Pages

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Ấn Độ thách thức Bắc Kinh khi tăng cường quan hệ với Việt Nam

mediaÔng Narendra Modi tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân tại dinh Rashtrapati Bhavan ở New Delhi - Reuters
    Báo chí Ấn Độ hôm nay, 29/10/2014, đã bình luận rất nhiều về việc New Delhi và Hà Nội tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt là trong hai lĩnh vực quốc phòng và dầu khí, xem đây là một hành động thách thức Bắc Kinh.





    Tờ nhật báo The Times of India đưa tựa trên trang nhất: « Bất chấp sự bực tức của Trung Quốc, Ấn Độ giúp Việt Nam tăng cường phòng thủ ». Tờ báo viết thêm rằng Ấn Độ cũng có thể sẽ bán cho Việt Nam tên lửa diệt hạm siêu thanh Brahmos. 
    Về phần tờ Hindustan Times thì cho rằng quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Việt Nam có thể là một cách để Ấn Độ đối phó với những sự kiện, như một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc gần đây đã neo đậu tại Sri Lanka. 
    Tờ Deccan Chronicle thì cho rằng, khi đồng ý giúp Việt Nam thăm dò dầu khí ở hai lô mới trên Biển Đông, ngoài ba lô mà hai nước hiện đang hợp tác, Ấn Độ đã « thách thức con rồng Trung Quốc ». 
    Tuy nhiên, tờ Telegraph lại cho rằng thật ra Thủ tướng Narendra Modi đã « lặng lẽ kéo Ấn Độ ra khỏi một cuộc đối đầu ngoại giao ». Tờ báo lưu ý rằng hai dự án thăm dò dầu khí mới không nằm trong vùng biển mà Việt Nam và Trung Quốc đang tranh chấp. Theo Telegraph, New Delhi sẽ chấm dứt vai trò của họ trong một dự án dầu khí tại vùng biển đang tranh chấp trên Biển Đông. 
    Mặc dù vậy, tờ First Post quan ngại là Trung Quốc sẽ trả đũa việc chính phủ Modi tăng cường quan hệ với Việt Nam qua chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vấn đề là xem Trung Quốc sẽ phản ứng nhanh như thế nào và mạnh cỡ nào. 
    Tờ báo này nhắc lại là Bắc Kinh đã từng phản ứng mạnh chưa từng có khi Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee viếng thăm Việt Nam vào tháng trước và đã ký nhiều hiệp định song phương với Hà Nội vào ngày 15/09/2014.
    Đúng ngày hôm đó, Trung Quốc đã đưa quân xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ ở vùng biên giới, thậm chí còn đưa thêm quân vào đây ngay vào lúc tổng thống Mukherjee mở chuyến viếng thăm đầu tiên tại Trung Quốc từ 17/09 đến 19/09. Việc xâm nhập này chỉ kết thúc vào cuối tháng 9. 
    Cũng theo tờ First Post, điều làm Bắc Kinh bực tức đó là New Delhi và Hà Nội không những đã tăng cường quan hệ trong hai lĩnh vực quốc phòng và dầu khí, mà còn có lập trường tương đồng về vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

    Không có nhận xét nào: