Dân luận tổng hợp/ Dân luận
Việc phát hành trái phiếu để đảo nợ chỉ giải quyết được vấn đề tạm thời. Nó bộc lộ sự yếu kém không chỉ ở vấn đề năng lực phát triển kinh tế ở Việt Nam mà còn yếu kém, thiếu minh bạch trong khâu quản lý của nhà nước. Về lâu dài, Việt Nam cần phải có những biện pháp thật sự có hiệu quả hơn để tránh tình trạng "vay chỗ này đắp vào chỗ kia".
Chính phủ phải phát hành trái phiếu để đảo nợ
Theo VNExpress đưa tin ngày hôm qua 29/10, Bộ Tài Chính công bố đã chọn 3 ngân hàng là Deutsche Bank, HSBC và Standard Chartered để tổ chức các buổi roadshow giới thiệu tới nhà đầu tư quốc tế về phiên bán trái phiếu sắp tới.
Roadshow đầu tiên diễn ra trong ngày 29/10 tại Singapore. Các buổi sau đó sẽ được tổ chức tại Hong Kong (30/10), London (31/10), Boston (3/11), New York (4/11) và San Francisco (5/11).
Lượng vốn thu về sẽ được Chính phủ sử dụng để chuyển đổi cho số trái phiếu phải chịu lãi suất cao từng phát hành trong những năm trước.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Nguyễn Văn Nên chia sẻ thông tin tại buổi họp báo thường kỳ chiều 28/8: "Đây là số tiền Chính phủ vay trong thời gian lãi suất cao. Nay có điều kiện vay lãi suất thấp hơn nên Chính phủ nhận thấy đây là cơ hội để giảm tiền lãi phải trả. Còn số nợ thì không thay đổi".
Đây là lần thứ 3 Việt Nam tiến hành phát hành trái phiếu kêu gọi nguồn vốn từ thị trường quốc tế. Hai lần phát hành trước là vào năm 2005 và 2010, tất cả số vốn trên được các doanh nghiệp nhà nước vay lại toàn bộ.
Sự yếu kém trong việc quản lý nguồn vốn và giải ngân
Việc chính phủ vay đảo nợ trên thị trường quốc tế khi lãi suất đang ở mức thấp để giảm gánh nặng lãi suất là điều hợp lí. Nhưng ngay cả việc đảo nợ này, giả sử nếu thành công, cũng chỉ giảm bớt được phần nào áp lực của vấn đề nợ công, bởi lẽ những khoản tiền từ việc phát hành trái phiếu lần trước đã được chính phủ sử dụng một cách bừa bãi, không minh bạch dẫn đến thất thoát và khó có khả năng thu hồi.
Năm 2005, toàn bộ số tiền 750 triệu đô la phát hành trái phiếu được dồn hết cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Chưa hết, vào năm 2010, Chính phủ phát hành tiếp 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế và khoản vay này cũng lại được chuyển cho các tập đoàn kinh tế nhà nước như PVN, EVN, Vinalines sử dụng.
Đáng ra, chính phủ phải giữ toàn bộ số tiền đó, lên kế hoạch giải ngân và chỉ xem xét giải ngân cho các công ty có những dự án khả quan, minh bạch thì lại dồn hết tiền cho một vài doanh nghiệp nhà nước mà chính các doanh nghiệp đó cũng chưa có dự án nào cụ thể.
Sau khi nhận được nguồn vốn, đến lượt các doanh nghiệp nhà nước bắt đầu bộc lộ những yếu kém trong quản lý, tổ chức và điều hành. Bên cạnh tham nhũng và lãng phí tràn lan, việc đầu tư ngoài ngành, đầu tư dàn trải, không tính đến hiệu quả là những mấu chốt khiến các doanh nghiệp nhà nước tụt dốc thê thảm.
Lấy ví dụ như Vinashin, chỉ trong vòng 5 năm hoạt động đã thành lập gần 200 công ty con, công ty liên kết, mở sang một số lĩnh vực không phải là những chuyên ngành phục vụ cho nhiệm vụ chính của mình. Những công ty này đã quen với môi trường độc quyền, sức cạch tranh yếu trong thị trường cộng với khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến sự tàn lụi của tập đoàn này.
Theo lời hứa của Phó chủ tịch nước Nguyễn Sinh Hùng vào cuối năm 2010, Vinashin sau khi tái cơ cấu sẽ có hi vọng có lãi trở lại vào năm 2014. Nhưng cho đến thời điểm này thì Vinashin đã "không chính thức" phá sản: Tập đoàn này chính thức dừng hoạt động, Bộ Giao thông Vận tải thành lập Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy với tên giao dịch quốc tế là Shipbuilding Industry Corporation (SBIC) để thay vào đó. Toàn bộ số nợ vay nhà nước từ 2005 đến nay nhà nước phải chịu.
Người dân phải gánh hậu quả
Theo Economy, nếu tính cả số nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ trái phiếu Chính phủ, nợ đọng xây dựng cơ bản thì nợ công của Việt Nam đã vượt trần là 65% GDP. Nợ công có xu hướng tăng nhanh, rủi ro lớn, đang ở mức báo động, các khoản nợ trái phiếu Chính phủ, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ngân hàng chính sách, nợ bảo hiểm xã hội cũng rất đáng lo ngại, áp lực trả nợ rất lớn trong khi năng lực trả nợ của Chính phủ không cao.
Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, không có khả năng trả nợ thì nhà nước phải đứng ra gánh nợ thay. Về mặt nguyên tắc Chính phủ vay thì Chính phủ phải trả, nợ công thì công trả. Vấn đề là lấy tiền đâu ra để trả nợ?
Doanh nghiệp nhà nước không có khả năng trả thì phải lấy tiền từ ngân sách trả nợ. Như vậy sức ép nợ công sẽ chèn ép các khoản chi phát triển khác của đất nước. Ngoài ra, nếu các khoản chi tăng thì phải các khoản thu cũng phải tặng. Có thể đó là lý do thời gian gần đây nhà nước liên tục cho ra đời các chính sách phạt hành chính "vớ vẩn" như: phạt xe chính chủ, phạt ngoại tình, và sắp tới là thu phí đường bộ đối với xe máy.
Suy cho cùng, người phải è cổ chịu gánh nặng nợ công và trả nợ thực sự chính là mỗi người dân Việt Nam.
1 nhận xét:
Dảng,nhà nước,chính phủ,QH vay tiền về để đưa cho những đứa "con riêng" làm ăn .Nó làm,nó ăn thì nó cũng phải nghĩ đến cha mẹ nó và những món quà do "làm ăn nên ra" kính tặng cho cha mẹ là điều rất bình thường .Nay thì hỏi chúng về các khoản trả nợ .Nó nhe răng trên cái thân hình mập ú .Giết con riêng sao được nên phải vay tiếp,dưới mọi hình thức để đáo nợ và cùng bảo nhau :đè cổ cái đám con chung ra mà moi tiền là yên tâm .Thuế,phí,giá có chủ trương lớn này cứ tăng vù vù để bù đắp nhưng đến khi cái lai quần của đám con chung cũng hết thì sao nhỉ ?Họa sập nhà hay bán nhà là điều phải xãy ra -chả có thế lực thù địch nào ở đây cả .Tất cả là do độc tài toàn trị và CA trị tạo ra mà thôi !
Đăng nhận xét