Pages

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Doanh nghiệp dân tộc Việt: Có và không?

Vũ Hoàng, phóng viên RFA

000_Hkg10108367.jpg
Giỏ hoa tre xuất khẩu được làm tại một cơ sở gia đình ở ngoại ô Hà Nội hôm 15 tháng 10 năm 2014.
 AFP photo















Khái niệm “doanh nghiệp dân tộc” từng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc đến lần đầu tiên hồi cuối năm 2009 trong một báo cáo trước Quốc hội, nhưng dường như khái niệm này mới chỉ dừng lại ở ý tưởng và trên thực tế, để trở thành thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp Việt còn nhiều chông gai.

Thương hiệu Việt
Ngay từ tên gọi “doanh nghiệp dân tộc” đã gợi đến hình ảnh một thương hiệu mạnh của quốc gia, nhắc đến doanh nghiệp đó là người ta nghĩ ngay đến quốc gia mà nó đại diện. Chẳng hạn, Honda của Nhật Bản, Sam Sung của Hàn Quốc, Coke của Hoa Kỳ… hẳn nhiên, để thế giới công nhận, những tên tuổi đó phải trải qua bao thăng trầm, đánh đổi.
T.S Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện quản lý Kinh tế kinh doanh từng có lần khẳng định một nền kinh tế mạnh phải có nhiều doanh nghiệp dân tộc lớn và mạnh, có thương hiệu, sáng tạo, năng động, có năng lực cạnh tranh cao. Thương hiệu mạnh là biểu tượng của đất nước.
Việt Nam cần có các doanh nghiệp dân tộc, cần có các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia, cần có những doanh nghiệp của người Việt Nam và có thương hiệu Việt Nam và đại diện cho dân tộc, cho nền kinh tế VN, đây là điều mà VN chưa có.
Việt Nam cần có các doanh nghiệp dân tộc, cần có các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia, cần có những doanh nghiệp của người Việt Nam và có thương hiệu Việt Nam ...
- T.S Lê Đăng Doanh
Nhắc đến doanh nghiệp dân tộc là nhắc đến sự tự chủ, tự lực, tự cường của doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận, nhưng doanh nghiệp dân tộc đó vẫn phải chứa đựng trong mình cả yếu tố văn hóa và con người Việt Nam. Chia sẻ về định nghĩa doanh nghiệp dân tộc với chúng tôi, giám đốc điều hành của một công ty nằm trong Hiệp Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam nhấn mạnh:
Nếu nhắc đến khái niệm “doanh nghiệp dân tộc” thì thật ra điều này đã nhen nhóm từ rất lâu rồi, tuy nhiên gần đây khái niệm này mới phổ biến rộng rãi, tôi chỉ có thể khái quát hóa theo quan điểm cá nhân thì thực sự có 3 ý chính. Thứ nhất, một doanh nghiệp dân tộc phải khẳng định đó là của dân tộc đó, có thể đó là Nga hay Mỹ, ở đây là Việt Nam, nên doanh nghiệp đó phải là của Việt Nam, từ người chủ cho đến mục tiêu, định hướng và nguồn lực của nó. Thứ hai, triết lý doanh nghiệp là phải hướng đến, nhằm phục vụ dân tộc, ở đây nghĩa là tỉ lệ nội địa hóa, thành phần chất xám, trí tuệ của Việt Nam phải có hàm lượng cao. Thứ ba, ở đây nó cũng mang một ý nghĩa rất sâu xa, doanh nghiệp dân tộc là thể hiện tính chất, đặc điểm của con người Việt Nam, đó là sự tự lập, tự cường và cũng có thể nói là bất khuất, kinh doanh thương trường như chiến trường.
Như vậy, 3 yếu tố cơ bản của doanh nghiệp dân tộc được đề cập, đó là doanh nghiệp của Việt Nam, tỉ lệ nội địa hóa cao và bao hàm ý nghĩa phát huy lòng tự hào dân tộc.
Theo vị giám đốc này, để tạo dựng những thương hiệu Việt được thế giới công nhận thì bước đầu, chính những doanh nghiệp đang có lợi thế trong các ngành mũi nhọn nên tập trung và phát huy những mặt hàng chủ lực có sẵn như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gạo hay các mặt hàng thủy hải sản…. Những thế mạnh này sẽ là tiền đề tốt để các doanh nghiệp từ đó tiếp tục xây dựng thương hiệu.
Cạnh tranh quốc tế
Mặc dù thời gian qua, Việt Nam cũng đã xuất hiện một số tên tuổi gây được chú ý trên thương trường trong nước, tuy vậy, theo đánh giá của T.S Lê Đăng Doanh thì đường hướng kinh doanh của họ mới chỉ chạy theo những lợi ích trước mắt, ông phân tích:
000_Hkg8141366-300.jpg
Thương hiệu cà phê Highlands ở VN. AFP photo
Những doanh nghiệp dân tộc là những doanh nghiệp dân doanh của chúng ta hiện nay chưa lớn mạnh là bởi vì thể chế hiện nay đang hướng họ tới việc kinh doanh theo những lợi ích ngắn hạn, kinh doanh thông qua các mối quan hệ, kinh doanh chủ yếu là ăn chênh lệch về đất, khai thác tài nguyên, đốn gỗ trong rừng, khai thác khoáng sản và như vậy họ rất chậm trong việc trở thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ thành những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế.
T.S Lê Đăng Doanh cũng nhìn nhận rằng một yếu tố khác là sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế như khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài hay của khối doanh nghiệp Nhà nước được hưởng ưu đãi hơn nhiều so với khối dân doanh, ông tiếp lời:
Các đại gia Việt Nam giàu lên có đến hàng tỉ đô la nhưng lại không có năng lực cạnh tranh quốc tế, đấy là những điều rất đáng tiếc, bởi vì họ bị chèn ép bởi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và họ cũng bị các doanh nghiệp Nhà nước độc quyền chiếm giữ thị phần và giành các phần rất lớn về tín dụng, về tài nguyên cũng như các dự án đầu tư của Nhà nước. Đây là điều rất đáng tiếc! Mặc dù trong nghị quyết của đại hội của Đảng CS VN có quy định kinh tế tư nhân là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Một trong những lý do mà gần đây khái niệm “doanh nghiệp dân tộc” được giới học giả Việt Nam nhắc đến nhiều là nỗi lo về những chuỗi siêu thị lớn của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiêu diệt hệ thống bán lẻ nội địa, hay sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trong vùng đặc quyền kinh tế VN khiến người ta nhắc nhiều hơn đến tính tự chủ của nền kinh tế trong nước.
Các đại gia Việt Nam giàu lên có đến hàng tỉ đô la nhưng lại không có năng lực cạnh tranh quốc tế, đấy là những điều rất đáng tiếc ...
- T.S Lê Đăng Doanh 
Đã từng có lần G.S, T.S Nguyễn Mại bàn luận: độc lập tự chủ về chính trị là tiền đề xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, ngược lại, sự tự chủ về kinh tế cũng là điều kiện để đảm bảo độc lập về chính trị. Ông cho rằng, tự chủ về kinh tế quan trọng nhất là về đường lối, chính sách kinh tế được xây dựng thành hệ thống hoàn chỉnh đặt trên căn bản lợi ích dân tộc.
Hẳn nhiên, để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ thì cơ sở cho sức mạnh đó chính là tinh thần kinh doanh dân tộc được kết nối với nhau, tinh thần dân tộc đó lúc nào cũng ẩn chứa trong mỗi doanh nhân hay trong mỗi doanh nghiệp. Điều quan trọng giờ đây là cách thức mà Chính phủ kết nối và phát huy tinh thần dân tộc để những doanh nghiệp và doanh nhân Việt có thêm sức mạnh cạnh tranh.
Thương trường là chiến trường, dù chiến trường đó là trong nước hay là ngoài nước, những chiến sĩ/ doanh nghiệp nội địa cho chúng tôi biết rằng, phía sau họ vẫn là người dân Việt Nam, tinh thần dân tộc Việt Nam luôn sẵn sàng và ủng hộ họ trong những cuộc chiến không cân sức.

Không có nhận xét nào: