Cũng giống như Việt Nam, Miến Điện từng là quốc gia độc tài quân phiệt, và đã đàn áp đối lập vô cùng khắc nghiệt. Nhiều tù nhân chính trị, các nhà hoạt động nhân quyền đã bị tù tội. Không riêng gì quần chúng mà nhiều vị tu sĩ cũng đã bị đánh đập dã man và giam giữ bất hợp pháp khi họ tham gia các cuộc biểu tình ôn hoà đòi dân chủ. Tuy nhiên, hiện nay Miến đã thay đổi, quốc gia độc tài “quân phiệt” này, đang từng bước đi đến ngưỡng cửa của dân chủ.
Kể từ năm 2011, khi bắt đầu cải tổ về chính trị, Miến Điện đã trả tự do cho gần 1,300 tù nhân chính trị. Gần đây nhất, Tổng thống Thein Sein đã tuyên bố sẽ trả tự do thêm cho cả ngàn tù chính trị để bảo đảm cho xứ sở của ông được “ổn định và hoà bình”. Tuyên bố này, được cho là bước khởi đầu của Miến Điện trước khi thay đổi bộ mặt của đất nước họ, chuẩn bị cho vai trò làm chủ nhà cho Hội nghị Đông Á, dự trù có nhiều vị nguyên thủ quốc gia tham dự, kể cả Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama.
Ảnh mang tính minh họa. |
Chở thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân. Khi sức mạnh của quần chúng biến thành cơn bão lửa, sự phẫn nộ của đám đông bị áp bức, có thể giựt xập rất nhanh chế độ độc tài, toàn trị, bất khả vãn hồi. Và kẻ gây tội ác, trong bối cảnh tranh tối tranh sáng, sẽ không có thời gian để trả lời trước công luận. Tại Việt Nam, cứ nhìn những người trộm chó bị cả làng đánh đập cho đến chết thì chúng ta có thể hình dung ra cái đảng ăn trộm tương lai của dân tộc, sẽ bị nhân dân đối xử ra sao.
Nhà độc tài Muammar Gaddafi đã chạy trối chết, trốn chui trốn nhũi vào hầm cống và bị kéo lê lết trên đường phố trước khi bị giết chết. Nhìn Saddam Hussein, chết dưới giá treo cổ một cách nhục nhã thì chúng ta biết số phận của những nhà độc tài sẽ kết thúc bi thãm thế nào, trước cơn phẩn nộ của quần chúng. Kẻ gieo gíó sẽ gặt bảo. Kẻ chơi dao sẽ phải chết vì dao, vì đó là qui luật. Tuy nhiên, không phải nhà độc tài nào cũng khôn khéo và sớm ý thức được số phận của họ như Tổng Thống Miến Điện.
Khác với các nước độc tài chỉ dựa vào một nhà lãnh đạo, độc tài Cộng sản là một hệ thống chính trị vô cùng chặt chẽ. Trong lịch sử các nước cộng sản, ít có nhà lãnh đạo cộng sản nào có thể tự “cải tổ chính trị”, từ bỏ độc tài để đi vào quỹ đạo dân chủ mà không bị hệ thống đảng CS nghiền nát. Trường hợp của Trần Xuân Bách và Trần Độ cũng là những thí dụ điển hình. Riêng cựu Tổng bí thư đảng CS Liên Xô, Ông Gorbachev, không chủ trương từ bỏ quyền lực chính trị của đảng. Trong quá trình cải tổ theo chính sách “đổi mới”, để duy trì quyền lực đảng hữu hiệu hơn, đảng CS Liên Xô đã bị cuốn vào cơn lốc của cách mạng dân chủ Đông Âu. Khi nhân dân Liên Sô xuống đường ở Mạc Tư Khoa, chính trị bộ Liên Sô vẫn còn đang bận họp, bàn cách giữ lại điều 6 Hiến Pháp, một điều khoản tương tự như điều 4 Hiến Pháp của đảng CSVN.
Cựu Tổng bí thư đảng CS Trung Quốc, Triệu Tử Dương đã sớm nhận thức được con đường nguy hiểm của độc tài tuyệt đối. Họ Triệu, khi là Bí thư Quảng Đông, đã bị Hồng vệ binh cho đội mũ tai lừa đi diễn hành trong cuộc Cách mạng Văn hoá. Sau nhờ Đặng Tiểu Bình tin cậy, cất nhắc và dần dần leo đến tột đỉnh quyền lực. Ông chủ trương canh tân, từng bước đưa Trung Quốc cải tổ kinh tế, vừa song hành cải tổ chính trị. Ý tưởng “cải cách” quá cấp tiến của họ Triệu đã bị hệ thống đảng CS Trung Quốc trừng phạt. Hậu quả là họ Triệu đã bị Chính trị bộ Trung Quốc tước quyền lãnh đạo, và giam lõng cho tới chết. Là Tổng bí thư đảng CS, nhưng ông đã đối thoại rất chí tình với sinh viên trong cuộc biểu tình ở Thiên An Môn. Ông nói “Các sinh viên, chúng tôi đến quá trễ. Chúng tôi xin lỗi. Các bạn nói về chúng tôi, chỉ trích chúng tôi, đó đều là việc cần thiết. Lý do tôi đến đây không phải để yêu cầu các bạn tha thứ cho chúng tôi. Tất cả những điều tôi muốn nói là các sinh viên đang trở nên yếu ớt, đây đã là ngày thứ 7 của cuộc tuyệt thực, các bạn không thể tiếp tục như vậy...” Phát biểu trên của ông tại Thiên An Môn, cũng đã chấm dứt sinh mạng chính trị của họ Triệu.
Đối với Việt Nam, tình hình hiện nay cho thấy, đặt kỳ vọng vào một sự cảnh tỉnh chính trị ở các cá nhân lãnh đạo CSVN như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hay Chủ tịch Trương Tấn Sang, thì đó chỉ là “ảo vọng dân chủ”. Cá nhân Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng hay Trương Tấn Sang, có thể chống nhau vì tranh dành quyền lực chính trị, nhưng họ không chống nhau vì khác biệt ý thức chính trị, vì xu hướng cải tổ dân chủ cho tương lai Việt Nam. Cả ba, hay hầu hết các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, đều chủ trương độc tài, độc đảng, chuyên chính vô sản và mù quáng đi theo con đường cộng sản, để duy trì quyền lực tuyệt đối của Đảng.
Quyền lực dễ làm tha hoá con người, và quyền lực tuyệt đối như đảng cộng sản Việt Nam, thì càng làm cho các lãnh đạo Đảng bị lún xâu hơn nữa, vào con đường tha hoá.
© Đỗ Thành Công
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét