Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Thêm một lần hỏi: Tiền đâu?


Thâu tóm, mua bán, sáp nhập, công ty sân sau tạo ra vòng tròn khép kín cho tiền “nhảy múa”. Đến khi nợ xấu ngân hàng phình ra và có nguy cơ bục vỡ, tiền có thêm một nơi “trú ẩn”: đáo nợ.
Tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 8/2012, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng 10,37% so với cuối năm ngoái. Đây có lẽ là một trong số ít chỉ tiêu tiền tệ khả quan và có khả năng đạt kế hoạch đề ra. NHNN về cơ bản đã không thắt chặt cung tiền quá mức. Nếu theo dõi kỹ, có thể thấy trong tháng 8, tổng phương tiện thanh toán còn tăng rất mạnh từ mức 6,81% của tháng 7. 
Thế nhưng bất chấp sự gia tăng của cung tiền, tín dụng đã không thể thoát khỏi sự ì ạch. Cộng cả trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác đầu tư, tín dụng chín tháng mới nhúc nhích được 2,35% so với tháng 12/2011. Doanh nghiệp không có khả năng hấp thụ vốn, hoặc hấp thụ kém, ngay cả NHTM cũng phản ánh như vậy. Tiền “bơm” đã chảy đi đâu?

Tiền đã không được rót vào chứng khoán, bất động sản. Thực tế ấy ai cũng rõ. Cho đến lúc này không có thứ hàng hóa nào rẻ hơn cổ phiếu, đến nỗi người ta phải kêu lên: “Ước gì mọi thứ hàng hóa đều mất giá như chứng khoán!”
Tiền làm ngơ cổ phiếu, tiền cũng “quên” luôn bất động sản. Tiền hình như có được rót vào vàng song không nhiều. Một tỷ lệ đáng kể tiền nằm ở kênh tiết kiệm. Vốn huy động ngân hàng tăng 11,23% sau 8 tháng đầu năm. So với mọi năm mức tăng trưởng tiền gửi là bình thường, nếu không muốn nói là có thấp hơn chút đỉnh.
Chỉ ngân hàng mới biết tiền đang ở đâu? 
Các chuyên gia kinh tế phỏng đoán tiền có thể đang lưu lạc ở các công ty sân sau của tổ chức tín dụng, nơi mà việc vay vốn thuận lợi nhờ mối quan hệ giữa các ông chủ ngân hàng với công ty của chính họ. Khi trào lưu mua bán sáp nhập (M&A) nổi lên, tiền đã được đổ vào đấy. Chưa bao giờ giá trị doanh nghiệp, ngân hàng được định thấp như bây giờ.
Đây là giá cả thời khủng hoảng mà phải hàng chục năm mới có một lần. Chỉ có cái khác là thời khủng hoảng người đi mua doanh nghiệp cũng không có nhiều tiền. Họ có một tỷ lệ nhỏ vốn tự có, còn lại phải đi vay. Đi vay lúc này giá thành vừa cao, vừa không dễ.
 
Vai trò của công ty sân sau đã phát huy tác dụng. Thực ra các công ty sân sau chi là bước trung chuyển. Các công ty sân sau là người đứng ra vay tiền, “chường mặt” ra mua cổ phiếu, làm cổ đông của vô số doanh nghiệp cả niêm yết lẫn OTC.
Sau khi mua bán xong, hổ sơ chuyển nhượng đã ký kết, cổ phiếu quay lại vị trí tài sản thế chấp ở ngân hàng, tiền lại được rút ra, dùng để trả cho khoản vay đã đi mua bán doanh nghiệp. Vòng quay thứ hai này chi ra tiền ngân hàng được dùng mua chính ngân hàng, doanh nghiệp, chẳng khác nào “lấy mỡ nó rán nó”.
Thâu tóm, mua bán, sáp nhập, công ty sân sau tạo ra vòng tròn khép kín cho tiền “nhảy múa”. Đến khi nợ xấu ngân hàng phình ra và có nguy cơ bục vỡ, những chiêu thức đảo nợ ra đời. Tiền có thêm một nơi “trú ẩn”: đáo nợ.
Tín dụng làm sao tăng trưởng khi tiền giải ngân đa số được dùng để đảo nợ? Tổng phương tiện thanh toán tăng thế, chứ tăng gấp đôi cũng chưa chắc tín dụng đã tăng. Từ vài năm nay, chứng khoán bị coi là “con ghẻ”, ra rìa, không được mon men đến ưu tiên tín dụng. Không được xếp vào hàng “nạn nhân”, chứng khoán còn gánh thèm cái mác thủ phạm, điểm đến của đầu tư ngoài ngành. Xem ra những tháng năm mất mát của chứng khoán chưa kết thúc.
Tuần qua sàn Hà Nội liên tiếp phá đáy thấp nhất của chính nó trong lịch sử. Trước đây là vài tuần, nay rút ngắn xuống vài ngày, thậm chí 1-2 ngày HNX lại lập đáy mới.
Theo Hải Lý
Thời báo kinh tế sài gòn

Không có nhận xét nào: