Mai Nguyên (ĐVO) – Sự kiện Philippines quyết định kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế được đánh giá là hành động dũng cảm để không bị “được đằng chân lân đằng đầu”. Vậy vì sao Trung Quốc “ngại hầu tòa”, chiến thuật của Trung Quốc trong vụ kiện là gì?
Cắt vết dầu loang
Việc Philippines phải đưa vụ Trung Quốc thôn tính bãi cạn Scarborough ra Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc cũng như việc Nhật Bản qua hai đời thủ tướng Noda và Abe đều cùng quyết liệt sử dụng tàu tuần duyên và máy bay chiến đấu để bảo vệ quần đảo Senkaku… là những thí dụ sinh động cho thấy trong vấn đề chủ quyền không được để thiên hạ được đằng chân mà lân đằng đầu, đồng thời vẫn có thể sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền.
Nếu Philippines cứ hiếu hòa phản đối, năm mười năm nữa bãi cạn Scarborough sẽ trở thành lãnh thổ Trung Quốc giống như dải Mischief mà Philippines tuyên bố chủ quyền rồi (bãi Vành Khăn nằm trong quần đảo trường sa thuộc chủ quyền Việt Nam – PV) từng bị Bắc Kinh chiếm cứ theo kiểu đó vào năm 1995.
Bởi thế, Philippines đã phải viện dẫn đến công cụ pháp lý và thẳng thắn triệu đại sứ Trung Quốc tại Manila đến Bộ Ngoại giao để thông báo về vụ kiện cáo này.
Giống như Nhật Bản suốt hai đời thủ tướng đều dứt khoát ngay từ đầu với chủ trương “đúng người, đúng việc”. Khi Trung Quốc đưa tàu hải giám vào quần đảo Senkaku, Nhật tung ngay tàu cảnh sát biển và tuần duyên đến đuổi bật ra. Khi Bắc Kinh đưa máy bay tuần tra quân sự vào, Tokyo liền đưa máy bay chiến đấu lên ngăn chặn.
Hành động dứt khoát, đúng luật và thông lệ quốc tế, như Philippines kiện ra tòa quốc tế, đó chính là quyết tâm bảo vệ lãnh thổ một cách đích thực – Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TP.HCM, phân tích trên Tuổi Trẻ.
Hành động dũng cảm
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy trong cuộc trao đổi với báo chí khẳng định: Chưa biết kết quả của vụ kiện này ra sao nhưng việc Philippines quyết định kiện Trung Quốc là hành động dũng cảm đáng hoan nghênh.
Các nước trong khu vực, đặc biệt các nước có liên quan trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc cần ủng hộ việc làm này của Philippines để chống lại những hành vi ngang ngược muốn độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu cũng khẳng định đây là một việc làm cần thiết vì một loạt các hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông nếu không bị điều chỉnh trong suốt thời gian dài sẽ nghiễm nhiên được coi là hợp pháp.
“Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra nhằm bao trọn Biển Đông vô hình trung sẽ được thừa nhận, nếu các nước khác có tranh chấp không liên tục lên tiếng phản đối.
Cũng theo ông, chắc chắn Trung Quốc sẽ không đến tòa án quốc tế nhưng dù Tòa án quốc tế có ra phán quyết thế nào thì Philippines đã giành được những thắng lợi ban đầu về mặt tinh thần.
“Đường lưỡi bò” của Trung Quốc làm cho nhiều nước muốn đưa Trung Quốc ra tòa. Ảnh internet
“Ngại hầu tòa”, chiến thuật của Trung Quốc là gì?
Hầu hết các quan sát viên đều nói rằng hầu như chắc chắn Trung Quốc sẽ không đồng ý tham dự phiên tòa, theo chính sách nhất quán của họ.
Ts Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới chính phủ cho biết, nếu Trung Quốc tiếp tục từ chối thì một mình Philippines không thể đưa ra Tòa án quốc tế được.
Trung Quốc có quyền không đồng ý đưa vấn đề tranh chấp ra Tòa án quốc tế. Bởi vì, họ có quyền biện minh rằng họ muốn giải quyết tranh chấp bằng đàm song phương. Đó cũng là một phương thức giải quyết hòa bình rất phổ biến trong quan hệ quốc tế từ trước đến nay.
Hơn nữa, theo TS thì: “…chẳng ai dại gì khi đồng ý đưa ra Tòa án quốc tế mà xét thấy không có đủ thế mạnh pháp lý để bảo vệ cho quyền lợi của mình trước Cơ quan tài phán quốc tế. Thường thì bên nào yếu về mặt pháp lý, không có chân lý, họ không muốn đưa vấn đề ra Tòa án, không muốn quốc tế hóa vấn đề….”
Trung Quốc phản đối việc đưa ra các Cơ quan tài phán quốc tế, không muốn quốc tế hóa, thậm chí phản đối đàm phán đa phương, phải chăng cũng không nằm ngoài quy luật thông thường đó?
Giới phân tích cho rằng dù Philippines đưa tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông ra tòa án quốc tế, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục cứng rắn theo quan điểm chỉ giải quyết vấn đề mà không có sự can dự của bên thứ ba.
Từ trước đến nay, Trung Quốc đều muốn giải quyết các cuộc tranh chấp trên cơ sở song phương chứ không phải thông qua các tổ chức khu vực hay tổ chức quốc tế hay trong sự can dự của bên thứ ba nào.
Chen Shaofeng, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng sẽ không có bất cứ tiến trình pháp lý nào trừ phi hai nước đều đồng ý.
“Trong lịch sử Trung Quốc chưa từng có tiền lệ Trung Quốc cho phép một phán quyết quốc tế nào đối với các tranh chấp lãnh thổ dù đó là về đất liền hay vùng biển”, Chen nói.
Một dấu hiệu cho thấy khả năng này là việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua nhắc đến “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ đối với đảo tranh chấp với Philippines trên Biển Đông.
Nếu tòa án có đưa ra một phán quyết bất lợi cho Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng có thể làm ngơ. Chuyên gia Thayer của Australia cảnh báo rằng cho dù phán quyết có tính bắt buộc thi hành, nó cũng sẽ dễ dàng bị Trung Quốc bỏ qua nếu muốn, bởi hiện chưa có cơ chế và lực lượng nào để thực thi.
Ký giả Benjamin Carlson bình luận “Nếu Liên hợp quốc ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, rất khó mà tưởng tượng họ sẽ tuân thủ”.
Mai Nguyên (tổng hợp từ VnE/Tuổi trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét