Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Suy thoái toàn dân, bức xúc toàn dân, chỉ người dân chịu thiệt

 Nguyễn Mộng Hoài
Gần đây, trên các phương tiện thông tin tầm cỡ của Nhà nước, nằm trong phạm trù “báo chí quốc doanh”, ít nhiều có đề cập những suy thoái, tiêu cực, quan liêu, tham nhũng…ở một số linh vực quốc gia. nhiều khi nghe có cảm giác như là “suy thoái toàn diện” dẫn đến toàn dân bức xúc, nhưng người chịu thiệt thòi nhiều nhất, nặng nề nhất lại là người dân, nhất là “đám dân đen !”
Điều đó khiến chúng tôi, những người cao tuổi bình thường đã có một thời gian cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc “xã hội chủ nghĩa” và thống nhất nước nhà, phải suy nghĩ rất nhiều. Thời gian cứ trôi nhanh không chờ đợi bất cứ ai, bất cứ sự kiện nào. Cũng bằng ấy thời gian, xây dựng đất nước trong hòa bình, một số nước hiện là bầu bạn của ta đã có những bước tiến rất mạnh mẽ và toàn diện, dân chúng của họ được cải thiện thật sự, đời sống chính trị, xã hội hòa nhập với xu thế thế giới và thời đại. Họ có nhiều đảng chính trị cùng tồn tại cùng phát triển và “cạnh tranh” với nhau nhằm mục đích đưa đất nước của họ tiến lên kịp và vượt xu thế thời đại. Điều này, ai quan tâm đến phát triển thế giới đều thấy rõ, chắc không cần nhắc lại. Còn tại nước ta, hết năm 2013 này là đã trọn 38 năm kể từ khi đất nước được thống nhất, giang sơn thu về một mối, nhưng chưa thật sự thống nhất về mọi mặt, vẫn còn nhiều vấn đề chưa hòa hợp dân tộc, do đó chưa có điều kiện phát huy sức mạnh của toàn dân tộc. Một tác giả viết bài trên “Quê choa” băn khoăn rằng, xây dựng “Tượng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” tốn hết hơn 400 tỷ đồng (chưa xong) nhưng cũng chỉ là “tiêu biểu tinh thần cho Bên Thắng Cuộc” chứ không thể làm thanh thản tinh thần của những người ở phía bên kia, một thời là đối địch với “bên này”. Chuyện này, chắc còn có nhiều ý kiến sâu sắc hơn, toàn diện hơn.
Trở lại với “suy thoái toàn diện”, mà mỗi khi thông tin được loan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy càng lo lắng bội phần, dường như không thể ăn ngon ngủ yên, tức là chưa thật sự yên tâm với đà tiến triển của đất nước, của nhân dân. Như ông Tư Sang, chủ tịch nước có lần đã nói, sau một thời gian phát triển đầy hưng phấn, mọi mặt trên đất nước ta đang trượt dài xuống dốc. Và như ông Cả Trọng có lần cũng đã nói: “nhìn vào đâu cũng có tiêu cực, cũng có suy thoái’ Còn bà “Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì “kiểm điểm đi kiểm điểm lại hóa ra là “chúng mình” (vì người ta “ăn” không từ một cái gì cả !”). Tôi đã được học bốn năm lý luận chủ nghĩa Mac-Leenin, hiểu khá rõ thế nào là bản chất và hiện tượng, nội dung và hình thức, tôi không bao giờ phủ nhận những thành tựu mà nhân dân ta phải đổi bằng núi xương sông máu mới có được, song những người cầm lái “vĩ đại” của đất nước không bảo thủ, không giáo điều, biết đi theo xu thế thời đại, tổ chức tốt lực lượng, huy động sức mạnh toàn dân trên cơ sở hòa hợp dân tộc một cách chân thành và thật sự thì với thời gian gần 40 năm, nhân dân ta vốn thông minh, cần cù chịu khó, chắc chắn không để cho tham nhũng, quan liêu, hách dịch như một căn bệnh trầm kha lây lan bám rễ trong “một bộ phận không nhỏ”, nhiều mặt đã trở thành thâm căn cố đế, không thuốc nào trị được nữa rồi, dẫn đến nhưng suy thoái toàn diện. Tôi xin phép không bàn nhiều về chính trị và chế độ chính trị. Điều này dễ thấy và nó biểu hiện ra từ tư tưởng đến tổ chức, đến hệ thống, mà Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra một cách thẳng thắn (nhưng sau một năm thi hành nghị quyết, hầu như mọi việc lại trở về điểm xuất phát). Và như có người đã vạch ra: “một bộ phận không nhỏ tham nhũng, suy thoái chính trị tư tưởng, lối sống, đạo đức…làm xói mòn lòng tin của dân chúng, sẽ “tự mất” chứ khỏi cần đến Ban này, Bộ nọ chỉ đạo nữa. Còn về kinh tế, từ ba bốn năm nay, chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Công nghiệp nói chung, trong đó có “kinh tế quốc doanh là chủ đạo” thì đã làm thất thoái hơn 1 triệu một trăm nghìn tỷ đồng, nhiều cơ sở tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ nặng, tăng nợ xấu, đã và đang có nguy cơ tan rã, trong khi chưa kịp phát huy được tác dụng của “kinh tế chủ đạo”. Sau đổi mới, một loạt chính sách được đề ra phần nào đã kích thích “ai giỏi nghề gì làm nghề ấy” khuyến khích một phần phát triển kinh tế tư nhân, và kết quả của nó có nhiều khởi sắc. Nhưng chính cái đầu tàu là kinh tế quốc doanh đổ vỡ, xập xệ, thua lỗ…đã kéo theo cả một nền công nghiệp bao gồm hàng chục vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ đổ vỡ theo, hàng vạn hàng vạn công nhân nhân viên thất nghiệp, tức là dồn khó khăn cho dân. Người ta bắt buộc hằng ngày phải ăn, hít thở không khí để sống, nay mất việc, khó khăn quá chứng, không giống như các nhà lãnh đạo trong hệ thống chính trị cầm quyền vẫn ung dung, và 30% công chức, viên chức, “sáng vác ô đi tối vác về” chỉ tốn tiền thuế của dân mà thôi.
Người ta, trong suy thoái kinh tế đã tổng kết chỉ còn “bác nông dân sản xuất nông nghiệp (bao gồm lầm nghiệp, thủy hải sản, làm muối) là có cái chân đứng vững, thậm chí còn có thể là “cứu cánh” cho nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, nông nghiệp nhờ giải tán hợp tác xã cả làng, nhờ có một số chính sách khoán phù hợp, chúng ta đã có thể mỗi năm cho ra 45 triệu tấn thóc, trong đó xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo, cơ bản bảo đảm an toàn lương thực nội địa. Tất nhiên, do bị thiên tai bão lũ, một bộ phận nông dân, hay nhân dân sống ở nông thôn hững chịu thiên tai đã bị cơ cực vì mất nhà mất cửa, thiếu đói nghiêm trọng. Tuy thế, nhìn một cách tổng thể thì trong nông nghiệp vẫn mắc cái “yếu kém” là bảo thủ và trì trệ, nông dân chủ thể chính sản xuất ra các sả phẩm nông nghiệp, nhưng chính họ lại không được làm chủ sản phẩm của mình kể cả tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu, dân đến “được mùa rớt giá”, đầu vào bao giờ cũng cao, và đầu ra thì bị trăm thứ dìm giá, nhà nước không “đỡ” họ được bào nhiêu. Vì vậy, đáng lẽ nông dân phải là người yêu quý ruộng đất nhất để sản xuất thì lại có một bộ phận chán ruộng đi ra thành phố tham gia vào các “chợ người”. Xây dựng “nông thôn mới” là một chủ trương đúng nhưng chưa hợp lòng dân, lợi dụng nó, nhiều nơi ra sức “bổ bán” lợi dụng thu hút tiền của của dân vượt quá sức chịu đựng của họ. Chúng ta điểm qua hai ngành chính là công nghiệp và nông nghiệp, còn có thì giờ thì nắm qua các ngành khác một chút cũng đủ thấy rợn người. Tài chính ngân hàng thì nhiều tiêu cực, xập xệ, thua lỗ…nhưng lương của họ lại rất cao. Thương nghiệp hô mãi “đưa hàng về nông thôn” nhưng thực chất chỉ là những cuộc đùn hàng thừa ế về cho nông dân và người dân cư trú ở nông thôn mà thôi. Thị trường Việt Nam bấy lâu đã trở thành thị trường tiêu thụ hàng tiêu dùng của nước bạn Trung Hoa rồi, trong đó không thiếu những loại hàng độc hại, chất lượng kém. Bây giờ, nhất là các tỉnh phía bắc, không nhà nào không có đồ dùng Trung Quốc, trong khi rất nhiều loại hàng tiêu dùng ta thừa sức sản xuất với chất lượng cao hơn nhiều. Nhân dân ta từ trước đến nay tin và biết ơn ngành y tế và những thày thuốc có tâm có đức, song càng ngày càng thấy trong ngành ý tế, xuất hiện khá nhiều “thất đức”, thày thuốc không như mẹ hiền nữa mà trở thành “những mụ phù thủy” trọng tiền hơn trọng tính mạng người dân, coi tính mạng người bệnh không bằng con tôm con tép. Bác sĩ mổ “Thẩm Mỹ Viện” làm chết người rồi phi tang xác khách hàng xuống sông Hồng. Bảo hiểm y tế là một hoạt động có tính pháp lý chi trả đỡ một phần tốn kém cho người bệnh, nhất là đối với người bệnh hiểm nghèo chi phí ý tế cao vượt quá khả năng chịu đựng của họ. Nhưng y tế và bảo hiểm đã thông lưng với nhau nặn bóp người bệnh đủ mọi hình thức, gây nên tâm lý rất sợ phải đi bệnh viện. Giáo dục cũng có những trì trệ ghê gớm, mục đích giáo dục không rõ ràng, “thương mại hóa” giáo dục, mua chữ, mua bằng cấp, đút lót, hối lộ, làm méo mó rất nhiều hình ảnh thày giáo cô giáo vốn là một ngành được xã hội tôn quý từ xưa đến nay trở nên méo mó. Băng nghị quyết 8 của trung ương liệu có thay đổi căn bản được ngành giáo dục nước ta không ? Văn hóa cũng có nhiều vấn đề, mà đáng lẽ dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, thì phải là một nền văn hóa tiên tiến, thực chất đậm đà bản sắc dân tộc, chứ không phải là các hoạt động văn hóa “rối tinh tít mù” như hiện nay. Ca sĩ thì chủ yếu xây nhà lầu đắt tiền, nghệ sĩ thì không đủ ăn. Sân khấu, điện ảnh chủ yếu “bỏ vào kho” là chính. Bông sen vàng bông sen bạc, cánh diều vàng cánh diều bạc cũng bay đi đâu hoặc chấm xong thì cất đi. Hội nhà văn có đến 2000 hội viên, nhưng nhiều năm qua chưa có tác phẩm văn chương nào đạt mức tầm cỡ quốc gia cả. Hội Nhà báo đông đên 17.000 hội viên, nhưng chỉ làm mỗi việc nói theo tuyên huấn mà thôi. Thậm chí dân bây giờ ít chịu nghe đài, xem TV, và không có tiền mua báo. Các báo lớn mua bằng ngân sách Đảng và ngân sách Nhà nước phát không cho cán bộ lãnh đạo từ cơ sở chủ yếu là “đút vào ngăn kéo” vì không có thì giờ đọc !
Nhiều văn bản có tính chất pháp quy Nhà nước chưa ban hành đã bị phản đối như một số quy định của ngành giao thông, của công an về chứng minh thư…
Từ những suy thoái toàn diện ấy dẫn đến nhiều bức xúc trong xã hội mà người ta cố tô hồng nó lên để tự ru ngủ mình. Chưa thời kỳ nào đất nước lại bị băng hoại đạo đức đến như vậy. Ngoài “bộ phận không nhỏ” suy thoái chính trị đạo đức, tham nhũng, lãng phí quan liêu ức hiếp dân, còn có một loại không chức quyền nhưng ỷ thế “con ông cháu cha” vênh váo làm càn thậm chí hơn cả xã hội đen. Chưa bao giờ xã hội ta lại có nhiều người xin đi làm “cu ly” cho nước ngoài với cái danh “xuất khẩu lao động”. Thời kỳ cai trị khắt khe nhất của thực dân đế quốc cũng không đến nỗi có nhiều gái làm tiền như bây giờ. Rồi chuyện tình công sở, chuyện đa thê, chuyện bồ bịch dường như là “tiêu chuẩn” quan trọng của “sếp” lớn nhỏ. Khoảng cách giầu nghèo ngày càng xa, càng sâu. Càng xóa đói giảm nghèo, thì càng có một tầng lớp, chủ yếu là đội ngũ lãnh đạo giầu lên rất nhanh, ăn chơi trác táng, hơn cả “giai cấp quý tộc” ngày xưa. Cái trước mắt, mọi người dân đều thấy là làm cán bộ từ thôn xóm, từ đường phố trở lên đều chóng giấu, trên nữa thì thỏa chí nhà lầu xe hơi, lương lậu tiền tỷ, trong khi công nhân lao động vẫn với đồng lương không đủ sống.
Trong khi đó, dân ngưỡng vọng nhiều vào Quốc hội sẽ có nhận thức mới, quyết định mới, thông qua một bàn Hiến pháp theo xu hướng tiến bộ của thời đại của thế giới, nhưng xem ra bị cụt hứng. Đất đai vẫn do “ông toàn dân” làm chủ sở hữu, còn là nguyên nhân sinh ra không biết bao nhiêu chuyện rắc rối, bức xúc, dẫn đến chết người, đổ máu vì đất đai. Chị Hoài Hương ở Lâm Đồng kiên trì khiếu nại về đất đại của mình ròng rã 17 năm, cuối cùng có kết luận của Thanh tra Chính phủ thừa nhận quyền chính đáng của chị nhưng cấp chính quyền cơ sở vẫn lăm le làm cưỡng chế. Chị chỉ còn biết khóc than, chứ còn biết làm sao bây giờ ?
Tôi hiểu lời “huấn thị” của Bác Cả Trọng rằng sờ đến đâu cũng có tiêu cực suy thoái, theo một chiều hướng khác, sờ đến đâu cũng có người dân bị thiệt thòi. Công nhân trực tiếp lao động bị coi như là cu ly, nông dân không thiết tha với ruồng đất và sản xuất vì “được mùa rớt giá” trong khi giá các loại vật tư, điện, xăng dầu chỉ thấy có tăng chứ chưa bao giờ có giảm. Nhóm lợi ích ở đâu mà nhan nhản như thế. Đảng lãnh đạo toàn diện, tại sao không diệt được tham nhũng, không dẹp được các nhóm lợi ích, không khử được các “xã hội đen” tạo điều kiện cho toàn xã hội rực rỡ một mầu đỏ phơi phới tiến lên. Tại sao, dân ta lai vừa phải chịu thiên tai ác liệt thậm chí khốc liệt mà còn phải bị “nhân tai” cũng không kém phấn tàn ác ?
Mỗi kỳ họp Quốc hội kéo dài từ một tháng đến hơn 40 ngày, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng, liệu có quyết sách gì sáng sủa hơn, mang lại đời sống ấm no hạnh phúc cho toàn dân hay không? Bao giờ thì ta bớt được, thuyên giảm được cái “bệnh họp” ghê gớm này ?
Tác giả gửi Quê Choa
Nội dung bài viết không phản ánh quan điểm của Quê Choa

Không có nhận xét nào: