Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Hiệp-Định Paris 1973: Cs Càng Muốn Quên Thì Ta Càng Phải Nhắc


GS. Nguyễn Ngọc Bích .


Một ngày trọng đại sắp sửa trôi qua mà tôi sợ các cơ-quan truyền thông của người Việt ở hải-ngoại, không trừ cả một đài điền thế cho tiếng nói tự do của VN là Đài RFA, sẽ để cho nó lẳng lặng trôi qua vì lý-do đó là chuyện cũ, chuyện 40 năm qua rồi, không còn mấy ai nhớ đến nó và do đó, cho nó qua luôn.
Lối suy nghĩ này thật khôi hài bởi người Việt chúng ta thường tự-hào là chúng ta thường yêu và nhớ lịch-sử nước nhà.  Chúng ta nhớ chuyện bà Trưng, bà Triệu, hãnh-diện chuyện nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên, nhớ Lý Thường-kiệt với trận đại-thắng quân Tống trên sông Như-nguyệt, hát “Nước non Lam-sơn,” biết ơn Quang Trung đại-phá quân nhà Thanh… song chuyện gần chúng ta hơn thì tự-nhiên chúng ta mắc bệnh Alzheimer.
 
Không những thế, càng gần thì hình như chúng ta càng hiểu lầm vấn-đề, đổi trắng thay đen… như trong nước các nghĩa-trang “liệt-sĩ Trung-Cộng” thì chình ình ở trong các tỉnh biên-giới, nơi quân TC sang xâm-lược và tàn-phá nước ta vào năm 1979.  Chưa hết, gần đây ở ngay thủ-đô Hà-nội của nước VN Cộng-hòa XHCN còn có lễ “biết ơn” quân-đội nhân-dân TC dạy dỗ, huấn luyện cho hàng trăm hàng ngàn sĩ-quan (lên đến những hàng cao-cấp nhất) trong “quân-đội nhân-dân” Việt-nam!!!
 
Chúng ta thường chê người Mỹ là chóng quên, không có ý-thức lịch-sử sâu đậm như chúng ta.  Thế thì sao trận Nhật đánh Trân-châu-cảng (Pearl Harbor) thì đến 81 năm sau, vào ngày 7 tháng 12 vừa rồi, người ta vẫn kỷ-niệm?
Đã đến lúc chúng ta phải xét lại vấn-đề
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại vấn-đề.  Một Hiệp-định Hòa-bình Paris mà không đem lại “hòa-bình” mà không thành vấn-đề sao?  Một hiệp-định hòa-bình mà hai người chủ chốt thương-thuyết nó sau được giải thưởng Nobel Hòa-bình để giờ đây câu chuyện đó còn là nỗi nhục cho ủy-ban (ở Na-uy) tuyển chọn giải đó vào năm 1973 mà không đáng nói sao?  Một hiệp-định hòa-bình mà dẫn đến sự hiện diện của khoảng 3 triệu rưởi người Việt ở hải-ngoại ngày hôm nay mà ta không cần biết chi-tiết nó nói gì và nó có bị vi-phạm hay không sao?  Và nếu có thì ai vi-phạm?  Vi-phạm thế nào?
 
Do đó mà tôi biết ơn ông Nguyễn Quốc Khải đã mở màn cho việc xét lại Hiệp-định Paris cách đây 40 năm với bài “Sự thật phũ phàng về Hiệp định Paris 1973″ gởi cho RFA ngày 17/12 cách đây gần một tháng dù như có nhiều điều trong đó tôi không đồng-ý với cách đọc của ông (tôi đã trả lời, cũng trên RFA, bằng một bài viết vào ngày hôm sau).
Từ đó, ông Khải và tôi đã có một số bài trao đổi qua lại, nói chung là khá nghiêm chỉnh bởi chúng tôi chủ-yếu chỉ dựa vào những dữ-kiện lịch-sử, tránh được những sự cãi vã không cần thiết hay đi vào đả-kích cá-nhân.
 
Người Cộng-sản Hà-nội muốn quên
Dựa vào những dữ-kiện mà cả tôi lẫn ông Nguyễn Quốc Khải đưa ra thì Hiệp-định Hòa-bình Paris 1973 chỉ là một quả lừa vĩ-đại của Hà-nội nhằm đá Mỹ ra khỏi VN và sau đó thôn-tính miền Nam (bất kể Chương V của Hiệp-định đã nói thật rõ ràng, rõ như ban ngày: trong việc “thống nhất đất nước hai miền, không bên nào được thôn tính bên nào”).  Cái khác giữa ông Khải và tôi là: Ông cho Hà-nội làm thế (“thôn tính miền Nam) là họ có quyền, nghĩa là có quyền xé bỏ cả lời cam-kết long-trọng của họ (với chữ ký của họ), còn tôi thì coi đó là một sự vi-phạm trắng trợn mà ta phải nhắc nhở, không cho Hà-nội và dư-luận thế-giới (kể cả nước Mỹ) quên về chuyện này.
Tóm lại, Hà-nội càng muốn quên thì ta càng cần phải nhắc, nhắc cho đến không ai quên được những việc làm ô nhục của Hà-nội–dù như kết-quả của sự phản-bội đó đến nay, 40 năm sau, vẫn chưa đổi thay được bao nhiêu.
       
Năm nay khác?
 
Nếu trong những năm qua, các báo đài, kể cả các đài quốc-tế, đã tránh né việc phân-định, phán xét ai phải trái trong việc thực-thi Hiệp-định Paris 1973 thì tôi mong là năm nay, chúng ta sẽ có một thái-độ khác đi
 
Tại sao?  Tại vì ta không thể trốn tránh được sự thực lịch-sử–dù vai trò của ta ở trong đó không lấy gì làm đẹp.  Cũng như chuyện Cải cách ruộng đất ở miền Bắc hay chuyện Mậu-thân ở Huế, chúng cứ việc cách ta nửa thế-kỷ hay hơn nữa, câu chuyện chưa được phanh phui đến ngọn nguồn thì lịch-sử vẫn còn thiếu sót nếu không muốn nói là méo mó, gian lận.
 
Năm nay cũng còn khác nữa là vì kỷ-niệm 40 năm, đang có triệu-chứng là Hà-nội muốn nhắc lại chuyện Hiệp-định Paris để nói như ông Nguyễn Chí Vịnh, thứ-trưởng Quốc-phòng của Hà-nội hôm đầu năm (1/1/2013), là “Cách can dự của Mỹ, như họ tuyên bố là ủng hộ các giải pháp hòa bình và luật pháp quốc tế, làm cho một số nước đồng tình mà có thể không lưu tâm đúng mức đến mặt trái của nó.”  Ông cho biết đã từng nói với một quan chức Mỹ: “Nếu như các ông làm đúng những gì đã nói thì tôi hoan nghênh, còn nếu không các ông sẽ buộc phải rời khỏi khu vực như năm 1975 rời khỏi Việt Nam.”
 
Nói cách khác, Hà-nội, qua ông Nguyễn Chí Vịnh, đang muốn trắng trợn nói với Mỹ là: chúng tôi đã lừa được ông năm 1973 để đuổi ông ra năm 1975 (thực ra Mỹ đến đó đã không còn một quân-nhân tác-chiến nào ở VN từ tháng Giêng 1973), chúng tôi vẫn có thể đi với Bắc-kinh (cái mà ông Vịnh gọi là “tương đồng ý thức hệ”) để đá ông khỏi Biển Đông!
 
Một chuyện có liên-hệ trực-tiếp đến chuyện sống còn của đất nước ngày hôm nay như thế mà không đáng để cho các báo đài bàn đến hay sao?
 
Nguyễn Ngọc Bích

Không có nhận xét nào: