồi thường thiệt hại đến từ các doanh nghiệp bị tàn phá tại Trung Quốc, đã tuyên bố hôm thứ Sáu vừa qua là họ sẽ không nhận bảo hiểm cho các doanh nghiệp nào hoạt động tại Hoa lục.
Khủng hoảng kinh tế làm gia tăng căng thẳng tại Iran
Khủng hoảng kinh tế làm gia tăng căng thẳng tại Iran
Hôm thứ Tư 03/10/2012 vừa qua, hơn 20 ngàn người dân đã xuống đường biểu tình phản đối đời sống đắt đỏ tại Tehéran, thủ đô Cộng hòa Hồi giáo Iran. Thế nhưng, trong bài viết đề tựa « Khủng hoảng kinh tế khích động căng thẳng tại Iran », báo Le Monde số ra hôm nay nhận định rằng, tuy cuộc biểu tình đã làm khuấy động khu chợ trời tại Téhéran, nhưng dường như dân chúng cũng chưa sẵn sàng để nổi dậy.
Tính từ cuối năm 2011, đồng rial đã bị mất giá đến 80%. Chính vì thế, quốc gia Hồi giáo này gần như không thể nào nhập khẩu bất cứ thứ gì do thiếu ngoại tệ và do lạm phát.
Theo nguồn tin trên trang web Kalame, thì đợt biểu tình hôm thứ Tư vừa qua, quy tụ hơn 20 ngàn người đã nhanh chóng biến thành bạo động và phản đối chính phủ. Mục tiêu đầu tiên của vụ biểu tình chính là vị Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Phe bảo thủ cực đoan, những người thân cận của Giáo chủ Ali Khamenei ngày càng tấn công dữ dội ông Ahmadinejad trong việc quản lý tài chính tồi tệ.
Le Monde cho rằng, ông Ahmadinejad không còn là người đỡ đòn hiệu quả cho chế độ. Bởi vì, ngay sau đó, các khẩu hiệu biểu tình còn đề cập đến hai chủ đề cấm kỵ tại Iran : chương trình hạt nhân (« Chúng tôi không muốn năng lượng hạt nhân !») và cam kết hỗ trợ của chính phủ bên cạnh Syria (« Hãy quên Syria đi và hãy nghĩ đến chúng tôi ! »). Nghiêm trọng hơn nữa, người biểu tình còn giương khẩu hiệu « Đả đảo tên độc tài ! », nhằm ám chỉ đến nhà lãnh đạo Tối cao, trụ cột thể chế của nền Cộng hòa Hồi giáo.
Một số quan chức cao cấp Israel cho rằng, nền « kinh tế Iran đang trên đà sụp đổ » hay tiên đoán « một cuộc cách mạng Ai Cập theo phong cách Iran”. Một quan điểm không được Le Monde cùng chia sẻ. Theo tờ báo, chế độ Ahmadinejad vẫn còn đủ khả năng để điều hành đất nước. Vấn đề đặt ra là cần phải biết được tác động thực tế của các lệnh trừng phạt kinh tế đánh lên Iran có làm suy yếu chế độ hay là chỉ làm cho xã hội bị ảnh hưởng.
Kể từ khi lệnh cấm vận của châu Âu có hiệu lực từ hôm 01/7/2012, kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran đã tụt giảm đến 2/3, gây lo ngại cho giới quan chức cao cấp.
Le Monde cho rằng cho đến giờ, chế độ Ahmadinejad vẫn giữ ổn định xã hội là nhờ vào tiền bán dầu. Tuy nhiên, lệnh cấm vận của châu Âu cũng đã thu hẹp phần nào phạm vi hoạt động của chính phủ, bởi lẽ châu Âu có thể tiến hành chiến dịch tẩy chay khí đốt của Iran.
Trong khi đó, vào lúc này, đồng minh chiến lược trong khu vực của Iran là Syria luôn đòi hỏi nhiều sự trợ giúp hơn nữa về quân sự và kinh tế. Việc cô lập tài chính cũng đã buộc nhiều khách hàng trung thành của chế độ (Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…) phải giảm nguồn dự trữ dầu khí.
Trong khi đó, vào lúc này, đồng minh chiến lược trong khu vực của Iran là Syria luôn đòi hỏi nhiều sự trợ giúp hơn nữa về quân sự và kinh tế. Việc cô lập tài chính cũng đã buộc nhiều khách hàng trung thành của chế độ (Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…) phải giảm nguồn dự trữ dầu khí.
Bất chấp các khó khăn kinh tế có thể kích động bất ổn trong nước, chính quyền Teheran không có ý định dừng chương trình hạt nhân của mình và họ cũng không đưa ra một tín hiệu nhượng bộ nào trong thương thuyết. Điều nghịch lý là khủng hoảng kinh tế có thể thúc đẩy Iran lén lút thực hiện các chương trình hạt nhân.
Cuối cùng, về phần dân chúng, Le Monde cho rằng khó khăn kinh tế tác động mạnh chủ yếu lên tầng lớp trung lưu đô thị. Chỉ trong vòng có một tuần, giá cả thực phẩm tăng vọt có khi lên đến gấp đôi. Nhiều sinh viên đi du học ở nước ngoài buộc phải về nước do thiếu kinh phí.
Le Monde kết luận giờ thì khó có thể phán xét tình hình chung của đất nước, bởi vì quốc gia đã khép kín hoàn toàn. Nhưng có thể nói rằng quốc gia Hồi giáo này đang hồi suy sụp hơn là nổi dậy, theo như nhận xét của một vị giáo viên ở Teheran. Ông nói : « Tôi có cảm giác là có một lỗ hổng ngay dưới chân, tôi đang lún dần trong hố đó. Và tôi không thể nào bám víu vào đâu được ».
Vladimir Putin, sự cấu kết giữa quyền lực và giáo hội
Vladimir Putin, sự cấu kết giữa quyền lực và giáo hội
Về thời sự châu Âu, báo Le Figaro quan tâm đến tình hình chính trị tại Nga. Để chinh phục dân chúng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chọn chủ đề « chủ nghĩa dân tộc », dưới sự yểm trợ của Giáo hội chính thống giáo. Những người ủng hộ cho xu hướng tiến bộ đã tỏ ra thất vọng cho mối liên minh giữa quyền lực và tôn giáo.
« Vladimir Putin, sự cấu kết giữa quyền lực và giáo hội » là tựa đề bài viết đăng báo Le Figaro. Theo tờ báo, những người theo chủ nghĩa cực đoan tại Nga cho rằng đã đến lúc với chấm dứt « nền chủ nghĩa tự do hóa, một chủ nghĩa đã làm sụp đổ Liên bang Xô viết và đã làm lụn bại nước Nga », theo như nhận định của vị tổng biên tập tờ nhật báo theo chủ nghĩa dân tộc Zavtra, ông Alexandre Prokhanov.
Dựa vào sự ủng hộ mạnh mẽ của Giáo hội Chính thống giáo, ông Prokhanov cho rằng nước Nga cũng cần phải xây dựng cho riêng mình một hệ tư tưởng như là Iran, Trung Quốc và Liên hiệp châu Âu đã làm. Trước đó, vào ngày 12/9 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu rằng để xây dựng một tương lai, nước Nga cần phải có một nền tảng vững chắc, đó chính là lòng yêu nước.
Ông đặt ra những ưu tiên hàng đầu cho sáu năm sắp tới như thực hiện công nghiệp hóa, chủ yếu trong quân sự giống như thời Stalin trong những năm 1930 ; ưu tiên một phương thức phát triển theo mô hình riêng của Nga, khác biệt với nền dân chủ phương Tây, qua việc tăng cường vai trò của Giáo hội Chính thống giáo.
Le Figaro cho rằng mối liên hệ chặt chẽ giữa Giáo hội và Chính phủ đã làm bực mình những người ủng hộ cho sự tiến bộ. Ông Nicolai Petrov, chuyên gia thuộc Trung tâm Carnegie, giải thích rằng do « không nhận được sự ủng hộ từ những lực lượng cách tân nhất của xã hội, ông Putin không còn sự chọn lựa nào khác là lại quay về với chính khái niệm của mình, những khái niệm bảo thủ nhất ». Một chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược tố cáo « sự cuồng ám chống phương Tây ».
Giờ đây, tại Nga, người ta đã cáo buộc giáo chủ Cyrille, gần đây đã kêu gọi hợp tác với Cơ quan tình báo Nga (FSB) từng là một nhân viên tình báo của KGB, dưới thời Xô viết cũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét