Pages

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Thảm cảnh nợ lương: DN cùng đường, ‘cắt cơm’ nhân viên


 (VEF.VN) – Kinh doanh khó khăn, nợ nần, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh túng quẫn, không có nổi tiền trả lương cho người lao động. Nợ lương, chậm lương đang là một thảm cảnh diễn ra ở nhiều nơi, không chỉ ở những DN nhỏ mà cả những DN lớn cũng không tránh khỏi việc này.
Nợ lương nhưng không dám đòi
Làm việc trong một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội, đã 2 tháng nay, chị Bích Hoa rơi vào tình cảnh điêu đứng vì bị công ty chậm trả lương. Theo chị Hoa, với mức lương 5 triệu/tháng thì chị đã phải tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu. Hai tháng nay không nhận được đồng lương nào, chị phải chật vật, xoay xở vay mượn để đảm bảo cuộc sống.
Chị Hoa lo lắng: “Không biết tháng sau chúng tôi có bị chậm nữa không, chỉ sợ trả lương được tháng 8, tháng 9 rồi lại nợ gối lương tháng này thì sống sao nổi” .

Tuy vậy, chị cũng không dám đòi hay nộp đơn xin nghỉ việc. Đơn giản, có đòi thì công ty cũng không có mà trả. Hơn nữa, chị Hoa vẫn hy vọng, biết đâu tháng sau công ty sẽ thanh toán lương, mà thời buổi này, chỗ nào cũng cắt giảm nhân sự thì kiếm việc đâu có dễ.
Chị Mai Trang làm ở DN bất động sản cũng bị công ty chậm thanh toán tiền lương gần 3 tháng nay. Với vị trí hành chính, mức lương của chị chỉ 3 triệu một tháng. Cả mấy tháng trời, chị hoàn toàn trông chờ vào nguồn hỗ trợ của gia đình cho các nhu cầu tối thiểu. Còn các khoản chi khác như: giải trí, quan hệ thăm hỏi đều cắt giảm hết.
Bi đát hơn, một công ty kim khí trên địa bàn xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội) còn nợ lương triền miên hết đợt này đến đợt khác của toàn bộ công nhân. Anh Quang Ninh, một công nhân làm việc ở đây, cho biết, việc công nhân bị nợ lương là chuyện thường xuyên, hiện tại lương từ tháng 6 tới bây giờ vẫn bị nợ chưa biết khi nào công ty mới thanh toán cho. Công nhân ở đây ai cũng ngán ngẩm.
Có một thực tế là dù bị doanh nghiệp chậm chi trả tiền lương hàng tháng nhưng phần lớn người lao động không dám bày tỏ bức xúc mà vẫn cố gắng trông chờ. Nhiều người tìm cách thắt chặt chi tiêu, xoay xở kiếm thêm thu nhập nhưng ít ai nghĩ đến bỏ việc vì tìm được một công việc mới không dễ. Nắm bắt tâm lí ấy nên nhiều doanh nghiệp cố tình lần khất rồi nợ lương của người lao động.
Nhiều ngày nay, chị Đinh Thị Ánh, nhân viên kế toán của một công ty buôn bán xe hơi khu vực Tây Hồ, Hà Nội, phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để vay tiền sinh hoạt hàng tháng. Chị Ánh cho biết: “Em mới đi làm được 2 năm nên chưa có tiền tích lũy. Mấy tháng nay, mỗi tháng cơ quan chỉ cho ứng chừng 1 – 2 triệu đồng nên tháng nào cũng phải “chạy ăn từng bữa”. Ánh cũng cho biết thêm, hiện đã nộp hồ sơ đến một vài đơn vị khác nhưng xem ra cơ hội xin việc mới không hề dễ.
Nợ tiền công tác phí, chậm thanh toán các khoản lễ tân, hậu cần, chỉ cho ứng một phần lương rồi chuyển sang chậm lương 2 tháng là tình trạng của một công ty truyền thông trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Giám đốc công ty chia sẻ, biết anh em cũng khó khăn nhưng đến giờ phút này công ty không thể nào xoay xở được nữa. Mặt bằng công ty đã thế chấp để vay, đến nhà của lãnh đạo cũng được cầm cố để trả những tháng trước đó.
“Đến lúc tôi cũng đành nói thật để anh em biết đường ai lo thân người nấy, không thể cầm cự thêm được nữa”, giám đốc này chua xót nói.
Nghỉ không lương vô thời hạn
Khoảng 2 tuần nay, không chỉ riêng anh H. mà toàn bộ nhân viên làm việc tại hệ thống siêu thị điện máy Best Carings chi nhánh Vincom và Long Biên vẫn chưa hết bức xúc và bàng hoàng trước quyết định cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc không lương vô thời hạn. Cũng theo nhân viên công ty này cho biết, trước đó đã diễn ra tình trạng nợ lương kéo dài và đến thời điểm nghỉ việc.
Anh H. cho biết thêm, ngoài lương cứng tháng 8 và tháng 9 chưa nhận được thì công ty còn nợ anh lương doanh số bán hàng từ tháng 6 đến nay, số tiền khoảng 8 triệu đồng. Không những anh H mà nhiều nhân viên công ty cũng rơi vào tình cảnh tương tự, có người số tiền lương cộng với doanh số bán hàng mà công ty chưa thanh toán lên tới cả chục triệu đồng.
Mặc dù hàng tháng, công ty vẫn trừ đều đặn vào lương các khoản tiền Bảo hiểm xã hội nhưng đến nay khi nhận sổ BHXH, anh mới biết mình chỉ được chốt đến hết năm 2008. “Không hiểu hơn 3 năm vừa rồi, công ty trừ các khoản bảo hiểm của chúng tôi mà không đóng thì số tiền ấy đã đi đâu” – anh H. bức xúc.
Rơi vào tình trạng mất việc đột ngột, lại không có lương để chi trả cho cuộc sống, hai tuần nay, ngoài việc lang thang tìm các công việc làm thêm, anh H. vẫn cùng với nhiều nhân viên khác của Best Caring liên hệ với ban lãnh đạo công ty để được giải quyết lương và sổ Bảo hiểm xã hội nhưng đến thời điểm này mọi thứ vẫn đang trong vô vọng.
Trong khi đó, anh Minh Thanh, nhân viên một công ty bất động sản ở quận Bình Thạnh, TP. HCM cũng lao đao vì gia đình anh đã có tới 2 con nhỏ nhưng bị nợ lương và cho nghỉ việc không lương mấy tháng nay.
Anh Thanh than thở: Sau Tết, công ty cắt giảm lao động. Cứ tưởng sẽ khá hơn nhưng với những người còn lại, lương cũng không có. Đến bây giờ thì công ty cho nghỉ việc không lương gần hết, chỉ còn lãnh đạo và hai nhân viên gác văn phòng. Nhiều người muốn chuyển thì mới hay công ty nợ bảo hiểm không rút sổ ra được. Anh Thanh chia sẻ: “Tiền tích lũy trong nhà phải bỏ hết ra để trang trải. Thứ tưởng cứu cánh nhất là trợ cấp thất nghiệp thì bị trả lại vì thời gian qua công ty không đóng. Bây giờ thực sự bế tắc”.
Ông Phùng Văn Chính, giám đốc một công ty sản xuất vật liệu xây dựng, cho biết việc nợ lương nhân viên, công nhân không phải là hiếm với các DN hiện nay, nhất là vào thời điểm nền kinh tế đang bị suy thoái.
“Ở DN chúng tôi, tuy chưa đến mức phải nợ lương cán bộ công nhân viên nhưng từ hơn một năm nay, do tình hình sản xuất khó khăn hơn trước, hàng hóa khó tiêu thụ nên các khoản tiền ngoài lề như thưởng hàng tháng theo năng suất, rồi tiền nghỉ mát mùa hè đã bị cắt đi”, ông Chính cho hay.
Tình trạng nợ lương của người lao động có lẽ giờ không chỉ diễn ra ở một vài doanh nghiệp mà nó đang là tình trạng phổ biến với phần nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ. Hoạt động kinh doanh khó khăn, lợi nhuận không thu được nên phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng. Thực tế là nhiều doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc nợ lương mà phải tính đến phương án đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc không lương. Với tình hình hiện nay, thì có lẽ nhiều người lao động lại phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp dài hạn.

Không có nhận xét nào: