Pages

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Y tế VN bất lực trong vụ bệnh sởi?

Ông Đam được cho là đến tận giường bệnh hỏi thăm các bà mẹ có con mắc bệnh
Con số hơn 100 trẻ tử vong do bệnh sởi được chính thức công bố cho thấy hệ thống y tế Việt Nam ‘bất lực’, một chuyên gia y tế cộng đồng từ Úc nhận định.
Theo số liệu chính thức được ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Y tế dự phòng, công bố trên báo chí Việt Nam thì đến nay đã có 108 em nhỏ tử vong do bệnh sởi.


‘Không phải chuyện thường’
Trong lúc này, Bộ Y tế Việt Nam vẫn chưa công bố dịch vì chưa đủ yếu tố kỹ thuật.
Trao đổi với BBC, ông Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Garvan ở Sydney nói nếu ở nước ngoài mà có con số tử vong như thế thì đó là ‘khủng hoảng chứ không phải chuyện bình thường’.
“Đó là khủng hoảng rất lớn đối với hệ thống chính trị và hệ thống y tế,” ông nói.
Ông Tuấn dẫn chứng trường hợp cách nay một năm có một du khách Úc đi du lịch nước ngoài trở về mang theo căn bệnh truyền nhiễm tương đối hiếm và mặc dù không tử vong nhưng ‘cả bộ trưởng rồi các quan chức cao cấp của Bộ Y tế phải đứng ra giải thích và đảm bảo làm sao không xảy ra nữa’.
“Họ làm đến nơi đến chốn vì bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, đặc biệt là bệnh sởi vì khả năng lây lan rất cao,” ông nói và nhận định rằng Việt Nam kiểm soát dịch ‘không được tốt’ vì nó xảy ra thường xuyên.
"Nói một cách khách quan con số tử vong phản ánh sự bất lực của hệ thống y tế khi đối phó những vấn đề không mấy lớn như thế này."
Ông Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia y tế ở Úc
Về lý do chưa công bố dịch của Bộ Y tế Việt Nam, ông Tuấn nói rằng ‘chỉ mang tính hành chính’ vì con số tử vong không phải chuyện nhỏ.
“Nói một cách khách quan con số tử vong phản ánh sự bất lực của hệ thống y tế khi đối phó những vấn đề không mấy lớn như thế này,” ông nói.
Trên trang nhà của Bộ Y tế, Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết từ đầu năm đến nay Việt Nam ghi nhận gần 2.500 trường hợp mắc sởi tại 60 trên tổng số 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Trong số này, theo xác định của Bộ Y tế, 86% các em mắc bệnh là ‘không tiêm vaccine sởi hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng’.
Cũng theo ông Phu thì đợt bùng phát bệnh sởi này nhỏ hơn hồi xảy ra dịch trong hai năm 2009-2010 với hơn 8.200 ca nhiễm bệnh.

Cơ bản khống chế?

Theo nhận định của Tiến sỹ Phu thì nguyên nhân bùng phát đợt sởi này là do ‘tính chất chu kỳ dịch xuất hiện sau 4 hay 5 năm’ vì ‘quá trình tích lũy những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng hoặc có được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm’.
Ông Phu đã dẫn những tiêu chí kỹ thuật về một dịch bệnh được Chính phủ ban hành để giải thích lý do vì sao Bộ Y tế không công bố dịch sởi, trong đó có các yếu tố như quy mô, tính chất dịch bệnh vượt quá khả năng của hệ thống y tế, được xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh mà chưa có biện phá khống chế hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh nên không có cách chữa trị...
Bệnh viện Nhi trung ương đang trở nên quá tải
Sau khi ‘triển khai quyết liệt’ các biện pháp phòng chống thì các tỉnh thành đã ‘cơ bản khống chế được tình hình bệnh sởi, số người mắc đã bắt đầu giảm’ và ‘các chuyên gia cũng không thấy sự biến đổi của virus gây bệnh’, ông giải thích.
Ông cho biết Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm vét vaccine sởi cho toàn bộ trẻ từ 9 đến 24 tháng tuổi và kế hoạch này đã được thông báo đến các bà mẹ có con trong độ tuổi này.
Trong một diễn biến khác, chiều thứ Ba ngày 15/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thị sát tình tình chữa trị cho các bệnh nhi sởi ở Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội, nơi tập trung các bệnh nhi sởi ở miền Bắc hiện nay và đang bị quá tải.
Trong số 108 ca tử vong do sởi thì có đến 103 ca ở Bệnh viện Nhi Trung ương, theo số liệu chính thức.
Ông Đam yêu cầu ngành Y tế phải ‘thực hiện nghiêm chỉ đạo của thủ tướng về chấn chỉnh công tác tiêm chủng’.
Ông cũng chỉ đạo ngành Y tế truy tìm nguyên nhân khiến dịch bệnh năm nay diễn biến phức tạp, theo tường thuật của báo Người Lao Động.

Không có nhận xét nào: