Pages

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Australia không cấp visa cho công dân các nước có dịch Ebola

Chính sách được Bộ trưởng Di Trú Scott Morrison loan báo đã làm cho Úc trở thành nước giàu có đầu tiên trên thế giới áp dụng biện pháp đóng cửa di trú để ứng phó với vụ bộc phát dịch Ebola.
Ron Corben

BANGKOK— Các tổ chức nhân đạo ở Úc đang chỉ trích chính sách không cấp visa cho công dân ba nước Tây Phi có dịch Ebola. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA ở Bangkok, lệnh cấm cấp phát visa được đưa ra trong lúc Úc siết chặt chính sách di trú.


Theo chính sách mới, tất cả những loại visa phi thường trực và tạm thời cho những khách du hành từ Liberia, Sierra Leone và Guinea sẽ bị thu hồi.



Những người có visa thường trực nhưng chưa tới Úc thì được yêu cầu trải qua một thời gian cách ly kiểm dịch 21 ngày.


Chính sách được Bộ trưởng Di Trú Scott Morrison loan báo đã làm cho Úc trở thành nước giàu đầu tiên trên thế giới áp dụng biện pháp đóng cửa di trú để ứng phó với vụ bộc phát dịch Ebola.


Giới hữu trách cho biết Úc chưa có ca bệnh Ebola được xác nhận, mặc dù đã có một số ca nghi nhiễm.


Lệnh cấm visa đã làm bùng ra những sự chỉ trích của các tổ chức cứu trợ và những chuyên gia y tế. Những người này nói rằng sự ứng phó như thế là có tính chất “hẹp hòi.”


Các nhân viên y tế cho biết Úc đang áp dụng những chính sách theo dõi và cách ly kiểm dịch, và những chính sách đó có thể ngăn chận sự lây lan của Ebola mà không tạo ra sự lo sợ trong công chúng về lệnh cấm du hành.



Lệnh cấm visa làm bùng ra chỉ trích của các tổ chức cứu trợ và những chuyên gia y tế, cho rằng sự ứng phó như thế là 'hẹp hòi'.

Lệnh cấm này được ban hành trong lúc Thủ tướng Tony Abbott ra sức siết chặt chính sách di trú, làm cho những người muốn xin tị nạn gặp nhiều khó khăn hơn để có thể được tái định cư ở Úc.


Ông Archie Law, giám đốc của tổ chức từ thiện Action Aid, nói rằng chính sách mới về visa là một bước tụt hậu đối với các mối quan hệ quốc tế của Úc, vốn đã bị ảnh hưởng bởi lập trường cứng rắn của Canberra đối với những người muốn xin tị nạn.


Ông Law nói: "Tôi nghĩ rằng có một cảm giác bất bình trước việc có thêm những sự hạn chế về visa. Nhiều người trong tổ chức Action Aid đang lắc đầu ngao ngán. Chẳng những chúng ta không để cho người xin tị nạn được thật sự nộp đơn xin tị nạn ở Úc, mà giờ đây chúng ta còn đưa biên giới của mình ra xa hơn và không cho người Tây Phi tới đây. Điều này tạo ra rất nhiều nghi vấn về việc Ucs đã trở thành một nước thuộc loại nào."


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon đã kêu gọi Úc phái nhân viên đến Tây Phi để giúp chống lại sự lây lan của vi rút Ebola.

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra những khuyến nghị chống lại việc áp dụng lệnh cấm du hành hoặc cấm mua bán đối với những nước bị ảnh hưởng. Cơ quan quốc tế này cho rằng những nước đó cần có sự trợ giúp, chứ không phải sự cô lập, của quốc tế để dập tắt dịch Ebola.


Mặc dù vậy, một số nước khác ở Phi châu và ở vùng biển Caribe cũng đã siết chặt những luật lệ nhập cảnh hoặc không cấp visa cho những khách lữ hành của ba nước bị dịch Ebola hoành hành dữ dội nhất.


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon đã kêu gọi Úc phái nhân viên đến Tây Phi để giúp chống lại sự lây lan của vi rút Ebola. Cho đến nay, Úc chỉ cung cấp viện trợ mà không phái nhân viên đến giúp.


Chính phủ ở đây nói rằng họ không muốn phái nhân viên vì nếu những người đó nhiễm bệnh thì họ phải mất tới 30 giờ đáp máy bay mới về tới Úc. Có tin cho hay Canberra đang điều đình với một số nước đối tác Âu châu để các nước này trợ giúp những nhân viên của Úc trong trường hợp họ được phái tới Tây Phi./VOA

Không có nhận xét nào: