∇ Nghe Bài Này
|
Kích cầu phải kích đúng chỗ
Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội trình bày một quan điểm khác biệt. Ông nói:
“Dự báo tháng 3 chỉ số giảm, tháng 4 xu hướng giảm tiếp và không sâu bằng tháng 3. Có quan điểm lo ngại là trong bối cảnh tình hình với diễn biến như thế này thì khả năng giảm phát hoặc thiểu phát sẽ đến. Nhưng chúng tôi thấy rằng, giảm phát hay thiểu phát thì có mấy điều kiện là giá liên tục giảm nhưng đồng thời tốc độ tăng trưởng cũng phải giảm, tốc độ tăng trưởng âm. Trong bối cảnh tình hình Việt Nam hiện nay giảm là do sức mua mà tốc độ tăng trưởng không giảm nhưng có tăng chút ít.
Quí I năm 2014 so với quý I năm 2013, 2012 thì vẫn tăng nhưng tăng không cao, chủ yếu là có tăng. Theo tôi thiểu phát giảm phát đối với nền kinh tế Việt Nam là khó có khả năng xảy ra. Trong bối cảnh hiện nay Chính phủ đang tìm mọi cách để thúc đẩy tăng trưởng, bởi vì Việt Nam là nước đang phát triển mà mục tiêu đầu tiên là tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng chậm lại là một trong các nguy cơ nên sẽ phải thúc đẩy tăng trưởng và chắc chắn đầu tư sẽ cao. Như vậy thiểu phát khó có khả năng xảy ra.”
Hiện nay có quan điểm là cần nên kích cầu. Nhưng kích thì kích như thế nào và kích vào đâu và trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay năng suất chất lượng hiệu quả còn rất thấp. Nếu kích cầu mà không chú ý vấn đề năng suất chất lượng hiệu quả thì cuối cùng sẽ quay lại với nguy cơ lạm phátPGS-TS Ngô Trí Long
Tuy không đồng ý với đánh giá nền kinh tế đang có dấu hiệu thiểu phát, nhưng PGS-TS Ngô Trí Long chấp nhận một cách thận trọng về sự cần thiết của một gói kích cầu. Ông nói:
“Thực trạng hiện nay sản xuất tăng trưởng rất chậm, chủ yếu đầu ra còn vướng mắc, cầu yếu cho nên hiện nay có quan điểm là cần nên kích cầu. Nhưng kích thì kích như thế nào và kích vào đâu và trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay năng suất chất lượng hiệu quả còn rất thấp. Nếu kích cầu mà không chú ý vấn đề năng suất chất lượng hiệu quả thì cuối cùng sẽ quay lại với nguy cơ lạm phát.”
Đối với ý kiến nên có kích cầu cho nền kinh tế, TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS một tổ chức độc lập ở Hà Nội đã tự giải thể, nói là ông không phản đối một gói kích cầu nhưng cần cụ thể mục tiêu và tránh vấn đề lợi ích nhóm.
“ Có thể cân nhắc đẩy đầu tư công lên một chút để nó kích thích hệ thống vào quĩ đạo tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên việc này cần tính toán rất kỹ lưỡng bởi kinh nghiệm từ xưa đến nay thấy rằng những tính toán về kích cầu của Chính phủ đã không bao giờ được thực hiện tốt và những khoản đầu tư công, đầu tư từ ngân sách luôn luôn có hiệu quả rất là thấp. Phải tính toán làm sao nếu có một gói kích cầu thì cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn hạn và hạn chế ở qui mô, để kích vào đúng những chỗ cần phải kích để nó đẩy hệ thống sang một trạng thái khác. Chứ không phải là kích dàn trải hay lại chạy theo nhu cầu của một số nhóm lợi ích nào đấy thì lợi bất cập hại.”
Đáp câu hỏi của chúng tôi là các chuyên gia đều tỏ ra thận trọng về mục tiêu kích cầu, vậy nên kích thích nền kinh tế ở các lĩnh vực nào. PGS-TS Ngô Trí Long nhận định:
“Kinh nghiệm kích cầu 2009 đã thấy rằng hiệu quả của nó chưa như mong đợi. Thế thí trong bối cảnh tình hình hiện nay một gói kích cầu phải kích đúng chỗ. Kích vào những lĩnh vực sản xuất mà những lĩnh vực đó tạo ra hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân. Một vấn đề quan trọng nữa của kích thích cầu là phải tạo ra công ăn việc làm.”
Lời nói phải đi đôi với việc làm
Báo điện tử VnEconomy trích lời PGS Trần Hoàng Ngân thành viên Ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, Chính phủ điều hành tích cực trong kiềm chế lạm phát. Song lạm phát giảm lúc này có hai mặt, cả tích cực và tiêu cực. Mặt tiêu cực là điều PGS Trần Hoàng Ngân lo âu, ông khuyến cáo cần chú ý đến nông nghiệp - nông dân, ngược lại giá lương thực thực phẩm sẽ tăng trở lại trong tương lai vì thiếu nguồn cung, nông dân đang rất khó khăn.
Trong bối cảnh nền kinh tế có những biểu hiện khó khăn, hoặc có biều hiện suy thoái, có biểu hiện tăng trưởng chậm thì đối tượng chịu khổ chịu thiệt hại nhiều nhất là những đối tượng người lao động có thu nhập thấpPGS-TS Ngô Trí Long
Một gói kích cầu theo đề xuất của PGS Trần Hoàng Ngân là cần mang tính qui mô đồng bộ, tổng giá trị sẽ do các cơ quan tính toán cụ thể. Ông cho rằng gói kích cầu sẽ cần tập trung vào 4 nội dung chính. Thứ nhất hỗ trợ tài chính trực tiếp cho nông dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh vừa qua. Ông Ngân cho là hỗ trợ khu vực nông nghiệp nông dân sẽ đạt nhiều mục tiêu như tăng tổng cầu, đảm bảo an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát. Nội dung thứ hai là hỗ trợ lãi suất dưới 5% để cho vay vốn ngắn hạn, trung và dài hạn. Thứ ba là hỗ trợ tài chính và cơ chế để giúp các khoản vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ đã vay với lãi suất cao trước đây kéo giảm xuống dưới 10%. Thứ tư là hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình diện chính sách; gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công ….
Tình hình kinh tế không khởi sắc, nền kinh tế quốc gia từng được dự báo đã xuống đáy và đi ngang trong thời gian dài, ảnh hưởng như thế nào đối với người lao động, người làm công ăn lương. PGS-TS Ngô Trí Long nhận định:
“Trong bối cảnh nền kinh tế có những biểu hiện khó khăn, hoặc có biều hiện suy thoái, có biểu hiện tăng trưởng chậm thì đối tượng chịu khổ chịu thiệt hại nhiều nhất là những đối tượng người lao động có thu nhập thấp. Thế thì trong bối cảnh tình hình vừa rồi, tăng trưởng rất là chậm, thứ hai là nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn thách thức. cho nên là đầu ra không có sức mua thấp, công ăn việc làm không giải quyết được, thu nhập thấp. Chính những điều kiện đó đã tạo nên cho người lao động, đặc biệt người làm công ăn lương ở tầm trung bình và tầm thấp sẽ phải chịu nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi nhất.”
Đáp câu hỏi của chúng tôi, vậy thì đại đa số nông dân, công nhân nghèo trông đợi vào ai và giải pháp nào để cứu nguy cho họ. PGS-TS Ngô Trí Long phân tích:
“Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã nói rồi, đã nói rất rõ một trong những vấn đề đó. Theo tôi nghĩ làm sao phải có lời nói đi đôi với việc làm, nếu làm đúng như thông điệp đầu năm thì tôi nghĩ lúc ấy mới có khả năng gỡ được tình hình nền kinh tế hiện nay. Còn nếu nói mà không làm, nói mà không thực hiện thì chắc chắn những cái ý định những mục tiêu đó khó thực hiện được, khó thể thành công được.”
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã nói rồi, đã nói rất rõ một trong những vấn đề đó. Theo tôi nghĩ làm sao phải có lời nói đi đôi với việc làm, nếu làm đúng như thông điệp đầu năm thì tôi nghĩ lúc ấy mới có khả năng gỡ được tình hình nền kinh tế hiện nayPGS-TS Ngô Trí Long
Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận Việt Nam không còn cách nào khác là phải đổi mới thể chế, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng. Theo lời người đứng đầu Chính phủ, mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận nguồn lực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Về pháp quyền và dân chủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn là người dân có quyền làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.
Theo các chuyên gia và giới quan sát chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khoác lên mình một bộ áo mang tên “Đổi mới” sau những năm tháng điều hành kinh tế thất bại. Điển hình là sự lũng đoạn kinh tế quốc gia của các tập đoàn tổng công ty nhà nước dưới quyền điều hành tối cao của ông. Gần bốn tháng trôi qua sau bản thông điệp đầy hứng khởi, công luận bắt đầu hoài nghi về những hứa hẹn của Thủ tướng và giờ đây nhóm từ “nói mà không làm” đang trở thành phổ biến
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét